Người cựu chiến binh nặng nghĩa tình quê
Ông Nguyễn Nhã Đúc (ngoài cùng bên phải) giao lưu cùng các cô giáo, học sinh Trường Tiểu học Đồng Quang (huyện Quốc Oai) tại thư viện sách.

Sau khi rời quân ngũ năm 1979, ông Nguyễn Nhã Đúc trở về Hà Nội theo học ở Trường Đại học Ngoại ngữ và sớm tìm được công việc có thu nhập ổn định. Tuy vậy, ông vẫn luôn đau đáu, kiên trì với việc vận động những người con đang sinh sống tại quê hương cũng như người con quê hương đang lập nghiệp ở mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài chung tay xây dựng làng quê giàu đẹp, văn minh. Khi được hỏi cụ thể về những công việc thiện ấy, ông nói: “Đây là chuyện nhỏ, tôi huy động bạn bè, người dân thôn Dương Cốc với ý nghĩ sao cho quê hương mình ngày càng giàu đẹp. Đó là việc nên làm bởi quê hương luôn trong tim mỗi người, có quê hương mới có mình ngày hôm nay”. 

Vào khoảng năm 2009, ông Nguyễn Nhã Đúc đã vận động một quỹ của Đan Mạch - Thụy Điển được 47 triệu đồng, hỗ trợ thôn khoan giếng nước sạch cho người dân sử dụng. Đến năm 2011, ông đã vận động một bạn thân cùng học đại học, hiện sống ở Mỹ với số tiền 46 triệu đồng tặng Trường Mầm non thôn Dương Cốc để đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ dạy học; đồng thời mua sách tặng cho Trường Tiểu học xã Đồng Quang để các em học sinh có thêm sách tham khảo, phục vụ học tập. Không dừng ở đó, với mục đích tặng những cuốn sách hữu ích, khuyến khích thói quen đọc sách, qua đó trau dồi kiến thức, nhen lên ước mơ và hy vọng cho các em nhỏ, ông tiếp tục vận động được một tổ chức từ thiện của Mỹ tặng 400 đầu sách trị giá hơn 20 triệu đồng, bao gồm sách lịch sử, khoa học, văn học. Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ ông đã kết nối một Quỹ từ thiện ở Đài Loan tặng cho người tàn tật huyện Quốc Oai 97 xe lăn và 3 chiếc xe lắc trị giá 200 triệu đồng.

Trong câu chuyện với tôi hôm nay, người lính năm xưa Nguyễn Nhã Đúc vẫn rưng rưng xúc động khi nhắc nhớ về những việc làm giúp làng, xã mình. Ông luôn cho đó là trách nhiệm và là bổn phận của những người con bước ra từ lũy tre làng Dương Cốc. Hiện ông vẫn ấp ủ ước mơ tìm được nguồn kinh phí làm đường lên thị trấn dài khoảng 2km. Có như vậy thì bà con đi lại mới thuận tiện và theo đó kinh tế của bà con mới khấm khá lên được.

Xuất phát từ tâm tưởng cổng làng chính là nơi lưu giữ hồn quê, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, ông đã vận động nhân dân xây dựng lại cổng làng thôn Dương Cốc. Sau khi nghiên cứu, ông đã cùng với các ông Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Văn Đức hiện đang sống ở quê lên dự toán kinh phí hết hơn 500 triệu đồng, được sự nhất trí của chính quyền địa phương, ông thành lập Ban vận động (gồm những nhà hảo tâm) và Ban cố vấn (gồm những cụ cao niên, những người có uy tín) xây dựng cổng làng. Nhận rõ ý nghĩa tốt đẹp, hầu hết người con ở thôn Dương Cốc đi làm ăn xa có điều kiện kinh tế đều ủng hộ việc làm này và ông đã huy động được 513 triệu đồng, riêng gia đình ông Đúc cũng hiến đất và đóng góp gần 60 triệu đồng.

Ông Đúc nhớ lại: “Mặc dù đây là việc làm xã hội hóa, nhưng để người dân trong thôn ủng hộ, tham gia xây dựng, mọi công việc từ ý tưởng, bản vẽ thiết kế đến mở rộng đoạn đường gần cổng làng phải bàn bạc, thống nhất với người dân và chính quyền địa phương. Được người dân trong thôn tham gia tích cực nên sau một thời gian ngắn, cổng làng đã hoàn thành khiến ai cũng vui mừng”.

Chia sẻ cụ thể hơn về câu đối trên cổng làng, ông bảo, tôi muốn các các cụ cao niên trong làng giỏi chữ nghĩa viết bởi các cụ mới hiểu được truyền thống, thấm đẫm được hồn cốt và “ngấm” được phong tục, tập quán của làng. Khi câu đối được hoàn thành, ông Đúc đã mang ra Hà Nội nhờ con trai Giáo sư Vũ Khiêu là Giáo sư Đặng Cảnh Khanh sửa lại để ý tứ câu đối được chặt chẽ, vần điệu. “Và có thể nói câu đối hiện nay trên cổng làng đã nói lên được hồn cốt con người và những nét đẹp văn hóa của làng Dương Cốc - một làng quê dù còn nhiều khó khăn nhưng luôn biết vươn lên khẳng định mình”, ông Đúc cho biết thêm.

Tuy vậy, ông lại bảo, việc xin làm thư viện cho trường là việc làm trong phạm vi làng, xã, việc hỗ trợ xe lăn thì trong phạm vi huyện, thành phố, còn việc ông đã vận động được người bạn Mỹ tặng lại bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tặng ông nội của người bạn Mỹ năm 1945 ở Hà Nội thì đó là sự đóng góp mang tính quốc gia. Đó là bức tranh thêu hình con hạc hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Mỗi khi có dịp trưng bày về các hoạt động đối ngoại của Bác thì bức tranh quý ấy lại được giới thiệu đến đông đảo công chúng. Trên bức tranh hiện nay, có ghi rõ ông Nguyễn Nhã Đúc là người có công vận động để người bạn Mỹ hiến tặng lại cho Việt Nam.

Trong những ngày vừa qua, nhận được tin mình là một trong những gương mặt xuất sắc được Chủ tịch UBND thành phố trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”, ông Nguyễn Nhã Đúc dâng trào nỗi niềm cảm xúc. Ông bảo: “Tôi cảm thấy rất vui, cảm thấy tự hào, vì đóng góp nhỏ bé của mình đã được thành phố ghi nhận. Qua đó tôi cũng thấy mình cần thêm trách nhiệm với quê hương. Có cơ hội nào dù nhỏ nhất giúp quê mình tôi vẫn sẽ làm, quê hương lúc nào cũng ở trong tim tôi. Nếu không có quê hương thì không có Nguyễn Nhã Đúc ngày hôm nay, vì thế tôi sẽ cố gắng hết sức để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất