Vượt khó thực hiện khát vọng Việt Nam thịnh vượng



Bài 1: Vượt khó thực hiện khát vọng Việt Nam thịnh vượng

Năm 2021 khởi đầu cho một hành trình với không ít thách thức nhưng đầy tự tin và khát vọng, một giai đoạn lịch sử của doanh nghiệp Việt Nam, khi đã trải qua nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế, nhưng chưa có trận chiến nào để lại thiệt hại nặng nề như đại dịch Covid-19.

Và trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất, cộng đồng doanh nghiệp luôn nhận được sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự sẻ chia của người lao động. "Liều vaccine tinh thần" và những vật chất to lớn đã giúp doanh nghiệp – những trụ cột của nền kinh tế - “vượt bão” để khôi phục sản xuất, bước vào làn sóng khởi nghiệp lần thứ 2.

Nếu lần khởi nghiệp thứ nhất mang ý nghĩa tạo việc làm, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, thì lần này là để hồi sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 và mang theo khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt kỳ vọng ở đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Trong vai là người ghi chép, phóng viên Báo Lao Động ghi lại những câu chuyện về giai đoạn vượt khó của người lao động và các doanh nghiệp, về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ để những "mạch sống" cùng nhanh nối lại. Để thấy, các doanh nghiệp đã và đang kể cho chúng ta những câu chuyện nhân văn, về bản lĩnh đổi mới sáng tạo, chứ không chỉ câu chuyện về lợi nhuận. Đồng thời, đề xuất những giải pháp để sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.

Hồi sinh từ "tâm dịch"

Bàn tay thoăn thoắt cầm các sản phẩm, ngắm nghía từng chiếc áo đến hình ảnh logo, công việc kiểm hàng này đã gắn bó với Phan Thị Tâm (24 tuổi, công nhân Tổng công ty May Bắc Giang LGG) suốt nhiều năm qua, thuần thục đến độ như thuộc từng đường kim mũi chỉ. Nhưng hôm nay, lòng cô chộn rộn đến lạ. Những thứ vô tri vô giác trong các phân xưởng, với Tâm lúc này, trở nên thân thương.

Hôm nay, Tâm được đi làm sau nhiều tháng chiến đấu với con virus Sars-Cov-2, dù nhỏ bé nhưng có thể khiến một người khỏe mạnh, chẳng mấy khi ốm đau như Tâm trở nên yếu đuối. Cô hít hà không khí của ngày “bình thường mới” - thứ mà khi đã bước qua lằn ranh sinh tử, mới thấm nó quý đến nhường nào.

Hình ảnh của Tâm – một nữ công nhân May Bắc Giang - cũng có thể thấy ở hàng triệu công nhân lao động, chủ doanh nghiệp trên cả nước lúc này. Họ chung niềm vui được trở lại làm việc và sẵn sàng thích ứng linh hoạt để cùng… hồi sinh.

Những ngày vững vàng giữa "chảo lửa"

6h sáng, Bắc Giang mùa nắng tháng 5, nực nội và bức bối. Những vạt nắng sớm chưa kịp hất đến nửa hàng phượng vĩ chạy dọc khu Công nghiệp Đình Trám (huyện Việt Yên) đang treo đỏ rực, đã khiến người ta mướt mát mồ hôi. Trong con hẻm gần Công ty TNHH MoaTech, cô công nhân 24 tuổi Mè Thị Huệ lấy chiếc xe máy cà tàng, phóng vội ra khu chợ tạm ở xã Vân Trung mua đồ ăn. 

Tranh thủ "lướt web", Huệ đọc được mẩu tin: "Ngày 7.5, xuất hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam". Huệ nghĩ đó chỉ là tin tức bình thường như những dòng tin từng đưa về các ca bệnh trước đó. Ai ngờ, điều này lại "mở đầu" cho làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4.

Một ngày sau ca lây nhiễm cộng đồng, ngày 8.5, xuất hiện công nhân đầu tiên thuộc Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang trở thành F0. Chưa đầy 2 tháng sau đó, con số F0 đã tăng lũy tiến từ hàng chục, hàng trăm rồi tới hàng nghìn người, với tốc độ lây lan "khủng khiếp" của chủng mới - Delta. 

COVID-19 "tấn công" vào các khu công nghiệp biến Bắc Giang trở thành "tâm dịch" lớn nhất của cả nước thời điểm đó với hơn 5.713 ca nhiễm. Dịch bệnh tràn vào Bắc Giang khiến Huệ nhớ đến một bộ phim rất nổi tiếng ở Hàn Quốc: Flu - kể về nhóm người bị nhiễm loại virus "cúm gia cầm", nhưng nhờ sự nỗ lực, họ đã giành giật lấy hơi thở trước lằn ranh sinh tử.

Cũng như Huệ, bất ngờ khi làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 ập đến, Phan Thị Tâm (24 tuổi, công nhân TCty May Bắc Giang LGG) và con gái (hơn 1 tuổi) còn "nhận tin dữ" khi mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Những ngày nằm điều trị, cô ước thời gian trôi ngược lại một chút, quay về những ngày cuối tháng 4, để Tâm "chú ý hơn, đeo khẩu trang đúng cách hơn, sát khuẩn cẩn thận hơn và giãn cách nghiêm chỉnh hơn".

"Những ngày đầu chiến đấu với virus, trong người tôi không có biểu hiện gì nhiều, không ho, không sốt, không khó thở. Tuy nhiên, sau đó, virus ngày càng xâm nhập sâu, tôi mất vị giác, đau họng và thấy không thể thở nổi. Nhờ các y bác sĩ tận tình, động viên, tôi đã cố gắng mỗi ngày, giành giật sự sống", Tâm nói.

Khổ nhất vẫn là con gái của cô. Bé mới hơn một tuổi, cũng mắc COVID-19 và đi cách ly tập trung cùng mẹ. Sau hơn 20 ngày cách ly và điều trị, bé đã khỏi bệnh, về nhà trước mẹ. Tâm và con gái xa nhau 20 ngày. Bé vẫn bú sữa mẹ, nên Tâm càng đau đáu thương con trong những ngày tạm cách xa.

Sau hơn một tháng cách ly, điều trị, Phan Thị Tâm được xuất viện, sau đó tự cách ly ở nhà. Tháng 10, cô công nhân được trở lại làm việc. Tâm vui mừng vì được gặp lại những đồng nghiệp của mình. Được đi làm đồng nghĩa với việc có thu nhập ổn định hơn, lo cho cuộc sống của gia đình nhỏ. Tâm cũng thầm cảm ơn những y bác sĩ, trong đó nhiều người ở các tỉnh thành trên cả nước đã về chi viện cho Bắc Giang để cùng "vững vàng" giữa chảo lửa.

"Cả nước vì Bắc Giang, Bắc Giang vì cả nước" - câu nói dường như trở thành "tuyên ngôn" của người dân Bắc Giang trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến chống dịch COVID-19.  Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và các địa phương không tiếc sức người, sức của chi viện. Vì Bắc Giang, có hàng triệu người từ Nam chí Bắc tình nguyện vào "tâm dịch", cùng chung tay thắp lên ngọn lửa hy vọng. Ngọn lửa của sự sẻ chia, của trách nhiệm xã hội và nghĩa đồng bào. Ngọn lửa ấy đã tiếp thêm sức mạnh để Bắc Giang chiến đấu với COVID-19. Và, giờ đây, có một Bắc Giang "hồi sinh" thật mạnh mẽ, kiên cường.

Bài 2: Khơi dòng nội lực, đón đầu thời cơ

Hai năm trước, không ai có thể lường được sức tàn phá của đại dịch làm rung chuyển toàn cầu, tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội lớn đến vậy. Nhưng thời gian chiến đấu với “giặc” COVID-19 cũng là thời điểm “lửa thử vàng”, để khẳng định bản lĩnh, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và tinh thần kiên cường, vượt khó của dân tộc Việt Nam. Trong những lúc khó khăn nhất, Đảng, Chính phủ luôn nhận được sự đồng hành, tiếp sức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sức mạnh nội lực đó chính là niềm tin để sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của niềm tin và khát vọng

Trong trang phục truyền thống của người H’Mông, Tẩn Thị Shu (Sa Pa, Lào Cai) tự tin kể về cuộc đời mình, câu chuyện về một cô bé từng đi xin kẹo và ăn cơm thừa. Trong ký ức của cô, đó thực sự là một quá khứ nhọc nhằn. 

Phía dưới các hàng ghế, ánh mắt chăm chú dõi theo của những đứa trẻ, người dân tộc thiểu số ở Sa Pa - vốn lâu nay quen kiếm sống bằng công việc bán hàng rong cho khách du lịch. Lớp học được trưng dụng từ những căn phòng trước đây là khu lưu trú của khách, không cầu kỳ, chẳng phấn trắng, bảng đen. 

Dịch bệnh ập đến, đột ngột như một trận cuồng phong quét qua hàng nghìn khu du lịch trên khắp cả nước, trong đó có thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai – nơi Tẩn Thị Shu và những đứa trẻ sinh sống bằng nghề làm du lịch. Mọi hoạt động gần như “đóng băng”. Không có khách, không việc làm, không thu nhập… 

Chúng tôi gặp Shu giữa “khoảng lặng” của dịch COVID-19 như thế và bị ấn tượng bởi hình ảnh một người tràn đầy năng lượng, sống tích cực dù trong hoàn cảnh nào. “Ngồi buồn ư, một thứ rất xa xỉ vì làm gì còn thời gian để buồn. Tranh thủ lúc vắng khách du lịch, tôi mở các khóa học, dạy cho trẻ em vùng cao, cho đồng bào dân tộc, dạy họ tiếng Kinh, tiếng Anh, kỹ năng số để làm du lịch” – Shu nói. 

Hai năm qua, hàng chục khóa đào tạo được cô tổ chức, hoàn toàn miễn phí. Khi dịch bệnh phức tạp thì dạy online, khi dịch yên thì hướng dẫn trực tiếp. Cô dạy đồng bào của mình các kỹ năng cơ bản nhất: Lập trang cá nhân, mở hòm thư điện tử, cách đưa thông tin, hình ảnh nhà hàng, homestay  lên Internet, Google maps để quảng bá thương hiệu du lịch Sa Pa ở phạm vi toàn cầu. 

Shu gọi thời gian này là “khoảng lặng quý giá” để cô và những doanh nghiệp, hay các hộ làm du lịch chuẩn bị cho ngày trở lại “bình thường mới”, với cách làm chuyên nghiệp và bài bản hơn. Shu có nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng đưa hình ảnh Sa Pa và Việt Nam ra thế giới.

BOX: Từ một đứa trẻ người H’Mông, kiếm sống bằng việc bán những món đồ lặt vặt cho khách du lịch, Tẩn Thị Shu đã dành dụm từng đồng để đi học bổ túc văn hóa, rồi hằng ngày dành vài tiếng vào quán Internet – một thứ rất xa lạ với bạn bè của cô và những người dân tộc H’Mông vào thời điểm những năm 2000 – để học tiếng Anh, để trở thành một hướng dẫn viên du lịch.

Đặc biệt, từ số tiền dành dụm được, Tẩn Thị Shu quyết định khởi nghiệp, thành lập Sa Pa O Châu vào năm 2013, trở thành doanh nghiệp xã hội đầu tiên của tỉnh Lào Cai được điều hành bởi đồng bào dân tộc thiểu số.

Một câu chuyện khác mà chúng tôi muốn kể là về thủ lĩnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt. Lên "cầm quân" May 10 không bao lâu, còn chưa kịp chiêm nghiệm những thành quả từ việc đổi mới trong quản lý mà mình thử nghiệm thì “cơn bão” COVID-19 đã ập đến.  

Gần 2 năm qua, dịch bệnh lúc bùng phát diện hẹp, lúc diện rộng đã đẩy doanh nghiệp vào trạng thái "đóng mở" liên tục để thích ứng, nhưng việc này cũng làm phát sinh nhiều chi phí.  Trách nhiệm lớn lao đặt lên vai người đứng đầu doanh nghiệp, một người Bí thư Đảng ủy, khi phải lo đổ đầy nồi cơm cho hơn 10.000 lao động trong toàn bộ hệ thống, mỗi tháng xoay 80 tỉ đồng tiền lương cho người lao động, rồi xoay trả kịp đơn hàng trong bối cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất do chuỗi cung-cầu bị đứt gãy. 

Và sau 2 năm “sống chung an toàn” với COVID-19, thành công lớn nhất mà ông Việt tự hào là giữ người lao động được an toàn trước dịch bệnh. Đặc biệt, qua gian khó mới chứng minh sự đoàn kết, thay đổi mạnh mẽ và toàn diện, từ tốc độ ra quyết định, tốc độ làm việc đến thay đổi tư duy, thói quen để linh hoạt thích ứng với dịch bệnh của cả lãnh đạo lẫn người lao động.

Trước kia, May 10 thường có kế hoạch nhận đơn hàng và sản xuất theo từng quý. Kể từ khi có dịch, việc này được thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày. Thế mạnh của May 10 là sơmi, veston. Ngoài việc nỗ lực duy trì đơn hàng cũ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm truyền thống, May 10 đã tận dụng dây chuyền sản xuất để may khẩu trang, đồ bảo hộ phòng dịch, đảm bảo cung ứng đủ vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch cho người dân trong nước, cũng như phục vụ xuất khẩu. 

Nhờ linh hoạt thích ứng, May 10 đã đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Hàng vạn khẩu trang y tế, bộ đồ phòng dịch, như tình yêu thương của tập thể cán bộ, công nhân viên May 10 đã được gửi tặng đến các điểm nóng, để chung tay cùng Chính phủ, cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. 

Quotes: Cùng là doanh nhân, ở vị thế là chủ một doanh nghiệp non trẻ như Tẩn Thị Shu hay một “lão tướng” trên thương trường như Bí thư Đảng ủy May 10 Thân Đức Việt, thì giữa “cơn bão” của COVID-19 đều phải quay cuồng, xoay xở với bài toán duy trì hoạt động và giữ “nồi cơm” cho nhân viên, người lao động của mình. Tác động của đại dịch COVID-19 không chừa một ai, nhưng họ đã lựa chọn thay đổi để trở lại mạnh mẽ hơn hoặc "lùi một bước để tất cả cùng tiến". Hơn hết, họ có niềm tin về một ngày Việt Nam sớm chiến thắng dịch bệnh, để tiếp tục phát triển và khát vọng đem sự nhiệt huyết, trí tuệ của mình để cống hiến và phụng sự cho cộng đồng.

Khát vọng tự cường của mỗi cá nhân làm nên nội lực quốc gia

Sinh thời, với sự trải nghiệm của một người đã từng đi "năm châu, bốn biển", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi mỗi người dân có khát vọng “tự lực, tự cường” sẽ tạo thành sức mạnh nội lực cho cả dân tộc (1) . 

Kế thừa quan điểm ấy, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tinh thần tự lực, tự cường được nhấn mạnh như là nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước. Nguồn nội lực này trước hết là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(2). 

Nội lực không chỉ là tiền của đang nằm trong "túi dân" mà là trí tuệ, tâm huyết, quyết tâm, khát vọng vươn lên của mỗi con người Việt Nam. Để nền kinh tế bứt tốc, phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cần thiết phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, để tập hợp sức mạnh nội lực của toàn dân tộc. 

Việt Nam hiện nay có gần 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 25.000 hợp tác xã, khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những năm qua đã có sự lớn mạnh không ngừng. Mỗi người như Tẩn Thị Shu, hay lãnh đạo May 10, cùng hàng nghìn doanh nhân, hàng triệu gia đình luôn sẵn có sự tâm huyết và khát vọng vượt khó vươn lên, thích ứng và sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi dịch bệnh được khống chế. Và hơn hết, Đảng đã tập hợp được ý chí, nguyện vọng, sức mạnh của toàn dân tộc, để “biến nguy thành cơ”. 

Điều này được minh chứng qua thời gian cả dân tộc đoàn kết chiến đấu với “giặc” COVID-19. Đảng kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp tình hình thực tiễn chống dịch, nhằm ngăn chặn, kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh với mục tiêu “sinh mạng con người là trên hết, trước hết”, nhưng vẫn phải đẩy mạnh sản xuất, để có nguồn lực sẵn sàng khi đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. 

Điều này thể hiện ở việc quyết tâm cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo cơ chế chính sách để hỗ trợ, đồng hành cùng nhân dân, doanh nghiệp vượt khó. Trong đó, Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" mà Chính phủ vừa ban hành được cộng đồng doanh nghiệp ví là liều “vaccine” giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, để đội ngũ doanh nhân Việt Nam vững tin bước vào làn sóng khởi nghiệp lần thứ 2, mang theo khát vọng đưa đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh. 

Ở chiều ngược lại, khi được tạo cơ chế, chính sách, nhân dân, trong đó có đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã luôn dành niềm tin ở Đảng và đồng lòng cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Gần 2 năm qua, nếu ở tuyến đầu, hàng vạn cán bộ, y –bác sĩ, chiến sĩ luôn sẵn sàng đi về phía tâm dịch, hy sinh hạnh phúc riêng vì hạnh phúc, sự an toàn của người dân, thì nơi hậu phương, cộng đồng doanh nghiệp, dù khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn luôn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hướng về cộng đồng, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân nghèo, khu cách ly, phong tỏa, tham gia ủng hộ trang thiết bị y tế để chi viện cho tuyến đầu.

Ngay khi đất nước cần nguồn lực để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, sớm đưa đất nước trở lại bình thường mới, mỗi người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, bằng sức và lực của mình đã đóng góp được gần 9.000 tỉ đồng (tính đến ngày 29.10), tạo nên một “Quỹ vaccine” của tình yêu thương, sự đoàn kết và niềm tin, khát vọng Việt Nam sớm chiến thắng dịch bệnh.

Quotes: Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tiếp sức. Đây là minh chứng sinh động cho “ý Đảng lòng dân”, trên dưới một lòng để cùng đi qua “cơn bão” mang tên COVID.

Khơi dòng nội lực để nền kinh tế bứt tốc

Hiện thực xã hội sau đại dịch mở ra nhiều thách thức, nhưng cũng hé mở những cơ hội cho sự phát triển của mỗi quốc gia.  Với Việt Nam, chúng ta sẽ phát huy nội lực để phát triển bền vững, như quan điểm đã được quán triệt trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với yêu cầu “phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. 

Những tư tưởng tiến bộ, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang được hiện thực hóa, được các cấp, các ngành thực hiện đưa vào cuộc sống. 

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình, làm cơ sở để các cơ quan chức năng, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. 

Đặc biệt, kể từ khi nhậm chức vào tháng 4.2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều chuyến công tác, sâu sát đến tận cơ sở, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp. Hơn hết, người đứng đầu Chính phủ hiểu rằng, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, của cộng đồng doanh nghiệp là nguồn nội lực, chìa khóa mở cánh cửa lớn, để nhân dân được sống trong ngôi nhà Việt Nam an toàn, mạnh khỏe và thịnh vượng. 

Để phát huy sức mạnh nội lực, ngoài việc quyết liệt xây dựng Chính phủ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra để kịp thời ứng phó như cải cách mạnh mẽ thể chế, kiên quyết loại bỏ "giấy phép con", gỡ khó cho doanh nghiệp; xốc lại quản lý điều hành của bộ máy công quyền và huy động mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, phát triển đất nước.

Quotes: Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần "3 không và 5 thật". "3 không" là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật". 

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, tùy vào điều kiện và tình hình cụ thể, mỗi nền kinh tế có các nội lực, ngoại lực giống và khác nhau để phát triển.

Đối với kinh tế Việt Nam, ổn định vĩ mô là một trong những nội lực quan trọng của đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro và bất định sẽ tạo niềm tin, cơ sở vững chắc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, tiến hành sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, biết tạo lập và tận dụng cơ hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là nội lực quan trọng không thể thiếu cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân. 

Còn theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội), trong bối cảnh hiện nay, việc cơ cấu lại nền kinh tế để “khơi dòng nội lực, đón đầu thời cơ” không phải chỉ là cần, mà rất cần thiết. 

Đại biểu phân tích, phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế hiện nay đang mất cân đối. Ví dụ như vốn trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, trong khi các khu vực tư nhân lại không có khả năng tiếp cận. Ông đề xuất cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời có chính sách tài khóa, cấp bù lãi suất để giúp doanh nghiệp tư nhân có nguồn lực phục hồi sản xuất, ngoài xuất khẩu thì phải tập trung khai thác hiệu quả nhất thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài những giải pháp trên, việc đẩy mạnh “chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh” phải thực hiện cho được và coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất hiện nay của cả nền kinh tế. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương sẽ tập trung vào ba vấn đề là thể chế, chuyển đổi số và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó thúc đẩy bản lĩnh khởi nghiệp sáng tạo là yếu tố quan trọng giúp gia tăng sức mạnh nội lực của nền kinh tế, để chớp lấy thời cơ, đưa đất nước tiến lên phồn vinh, thịnh vượng. 

Chú thích:

(1)    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, t.3, tr.458, 365. 

(2)     Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng 

BOX để dựng info: Các chính sách tháo gỡ “rào cản”, khơi thông mọi nguồn lực

- Từ đầu năm đến 15.10.2021, Chính phủ đã ban hành 154 nghị quyết, 83 nghị định.

- Thủ tướng Chính phủ ban hành 31 quyết định mang tính quy phạm pháp luật, 26 chỉ thị.

Các bộ, ngành đã ban hành 253 thông tư

 

CÁC CHÍNH SÁCH NỔI BẬT

+ Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

+ Nghị quyết về giảm tiền điện, cước viễn thông

+ Tạo “luồng xanh” lưu thông hàng hóa

+ Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ, DN khó khăn do COVID-19

+ Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

+ Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách tài khóa khác…

Kết quả thực hiện tính chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đến ngày 15.10.2021:

- Đã miễn, giảm, giãn khoảng 95,1 nghìn tỉ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất;

- Đã hỗ trợ gần 21,89 nghìn tỉ đồng cho 24,26 triệu lượt đối tượng; đã cho vay 566 tỉ đồng để trả lương cho trên 161 nghìn lượt người lao động (theo Nghị quyết 68/NQ-CP);

- Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho gần 430 nghìn lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 111 nghìn người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỉ đồng (theo Nghị quyết 116/NQ-CP)

- Xuất cấp tổng cộng trên 137 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,4 triệu hộ với trên 9,1 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19;

- Tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện (khoảng 4.500 tỉ đồng), tiền nước, dịch vụ viễn thông, internet (khoảng 10.000 tỉ đồng);

- Đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.

Bài 3: Vượt khó thực hiện khát vọng Việt Nam thịnh vượng: Bứt phá từ kinh tế số

Nếu phát huy sức mạnh nội lực của cả dân tộc được ví là liều “vaccine” để nền kinh tế vượt qua đại dịch, thì chuyển đổi số chính là cơ hội cho mỗi người dân và đất nước phát triển đột phá trong tương lai. 

Kinh tế số nhìn từ hành trình đưa hàng Việt ra “chợ quốc tế”

“Chiếc túi này là một tác phẩm nghệ thuật! Nó rất tốt và rất đẹp. Tôi thích nó! Bên ngoài là mây đan thủ công đẹp mắt và bên trong được lót một lớp vải in hoa tuyệt đẹp. Dây đeo có thể điều chỉnh được. Có cả một câu chuyện về gia đình làm ra những chiếc túi và một đôi bông tai tặng kèm!”, nhận xét của một khách hàng người Mỹ trên trang thương mại điện tử Amazon về chiếc túi mây xuất xứ Việt Nam mang thương hiệu Haancrafts khiến bất cứ người Việt nào cũng tự hào. 

Ở phần mô tả sản phẩm, chỉ mấy dòng ngắn ngủi bằng tiếng Anh nhưng kết tinh đầy đủ giá trị của một làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi ven đô: “Đến từ Làng nghề truyền thống Phú Vinh (Hà Nội), với hơn 400 năm kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm mây tre đan, chúng tôi không chỉ là những nghệ nhân lành nghề, chúng tôi còn có óc sáng tạo. Haancrafts không chỉ mang đến những sản phẩm chất lượng cao, phong cách độc đáo và sang trọng  mà còn cam kết cùng nhau làm cho thế giới tốt đẹp hơn với các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ”.

Tìm theo thông tin trên Amazon, phóng viên Lao Động gặp được chị Phùng Hậu - Chủ cơ sở  sản xuất Hà An (Haancrafts), nằm trong làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Đây là một trong 7 làng nghề mây tre đan nổi tiếng và lâu đời nhất tại Việt Nam. 

“Năm 2019, khi đọc được thông tin Amazon hợp tác với Bộ Công Thương trên báo, tôi về bàn với chồng thử đưa sản phẩm của mình lên Amazon bán xem sao. Sau đó, công ty của gia đình tôi lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp được Bộ Công Thương và VCCI hỗ trợ đưa sản phẩm lên Amazon bán. Cũng phải mất nửa năm để hoàn thành các thủ tục mở gian hàng. Quá trình này được Bộ Công Thương hướng dẫn”, chị Phùng Hậu nói với PV Lao Động và cho biết gian hàng trên Amazon của gia đình chị chính thức vận hành từ tháng 9.2019. 

Hiện, các sản phẩm của Haancrafts đang được bán ở thị trường Mỹ, Canada và Nhật Bản... thông qua Amazon và thời gian tới là tiếp cận nhiều thị trường lớn khác.

Nói về sự khác biệt giữa phương thức xuất khẩu cũ là bán buôn và xuất khẩu “trên mây” (cloud, online) thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, chị Phùng Hậu nhắc tới 2 từ: Mệt và loay hoay.

Trước đó, không chỉ xưởng sản xuất Hà An mà cả làng Phú Vinh chỉ chuyên bán buôn cho thương lái Trung Quốc hoặc khách hàng Châu Âu (EU): “Nếu làm theo cách cũ thì mình như gia công, nhàn hơn. Còn thương mại điện tử thì mình phải bỏ rất nhiều công sức ra nghiên cứu sản phẩm, thị trường, đưa hàng sang thử nghiệm, giải quyết các vấn đề vận chuyển, tồn kho….phải tự làm hết”. 

Dù không ít hoang mang khi đột ngột bước từ “chợ làng” ra “chợ quốc tế” nhưng chị Phùng Hậu không ngừng khát vọng về một ngày thương hiệu Haancrafts “Make in Vietnam” đứng vững trên toàn cầu: “Nếu khách buôn đặt hàng thì không được gắn tên tuổi của mình lên, mình chỉ là nhà sản xuất, sản phẩm của mình nhưng thương hiệu của họ. Còn khi bán trên Amazon thì ai cũng biết đến thương hiệu của mình, từ đó thương hiệu Việt Nam cũng được lan tỏa tốt hơn”.

Chỉ 10 năm trở về trước, không ai có thể tưởng tượng được những thợ thủ công, những người con của làng chưa bao giờ ra nước ngoài, chưa từng đặt chân tới Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…. lại có thể bán sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài, và quan trọng nhất, ai cũng biết đó là sản phẩm kết tinh từ bàn tay, khối óc người Việt.  Ngày nay, công nghệ và internet đã giúp làm được điều đó, mở ra nhiều cơ hội mới cho hàng triệu hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa - một lực lượng đông đảo, góp phần hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường”. 

Nhận thấy cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 là thời cơ để Việt Nam bứt phá, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14.1.2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Anh Phạm Nghĩa - Tổng giám đốc AGlobal, đơn vị đã tư vấn và hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp và người bán hàng Việt Nam mở gian hàng trên Amazon nhận định: Việt Nam có thế mạnh rất lớn trong một số ngành sản xuất và sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, các loại nông sản chế  biến, đặc sản theo vùng miền… và hoàn toàn có thể mở rộng kênh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Lấy một ví dụ nhỏ về sản phẩm thủ công mỹ nghệ để thấy lợi ích to lớn nếu tận dụng tốt công nghệ số nhằm phát triển kinh tế xã hội. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trong những năm qua, thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. 

Cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5 lần trở lên so với ngành khai thác; giải quyết việc làm cho 3 đến 5 ngàn lao động. Hiện, có hơn  2.500 làng nghề trên toàn quốc, tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp - trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, nhất là trong biến động như COVID-19, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, một Đại sứ ở EU đã nói với ông rằng, nông sản của Việt Nam mới chỉ chiếm 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU nhưng lại bán ở cửa hàng gốc Á như người Việt, người Thái Lan. 

“Nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng, đường bệ mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt. Khi đưa nông sản của mình vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Chúng ta đưa vào đó được thì mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Dẫu biết, để khát vọng thành hiện thực cần một chiến lược toàn diện nhưng chuyển đổi số chính là cơ hội bứt phá mà Việt Nam phải nhanh chóng nắm lấy. 

Với lợi thế xóa bỏ mọi rào cản về quy mô và khoảng cách với chi phí tối ưu, công nghệ số chính là chìa khóa giúp Việt Nam phát huy tối đa những tiềm năng và lợi thế vốn có về nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, phát triển du lịch trên nền tảng bản sắc văn hóa độc đáo và cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng.  Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong  bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". 

Quote: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ý Đảng và lòng dân là một

Có lẽ không cần phải nhắc thêm về những tổn thất mà trận cuồng phong COVID-19 để lại cho kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra khi toàn thế giới đang gồng mình chống chọi với khủng hoảng dịch bệnh, kéo theo khủng hoảng kinh tế. 

Ngay trong bối cảnh đầy biến động đó, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

BOX:  “Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số” (Văn kiện Đại hội XIII).

Ý Đảng và lòng dân là một, khi trong cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nhân cho biết COVID-19 đã thúc đẩy họ đi nhanh và khẩn trương hơn trong quá trình chuyển đổi số nhằm ứng phó với “bình thường mới”. 

Không chỉ doanh nghiệp, ngay cả các hộ kinh doanh - lực lượng đóng góp khoảng 30% GDP trong suốt giai đoạn 2015-2019 (theo Niên giám thống kê, Tổng cục Thống kê) cũng đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Nghiên cứu về Hộ kinh doanh phi nông nghiệp của Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR), Viện Đào tạo & Nghiên cứu của BIDV và Viện Friedrich Naumann Foundation thực hiện đầu năm 2021 chỉ ra một kết quả bất ngờ khi nhiều hộ cho rằng chuyển giao công nghệ là chìa khóa giúp họ vượt qua giai đoạn COVID-19, mức độ quan trọng trọng chỉ sau tiếp cận vốn.

COVID-19 đã khiến hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn, người ta gọi vui đó là cuộc “di cư lên mây” (lên môi trường mạng, online). Chắc chắn, các doanh nghiệp cũng phải tìm cách “di cư” theo khách hàng, với nguyên tắc khách hàng ở đâu, sản phẩm của doanh nghiệp được bày bán ở đó. Vì thế, câu chuyện bây giờ không phải là phân vân có nên chuyển đổi số hay không, mà là làm sao để “tăng tốc chuyển đổi số” một cách nhanh nhất.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (World Bank), ông Jacques Morisset cho biết: “Sử dụng một mô hình kinh tế tương đối phức tạp, chúng tôi nhận thấy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng mà Chính phủ đề ra có thể thực sự giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của mình. Giả thiết rằng các ngành công nghệ số tăng trưởng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm, lợi ích lũy kế của nền kinh tế sẽ đạt trên 200 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2045, gần bằng GDP của Việt Nam hiện nay”. 

Theo ông Jacques Morisset, không chỉ vai trò của các ngành công nghệ số sẽ trở nên quan trọng hơn trong nền kinh tế, mà việc sử dụng máy tính, công cụ công nghệ thông tin và nền tảng kỹ thuật số sẽ góp phần tăng năng suất trong những ngành khác do sự kết nối chặt chẽ giữa các mắt xích liên kết trong nền kinh tế. Những lợi ích này sẽ lớn hơn chi phí cần đầu tư. 

Cần nhanh chóng “vá lỗ hổng” về kỹ năng số

Nhắc tới động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước trong vài thập kỷ tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự cần thiết của việc: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của WorldBank, ông Jacques Morisset, đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tương lai quyết định bởi năng lực của quốc gia trong việc tận dụng tối đa các công nghệ kỹ thuật số do các nước khác phát triển. 

Chính bởi vậy, ông Jacques Morisset cho rằng nếu muốn trở thành cường quốc kỹ thuật số như mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hay 10 năm tới, thì một trong những giải pháp trọng tâm đầu tiên mà Việt Nam cần thực hiện là đảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số. Dự kiến 1/3 số việc làm hiện có ở Việt Nam có nguy cơ bị mất trong khoảng 5 năm tới do số hóa. Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, những công việc này sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng mới.

Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, để phát triển kinh tế số cần rất nhiều yếu tố như hạ tầng, thể chế, nhưng quan trọng hàng đầu vẫn là con người. Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cần chú trọng các chương trình đào tạo nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số, đào tạo cho cả lãnh đạo các doanh nghiệp và cả người lao động.

Làm được điều này, trong tương lai, đất nước sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bài 4: Thúc đẩy bản lĩnh đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững

Bằng sự quan tâm, đồng hành, Đảng, Chính phủ đã và đang tạo ra một hào khí cho các doanh nghiệp vượt khó, “biến nguy thành cơ”, phục hồi sản xuất và tăng trưởng. Với bản thân doanh nghiệp, “cơn bão COVID-19” cũng là “chất xúc tác” để nhìn lại sức chống chịu của mình trong một thế giới đầy biến động, để biết “chìa khóa” của phát triển bền vững và thịnh vượng chính là đổi mới sáng tạo nhằm bước sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếng gọi non sông và khát vọng về những chuỗi giá trị do người Việt xây dựng

 “25 năm trước, tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Munich, Cộng hòa Liên bang Đức. Thời đó, Việt Nam trong hình dung của người Đức còn là một đất nước rất xa lạ. Một ngày, cậu bạn cùng phòng đưa cho tôi tờ báo, trong đó có một bài dài viết về Việt Nam. 

Nội dung của bài báo nói Việt Nam đang tạo ấn tượng với các nước trong khu vực khi phát triển ổn định, doanh nghiệp của Đức bắt đầu quan tâm đến thị trường này. Dù ca ngợi sự phát triển, nhưng bài báo kết bằng một câu: Ôtô đã xuất hiện ở Việt Nam, nhưng nếu người Việt mà chạm vào xe BMW (hãng xe sang của nước Đức-PV) thì người ta sẽ giật mình rụt tay lại. 

Tôi hiểu, câu văn đó ẩn ý nói Việt Nam còn nghèo lắm, giấc mơ có xe sang quá cao xa với người Việt. Có lẽ, vì một chút tự ái dân tộc, tôi nhớ câu chuyện này suốt 25 năm qua. Câu chuyện cũng nhắc nhở tôi về sự trở về, khi đã trở thành một công dân toàn cầu”- Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam – chia sẻ với phóng viên Lao Động khi hình dung về cột mốc Việt Nam của năm 2045, của những giấc mơ mang tên “Việt Nam - Khát vọng -  Thịnh vượng”.

35 năm qua (từ sau năm 1986 đến nay), Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục. Ngoài những thước đo như tốc độ tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, thì một cách dễ hình dung nhất về sự phát triển, theo cách nói của Giáo sư Phùng Hồ Hải, là tại các thành phố lớn bây giờ, ôtô nhiều hơn xe đạp, các loại xe sang đều đã xuất hiện ở Việt Nam. Đất nước đã và đang hình thành tầng lớp trung lưu, có các doanh nghiệp lớn vươn tầm thế giới.

Chính bởi vậy, Giáo sư Phùng Hồ Hải càng có niềm tin về một Việt Nam hùng cường sẽ sớm được hiện thực hóa.

Từ bỏ công việc tại các viện nghiên cứu và trường đại học hàng đầu ở Italia, Đức để trở về sống và làm việc tại Việt Nam, nhiều năm qua, Giáo sư Phùng Hồ Hải không ngừng kết nối nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước cống hiến cho khát vọng đưa Việt Nam tiến cùng thời đại. 

Nếu ngày 19.8.1945, cha ông ta đã đồng lòng đứng lên làm cách mạng, dành lại độc lập cho dân tộc thì 73 năm sau (19.8.2018), Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ra đời, được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế.  

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, đã quy tụ được hàng ngàn tài năng khoa học kỹ thuật gốc Việt đang học tập, làm việc tại các quốc gia phát triển về nước xây dựng sự nghiệp và góp sức vào sự phát triển của quê hương Việt Nam.

Hành trình trở về của Giáo sư Vũ Hà Văn - nhà toán học nổi tiếng, từng giành nhiều giải thưởng danh giá thế giới là một trong hàng ngàn cuộc hồi hương theo tiếng gọi non sông ở thời điểm năm 2018. 

Thông qua việc hợp tác với Vingroup trong vai trò Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata, hơn 3 năm qua, với mục tiêu tạo ra công nghệ phục vụ cho người Việt, Giáo sư Vũ Hà Văn đã kết nối hàng trăm kỹ sư, nhà khoa học người Việt ở khắp nơi trên thế giới, từng bước hiện thực hóa khát vọng làm chủ công nghệ lõi, từ đó, đưa những công trình nghiên cứu quốc tế trở thành sản phẩm công nghệ đại diện cho trái tim, khối óc Việt Nam.

Những ngày gần đây, truyền thông trong nước và thế giới nhắc lại nhiều về “cái bắt tay” này, khi Giáo sư Vũ Hà Văn tham gia các sự kiện kết nối đổi mới sáng tạo toàn cầu để giới thiệu về trợ lý ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho những chiếc xe VinFast, với giấc mơ khởi đầu cho những sản phẩm “Made in Vietnam”, “Made by Vietnamese”.  

Quote: Những chiếc xe ôtô có gắn logo hình chữ “V” không chỉ là Vingroup - chữ “V” gắn trên những xe còn khiến người ta liên tưởng đến 2 tiếng “Việt Nam”.

Khi trò chuyện với phóng viên Lao Động về cột mốc Việt Nam của năm 2045, hai nhà toán học đều nhắc đến mô hình đầu tư và kết nối các nhà khoa học để cùng đổi mới sáng tạo mà Vingroup đang thực hiện.  Nhờ những “cái bắt tay” với các nhà khoa học, Vingroup đã tạo ra một sức mạnh nội lực, tận dụng ngoại lực là những tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật… để tiến sâu vào ngành công nghiệp nặng, tạo ra những sản phẩm của người Việt Nam đầy tự hào.

BOX: Ngày 9.1.2021, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Cùng lúc, Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 - VIIE 2021) được khai trương tại đây. Vượt ra khuôn khổ của một lễ khởi công, sự kiện này có ý nghĩa như điểm nhấn trong Chiến lược triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Trụ cột  và “chìa khóa” mở cánh cửa phát triển

Ngược thời gian, vào ngày 6.3.2021, một hội nghị mà giới doanh nghiệp – doanh nhân Việt vô cùng náo nức: “Đối thoại Việt Nam 2045” – lần đầu tiên cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và đại diện các doanh nghiệp, trí thức bàn về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045 – mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng hướng tới. 

Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể…

Quote: "Chúng ta thống nhất, doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn" – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Những năm qua, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, về quy mô, số lượng và chất lượng.  Tín hiệu tích cực từ các “trụ cột của nền kinh tế quốc gia” là đều có sự tăng trưởng. Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp mạnh, vươn mình ra thế giới như Viettel, Vingroup, Thaco, Vinamilk, Vietjet… với những triết lý kinh doanh đều hướng tới tương lai, bắt đầu từ phục vụ đất nước con người Việt Nam để vươn tầm thế giới. 

Khối doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp vừa cũng đều tăng trưởng 10%. Nhưng có một sự thật phải thừa nhận là suốt nhiều năm, doanh nghiệp Việt chỉ tham gia vào những mảng đơn sơ, hàm lượng giá trị rất thấp. Tình trạng này kéo dài dẫn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt không được cải thiện. Hay khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, khi chuỗi cung cầu bị đứt gãy, doanh nghiệp đã chịu “tổn thương” và bị thiệt hại.

Tại nhiều sự kiện, hội thảo kinh tế được tổ chức thời gian qua, vấn đề được cơ quan quản lý và chuyên gia thảo luận nhiều nhất là vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị. Làm sao để doanh nghiệp Việt –  trụ cột nền kinh tế - tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu?  Và cụm từ “đổi mới sáng tạo” (Innovation) - ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa - được nhắc tới nhiều nhất.  

BOX: Đổi mới sáng tạo không chỉ nằm trong tư duy, mà còn bao gồm cả việc ứng dụng tư duy đó vào thực tế. Đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trên thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đa số doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0 (dữ liệu, tối ưu hóa). 

Thực tế từ đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, những doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị về chiến lược, chú trọng tới đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ đã vượt qua những thách thức phi truyền thống, duy trì sản xuất, kinh doanh và có tăng trưởng tốt. Ngược lại, những doanh nghiệp chưa có sự đầu tư về công nghệ, năng lực quản trị, hay tư duy đổi mới kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp với dây chuyền sản xuất mang về, thì gặp khó khăn, khó trụ vững. 

Tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo không chỉ đến nay mới được thừa nhận. Nó đã được khẳng định xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng và Nhà nước ta, luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để phát triển đất nước, để đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á vào năm 2045. 

Và khát vọng về những trung tâm sản xuất, chuỗi giá trị do người Việt xây dựng đang tiếp tục được kế thừa, bồi đắp khi Đại hội XIII của Đảng đã khơi thông nguồn lực, hướng đến tạo cơ chế đột phá để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển  bền vững. 

Nghị quyết Đại hội cũng xác định, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực quan trọng nhất. Để làm được điều đó, cần sự đột phá về chính sách để thu hút nhân tài, tạo môi trường để các nhà khoa học được tham gia sâu hơn vào các hoạt động của kinh tế-xã hội. 

Như cách mà Giáo sư Phùng Hồ Hải, Giáo sư Vũ Hà Văn mong mỏi: Cần thêm nhiều hơn cái bắt tay giữa nhà nước và nhà khoa học, giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình phát triển của đất nước trong tình hình mới. Đây cũng là cách để giúp đất nước phát triển bền vững và tránh những khủng hoảng.

Quote: “Tôi nghĩ nên có cơ chế để khuyến khích, thậm chí tạo sức ép cho doanh nghiệp phải quan tâm và đóng góp vào việc phát triển nguồn lực, vào nghiên cứu khoa học, công nghệ. Có thể bắt đầu bằng việc doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo, liên kết với các trường đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi không trồng cây làm sao thu về trái ngọt” - GS -TSKH Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.

Chờ đợi sự "bùng nổ" từ khát vọng đổi mới của mỗi doanh nghiệp

Nhìn lại “6.000 ngày kỳ tích Nhật Bản” hay sự bùng nổ của kinh tế Hàn Quốc, họ đều dựa vào sự phát triển công nghiệp và công nghệ đưa đất nước lên tầm cao thế giới. Đây là cách Vingroup và nhiều tập đoàn kinh tế của Việt Nam đang làm, với những triết lý kinh doanh hướng tới tương lai, bắt đầu từ phục vụ đất nước, con người Việt Nam, rồi tiến ra toàn cầu. 

Trong hành trình đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, rất cần những “sếu đầu đàn” như thế. Nhưng để phát huy được sức mạnh nội lực của cả nền kinh tế, bản thân mỗi doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh tế cá thể, cần ý thức về sứ mệnh và vai trò trụ cột của mình. 

Nếu coi nền kinh tế là một cơ thể sống, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là khung xương vững chắc, kết hợp với những tập đoàn tư nhân hùng mạnh để dễ dàng vận động, thúc đẩy mạnh mẽ, thì khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ - đang chiếm tỉ trọng tới trên 98% tổng số doanh nghiệp cả nước - chính là những động mạch chủ và các mạch máu để nuôi sống cơ thể.

Lý do, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đóng góp khoảng 45% GDP,  31% tổng thu NSNN và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân. Nếu như thống kê cả hợp tác xã, trang trại và hộ kinh doanh cá thể, thì tỉ lệ đóng góp cho GDP là 60%, theo số liệu trong Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021.

Hiệu quả này đã góp phần làm tăng tính năng động của nền kinh tế, thúc đẩy khai thông thị trường và giảm mức lạm phát từ 184% thời kỳ trước đổi mới về mức lạm phát dưới 2 con số như hiện nay. Đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống người dân rõ rệt.

Khu vực doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ: 449.031, chiếm tỉ lệ 67,2% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 10% so với 2018.

179.319 doanh nghiệp quy mô nhỏ, chiếm 26,8%, tăng 8,6%

22.788 doanh nghiệp quy mô vừa, chiếm 3,4% tăng 10%

17.367 doanh nghiệp quy mô lớn, chiếm 2,6%, tăng 3,6%

Theo sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021 tính đến ngày 31.12.2019

Nếu mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ kinh tế cá thể, mỗi người lao động trong các thành phần kinh tế đều thôi thúc khát vọng đổi mới sáng tạo, như cách chị Tẩn Thị Shu, chị Phùng Hậu, Giáo sư Phùng Hồ Hải, Giáo sư Vũ Hà Văn hay tập đoàn Vingroup đã làm, để hướng đến xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho một lộ trình phát triển bền vững, thì chắc chắn khát vọng về một Việt Nam hùng cường sẽ sớm thành hiện thực.

Bài 5: Hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường

35 năm kể từ ngày đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã tiến những bước rất dài trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Hơn lúc nào hết, đất nước Việt Nam, từng người dân, cộng đồng doanh nghiệp đang cùng chung khát vọng lớn, đưa đất nước trở nên hùng cường, phồn vinh, giàu mạnh như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu.

Năm 2021 là năm đầy khó khăn với nhân dân Việt Nam khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư xuất hiện, đã "cuốn trôi" nhiều thành quả chống dịch trong năm 2020. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm "lửa thử vàng", để khẳng định bản lĩnh, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và tinh thần kiên cường, vượt khó của dân tộc Việt Nam.

Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, xây dựng đất nước phồn vinh cần sự chung sức đồng lòng của nhân dân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp. Đó là những "trụ cột" của nền kinh tế quốc gia. Như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: "Trụ cột càng lớn, thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn".  

Những "trụ cột" của nền kinh tế quốc gia không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận, mà còn sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước; đưa đất nước phồn vinh, giàu mạnh, "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Đặc biệt, để tiếp tục huy động, phát huy sức mạnh nội lực, sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, cần thiết phải phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Trao đổi với Lao Động, đồng chí Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - khẳng định: "Hiện nay, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỉ lệ rất lớn trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, chiếm hơn 90%. Chính vì vậy, công tác phát triển Đảng trong khu vực này luôn được Đảng ta quan tâm và tạo điều kiện. 

Hiện có khoảng hơn 12.000 tổ chức cơ sở đảng và 180.000 đảng viên làm việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Có nhiều đảng viên trong khu vực này được tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên... giới thiệu. Đây là khu vực còn mới mẻ, nhưng là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam".

Để có một "Việt Nam 2045" thịnh vượng, Báo Lao Động ghi nhận một số ý kiến doanh nghiệp, giới trí thức và chuyên gia kinh tế, đề xuất các giải pháp để sớm hiện thực hóa khát vọng về một nước Việt Nam phát triển, có thu nhập cao.

Ông Ngô Văn Chơn – Bí thư Đảng ủy - Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Ðô: "Đẩy mạnh xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp"

Đối với Đảng bộ Công ty May Tây Đô - một trong những Đảng bộ hình thành từ rất sớm, có truyền thống về tổ chức Đảng và luôn sâu sát, quan tâm xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên.

Mỗi đảng viên trong công ty đều thể hiện sự trách nhiệm, gương mẫu của mình. Thậm chí có những đảng viên, mặc dù chỉ là công nhân, nhưng đã thể hiện tính tiên phong rất cao, góp sức lực của mình để giúp công ty thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trong đại dịch vừa qua, chúng ta càng thấy rõ nét hơn vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên. Bởi vì khi đại dịch xảy ra, tất cả các quyết sách, chủ trương của Đảng đều được cấp uỷ Đảng và đảng viên thực hiện một cách nghiêm túc, tập trung phòng chống dịch và duy trì sản xuất.

Chúng tôi đã chủ động xây dựng và thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng dịch vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, chủ động phương án dự trữ nguyên liệu, hàng hóa, xây dựng phương án tổ chức sản xuất "một cung đường hai điểm đến" và bố trí ăn nghỉ cho công nhân theo từng cấp độ dịch để ứng phó với mọi tình huống, không để đứt gãy, gián đoạn sản xuất.

Bằng các giải pháp tích cực, cùng với sự chủ động, sáng tạo, đoàn kết vượt khó, đội ngũ lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên, người lao động, đến nay tình hình sản xuất, kinh doanh của chúng tôi cơ bản ổn định. 

Đến thời điểm này, chúng tôi đã có 1.250 lao động, hiện đã có 97% trong số này được tiêm vaccine, số còn lại, vì lý do sức khỏe nên chưa tiêm được. 

Hiện công ty đang thực hiện tái sản xuất theo lộ trình "2 tại chỗ, vùng xanh", trong đó, công nhân cam kết đi về từ nhà tới công ty và ngược lại. Ngoài ra, chỉ công nhân ở khu an toàn mới được đi làm, hoặc đã tiêm vaccine đủ thời gian theo quy định. Hiện đã có 85% công nhân tham gia hoạt động tái sản xuất. 

TS Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:  "Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt"

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu vào tháng 4 năm 2021. Dịch lan vào "động lực" của nền kinh tế đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất – nơi tạo ra tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Thời điểm đó, chúng ta vẫn chưa được tổ chức Y tế thế giới công nhận là quốc gia có dịch vì căn cứ vào kết quả phòng chống dịch trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021.

Trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh, có thời điểm, chúng ta đã lúng túng đối với các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, chính trong thời kỳ hiểm nguy này, Việt Nam cho thấy sức mạnh tiềm tàng của mình. Đó là bản lĩnh, ý chí kiên cường của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị; là ý thức trách nhiệm cao của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Đợt dịch lần này khác hẳn với hai lần khủng hoảng kinh tế trước đó (cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 xuất phát từ Thái Lan và cuộc khủng hoảng kinh tế cho vay dưới chuẩn vào năm 2008-2009). Nếu như hai cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó, chúng ta chỉ mất cầu thì đợt dịch này đã gây ra đứt gãy cả cung lẫn cầu. 

Để phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra phương châm: Chống dịch – vừa đảm bảo sức khoẻ của người dân – vừa duy trì phát triển kinh tế xã hội.

Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện…

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 về giãn, hoãn và không chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19. Như vậy, trong năm 2020, chúng ta tương đối thành công với những gói hỗ trợ của Chính phủ. Sang năm 2021, ngay từ đầu tháng 3, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để sửa Thông tư 01,  tiếp tục hỗ trợ, "cấp cứu" cho doanh nghiệp. 

Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Có thể nói, mọi chính sách của Chính phủ đều hướng đến người dân và doanh nghiệp. Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt.

Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".

TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội Khoá XV – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: “Xây dựng nền kinh tế quốc gia tự chủ, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp”

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi hoan nghênh Chính phủ - trong đề án Chiến lược phát triển doanh nghiệp đến năm 2030, đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển khu vực kinh tế tư nhân và một đề án phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân đang được khẩn trương soạn thảo.

Tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp tư nhân hãy chung tay với các cơ quan Chính phủ chuẩn bị dự án này. Đề án không chỉ là sáng kiến và tầm nhìn của các cơ quan Chính phủ mà còn là tầm nhìn và định hướng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nhân chủ động, Chính phủ chung tay. Tinh thần đối tác công tư cũng phải thể hiện mạnh mẽ hơn trong công việc hệ trọng này. 

Tôi hoan nghênh các doanh nghiệp lớn của khu vực tư nhân đã có sáng kiến, kiến nghị và sẵn sàng đầu tư phát triển một số lĩnh vực và dự án công nghiệp quốc gia trọng yếu mà sản xuất trang thiết bị y tế, vaccine, sản xuất ôtô điện để bảo vệ môi trường … là những ví dụ rất điển hình.

Chính phủ hãy "yểm trợ" cho họ thông qua những đột phá về thể chế và chính sách. Không thể có đột phá trong phát triển nếu thiếu những đột phá dẫn đường về thể chế và chính sách. Muốn kiến tạo nền kinh tế phải kiến tạo chính nền thể chế, các Nhà nước kiến tạo thành công trên thế giới đều làm như vậy. 

Hãy coi doanh nhân là đối tác để đồng hành chứ không phải đối tượng để quản lý và giám sát. Hãy coi trọng doanh nhân hoạt động có hiệu quả và có trách nhiệm xã hội như hiền tài và nguyên khí quốc gia. Hãy coi bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của người dân. Hãy "tận tâm giúp giới doanh nhân" như Bác Hồ đã dạy.

Tôi đánh giá rất cao những khẩu hiệu giản dị mà có sức cổ vũ đang lan toả ở một địa phương, như: "Doanh nghiệp phát tài thì địa phương phát triển"; "Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền"...

Đội ngũ doanh nhân dân tộc mà chúng ta đang dày công xây dựng và đề cập ở trên là đội ngũ doanh nhân có lòng yêu nước, có trách nhiệm xã hội, kinh doanh sáng tạo và nhân văn, chọn con đường phát triển bền vững là đích đến. Đây cũng là xu hướng chung của cộng đồng doanh nhân quốc tế thời hiện đại. 

Đại dịch COVID-19 vừa qua đã được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và quyết tâm cao độ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Người dân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kiên cường và luôn luôn tin theo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo, tìm ra những cách thức tốt nhất để duy trì được cuộc sống, cũng như sản xuất kinh doanh.

Có thể, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, đối tượng cần được tri ân và tôn vinh đầu tiên chính là đồng bào, là các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tôi cũng rất hy vọng Quốc hội sẽ đánh giá cao việc này và tri ân đồng bào ta. 

Tôi rất muốn chữ "Đồng Bào" cần được viết hoa trong các văn kiện của chúng ta. Tinh thần Đồng Bào là tinh thần cần được khơi dậy nhiều nhất trong bối cảnh hiện nay và đó là điều chói sáng nhất trong thành quả chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua. 

Bên cạnh những thành quả phòng, chống dịch mà chúng ta đã đạt được, thì những ngày tháng COVID-19 khắc nghiệt này cũng là "khoảng lặng" để mỗi doanh nhân, mỗi con người ngộ ra và lựa chọn tốt hơn cho tương lai của chính mình.

Và chúng ta tin rằng phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm sẽ là hệ giá trị định hình đội ngũ doanh nhân Việt trong thời gian tới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời hiện thực hoá mục tiêu, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việc Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Hãy tin ở cộng đồng doanh nhân Việt, tin ở sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. 


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất