Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác đào tạo
Hoạt động nghiên cứu khoa học được Nhà trường đẩy mạnh.

Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người cho rằng: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”… Từ việc xác định vai trò, tầm quan trọng của cán bộ và đội ngũ cán bộ, Người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngay từ khi chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, đến việc lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi và xây dựng xã hội mới ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Đây chính là biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Người khẳng định: “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. Mục đích của việc huấn luyện cán bộ là xây dựng và không ngừng hoàn thiện đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất và năng lực, kiến thức và kinh nghiệm. Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ “có gan phụ trách, có gan làm việc”. Người yêu cầu: “Đào tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái... mà phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng cây cối quý”.

Trong Di chúc, Người cũng đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người cho rằng “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. 

Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình luôn xác định nâng cao chất lượng công tác đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là thước đo năng lực hoạt động của Nhà trường. Bằng những giải pháp thiết thực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Nhà trường, công tác đào tạo, bồi dưỡng Nhà trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hằng năm, Nhà trường đều hoàn thành xuất sắc kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đề ra. Mỗi năm Nhà trường điều hành giảng dạy khoảng 60 lớp với hơn gần 3.500 học viên. Công tác chiêu sinh bảo đảm đúng đối tượng, số lượng. Công tác quản lý, phục vụ, giảng dạy cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của người học. Nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực, nhiệt tình, tâm huyết tham gia giảng dạy. Giảng viên đã chủ động cập nhật kiến thức mới và áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, phương tiện hiện đại vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Những kiến thức, kỹ năng giảng viên truyền đạt đã được vận dụng một cách linh hoạt, kịp thời trong công tác, vị trí công việc thực tế của học viên, giúp họ hoàn thành tốt công việc của mình, như: kỹ năng giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, kỹ năng tiếp công dân ở cơ sở. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện nghiêm túc, khách quan. Công tác thanh tra, kiểm tra, dự giờ, thăm lớp được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc xử lý những hành vi vi phạm quy chế trong giảng dạy và học tập được thực hiện nghiêm túc. Bảo đảm thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý học viên.

Để công tác đào tạo - bồi dưỡng đạt hiệu quả cao trong bối cảnh kinh tế thị trường, Nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”. Nhà trường luôn đặt ra yêu cầu học tập nâng cao trình độ đối với đội ngũ giảng viên, coi đó là một trong những giải pháp cấp bách để thực hiện sứ mệnh của Nhà trường. Hiện nay, phần lớn các giảng viên của Trường có trình độ thạc sỹ, có 2 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà trường đã phối hợp với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở lớp đại học văn bằng 2 Tiếng Anh dành cho đội ngũ giảng viên trong Nhà trường. Đây là một môi trường tốt để các giảng viên có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.

Bên cạnh đó, việc trang bị cho giảng viên những kiến thức thực tế từ cơ sở cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là đối với đội ngũ giảng viên trẻ, hiện nay Nhà trường đang thực hiện thí điểm Đề án đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở nhằm giúp giảng viên đánh giá được thực tế hoạt động của các cơ quan nhà nước, thấy được những mô hình hay, cách làm mới, những kiến thức thực tiễn bổ ích ở cơ sở để từ đó có thể vận dụng vào bài giảng của mình, giúp bài giảng trở nên sinh động hơn.

Đạt được những kết quả trong nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình là do tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năng lực làm việc, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của cán bộ, viên chức được nâng lên. Điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ quản lý, giảng dạy và học tập không ngừng được quan tâm, tăng cường. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, Nhà trường đã tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên đổi mới, đi đôi với hoàn thiện thể chế; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch mọi vấn đề, đồng thời phát huy tối đa mọi nguồn lực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo - bồi dưỡng của Nhà trường vẫn tồn tại một số hạn chế như: Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, lịch học còn thay đổi nhiều do nhiều lớp phát sinh và còn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan cấp trên; một số khâu trong công tác nghiên cứu khoa học cấp khoa còn chậm tiến độ. Năng lực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đồng đều. Một số cán bộ, giảng viên chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; còn tình trạng nể nang trong việc thực hiện quy chế. Một số ít giảng viên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ý thức học tập của học viên chưa cao, còn mang tâm lý học để hoàn thiện hồ sơ và củng cố vị trí công tác. Sự phối hợp ở một số bộ phận khoa, phòng và một số khâu trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế chưa nhịp nhàng, thiếu chặt chẽ.

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong thời gian tới:

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kịp thời cập nhật kiến thức và kỹ năng mới vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là các nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan; giữa các khoa, phòng để tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế.

Chủ động, sẵn sàng bổ sung, điều chỉnh các quy chế, quy định liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo quy định mới của cấp trên, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.

Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực công tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, quy chế. Tăng cường áp dụng các phương pháp tích cực, phương tiện hiện đại vào giảng dạy và học tập. Đẩy mạnh hoạt động dự giờ, thăm lớp, kiểm tra, phê duyệt giáo án trước khi lên lớp. Giám sát chặt chẽ các khâu thi, kiểm tra, viết khóa luận; đánh giá đúng và khách quan kết quả học tập của học viên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung, chương trình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế.

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các đợt thi đua ngắn ngày, hướng mục tiêu các đợt thi đua vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2019 được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan và các quy chế nội bộ và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Duy trì nghiêm chế độ giao ban, sinh hoạt, chế độ báo cáo, thông tin nhằm tạo ra sự điều hành thống nhất, thông suốt trong cơ quan.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế. Sử dụng có hiệu quả trang Website Trường Chính trị cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất