“Giữ chân” đảng viên xuất ngũ, bài toán khó cần có lời giải

Đảng viên là quân nhân xuất ngũ luôn là nguồn cán bộ chất lượng cao, là những “hạt giống đỏ” đối với các địa phương, nhất là những địa phương vùng đặc thù. Nhận thấy vai trò của đảng viên xuất ngũ đối với cơ sở, hàng năm Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 đều có văn bản, chỉ thị, hướng dẫn các Đảng bộ trực thuộc về việc tạo nguồn, phát triển đảng viên. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, 6 tỉnh trên địa bàn Quân khu có hơn 3.500 đảng viên kết nạp trong quân ngũ trở về địa phương. Tuy nhiên, khi xuất ngũ về địa phương, một bộ phận đảng viên vì nhiều lý do không tham gia sinh hoạt Đảng, dẫn tới hiện tượng “Chảy máu đảng viên”. Thực tế đó, đặt ra cho công tác phát triển Đảng trong Đảng bộ Quân đội nói chung, Đảng bộ Quân khu 4 nói riêng nhiều vấn đề cần giải quyết để “giữ chân” và nâng cao chất lượng, hiệu quả đảng viên xuất ngũ.

Bài 1: “Vườn ươm” những “hạt giống đỏ”

Tìm hiểu thực tế ở các địa phương trên địa bàn Quân khu, lãnh đạo, cấp ủy các cấp đều đánh giá cao chất lượng, vai trò, tầm quan trọng của đảng viên xuất ngũ đối với cơ sở, tất cả đều khẳng định, Quân đội chính là “vườn ươm” những “hạt giống đỏ” cho địa phương. Thực tế qua hoạt động cơ sở đã chứng minh, vai trò và những đóng góp của đảng viên kết nạp Đảng trong Quân đội đối với địa phương hết sức to lớn... Từ đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm đến việc tạo nguồn, phát triển đảng viên trong Quân đội.

Tìm hiểu qua Phòng Tổ chức Quân khu 4, chúng tôi được biết, thực hiện các chỉ thị, hướng dẫn các cấp, những năm gần đây tổ chức Đảng các đơn vị trong toàn Quân khu luôn chú trọng việc bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Đặc biệt, công tác chọn nguồn, bồi dưỡng, định hướng, kết nạp đảng viên được các tổ chức Đảng triển khai thực hiện hết sức chặt chẽ, bảo đảm quy định, Điều lệ Đảng. Nhờ vậy, đảng viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương luôn phát huy vai trò, tiền phong gương mẫu, góp phần quan trọng vào xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Bên cạnh đó, việc quản lý, bố trí, sử dụng đảng viên sau khi xuất ngũ được các địa phương tiến hành chặt chẽ. Hàng năm, trước khi đảng viên xuất ngũ đều được đơn vị chuyển hồ sơ Đảng và giới thiệu tham gia sinh hoạt tại các chi bộ, đảng bộ nơi cư trú. Tiếp nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Ban Chỉ huy Quân sự cấp phường, xã, thị trấn sàng lọc, giới thiệu cho các tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở để đảng viên xuất ngũ tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, xóm, khu phố. Nhằm vận động, khuyến khích lực lượng này đóng góp sức trẻ, trí tuệ cho quê hương, nhiều đảng viên trẻ sau khi xuất ngũ được cấp ủy, chính quyền các cấp bố trí đảm nhiệm các cương vị như: Bí thư chi đoàn và phó bí thư chi đoàn kiêm thôn đội trưởng, trung đội trưởng dân quân, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó quân sự xã, phường, thị trấn...

Thừa Thiên Huế là địa phương có những yếu tố khó khăn tác động, ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng viên và tạo nguồn cán bộ. Do vậy, những năm qua cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Thừa Thiên Huế hết sức coi trọng việc tạo nguồn và phát huy vai trò đảng viên kết nạp trong Quân đội trở về địa phương.

Huyện Phú Vang là địa phương điển hình của Thừa Thiên Huế trong công tác tạo nguồn và phát triển Đảng đối với quân nhân đang tại ngũ. Theo ông La Phúc Thành, Bí thư Huyện ủy Phú Vang, do đặc thù địa phương, số thanh niên đến tuổi trưởng thành thường đi làm ăn xa đã ảnh hưởng, tác động đến việc tạo nguồn phát triển đảng viên. Năm 2015, Huyện ủy ra Nghị quyết chuyên đề tạo nguồn và phát triển, sử dụng đảng viên trong quân ngũ về địa phương đã góp phần giải bài toán khó khăn về nguồn cán bộ. Được biết, hiện nay hơn ½ số cán bộ chủ chốt ở các xã, thị trấn của huyện Phú Vang đã trải qua quân ngũ, trong số đó có rất nhiều đồng chí kết nạp Đảng trong Quân đội và  phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình.


Đồng chí Giàng A Chống, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Ón, xã Tam Chung, Mường Lát hướng dẫn kỹ thuật 
chăm sóc ngô lai cho Nhân dân, tháng 3 năm 2021.

Đồng chí Trần Quốc Thắng, Trung đội trưởng, Trung đội dân quân biển thị trấn Thuận An là một điển hình. Sau hai năm rèn luyện ở Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 206, năm 2011, đảng viên, quân nhân Trần Quốc Thắng trở về địa phương. Với vốn kiến thức được tích lũy trong quân ngũ cùng sự gương mẫu, nhiệt tình trong mọi hoạt động, anh Thắng được bố trí đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi đoàn thôn An Hải rồi giữ chức Trung đội trưởng, Trung đội dân quân biển thị trấn. Là địa phương có đông đồng bào theo đạo và chủ yếu làm nghề biển nên các hoạt động phong trào của thôn An Hải trước đây có thời điểm còn hạn chế. Nhưng từ khi đồng chí Thắng giữ cương vị Bí thư Chi đoàn phong trào bề nổi của thôn không ngừng nâng lên. Không những tích cực tham gia tuyên truyền bà con thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp Nhân dân phòng, chống khắc phục hậu quả lũ lụt đồng chí Thắng bồi dưỡng, giúp đỡ chiến sĩ dân quân Hồ Du là giáo dân kết nạp vào Đảng.

Về xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), khi hỏi về đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Triệu Vân, ai ai cũng ca ngợi đồng chí Lâm là người cán bộ luôn tận tụy với nhiệm vụ, hết lòng vì Nhân dân và là điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Trưởng thành từ môi trường quân ngũ tại Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, năm 2004, anh Lâm được kết nạp Đảng. Cuối năm 2004, anh xuất ngũ về địa phương; Từ những trải nghiệm và kiến thức được bồi dưỡng quá trình rèn luyện trong quân ngũ, đảng viên Nguyễn Văn Lâm cùng chi ủy, chi bộ đưa ra những nghị quyết sát đúng với nhu cầu của bà con trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Qua thời gian hoạt động thực tiễn, anh được phân công giữ chức Trung đội trưởng dân quân cơ động, Chỉ huy phó, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã… nay là Chủ tịch UBND xã Triệu Vân. Là địa phương ven biển nên đời sống của bà con nơi đây hết sức khó khăn. Qua nghiên cứu, học tập và với bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí Nguyễn Văn Lâm đã nhận 4 ha đất cát ven biển, vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng hồ nuôi tôm trên cát. Sau hai lứa đầu thành công, anh đã vận động và giúp đỡ, hỗ trợ một số gia đình về vốn, kiến thức để phát triển mô hình nuôi tôm trên cát. Năm 2015, sự cố môi trường biển khiến tình hình an ninh trật tự và đời sống Nhân dân địa phương hết sức phức tạp và gặp khó khăn. Anh đã tham mưu cho UBND xã đề ra các giải pháp ổn định tình hình và hỗ trợ Nhân dân chuyển đổi nghề sản xuất…

Bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) trước đây có thời kỳ không có chi bộ, các hoạt động phong trào của bản hiệu quả không cao. Do đặc thù bản Ón là 100% đồng bào dân tộc H’ Mông di cư từ tỉnh Sơn La sang, không có chi bộ nên mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân rất hạn chế. Nhưng từ năm 2012 khi đảng viên Giàng A Chống, Chiến sĩ Trung đoàn 762, Bộ CHQS Thanh Hóa xuất ngũ về địa phương được giao nhiệm vụ đảm nhiệm Bí thư Chi bộ và nay kiêm Trưởng bản, bản Ón đã có sự khởi sắc vươn lên. Sau khi được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, đảng viên Giàng A Chống hết sức coi trọng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Từ Chi bộ sinh hoạt ghép, đến nay Chi bộ bản Ón đã phát triển gần 20 đảng viên. Điều phấn khởi nhất là vai trò các đảng viên luôn được phát huy, theo đó các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ và đời sống kinh tế, văn hóa của bà con trong bản không ngừng nâng lên.

Được biết để trưởng thành như hôm nay, trong gần ba năm quân ngũ Giàng A Chống không những được đơn vị kết nạp vào Đảng, mà còn được đào tạo ba tháng kiến thức cơ bản về quản lý Nhà nước, theo chủ trương đào tạo nguồn cán bộ cho cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Thanh Hóa.

Nói về vai trò đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của đảng viên là quân nhân xuất ngũ đối với cơ sở nên những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đề ra một số chủ trương và lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tạo nguồn phát triển đảng viên từ thanh niên nhập ngũ. Theo đó, hàng năm các địa phương rà soát số công dân có trình độ, phẩm chất, đạo đức đưa vào nguồn nhập ngũ và mở lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng. Ngay sau khi về địa phương, cấp ủy, chính quyền rà soát đưa các đồng chí trong diện quy hoạch bố trí giữ các chức vụ ở cơ sở”. 

Theo Đại tá Đỗ Khắc Toàn, Trưởng phòng Tổ chức Quân khu 4 qua khảo sát cho thấy, đội ngũ đảng viên xuất ngũ về các địa phương đều giữ vững bản lĩnh chính trị, nhiều đồng chí còn phát huy kiến thức tích lũy được để xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Trong đó, nhiều đồng chí được bố trí việc làm trong hệ thống chính trị ở cơ sở đã góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, tỷ lệ lãnh đạo trẻ, tăng sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập, khó khăn đặt ra trong việc sử dụng và phát huy hơn nữa vai trò của những đảng viên là bộ đội xuất ngũ. Bởi, sau khi xuất ngũ về địa phương, một bộ phận đảng viên vì nhiều lý do không tham gia sinh hoạt Đảng, dẫn tới hiện tượng “Chảy máu đảng viên”. Nguyên nhân có nhiều, trong đó chủ yếu là do khi về địa phương đảng viên không tham gia công tác xã hội, số khác không được bố trí sắp xếp công việc, người lại muốn đi làm ăn xa...

***


Bài 2: Những “hạt giống đỏ” không nảy mầm xanh

“Những “hạt gống đỏ” không nảy mầm xanh” là câu nói ví von đầy tiếc nuối của những người trả lời phóng viên Báo Quân khu 4 khi được hỏi về tình trạng có không ít đảng viên được kết nạp Đảng trong Quân đội nhưng chỉ một thời gian sau khi xuất ngũ đã thôi không tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương. Nhiều đảng viên, nhất là đảng viên cao tuổi, đảng viên là cựu chiến binh... bày tỏ sự băn khoăn và mong muốn cần có giải pháp căn cơ để “giữ chân” đảng viên sau khi xuất ngũ.

Trăn trở những “hạt giống đỏ” không nảy mầm xanh

Năm 2020, sau khi xuất ngũ về địa phương, đảng viên Nguyễn Quốc Hưng, tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ xóm Nam Xuân, Đảng bộ xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, thời gian sinh hoạt chưa được bao lâu, anh Hưng vào miền Nam làm ăn rồi không tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương. Cũng giống anh Hưng, anh Thái Doãn Tuân ở xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, sau khi xuất ngũ về địa phương đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và không thể tham gia sinh hoạt Đảng...

Trao đổi qua điện thoại với anh Thái Doãn Tuân, anh cho biết: “Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là vinh dự của bất kỳ công dân nào. Khi đi làm ăn, tôi cũng đã chuyển sinh hoạt Đảng, nhưng nơi ở, làm việc không ổn định, sau đó lại ra nước ngoài lao động nên không có thời gian, cơ hội để tham gia sinh hoạt Đảng…”.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay ở huyện Diễn Châu trong số đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương thì có 2 đồng chí bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên và nhiều đồng chí đi làm ăn xa nên không tham gia sinh hoạt Đảng... Còn ở huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, từ năm 2016 đến nay, trong số đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương có 5 đồng chí bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, lý do không tham gia sinh hoạt, hoặc khi cắt chuyển sinh hoạt Đảng từ đơn vị cũ không chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương...

Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, nhiều đảng viên khi đi làm công nhân tại các doanh nghiệp, nơi chưa có tổ chức Đảng, nhất là các công ty liên doanh 100% vốn đầu tư nước ngoài, dù rất muốn về địa phương tham gia sinh hoạt, nhưng “lực bất tòng tâm”. Vì không thể tháng nào cũng đi hàng trăm kilomet về sinh hoạt, còn việc chuyển sinh hoạt Đảng đến công ty không thể, vì công ty không có tổ chức Đảng. Dù đã có nhiều giải pháp được các cấp ủy vận dụng nhưng cuối cùng để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, tổ chức buộc phải xóa tên đảng viên khỏi danh sách đối với những đồng chí không thực hiện đúng chế độ, quy định của Điều lệ Đảng; hoặc một số đảng viên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên viết đơn xin ra khỏi Đảng...

Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai khen thưởng cho  quân nhân, đảng viên xuất ngũ, tháng 1 năm 2021.

Trao đổi với chúng tôi về một số trường hợp đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương một thời gian sau thì xin ra khỏi Đảng, bà Ngô Thị Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương mặc dù được tạo điều kiện về việc làm, vốn sản xuất… nhưng do không thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên một số đồng chí đành xin ra khỏi Đảng. Chúng tôi đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để “giữ chân” đảng viên nhưng điều kiện địa phương có hạn, trong lúc đó thường xuyên chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường nên để xảy ra hiện tượng “chảy máu” đảng viên là quân nhân khi xuất ngũ...”. 

Nói về nguyên nhân đảng viên là quân nhân xuất ngũ xin ra khỏi Đảng, đồng chí Trương Công Sửu, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu, Nghệ An cho biết: “Hầu hết số đảng viên không tham gia sinh hoạt Đảng đều do đi làm ăn xa. Theo quy định, đảng viên đi làm ăn xa được miễn sinh hoạt không quá 12 tháng nhưng phải làm đơn, hết thời gian xin phép phải làm bản kiểm điểm tư cách đảng viên, sau đó làm lại đơn nếu muốn tiếp tục xin miễn sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp thời gian đầu có làm đơn xin phép, sau khi hết hạn thì không xin phép cũng như không liên lạc với tổ chức Đảng; cũng có trường hợp làm đơn xin ra khỏi Đảng”.

Tìm hiểu thực tế ở các địa phương, lãnh đạo các cấp đều có chung ý kiến, khi một đồng chí xin ra khỏi Đảng, bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên... để lại những trăn trở đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặc dù, các địa phương đã đề ra một số chủ trương, giải pháp nhằm khắc phục thực trạng trên, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là gánh nặng “cơm áo” khiến tình trạng “chảy máu” đảng viên vẫn liên tục diễn ra ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Bài toán khó cần có lời giải

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề đảng viên được kết nạp trong Quân đội trở về địa phương vì nhiều lý do đã không tham gia sinh hoạt, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn Quân khu 4 cho rằng: “Mỗi lần Ban Thường vụ đưa ra xem xét việc đảng viên xin ra khỏi Đảng hay xóa tên khỏi danh sách đảng viên với chúng tôi không chỉ trăn trở, tiếc nuối vì để “mất đi” những đồng chí trong hàng ngũ của mình mà còn hết sức lo lắng về “chất lượng” của các thế hệ đảng viên kế cận, kế tiếp”. Còn đội ngũ cán bộ lão thành, cựu chiến binh thì có chung lo lắng: Các đảng viên trẻ được tôi luyện trong môi trường Quân đội trở về địa phương một thời gian buộc phải xóa tên khỏi danh sách Đảng viên bởi không tham gia sinh hoạt..., vấn đề này, không chỉ ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của địa phương mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến công tác tạo nguồn phát triển Đảng và lựa chọn đảng viên nhập ngũ. Còn đối với những gia đình có con em là đảng viên xuất ngũ bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên thì đều bày tỏ niềm tiếc nuối công sức phấn đấu và ảnh hưởng tới truyền thống gia đình, quê hương.

Thực tế, để “giữ chân” đảng viên là quân nhân xuất ngũ một số địa phương đã có cách làm sáng tạo, như tạo công ăn việc làm cho quân nhân xuất ngũ nói chung và đảng viên là quân nhân xuất ngũ nói riêng; ưu tiên bố trí các đồng chí đảng viên là quân nhân xuất ngũ đảm trách công việc ở cơ sở như thôn đội trưởng, cán bộ đoàn, cán bộ thôn, xóm, công chức xã... Tuy nhiên, do phụ cấp thấp không đảm bảo cuộc sống, hoặc nhiều người do bằng cấp không đáp ứng được yêu cầu của chức danh, không phát triển được nên nhiều người làm một thời gian sau đó xin nghỉ.

Trăn trở trước vấn đề này, Đại tá Nguyễn Tất Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Việc một số quân nhân xuất ngũ bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên là ngoài ý muốn. Với trách nhiệm của cơ quan quân sự địa phương, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết vấn đề này”.

Thực trạng nêu trên trong công tác quản lý đảng viên là bộ đội xuất ngũ cần sớm được quan tâm tháo gỡ, bằng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và với những chủ trương, chính sách phù hợp có như vậy mới giữ được đảng viên, tạo điều kiện để họ gắn bó lâu dài với Đảng, góp phần tạo nguồn cán bộ đã qua thử thách, rèn luyện trong Quân đội cho hệ thống chính trị ở cơ sở.

***


Bài 3: Cởi “nút thắt” xây dựng “vườn ươm” phù hợp, hiệu quả

Mặc dù, một số đảng viên không tham gia sinh hoạt và ra khỏi Đảng sau khi xuất ngũ, nhưng số đông đảng viên được kết nạp Đảng trong Quân đội vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của các địa phương trên địa bàn Quân khu 4. Điều đó khẳng định công tác phát triển Đảng trong Quân đội nói chung và Đảng bộ Quân khu nói riêng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, để từng bước giảm và chấm dứt tình trạng “chảy máu” đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần có bước đi cách làm, phù hợp. Trong đó, nhất thiết phải thay đổi căn bản, toàn diện công tác phát triển Đảng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Tìm hiểu về công tác phát triển Đảng trong Quân đội đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ (HSQ-CS) ở một số cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu, cấp ủy, chỉ huy các cấp đều khẳng định, công tác phát triển đảng viên đối tượng HSQ-CS là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn công tác xây dựng Đảng hiện nay. Hàng năm, toàn Quân khu có từ 650-700 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Vậy nhưng, số đảng viên xuất ngũ tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương hiện nay số lượng không nhiều, số còn lại vì nhiều lý do khác nhau nên không tham gia. Đây là một thực trạng đáng báo động đối với công tác phát triển Đảng ở các đơn vị và công tác quản lý, sử dụng đảng viên quân nhân xuất ngũ ở các địa phương.

Để giải quyết bài toán “chảy máu” đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương, trước hết phải thay đổi căn bản, toàn diện công tác phát triển Đảng đối với HSQ-CS. Theo đó, quá trình thâm nhập hồ sơ thanh niên nhập ngũ, cán bộ đơn vị cần phối hợp với địa phương, gia đình nắm nguyện vọng của thanh niên và nắm chắc số lượng mà địa phương xác định tạo nguồn sau khi xuất ngũ; công tác “tạo nguồn” phải phù hợp để “sản phẩm đầu ra” đạt đúng mục đích. Tránh trường hợp nhiều địa phương tổ chức cho 100% thanh niên nhập ngũ tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng mà không gắn với nguyện vọng của thanh niên... Đó cũng là lý do gián tiếp dẫn đến tình trạng “thất thoát” đảng viên xuất ngũ tại địa phương như thời gian qua.

Thượng tá Nguyễn Huy Long, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324 cho biết: “Quá trình HSQ-CS công tác ở đơn vị, cấp ủy, tổ chức Đảng luôn quan tâm xây dựng nguồn phát triển Đảng phù hợp, chú trọng vào động cơ phấn đấu, nhu cầu, định hướng nghề nghiệp rõ ràng của từng cá nhân. Trên cơ sở định hướng tạo nguồn của địa phương và nguyện vọng của cá nhân, các chi bộ phân công cán bộ kèm cặp, theo dõi, giúp đỡ quần chúng phấn đấu kết nạp Đảng. Quá trình kèm cặp, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ giác ngộ cho quần chúng động cơ, lý tưởng, trách nhiệm khi trở thành đảng viên cả quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị và sau khi trở về địa phương. Đồng thời, chú trọng tạo nguồn phát triển Đảng nhưng tuyệt đối không chạy theo chỉ tiêu mà bỏ qua chất lượng. Đây là những điểm mấu chốt để những “hạt giống đỏ” nảy mầm xanh, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ở địa phương vững mạnh”.

Tổ hợp sản xuất gạch táp lô của các đảng viên và quân nhân xuất ngũ Ban CHQS phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An. (Ảnh chụp tháng 4 năm 2021).

Cùng với đổi mới căn bản, toàn diện công tác phát triển Đảng trong Quân đội, một giải pháp quan trọng để “giữ chân” đảng viên là phải tạo được việc làm tại chỗ, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề giúp họ có điều kiện tốt nhất tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương. Đặc biệt, những đồng chí thuộc diện tạo nguồn đòi hỏi các địa phương cần quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện đưa vào đảm nhiệm các chức danh sau khi xuất ngũ, hoặc có thể bố trí vào ban quản lý chợ, bảo vệ các các di tích lịch sử như một số địa phương ở Thừa Thiên Huế đã thực hiện… Đó là giải pháp ưu tiên cần được cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đảng viên đi làm ăn xa, không có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng.

Thực tế, thời gian qua ở nhiều địa phương đã có những cách làm hết sức sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, quyết liệt tạo việc làm tại chỗ để giữ chân đảng viên đang được huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thực hiện hiệu quả. Theo đó, khi đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện về việc làm; có chính sách hỗ trợ, bảo lãnh để đảng viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình; đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng quân nhân là đảng viên vào làm việc. Kết quả từ năm 2016 đến nay, huyện Hậu Lộc gần 30 đảng viên xuất ngũ có việc làm tại địa phương.

Có thể nói, cách làm của huyện Hậu Lộc cần được nhân rộng ở nhiều địa phương đối với công tác xây dựng Đảng ở cơ sở hiện nay. Bởi vì, trước khi nhập ngũ, nhiều thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên và mong muốn được phục vụ lâu dài trong Quân đội, hoặc trở về địa phương tham gia công tác. Tuy nhiên, sau thời gian phấn đấu, khi không đạt được mục đích, họ dễ nảy sinh tư tưởng, dao động, mất niềm tin... Do vậy, nếu cấp ủy, chính quyền không chủ động gặp gỡ, động viên, không đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ thì “vô hình chung” tạo ra nguy cơ “chảy máu” đảng viên; dẫn đến thực trạng đảng viên là quân nhân xuất ngũ phải đi làm ăn xa khó có điều kiện thực hiện chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng.

Đồng chí Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương được tuyển dụng vào công chức, viên chức ở địa phương, được bố trí việc làm phù hợp sẽ giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, lập gia đình và gắn bó với quê hương. Đây là “điều kiện cần và đủ” để đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng, phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng quê hương”.

Theo lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, hiện nay một số quy định về việc đảng viên giữ mối liên hệ, thời hạn bảo lưu, tham gia sinh hoạt đối với đảng viên làm ăn xa, đi nước ngoài và ở các doanh nghiệp không có tổ chức Đảng còn bất cập. Do đó, Ban Tổ chức Trung ương cần sớm ban hành quy định, hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với thực tế của các đối tượng, các tổ chức Đảng đặc thù. Có thể tổ chức sinh hoạt chi bộ theo hình thức trực tuyến đối với các đảng viên do làm ăn xa; có cơ chế quản lý chặt chẽ, quy định, hướng dẫn mới về việc giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng, thời gian bảo lưu sinh hoạt đối với các đảng viên thuộc diện đi xuất khẩu lao động thông qua Ban cán sự Đảng ở ngoài nước. Đồng thời, làm tốt công tác phát triển các tổ chức Đảng ở các loại hình doanh nghiệp, xem đây là hướng đi mới nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, giúp đảng viên là quân nhân xuất ngũ được tham gia sinh hoạt Đảng…

“Thời gian qua, các đơn vị Quân đội thường xuyên định hướng nghề nghiệp, đào tạo việc làm, nhưng chưa gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương. Do đó, rất cần những “hội nghị liên tịch”, để các đơn vị Quân đội lắng nghe nhu cầu lao động của địa phương và doanh nghiệp; phối hợp định hướng nghề nghiệp, cho đảng viên, quân nhân xuất ngũ. Ngoài ra, việc hoạch định những chính sách lớn trong đào tạo, sử dụng lao động là đảng viên, quân nhân xuất ngũ cần sớm nghiên cứu, triển khai vận dụng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tạo ra “ngân hàng” việc làm cho đảng viên, quân nhân xuất ngũ”, đó là kiến nghị của lãnh đạo, chỉ huy các địa phương, đơn vị về giải pháp “giữ chân” đảng viên là quân nhân xuất ngũ tại địa phương.

Thực tế đảng viên là quân nhân xuất ngũ góp phần rất lớn đối với việc tăng cường sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở là hạt nhân nòng cốt trong hoạt động đối với địa phương, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có giải pháp phù hợp, quan tâm tạo điều kiện và phát huy vai trò, từng bước hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng “chảy máu” đảng viên là quân nhân xuất ngũ. Mặt khác, phát huy tốt vai trò của đảng viên là bộ đội xuất ngũ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất