Thu hồi tài sản tham nhũng - Những vấn đề đặt ra



Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả  đoạt giải B.

Tóm tắt: Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian qua được cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành và các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, đây là việc khó còn hạn chế, số tài sản thu hồi còn thấp hơn so với tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.


1. Chuyển biến từ nhận thức đến hành động, từng bước hoàn thiện thể chế thu hồi tài sản tham nhũng

Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) và thu hồi tài sản tham nhũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện qua nhiều văn bản, nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nêu rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”. Tiếp đó, trong Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”.

Đặc biệt, ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc một số giải pháp, nhiệm vụ để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.

Từ năm 2013 đến nay, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ngày càng được quan tâm hơn và có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong công tác PCTN nói chung và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng đã có quyết tâm chính trị rất cao. Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương về thu hồi tài sản tham nhũng trong các văn kiện, nghị quyết với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn và quán triệt sâu sắc đến các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (tháng 02/2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, mà trực tiếp, thường xuyên là đồng chí Tổng Bí thư,  Trưởng Ban Chỉ đạo; sự tham mưu, theo dõi sát sao, đôn đốc thường xuyên của Ban Nội chính Trung ương, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương vào cuộc quyết liệt để tăng cường phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế lớn và truy tìm, kê biên và xử lý tài sản, bảo đảm công tác thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn.

Nhiều quy định mới về thu hồi tài sản tham nhũng đã được thể chế hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần phục vụ tốt hơn cho công tác này. Đặc biệt, chính sách “chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng” được nêu tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã được thể hiện rõ qua lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, Điều 40 của Bộ luật này quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu“Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Quy định này vừa thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội biết ăn năn hối lỗi trả lại tài sản tham nhũng, vừa giúp công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt được những kết quả quan trọng.

Hệ thống pháp luật về PCTN đã có nhiều quy định điều chỉnh trực tiếp đến thu hồi tài sản tham nhũng. Luật PCTN quy định: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật” (Khoản 3, Điều 4) và “Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng; tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước; người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ” (Điều 70). Đối với vấn đề thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài, Điều 71 Luật PCTN quy định: “Trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hợp tác với Chính phủ nước ngoài trong việc thu hồi tài sản của Việt Nam hoặc của nước ngoài bị tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp”.

Pháp luật Hình sự có nhiều điều khoản quy định tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; buộc người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm; quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán trong việc quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế như đặt cọc, kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản để thu hồi tài sản tham nhũng. Bộ luật tố tụng dân sự quy định 11 biện pháp liên quan đến việc bảo đảm thu hồi tài sản (Điều 114); thủ tục áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản (Điều 133). Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Tổ chức tín dụng chủ yếu quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Luật Tương trợ tư pháp quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp, trong đó có hoạt động liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài…

Một số kết quả bước đầu

Từ năm 2016 đến tháng 3/2020, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã thu hồi được 18.239.211.000.000 đồng/33.429.125.000.000 đồng, đạt 55% tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế([1]); nhiều vụ án tham nhũng có tỷ lệ thu hồi tài sản cao([2]). Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 50.000 tỷ đồng. Cơ quan Thi hành án trong Quân đội đã thi hành xong 33 việc/39 việc có điều kiện thi hành, với số tiền đã thi hành xong hơn 63,8 tỷ đồng/67,7 tỷ đồng, đạt 84,6%.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tích cực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước([3]).

Như vậy, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã cao hơn nhiều so với trước đây. Trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi. Đến nay, kết quả bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt hơn 26%. Đặc biệt là năm 2019 và năm 2020, khi có sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo đã thành lập 05 Đoàn kiểm tra tại nhiều địa phương, bộ, ngành để kiểm tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thu hồi tài sản, từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn và chỉ đạo khắc phục. Riêng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo năm 2020 thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây.

Còn nhiều vấn đề đặt ra

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nêu trên, song công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong đa số các vụ án tham nhũng có tăng nhưng còn thấp so với số phải thu hồi. Số tiền, tài sản bị thất thoát do tham nhũng rất lớn nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án thì nhỏ, chưa có các biện pháp, quy định cụ thể để truy tìm tài sản của người phải thi hành án bị che giấu nguồn gốc. Các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thậm chí, trong một số vụ án, vụ việc vẫn còn để xảy ra tình trạng có đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

Nguyên nhân của yếu kém, bất cập

Những yếu kém, bất cập trong thu hồi tài sản tham nhũng có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và chủ yếu do một số nguyên nhân sau:

Một là, nhận thức về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế của một số cơ quan chức năng còn hạn chế. Hầu hết các tỉnh ủy, thành ủy chưa ban hành văn bản chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, kiểm sát việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu lồng ghép vào việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nên hiệu quả chưa cao.

Hai là, các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng còn mang tính nguyên tắc; chưa cụ thể, để chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng; nhiều quy định còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi. Cụ thể là:

(1) Bộ luật Hình sự chưa quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm khi không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; chưa hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính.

(2) Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa chú trọng nhiều tới việc làm rõ tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi. Cơ chế để bảo đảm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong Bộ luật tố tụng hình sự còn yếu, chưa chặt chẽ (ví dụ: Thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo; trong khi đó hành vi tham nhũng có thể đã được phát hiện từ hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra của các cơ quan, hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán và phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức, do đó, tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của bản thân người phạm tội và những người thân thích của họ). Chưa có quy định tăng cường các biện pháp điều tra, truy tìm tài sản bị tẩu tán, che giấu ngay từ giai đoạn điều tra. Tài sản bị tịch thu phải là tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong khi trên thực tế, tài sản do tham nhũng mà có thường được cất giấu, che đậy, chuyển hình thức sở hữu ngay trong quá trình phạm tội, trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị với cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, đất đai, thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài… Quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các bị can, bị cáo tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử còn hạn chế, không bắt buộc áp dụng. Điều 128, Điều 129 Bộ luật tố tụng hình sự quy định chỉ kê biên phần tài sản hoặc phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, nhưng khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thể xác định được ngay thiệt hại mà tội phạm gây ra làm căn cứ quyết định phần tài sản phải kê biên, do đó, cơ quan tố tụng có thể chưa áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa dẫn đến đương sự có thể tẩu tán tài sản trước khi bị phát hiện.

(3) Pháp luật về thi hành án dân sự chưa quy định trình tự, thủ tục riêng đối với việc thi hành các khoản thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là việc thi hành các biện pháp tư pháp liên quan đến tiền, tài sản (quy trình, thủ tục thi hành đối với các vụ việc loại này được áp dụng như đối với các vụ việc dân sự thông thường), do đó hạn chế hiệu quả thi hành đối với các vụ việc loại này. Thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong quá trình Thi hành án dân sự còn hạn chế, đặc biệt là trong việc truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, đồng thời phụ thuộc nhiều vào kết quả của quá trình tố tụng trước đó. Việc thi hành án đối với một số loại tài sản đặc thù trong các vụ án tham nhũng, kinh tế như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp chưa được quy định đầy đủ. Chưa quy định trách nhiệm bên nhận ủy thác phải thông báo lại kết quả thi hành cho nơi ủy thác, nhất là trong trường hợp ủy thác một phần; trách nhiệm tổng hợp kết quả chung của từng vụ án của nơi thụ lý thi hành án đầu tiên…

(4) Mặc dù Việt Nam đã ký 19 hiệp định song phương về tương trợ tư pháp hình sự, 01 hiệp định khu vực ASEAN và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), nhưng việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này là chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đơn cử: Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam thiếu quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phối hợp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự, nhất là quy định liên quan đến phong tỏa, kê biên, thu giữ, tịch thu tài sản và xử lý tài sản do phạm tội mà có.

2. Cần có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và nhân dân đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra về nghiệp vụ, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tích cực trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Hai là, phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, giải pháp cụ thể. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; đặc biệt lãnh đạo, chỉ đạo việc tự kiểm tra, thanh tra nội bộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong quá trình thu hồi tài sản tham nhũng; đưa nội dung thu hồi tài sản tham nhũng vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp kê biên, phong tỏa để ngăn chặn việc tẩu tán, thất thoát tài sản, nhất là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, quyết tâm, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình phụ trách.

Ba là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, thi hành án dân sự, tố tụng dân sự, phá sản, giá, giám định, định giá, tín dụng, ngân hàng, xử lý nợ xấu, đăng ký tài sản, đấu giá tài sản công… đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cụ thể là:

(1) Hoàn thiện thể chế về đăng ký, công khai đăng ký tài sản theo hướng minh bạch, hạn chế tối đa rủi ro pháp lý cho Nhà nước, người dân; hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý hoặc thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định pháp luật để tẩn tán, che giấu tài sản. Sớm xây dựng Luật đăng ký tài sản, đảm bảo công khai, minh bạch hóa tài sản, thu nhập; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký nói chung, nhất là thông tin đất đai, tài sản gắn liền với đất; kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan (công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án…).

(2) Nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng: Xử lý, thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán trong việc áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản của các cá nhân liên quan đến sai phạm về kinh tế, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; quy định linh hoạt thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên; quy định nội dung chứng minh “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt là quy định bắt buộc phải chứng minh trong vụ án hình sự; cấm các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho tài sản kể từ khi có quyết định bị thanh tra, kiểm tra, khởi tố; xây dựng thủ tục đặc biệt để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng, chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp điều tra để truy nguyên tài sản phạm tội, phong tỏa, kê biên và bán đấu giá tài sản là tang vật của vụ án. Sửa đổi Điều 128 và Điều 129 Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng quy định khi cơ quan tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thụ lý) kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án thì cần có sự tham gia của đại diện cơ quan Thi hành án dân sự nơi có tài sản kê biên phối hợp, xử lý.

(3) Hoàn thiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp theo hướng: Bổ sung các quy định về thu hồi tài sản và xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường hợp tác quốc tế trong xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam; thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài; xác lập cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong việc thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, bảo đảm thực hiện hiệu quả tương trợ tư pháp trong thu hồi tài sản trong quá trình tố tụng giải quyết các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế và thi hành các bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế theo hướng: Xây dựng quy định tăng cường các biện pháp truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng, kinh tế mà người phạm tội đã tẩu tán ra nước ngoài; quy định trách nhiệm của cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp (Viện kiểm sát nhân dân tối cao), trách nhiệm phối hợp thực hiện, cung cấp thông tin của các cơ quan liên quan (Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Ngân hàng…).

(4)  Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 theo hướng: Bổ sung quy định cơ chế thi hành án đặc thù đối với khoản thu hồi tài sản trong các vụ án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; quy định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc giải thích, đính chính bản án theo quy định của pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong các tổ chức, doanh nghiệp phải tực hiện việc yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự liên quan đến kinh tế, tham nhũng; bổ sung quy định trình tự, thủ tục về yêu cầu công nhận và cho thi hành tại nước ngoài phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Việt Nam đối với các vụ việc thi hành án chủ động; quy định cụ thể tiêu chí phân loại nguyên nhân dẫn đến việc chưa có điều kiện; cơ chế thống kê, theo dõi phù hợp để xử lý căn cơ, toàn diện và nghiêm minh loại việc này.

(5) Hoàn thiện pháp luật về Thanh tra, Kiểm toán theo hướng quy định thẩm quyền của Thanh tra viên, Kiểm toán viên được áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu có căn cứ xác định có dấu hiệu tham nhũng; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về hồ sơ ngân hàng, tài chính, thương mại có liên quan đến người bị thanh tra, kiểm tra.

Bốn là, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa tham nhũng để giảm bớt thiệt hại, thất thoát về tài sản tham nhũng. Theo đó, kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện thông qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng, đồng thời tạo dấu vết đồng tiền phục vụ cho việc truy nguyên, truy tìm, phong tỏa tài khoản khi xác định đó là tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, điều tra, tập trung xác minh, truy tìm những tài sản do phạm tội mà có thuộc sở hữu của đối tượng, người nhà đối tượng hoặc tài sản của đối tượng nhưng nhờ người khác đứng tên; khẩn trương kê biên, phong tỏa theo quy định đối với những tài sản này nhằm tránh việc đối tượng tẩu tán, tiêu hủy tài sản tham nhũng. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình liên quan đến công tác kê biên, phong tỏa, thu hồi tài sản. Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử khi thực hiện các biện pháp kê biên cần chú ý xác định hiện trạng và tình trạng pháp lý của tài sản, lập biên bản rõ ràng, chi tiết, đúng hiện trạng để có cơ sở xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án. Tòa án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, đặc biệt là trong việc xá minh điều kiện thi hành án, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để thi hành án. Đẩy mạnh thực hiện việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác thi hành án, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám sát hoạt động thi hành án. Tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp thu hồi tài sản tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong toả, xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng và thi hành án dân sự.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức có chức năng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bảy là, tích cực triển khai, thực hiện các hiệp định, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy mạnh tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong PCTN có yếu tố nước ngoài. Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài.¦


([1]) Số liệu lấy theo Báo cáo số 189-BC/BCSĐ, ngày 04/6/2020 của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

([2]) Vụ án AVG thu hồi toàn bộ số tiền nhận hối lộ là 137,644 tỷ đồng, số tiền thiệt hại cho Nhà nước 8.776 tỷ đồng; Vụ án Giang Kim Đạt xảy ra tại Công ty Vinashinline đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản có giá trị trên 300 tỷ đồng; Vụ án Trịnh Xuân Thanh xảy ra tại PV Land thu hồi 45,2 tỷ đồng...

([3]) Kết quả thi hành án về tiền năm 2018 đạt 5,67%; năm 2019 đạt 21,08 %; năm 2020 đạt 38,43%; 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất