Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII: Đảng tự “sửa mình”

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng với nhiều giải pháp làm cho Đảng ngày càng tiến bộ, trưởng thành. Nhiệm kỳ Đại hội XII, trước tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là một nghị quyết rất quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn nóng bỏng. Tạp chí Xây dựng Đảng xin giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII: Đảng tự "sửa mình" gồm 3 bài bàn về vấn đề triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của tác giả Phạm Giang.


Bài 1: Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng

Đó chính là lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Khắc ghi lời Bác, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng, không giấu giếm khuyết điểm, tự phê phán, chỉ rõ những yếu kém, bất cập và phân tích rõ những yếu kém đó do đâu mà có, từ đó đề ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Đây là Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng BCH Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành nhằm cụ thể hóa và thực hiện nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm  vụ  trọng  tâm  về  xây  dựng  Đảng  của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Nhận diện đúng để hành động

Trong  điều  kiện  đảng  duy  nhất  cầm quyền, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh  là  yếu  tố  then  chốt  bảo  đảm  giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Khi xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về  tư  tưởng chính  trị, đạo đức,  lối sống cần được ngăn chặn, khắc phục kịp thời,  từ  kết  quả  thực  hiện  Nghị  quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy  lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Việc BCH Trung ương xác định đây là vấn đề cấp bách đầu tiên trong nhiều vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng cho thấy tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên không những không giảm mà  còn gia  tăng,  từ “một  số” đến “một bộ phận”, rồi đến “một bộ phận không nhỏ” và tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực  ở  các  cấp,  ngành,  lĩnh  vực  ngày  càng nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; giảm uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nghị quyết lần này nhằm cụ thể hóa thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp lớn về xây dựng Đảng mà Đại hội XII của Đảng đề ra; vừa kế thừa, phát triển và tiếp tục đẩy mạnh  thực  hiện  Nghị  quyết  Trung  ương  4 (khóa XI),  nhất  là  những  việc  đề  ra  nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt; đồng thời có nội dung mới so với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Nội dung mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư  tưởng chính  trị và đạo đức,  lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vấn đề suy thoái trong cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta chỉ ra  và  cảnh  báo  từ Đại  hội  II  của Đảng  (2- 1951) với những biểu hiện là tham ô, hủ hóa, chủ quan, địa vị, công thần... Nhưng chỉ đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), lần đầu tiên Đảng ta không chỉ định tính mà còn định lượng, định danh 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Theo đó, BCH Trung ương nhận diện, đưa ra một hệ thống khá đầy đủ, toàn diện, đồng bộ về những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh về sự nguy hiểm khôn lường của  những  biểu  hiện “tự  diễn  biến”,  “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, đồng thời chỉ rõ cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,  đạo  đức,  phong  cách Hồ Chí Minh.

Việc BCH Trung ương chỉ ra những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vừa giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự liên hệ, “tự soi, tự sửa, tự gột rửa” những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém của mình; vừa góp ý, giúp đỡ các đồng chí khác cùng tiến bộ, đồng thời cũng làm cơ sở để xử  lý những  trường hợp vi phạm. Đó  là bước  tiến mới  về  nhận  thức  và  hành  động trong  thực  tiễn  công  tác  xây  dựng  Đảng, không chỉ khắc phục tình trạng chung chung, né tránh, mà còn công khai, cụ thể về những thói xấu, căn bệnh làm tổn hại vị thế, vai trò, năng lực và uy tín của Đảng cầm quyền.

Qua các kỳ đại hội Đảng, công tác xây dựng Đảng  được  thực  thi  trên  ba  phương  diện: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đại hội XII bổ sung nhóm nội dung mới so với Đại hội XI là xây dựng Đảng về đạo đức. Như vậy, từ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng bao gồm 4 nội dung: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nghị quyết Trung ương 4 đã cụ thể hóa nội dung xây dựng Đảng về đạo đức ngang tầm mục  tiêu  chính  trị mà Đại  hội XII  của Đảng đề ra. Trong quá  trình  thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở đã kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những quy định về nêu gương bằng những việc  làm  cụ  thể, thiết  thực  là một  trong những cách  làm  linh hoạt, sáng tạo, đưa nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Ở đây, Đảng ta đã nhận diện đúng để hành động đúng, sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới rất quyết liệt vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.

Đột  phá  vào  những  vấn  đề mới,  khâu khó, khâu yếu

Ngày  9-12-2016,  lần  đầu  tiên  một  Nghị quyết Trung ương được Bộ Chính trị tổ chức quán  triệt bằng hình  thức  trực  tuyến  tới các tỉnh, thành phố với hơn 12.000 đại biểu tham dự. Sự có mặt đông đủ của các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư, uỷ viên BCH Trung ương, cán bộ chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước đã thể hiện quyết tâm cao của toàn Đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Cấp uỷ các cấp đều tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết đến các tổ chức đảng trực thuộc, đến từng đảng viên và thảo luận  thông qua chương  trình hành động của cấp mình.

Từ 27 biểu hiện mà Trung ương chỉ ra, các tỉnh, thành uỷ trong cả nước đã có những cách làm sáng tạo trong việc nhận diện, cụ thể hóa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giúp cán bộ, đảng viên thường xuyên tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Tỉnh uỷ Trà Vinh cụ thể hóa thành 82 biểu hiện. Tỉnh uỷ Ninh Bình cụ thể hóa thành 90 biểu  hiện, in thành sổ, phát hành trongĐảng bộ. Tỉnh uỷ Nghệ An cụ thể 27 biểu hiện theo 5 cấp độ để nhận biết, đánh giá và có biện pháp xử  lý  thích hợp đối với các biểu hiện: Không có biểu hiện; có biểu hiện nhưng chưa rõ; có biểu hiện nhưng không thường xuyên; vi phạm nghiêm  trọng; vi phạm  rất nghiêm trọng. Tỉnh uỷ Phú Thọ cụ thể thành 65 biểu hiện theo 3 nhóm đối tượng: Nhóm biểu hiện nhận diện chung đối với tất cả các đảng viên gồm 41 biểu hiện; nhóm nhận diện biểu hiện đối với đảng viên hưu  trí gồm 41 biểu hiện chung và 1 biểu hiện riêng; nhóm biểu hiện đối với đảng viên đang công tác và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm 64 biểu hiện. Tỉnh uỷ Bắc Kạn cụ thể thành 135 biểu hiện, đồng  thời BTV Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực  hiện  đợt  sinh  hoạt  chính  trị  “tự  kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đối với các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; các đồng chí thuộc diện BTV Tỉnh ủy, BTV cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý. Đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đã giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tự rà soát lại quá trình công tác, phân tích những hạn chế, khuyết điểm có liên quan  trực  tiếp hoặc gián  tiếp đến  trách nhiệm của bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục, góp phần xây dựng tập thể  cấp ủy,  cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của BCH Trung ương khóa XII  tại Đại  hội XIII  của Đảng  khẳng định: Nhiều vấn đề khó, phức tạp đã được đặt ra và thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả thấp, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, thì nay đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Thực tiễn kết quả công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy đột phá đầu tiên là vào khâu hoàn thiện thể chế. Chưa có nhiệm kỳ nào Trung ương  tiến hành sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh và ban hành mới nhiều quy định, quy trình trong công tác cán bộ như nhiệm kỳ này. Để chống chạy  tuổi, Ban Bí  thư Trung ương Đảng ban hành Thông báo số 13-TB/TW ngày 17-8-2016 về việc xác định tuổi của đảng viên. Để kiểm soát  tài sản của  lãnh đạo cấp cao, BCH Trung ương ban hành Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23-5-2017 về kiểm tra, giám

sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính  trị, Ban Bí  thư quản  lý. Để khắc phục  tình  trạng  chạy  quy  hoạch,  chạy  luân chuyển, BCH Trung ương ban hành Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 về luân chuyển cán bộ, theo đó không điều động, luân chuyển những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển. Ngày 15-11-2017, BCH Trung ương ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, quy định cụ  thể về  thời hiệu xử  lý đảng viên vi phạm, khắc phục được  tư duy nhiệm kỳ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, ngày 28-12-2017 Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 43-TB/TW về “tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ”, đã phát hiện hàng chục nghìn trường hợp bổ nhiệm sai quy trình, thủ tục hay thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Ngay sau đó Ban Bí thư ban hành Kết luận 71-KL/TW ngày 24-3-2020 về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức... Và để chuẩn bị cho công tác nhân  sự  đại  hội  đảng  bộ  các  cấp  nhiệm  kỳ 2020-2025, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy  chức,  chạy  quyền.  Lần  đầu  tiên,  việc kiểm soát quyền lực được pháp quy hóa, cũng là lần đầu tiên Đảng chỉ rõ những hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, đồng thời đề ra chế tài xử lý, biện pháp khắc phục…

Công tác cán bộ luôn được coi là then chốt của  then chốt,  trong đó đánh giá cán bộ là khâu khó nhất và được Đại hội XII của Đảng thừa nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn  là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ”. Do đó các cấp ủy  đã  nỗ  lực  đổi mới  để  khắc  phục  khuyết điểm, hạn chế trong khâu này. Quảng Trị là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và triển khai có hiệu quả việc đánh giá cán bộ  thông qua bộ tiêu  chí  chấm điểm. Bằng việc quy định  rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung, quy trình thực hiện việc đánh giá cán bộ; mở rộng dân chủ, lượng hóa các tiêu chuẩn đánh giá bằng những thang điểm cụ thể; đẩy mạnh phân cấp trong  đánh  giá  cán  bộ...  đã  tạo  ra  những chuyển biến tích cực, phản ánh được năng lực, mức độ tín nhiệm; khắc phục được một bước tình trạng cảm tính, nể nang, bệnh thành tích, hình thức. Nếu các năm trước đây, hầu như tất cả cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đến nay số cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã giảm, cụ thể: Năm 2016 có 61/81 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (74,07%); năm 2017 có 48/82 đồng chí (58,53%); năm 2018 có 16/80 đồng chí (20%), trong đó BTV Tỉnh ủy có 2/13 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2019 có 14/71 đồng chí diện BTV quản  lý  (19,8%),  trong đó BTV Tỉnh ủy có 3/14 đồng chí.

Để đánh giá thực chất hơn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là mối quan hệ gắn bó giữa  cán bộ và nhân dân, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Quy định  số 827-QĐ/Tu ngày 17-12-2018 về việc lấy phiếu đánh giá, nhận xét đối với cán bộ  thuộc diện Tỉnh ủy quản  lý  tại  nơi  cư  trú.  Từ  năm  2019,  chủ trương này được thực hiện đồng bộ trong các cấp ủy, tất cả cán bộ diện BTV Tỉnh ủy, BAN THƯờNG Vụ các huyện, thành, thị ủy quản lý phải được lấy phiếu đánh giá uy tín hằng năm. Kết quả đánh giá, nhận xét  là cơ sở quan  trọng giúp BAN THƯờNG Vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đánh giá đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý một cách chính nxác,  khách  quan.  Trong  đó,  năm  2018  có 223/425  đồng  chí  (52,5%)  đạt  100%  phiếu nhận xét tốt ở tất cả các tiêu chí; năm 2019 là 215/409  đồng  chí  (52,6%);  năm  2020  có 317/401 đồng chí (79,05%). Cá biệt năm 2018 có 34/425 (8%), năm 2019 có 10/409 (2,4%), năm 2020 có 6/401  (1,5%) cán bộ có phiếu đánh giá kém. Việc đánh giá cán bộ thông qua sản phẩm hay phân công nhiệm vụ cụ thể, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm được nhiều tỉnh, thành thực hiện.

Tỉnh uỷ Hậu Giang chủ động xây dựng chương  trình hành động của cấp ủy và kế hoạch hành động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, BTV Tỉnh ủy phân công cụ thể từng đồng chí: Bí  thư,  thường  trực  tỉnh uỷ,  trưởng ban tuyên giáo, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, trưởng ban dân vận... chịu trách nhiệm từng công việc, nhất là những công việc có tính chất đột phá, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được dư luận quan tâm để tập trung giải quyết, xác định thời gian giải quyết dứt điểm. Cách làm này đã giúp cho công tác triển khai các nghị quyết của tỉnh hoàn thành đúng thời gian, đạt chất lượng theo kế hoạch, đồng thời việc đánh giá cán bộ cũng thực chất hơn dựa trên hiệu quả công việc được giao, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong đánh giá cán bộ.

Từ năm 2017, BTV Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm giữa các đồng chí bí thư cấp huyện, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với BTV Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Xác định đây là cách làm mới, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không cam kết các nội dung  chung  chung mà định hướng  “đặt hàng” từ 3 đến 4 đầu việc cụ thể, cấp bách nổi lên cần tập trung giải quyết bằng cam kết trách nhiệm của người đứng đầu. Cách làm này tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn tỉnh và đạt kết quả rõ nét, trước hết là sự thay đổi thực sự về kỷ cương, kỷ luật, về tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Việc xác định rõ ràng, cụ thể các nội dung cam kết với BTV Tỉnh ủy không chỉ là “chìa khóa” để các địa phương, đơn vị chọn việc, chọn thời điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, mà còn đánh giá đúng năng lực của cán bộ thông qua việc thực thi nhiệm vụ chính trị. Mỗi nơi một cách làm, song khi cấp ủy và người đứng đầu quyết  tâm  cao, nỗ  lực  lớn, hành động quyết  liệt  thì vấn đề dù khó đến mấy vẫn từng bước được tháo gỡ để thực hiện được mục tiêu cuối cùng là đánh giá đúng cán bộ,  chọn  đúng  người  và  bố  trí  đúng  việc. Thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự với tỷ lệ phiếu bầu cao là minh chứng cho thấy công tác cán bộ đã thực sự có những chuyển biến tích cực, hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)  đã  thể  hiện  quan  điểm  nhất  quán  của Đảng ta là: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Trước khi có Nghị quyết, mấy ai  trong chúng  ta nghĩ rằng  lười học  tập cũng  là biểu hiện của sự suy  thoái? Đây là sự dũng cảm và trung thực chính trị khi Đảng không ngần ngại, không né tránh, tự phê phán, chỉ ra những yếu kém, bất cập của mình, nhất là những suy thoái nghiêm trọng, phổ biến đang diễn ra trong nội bộ. Kết quả thăm dò dư luận  xã  hội  của Viện Dư  luận  xã  hội, Ban Tuyên giáo Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho thấy đã đạt kết quả đáng phấn khởi, tăng từ 39% (năm 2018) lên 59% (năm 2019). Nhận diện để hành động đúng, trúng là mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) hướng tới.

Bài 2: Khi quyết tâm trở thành hành động chính trị

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ban hành được đảng viên và nhân dân đồng tình, đón nhận. Nghị quyết đã sớm đi vào cuộc sống, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái  về  tư  tưởng  chính  trị,  đạo  đức,  lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của không ít cán bộ, đảng viên. Nhiều giải pháp đã được thực hiện có hiệu quả, kết hợp giữa “xây” và “chống”; “chống” nghiêm túc nhưng đầy nhân văn, “xây” trên nền nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Phía sau những con số…

Với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), những vấn đề cấp bách của cuộc sống đã được đưa vào Nghị quyết trở thành hiện thực sinh động. Trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện Nghị quyết đạt được nhiều kết quả hợp ý Đảng, lòng Dân, trong đó dấu ấn rõ nhất là tinh thần quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm của Đảng là phải đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.  Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Tổng Bí  thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”. Đó là tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, khiến một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhụt chí,  làm “cầm chừng”, giữ “an  toàn”. Chính quyết tâm chống tham nhũng luôn được lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước quan tâm, thúc đẩy, duy trì. Hầu hết các cán bộ lão thành và nhân dân cho đó chính là “động lực chính” tạo nên những kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực  trong 5 năm qua, có ý nghĩa quan  trọng củng cố và khôi phục niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Từ bản án dành cho Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, người dân bắt đầu tin rằng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” không chỉ là khẩu hiệu suông. Nhiều vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, bất kể người đó là ai, trong lĩnh vực nào dần được xử lý nghiêm khắc, dứt điểm. Từ sai phạm trong cơ quan công quyền, cơ quan bảo vệ thực thi pháp luật, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hay các cấp ủy địa phương, tập đoàn kinh  tế, ngân hàng. Từ sai phạm  trong công tác cán bộ, đến quản lý kinh tế, thực hiện các dự án hay đấu  thầu, mua  sắm  trong các ngành, lĩnh vực… đều bị đưa ra ánh sáng và xử lý công minh. Chưa bao giờ các vụ việc sai phạm lại bị phanh phui, xử lý quyết liệt như trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, nhất là việc có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý bằng pháp luật. Lần đầu tiên tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” không còn là “đường mòn” cho những cán bộ tham nhũng thực hiện “những chuyến tàu vét”.  Nhiều  cán  bộ,  đảng  viên  vi  phạm  đã không thể “hạ cánh an toàn” dù đã chuyển công tác sang cơ quan khác hoặc đã nghỉ hưu. Lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta quyết định kỷ luật, khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật về tội tham nhũng đối với một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị. Quyết tâm chính trị cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là người đứng đầu Đảng ta đã biến thành hành động cụ thể, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc  tồn  đọng,  kéo  dài  nhiều  năm  vì  “nhạy cảm” được xử lý dứt điểm, nghiêm minh với các mức án nghiêm khắc. Từ đó siết chặt kỷ cương,  kỷ  luật  đảng,  đề  cao  pháp  luật Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc  tổng  kết  công  tác  phòng,  chống  tham nhũng  giai  đoạn  2013-2020  nêu  rõ: Từ  khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là trong nhiệm  kỳ  Đại  hội  XII  của  Đảng,  công  tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là kết quả nổi bật trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.  Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 126 vụ án (637 bị cáo) nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm; đã tuyên phạt 3 án tử hình, 13 án chung thân, 8 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm, 20 bị cáo bị phạt tù từ 20 năm đến dưới 30 năm, 546 bị cáo bị phạt tù từ 12  tháng đến dưới 20 năm, cải  tạo không giam giữ 16 bị cáo. Điển hình như các vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam  (Vinashin); Công  ty  cổ  phần VN Pharma; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam;  vụ  án Phạm Công Danh và đồng phạm; vụ án AVG; vụ án tại Ngân hàng Phương Nam; vụ án tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân…

Một trong những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng là việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả hơn so với trước đây, xử lý cán bộ sai phạm đồng thời thu hồi được tài sản thất thoát. Năm 2016, tỉ lệ thu hồi  tài  sản  trong  các  vụ  án  tham  nhũng  đạt 26%, năm 2017 đạt 29,4%, năm 2018 đạt 19%, năm  2019  đạt  47,32%  và  năm  2020  đạt 38,43%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, riêng các vụ  việc,  vụ  án  tham  nhũng  kinh  tế  nghiêm trọng, phức tạp diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong toả tài khoản hơn 84.000 tỉ đồng. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, kẻ tham nhũng không thể “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nếu trước đây chống tham nhũng chỉ mới nặng về xử lý các đối tượng ở cơ sở, thì bây giờ những đối tượng “đứng trên pháp luật”, vi phạm pháp luật đều phải xử đúng khung, điều, khoản của luật, bất kể là ai, ở vị trí nào, đương chức  hay  nghỉ  hưu. Lỗi  vi  phạm  không  chỉ dừng lại ở “thiếu trách nhiệm” hay “cố ý làm trái” mà là tội tham ô, hối lộ, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã được gọi đúng tên, chỉ đích danh… Và trong “bộ phận không nhỏ” này có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, có nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, cán bộ lãnh đạo của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, thậm chí có cả thứ trưởng của các ngành trọng yếu như công an, quân đội...

Đó là những con số ấn tượng mà công tác phòng, chống tham nhũng đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Việc này không làm giảm  tinh  thần đổi mới, sáng  tạo, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không làm chậm sự phát triển của đất nước. Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “chỉ mặt, điểm tên” bộ phận suy thoái để đưa ra khỏi hệ thống công quyền, giữ vững ổn định chính trị, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Con số này đã góp phần định hình bức tranh toàn cảnh về tội phạm tham nhũng, đồng thời nói lên quyết tâm chính trị, sự nỗ lực cố gắng quyết liệt của các tổ chức đảng, cùng các cơ quan chức năng như nội chính, ủy ban kiểmm tra các cấp trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự quyết liệt trong hành động của Đảng đã khẳng định: Mục đích đầu tiên và cuối cùng của Đảnglà vì Dân. Vì thế, tất cả hành động không vì Dân cần phải loại bỏ. Mất cán bộ là điều không ai muốn, nhưng mất niềm tin của Nhân dân là tổn hại nghiêm trọng đến sự tồn vong của Đảng, chế độ và tương lai đất nước.

Chính quyết tâm chính trị cao từ Trung ương Đảng, nhất là người đứng đầu Đảng đã tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị với những kết quả tích cực. Ngày 15- 9-2021, tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nếu không suy thoái về đạo đức, lối sống thì sẽ không có tham nhũng. Tham nhũng là hệ quả của những con người hư hỏng về phẩm chất đạo đức. Cho nên phải chống tham nhũng và chống  tiêu cực. Có  thể  thấy, nếu Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) đặt ra vấn đề Đảng tự sửa mình trước những nguy cơ sống còn của Đảng,  đất  nước  thì  cuộc  chiến  chống  tham nhũng là một bước đi chiến lược đúng, trúng để hiện thực hoá quyết tâm của Đảng một cách hiệu quả nhất. Kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy 93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó rất tin tưởng chiếm tỷ lệ 54% càng minh chứng thêm cho tính đúng đắn, hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết.

Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực

Quảng Ninh  là  cái  nôi  thử  nghiệm  nhiều chính  sách  cải  cách về  thể  chế,  tinh gọn bộ máy, đổi mới công tác cán bộ... Hiện nay, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ở Quảng Ninh (2015-2020) tăng 10,7%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đến hết 2020 đạt  trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Qua khảo sát, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với hệ thống chính trị của tỉnh nói chung và đối với hệ thống chính trị ở cơ sở nói riêng được nâng lên từ 73,3% (năm 2016) lên 79% (năm 2017), 85,1% (năm 2018) và 96,1% (năm 2019). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ vị trí 62/63 tỉnh, thành phố năm 2016, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc năm 2019... Thành công ấy là kết quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó, rõ nét nhất là sự nỗ lực, nêu gương đi đầu của từng cấp ủy viên, tổ chức đảng, nhất là quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đồng chí Bùi Thuý Phượng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Quảng Ninh luôn xác định công  tác cán bộ có vị  trí  then chốt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt với những đồng chí đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên. Chọn đúng người để giao việc, lan tỏa tinh thần nêu gương đi đầu, từng bước “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” là cách làm hiệu quả để Quảng Ninh xây dựng, Đảng bộ tỉnh đạt được sự trong sạch, bền vững. Tại đại hội đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở ở Quảng Ninh vừa qua, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã  tạo dấu ấn mạnh mẽ, nhiều bí thư cấp ủy cấp huyện được điều động, luân chuyển đến những nơi khó khăn để rèn luyện,  thử thách và góp phần đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khi đang là Bí  thư  Tỉnh  đoàn,  tháng  5-2017 đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà được BTV Tỉnh ủy điều động về làm Bí thư Huyện ủy Đầm Hà. Đầm Hà lúc đó có 3 xã nằm trong chương trình 135, 19 thôn đặc biệt khó khăn, 30,8% dân số toàn huyện là đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10,1%; kết cấu hạ  tầng kinh  tế  - xã hội của huyện  chưa  được  đầu  tư  đồng  bộ.  Những nhiệm kỳ trước, Đầm Hà chỉ đặt ra nhiệm vụ “giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm đời sống cho người dân”. Với trách nhiệm người đứng đầu  cấp  ủy,  khi  nhận  nhiệm  vụ,  đồng  chí Nguyễn Thị Thu Hà đã xác định phải tạo bước phát triển đột phá cho Đầm Hà xóa đói nghèo, đưa kinh tế Đầm Hà phát triển, để cuộc sống người dân ngày một tốt lên. Huyện ủy Đầm Hà đã ban hành, sửa đổi, bổ sung đầy đủ hệ thống các văn bản bảo đảm thực hiện công khai, dân chủ các khâu trong công tác cán bộ.

Trên cơ sở đó, Huyện ủy thực hiện các đợt luân chuyển cán bộ từ các phòng, ban của huyện về các địa phương giữ vai trò người đứng đầu cấp ủy. Sau đại hội đảng bộ cấp cơ sở, toàn huyện có 9/9 xã có bí thư cấp ủy không là người địa phương. Huyện ủy Đầm Hà mở rộng luân chuyển đội ngũ công chức xã, huyện nhằm hạn chế sức ì trong cán bộ. Sau một thời gian, Đầm Hà đã xuất hiện nhiều mô hình kinh  tế mới, dự án khởi nghiệp sáng tạo; cán bộ làm việc với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám đề xuất, dám thực hiện. Các dự án lớn đã tìm về Đầm Hà đầu tư, đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng ngàn  người  dân,  đánh  dấu  sự  chuyển mình mạnh mẽ. Đầm Hà đã hoàn thành Chương trình 135 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Đến cuối năm 2020, toàn huyện còn 15 hộ nghèo (0,1%); 6/9 xã không còn hộ nghèo; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ số cải cách hành chính  (Par  Index) đứng  thứ 3 top xuất sắc toàn tỉnh (tăng 4 bậc); chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp (SIPAS) xếp thứ 4; chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) xếp thứ 6 toàn tỉnh.

Những năm qua, Tỉnh ủy Hậu Giang luôn chú  trọng  việc  nêu  cao  vai  trò  tiên  phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền  trong  thực hiện chức  trách, nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy đã góp phần tác động, tạo hiệu quả tích cực đẩy lùi sự suy thoái trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 135-QĐ/TU về tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh, Các cấp ủy, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân, được nhân dân đồng tình và phấn khởi. Riêng  các  cơ  quan  nhà  nước  các  cấp trong tỉnh từ năm 2016 đến nay đã tiếp nhận và giải quyết 484 đơn thư khiếu nại, tố cáo của người  dân  đúng  thẩm  quyền;  tổ  chức  2.255 cuộc  tiếp dân định kỳ và đột xuất với 3.199 người dự; tổ chức đối thoại trực tiếp và đột xuất 57 cuộc với 169 người dự. Nổi bật nhất là tỉnh tổ chức 7 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp), xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), Khu du lịch sinh thái Nông  trường Mùa Xuân  (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp), Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng  (xã  Phương Bình, huyện Phụng Hiệp), huyện Châu Thành A... có trên 10.000 đại biểu tham dự với 1.861 ý kiến đóng góp của nhân dân được ghi nhận và giải quyết,  tạo được sự đồng  thuận cao, củng cố niềm tin trong nhân dân về quyết tâm đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, tha hóa trong cán bộ, đảng viên.

Các hành vi tham nhũng không chỉ gây thiệt hại  lớn về vật chất, mà quan trọng hơn nó làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy của Đảng, chính quyền, xói mòn niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Một trong  những  nguyên  nhân  dẫn  đến  tệ  tham nhũng khó kiểm soát ở nước ta là do hệ thống thủ tục hành chính rườm rà. Để nhanh “được việc”,  các  cá  nhân,  doanh  nghiệp  đã  dùng “phong bì” để “bôi trơn”, khiến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu bản lĩnh chính trị, sa ngã, suy thoái đạo đức, lối sống; thực hiện hành vi tham nhũng với mưu đồ đem lại lợi ích vật chất. Giải pháp để kiểm soát các hành động  tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước đó  chính  là  thực  hiện  cải  cách  hành  chính, công khai, minh bạch hóa các thủ tục và siết chặt kỷ luật, kỷ cương để đội ngũ cán bộ, công chức không thể hay không dám tham nhũng, nhận hối lộ.

Năm  2020  là  năm  kết  thúc  chương  trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước 10 năm giai đoạn 2011-2020. Đây cũng là năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định thành tích cải cách hành chính bằng việc lần thứ 6  liên  tiếp dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính  trong số các bộ, ngành. Từ năm 2013 đến năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục thực hiện tốt các quy định về công khai, minh  bạch  trong  hoạt  động  tham mưu  ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành về tiền tệ, tín dụng; kết quả kiểm tra, trích lập và sử dụng các quỹ, việc góp vốn, tăng vốn, chuyển nhượng cổ phần; việc mua sắm trang thiết bị; mục đích, nội dung dự án, số liệu dự toán, quyết toán, đấu thầu; việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển cán bộ, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức... 10 năm qua, đã có hơn 80% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và  cải  thiện môi  trường. Toàn Ngành Ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, chủ yếu là cán bộ làm công tác tín dụng, kho quỹ, giao dịch viên, kế toán thanh toán, thanh tra và tổ chức - cán bộ. Hàng nghìn đơn vị ngân hàng thực hiện kiểm tra việc thực  hiện  quy  tắc ứng  xử,  quy  tắc  đạo  đức nghề nghiệp, phát hiện và xử lý hàng trăm cán bộ, nhân viên vi phạm, trong đó có nhiều cán bộ giữ vị  trí  lãnh đạo, quản  lý. Chính quyết tâm của cấp ủy, người đứng đầu Ngành trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng hoạt động đã mang lại kết quả tích cực, góp phần quan  trọng  trong việc đẩy  lùi  suy thoái tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã cho chúng ta nhận diện khá đầy đủ về thực trạng suy  thoái,  “tự  diễn  biến”,  “tự  chuyển  hóa” trong cán bộ, đảng viên. Nghị quyết không chỉ khẳng định rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh chống quan liêu,  tham nhũng,  lãng phí,  tiêu cực,  lợi  ích nhóm, mà còn biến quyết tâm đó thành hành động cụ thể, kết hợp giữa “xây” và “chống”; muốn “xây” phải “chống” và “chống” nhằm mục  đích  “xây”  được  tốt  hơn. Đây  là minh chứng sinh động cho thấy khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thống nhất ý chí và hành  động,  nhất  là  vai  trò  nêu  gương,  tiên phong của người đứng đầu, bài  toán dù khó mấy cũng có lời giải. Kết quả việc thực hiện Nghị  quyết Trung  ương  4  (khóa XII)  trong nhiệm  kỳ  qua  đã  góp  phần  đấu  tranh,  ngăn chặn một bước quan  trọng về  tình  trạng suy thoái  trong  Đảng,  góp  phần  làm  cho  Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Bài 3: Nghị quyết không có nhiệm kỳ

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Trung ương chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, thực hiện quyết liệt, đạt được kết quả rất quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Phát huy kết quả, khắc phục hạn chế, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu  tranh, xử  lý nghiêm minh sự  suy  thoái về  tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc Đảng tiếp tục quyết liệt làm trong sạch đội ngũ không chỉ là quyết tâm của một nhiệm kỳ mà là nhiệm vụ chiến lược với một tầm nhìn dài hạn, cần được kế tục, thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bài học không bao giờ cũ

Sinh  thời, Chủ  tịch Hồ Chí Minh  đã  dạy  “Đảng  có  vững cách mệnh mới  thành  công”. Lịch  sử  cách mạng Việt Nam trong hơn 91 năm qua là minh chứng sinh động, có tính thuyết phục cao về vai trò của công tác xây  dựng  Đảng.  Tại  Đại  hội XIII  của  Đảng,  công  tác  xây dựng,  chỉnh  đốn Đảng  không chỉ được đề cập trong Báo cáo chính trị, mà còn được trình bày riêng  trong Báo  cáo  tổng  kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều  lệ Đảng. Công  tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấutranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực. Đây chính  là  cơ  sở  và  động  lực  to  lớn  để  hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn  chế”. Và nguyên nhân  của mọi nguyên nhân bao giờ cũng là cán bộ và công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: Chúng ta có thể chiến thắng giặc ngoại xâm, nhưng có thể thất bại trước “giặc nội xâm”. Tổng  Bí  thư,  Chủ  tịch  nước  Nguyễn  Phú Trọng nhấn mạnh: Công  tác cán bộ cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó liên quan đến con người,  là  “công  tác  con  người”.  Cuộc  đấu tranh chống suy thoái ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp và muôn vàn khó khăn. Vì vậy, để chiến thắng, các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải chỉ đạo chặt chẽ và tiến hành thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, những giải pháp mạnh mẽ.  Từ thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Trong đó, bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhấn mạnh: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng  phải  được  triển  khai  quyết  liệt,  toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Đồng thời, Đại hội nhấn mạnh xây dựng Đảng về cán  bộ:  “Công  tác  cán  bộ  phải  thực  sự  là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất  là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên phải thực  hiện  trách  nhiệm  nêu  gương  theo phương  châm  chức  vụ  càng  cao  càng  phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương”.

Cần đánh giá khách quan những kết quả đạt được và thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, kịp thời xử lý bất cập, phát sinh từ thực tiễn công tác cán bộ để “cái gốc của mọi công  việc”  được  xây  dựng  đúng  như  chủ trương  của  Đảng  và  mong  muốn,  nguyện vọng của Nhân dân. Nhiệm kỳ 2015-2020, Trung ương và cấp ủy các cấp đã hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và ban hành đồng bộ nhiều văn bản làm cơ sở để công tác cán bộ thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để đội ngũ cán bộ,  công  chức không  thể và không  có điều kiện tham nhũng. Nhưng thực tế cho thấy, dù quy trình trong công tác cán bộ chặt chẽ, nhiều cán bộ với quyền lực trong tay vẫn có thể tham nhũng trong nhiều khâu của công tác cán bộ bằng việc nhân danh tập thể, cấp ủy làm “đúng quy trình” với các hình thức ngày càng tinh vi nhằm vụ lợi cá nhân, che đậy, hợp pháp hóa việc bố trí người nhà, người quen vào những vị trí quan trọng. 

Nguyên nhân được lý giải phổ biến nhất là do kẽ hở trong cơ chế, quy chế, quy định để cán bộ có thể, cố tình “lách”, làm khác, làm trái vì mục đích cá nhân. Nhưng nguyên nhân chủ quan chính là do không ít cán bộ, đảng viên “thiếu tự trọng, thừa lòng tham”. Khi họ đã tự mình từ bỏ mục tiêu, lý tưởng và lời thề khi vào Đảng trước những cám dỗ vật chất, họ sẽ tìm mọi  cách đạt được  tham vọng  cá nhân, không từ một thủ đoạn nào, quỵ lụy, cúi mình, nịnh nọt, chạy chọt để có được “cái ghế”, từ đó dễ bề tạo dựng phe cánh, lợi ích nhóm. Thật đau buồn, số cán bộ đánh mất lòng tự trọng vẫn còn  tồn  tại và cũng chính sự  thờ ơ, vô cảm, thiếu dũng khí của nhiều đảng viên đã tiếp tay, sinh ra “một bộ phận không nhỏ” cán bộ chỉ muốn leo cao để vơ vét cho đầy túi tham.

Bác Hồ  đã  dạy: Trước mặt  quần  chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Do vậy, Đảng phải thường xuyên quan tâm rèn giũa, giáo dục, xây dựng đội ngũ. Bởi thực tế giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chưa bao giờ dễ dàng khi một số phần tử thoái hóa biến chất đã phủ cho mình lớp vỏ khó phát hiện, một năm mấy lần đánh giá định kỳ của cấp ủy, cơ quan, địa phương mà thậm chí họ còn được đánh giá hoàn thành xuất sắc, đảng viên  tiêu biểu… Bởi, đấu  tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là đấu tranh với cái vô hình, bên  trong của mỗi cá nhân, là vấn đề trừu tượng, khó định lượng.

Chính điều này đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên ngày càng trượt dài hơn và số đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, phải thi hành kỷ luật, thậm chí là kỷ luật nặng còn nhiều.  Nhìn vào một số vụ việc cụ thể gần đây thấy rõ, sở dĩ cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện tại một số nơi có thể “cài cắm” con em mình vào các vị trí chủ chốt là do công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành, mặt trận chưa đạt yêu cầu, còn buông lỏng. Còn nhớ, dư luận cả nước xôn xao khi đồng chí Nguyễn Nhân Chinh (con  trai nguyên Bí  thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) được BTV Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định tham gia BCH, BTV và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025… Có phải đây  là  trường  hợp  cán  bộ  đã  lợi  dụng  việc “đúng quy  trình” để  làm “giấy  thông hành” cho người thân tiến thân, thực hiện “một người làm quan cả họ được nhờ”? Đó là chưa kể một số  trường hợp  chưa đủ  tiêu  chuẩn,  tiêu  chí chức danh nhưng vẫn được bố trí, giao việc.

Và khi không đủ tiêu chuẩn giữ vị trí quyền lực, họ vẫn tiếp tục chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội… “Tự mình phải chính trước, mới  giúp  được  người  khác chính.  Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn vẫn còn nguyên giá trị giáo dục hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, nếu tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất,  tiền  bạc,  được  luật  pháp  quy  định  rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, thì tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc  loại  “tham  nhũng  quyền  lực”,  “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó vạch rõ, lại càng khó khởi tố, xét xử. Việc xử lý có thể chỉ trong vài tháng hay lâu hơn nhưng hệ lụy của vấn nạn “chạy chức”, “chạy việc”, bổ nhiệm sai cán bộ để lại vô cùng nguy hại. Nó chính là nguồn gốc, nguyên nhân đẻ ra tham nhũng, tiêu cực; làm suy yếu tổ chức, xói mòn niềm tin của nhân dân. Bài học về cán bộ và công  tác cán bộ chính vì  thế  luôn  là vấn đề không chỉ của hôm nay.

Mỗi  địa  phương một  cách  làm  nhưng chung ý chí hành động

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1). Thời gian qua, công tác chống tham nhũng có kết quả tích cực là bởi quyết tâm chính trị cao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Nhưng để sức mạnh đó trường tồn, quyết tâm của người đứng đầu phải  trở  thành quyết  tâm  của  toàn Đảng và quyết tâm đó phải được pháp luật hóa.

Hiện nay, cùng với đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát, bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền  lực  trong công tác cán bộ là vấn đề được các tỉnh, thành ủy  trong  cả  nước  quan  tâm  thực  hiện  với nhiều cách  làm hiệu quả. Kỷ  luật  là để “trị bệnh cứu người”, cảnh tỉnh, răn đe; ngăn chặn từ gốc, phát hiện sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25-2-2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nhấn mạnh: Những trường hợp cán bộ và  tổ  chức đảng được phát hiện  có dấu hiệu vi phạm sẽ chuyển ủy ban kiểm tra hoặc báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Quy định này giúp đánh giá đúng công tác cán bộ, đồng thời góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Thực hiện nhóm giải pháp thứ 3 của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, từ năm 2017 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang đã tham mưu đưa chỉ tiêu công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của BCH Đảng bộ tỉnh; ban hành Chỉ  thị  số  29-CT/TU  ngày  15-5-2017  về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng”. Đây được coi là cách làm mới về công  tác kiểm  tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh, bởi từ khi chia tách tỉnh đến nay Tỉnh ủy chưa ban hành chỉ thị nào về công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu xây dựng quy trình kiểm tra của BTV Tỉnh ủy theo hướng giảm cuộc họp đối với các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra; xây dựng quy định về tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát của BTV Tỉnh ủy. Quá trình triển khai thực hiện tạo được sự chuyển biến toàn diện trong tư tưởng, nhận thức và hành động của các cấp ủy,  tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ 10 lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng  xong”(2).  Đảng  luôn  luôn  khẳng  định “quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân”, do vậy để kiểm soát được quyền lực, không thể không  phát  huy  vai  trò  xây  dựng Đảng  và chính quyền của nhân dân. Nhân dân vừa thực hiện quyền dân chủ  trực  tiếp vừa  thực hiện quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại diện là các cơ quan nhà nước, các đại biểu dân cử, mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai và xây dựng kế hoạch thực hiện các quy định của Trung ương về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của  người  đứng  đầu,  cán  bộ  chủ  chốt. Ban hành Quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong  tỉnh  đã  tổ  chức  738  cuộc  phản  biện, 2.437 cuộc giám sát, nội dung giám sát, phản biện xã hội tập trung vào những vấn đề đoàn viên, hội viên và nhân dân quan tâm. Sau giám sát, có 4.088 ý kiến, kiến nghị được gửi đến các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, xem xét, điều chỉnh, trong đó có 3.399 (83,1%) kiến nghị được giải quyết, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các  tập  thể, cá nhân có biểu hiện suy  thoái, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ban hành và  tổ chức thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan  đến  tập  thể,  cá  nhân  suy  thoái  về  tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ năm 2017 đến nay, Tổ công tác “1374” thành lập 18 đoàn giám sát làm việc trực tiếp với 22 tổ  chức  đảng;  xem  xét,  giải  quyết  277/283 (97,9%) thông tin phản ánh. Qua nghiên cứu, rà soát các thông tin phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiến hành kiểm tra 15 vụ việc tại một số địa phương, đơn vị; đã xử lý kỷ luật về mặt Đảng: khiển trách 4 tổ chức đảng và kỷ luật 65 đảng viên. Xử lý về mặt chính quyền: 29 trường hợp và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 12 trường hợp.

Cùng với quyết liệt thực hiện thí điểm các mô hình đổi mới, tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát quyền lực, trong đó xử  lý kiên quyết đối với những vi phạm của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên được  giao  quyền. Quảng Ninh  đã  tạo  điều kiện, cơ chế để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt ở những nơi thực hiện “nhất thể hóa” các chức danh lãnh đạo, quản lý. Các xã, thị trấn thực hiện mô hình chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã nghiêm túc niêm yết các nội dung phải công khai để nhân dân biết tại trụ sở HĐND, UBND, nhà văn hóa các thôn, khu và thông báo ở các cuộc họp thôn, khu, trên hệ thống loa FM của thôn, khu phố. Một số địa phương đã niêm yết công khai nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân, phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư...

Không vì thí điểm mà bỏ sót sai phạm là nguyên  tắc được các cấp ủy ở Quảng Ninh thực hiện nhằm phát huy tốt nhất vai trò giám sát, tham gia xây dựng Đảng của nhân dân. Cụ thể, những vi phạm của nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quảng La (TP. Hạ Long) trong thực hiện công trình công cộng; buông lỏng quản lý tài nguyên của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (TP. Uông Bí) hay  sự  thiếu  trách nhiệm  trong  cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Hanh (TP. Cẩm Phả)... đều do nhân dân phát hiện  thông qua giám sát. Rõ ràng ở đâu khi phát huy được vai trò giám sát của nhân dân, khi dân được biết, được bàn, được kiểm tra những chủ trương, chính sách và việc triển khai các chủ trương, chính sách trên địa bàn thì hiệu quả công việc được nâng lên. Cấp  ủy  đảng  có  thể  nhanh  chóng  vào cuộc, xử lý nghiêm minh các vi phạm nếu có.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là kết tinh tầm nhìn, quyết tâm chính trị và khả năng tổ chức hành động của cả hệ thống chính trị về  một  nhiệm  vụ  “then  chốt”  của  Đảng. Nhiệm  vụ  đó  không  chỉ  được  định  hướng, định tính mà còn định lượng; không chỉ nhận diện vấn đề ở tầm vóc, chiều sâu mà còn giải quyết vấn đề cả ở tầm chiến lược và sách lược một  cách  hiện  thực,  khả  thi. Nó  cung  cấp không chỉ về nhận thức mà quan trọng nhất là giải pháp và cách thức xử lý vấn đề. Những kết quả đạt được  trong quá  trình  thực hiện Nghị quyết không chỉ có tác dụng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn giữ vững ổn định chính  trị,  thúc đẩy phát  triển kinh  tế  - xã hội,  tăng cường  tiềm  lực quốc phòng - an ninh, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Những kết quả đó đã góp phần khôi phục, củng cố và tăng cường  niềm  tin  của  cán  bộ,  đảng  viên  và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Kết quả đó  là sự  tiếp nối chặng đường hơn 91 năm phấn đấu bền bỉ, thể hiện bản lĩnh, khát vọng phấn đấu, hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng để đất nước ta có được  cơ đồ,  tiềm  lực, vị  thế và uy  tín như ngày  nay;  đưa Việt Nam  vững  bước  đi  tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

-----

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011,

tập 5, tr .636. (2) Sách đã dẫn, tập 15, tr .280.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất