Thời cuộc và lòng yêu nước



Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến: "Nhận diện suy thoái và "tự chuyển hóa" qua báo chí truyền thông" năm 2017. Ảnh: Tạp chí Người làm báo

Bài 1: “Lợi ích nhóm” và “sân sau”

Bất kỳ một chế độ xã hội nào, dù thực tế tốt đẹp đến mấy, dù là mô hình đang có hàng tỷ người trên thế giới ngợi ca, ngưỡng mộ thì thực thể xã hội đó trong quan hệ giữa người với người vẫn tồn tại những mặt đối lập: Trái - Phải, Tốt - Xấu, Tích cực - Tiêu cực, Tiến bộ - Lạc hậu, Lương thiện - Độc ác... Những mặt đối lập này thường xuyên đấu tranh, xung đột nhau giữa cuộc sống đa chiều, đa mặt, nhưng dường như nó bị chi phối các giá trị nhân văn và nằm trong vòng kiểm soát, cương tỏa của thể chế pháp luật tiên tiến nên ở đó kỷ cương không bị rối loạn, sự bảo đảm về quyền con người được thực thi triệt để... do đó những gì gọi là cổ hủ, lỗi thời, tội lỗi được khống chế, thu hẹp.

Đối với nước ta, sự tồn tại và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong đời sống xã hội đang diễn ra khác với nhiều nước trên thế giới, thậm chí có người còn cho rằng,sự vận động đi lên trong quá trình toàn cầu hoá của nước ta không giống ai. 

Đặc biệt, sự phát tác không thể ngăn nổi của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường đã làm suy thoái các thành phần xã hội, trong đó, sự suy thoái nghiêm trọng của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân... là nguyên nhân trực tiếp gây ra bao oan trái, bất công, khổ đau  trong cộng đồng dân cư và dường như mặt trái của xã hội, trong đó có những vấn nạn nhức nhối mà chúng ta chưa thể ngăn chặn, đẩy lùi.

Trước khi bàn về nguyên nhân gốc rễ để tìm ra giải pháp phù hợp, cần nhận diện rõ một số vấn đề, sự kiện nổi cộm đang gây bất ổn trong xã hội, cũng như đang tàn phá các giá trị truyền thống và tinh thần nhân văn của dân tộc ta qua hàng nghìn năm văn hiến.

Lợi ích nhóm từ đất đai

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Lẽ ra đất đai thực chất phải là nguồn lực, tài sản quốc gia để chi phối, điều tiết nhằm tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, cũng như thực hiện các chiến lược, nhiệm vụ về Quốc phòng - An ninh. Nhưng trong quá trình thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, hơn 30 năm qua, đất đai ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng. Giá trị của đất đai, giá trị sinh lợi của đất đai nhằm mục đích chung dường như vượt tầm kiểm soát, khống chế của nhà nước. Nhiều trường hợp cụ thể quyền năng sử dụng đất đai cao hơn quyền sở hữu. Bên sử dụng thì có quyền bán, chuyển nhượng, thu tiền, còn bên sở hữu thì chỉ thu được tiền thuế.

Các cơ quan chức năng lạm dụng quyền lực quản lý đất đai “đua nhau” chạy theo lợi ích nhóm. Các công trình, dự án liên quan đến đất đai phần nhiều đều có những phương án tài chính ngầm “chi trả” cho một số cán bộ, công chức tham gia xây dựng, thẩm định, phê duyệt, triển khai...dự án.

Có những nơi một quyết định hành chính đã biến 1m2 đất nông nghiệp, đất công, từ khoảng mấy chục ngàn đồng lên khoảng mấy chục triệu, có khi lên cả trên một trăm triệu. Số tiền chênh lệch này một phần không nhỏ phục vụ ăn chia theo phương án tài chính ngầm như nói ở trên. Lợi ích nhóm từ đất đai quá lớn, đã gây ra tranh chấp, khiếu kiện ở khắp mọi vùng miền đất nước, gây rối loạn, bất ổn trên nhiều địa phương. Đã có không ít vụ việc tạo ra cơn địa chấn, khủng hoảng truyền thông từ sự xung đột, đấu tranh, tranh giành quyền sử dụng, giá trị sinh lợi từ đất đai. Bao nỗi oan khuất, bức bối, uất ức của người dân và việc xử tù, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ công quyền, doanh nghiệp cũng có nguyên nhân một phần do công tác quản lý đất đai của nhà nước.

Xin nêu một thí dụ, tháng 6/2019 Thanh tra Chính phủ đã có bản kết luận về vụ khiếu kiện đất ở Thủ Thiêm. Có thể nói, thời gian thực hiện dự án, giá đất Thủ Thiêm tăng chóng mặt, nhưng ngân sách nhà nước thất thoát vào đây một lượng không nhỏ. Tuy bản kết luận chưa phản ảnh hết những mất mát, thiệt thòi, thậm chí là khốn khó của người dân bị mất đất, nhưng đã chỉ ra những bất cập của cả hệ thống cơ quan công quyền ở địa phương. Một số chuyên gia về quản lý đất đai cho rằng, trong hoàn cảnh khung pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng còn nhiều kẽ hở, các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM đã làm rộng thêm các kẽ hở này để sai phạm lách qua.

Hệ lụy của công tác quản lý đất đai trong thời gian qua đã tạo ra nhóm lợi ích, phân hoá giàu nghèo làm cho nhiều doanh nghiệp lớn nhanh như “Thánh Gióng”, tăng thêm tính khốc liệt của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Nhiều khu đất ven biển, các nơi có vị trí chiến lược về Quốc phòng - An ninh, những địa danh nổi tiếng về du lịch... nhiều tấm sổ đỏ, sổ hồng, hồ sơ làm sổ đỏ, sổ hồng dính đến quyền và hình thành quyền sử dụng đất, sở hữu nhà của người ngoại quốc.

Giàu tài nguyên, nghèo phát triển

Chúng ta ai cũng hiểu đất nước có rừng vàng, biển bạc, vị trí địa lý thuận lợi, nhưng chưa thể có được một nền kinh tế phát triển bền vững như một số nước điều kiện tự nhiên thua kém, cách xa nước ta nhiều.

Rừng vàng, biển bạc mà tỷ trọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng năm còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Mặt khác, tiềm năng vốn có của rừng, biển cũng ngày càng bị vơi cạn, suy kiệt. Rừng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng, gây bao hệ lụy phức tạp, khó khăn, khác thường cho sinh thái thiên nhiên và đời sống con người. Bài toán chấp nhận sự suy giảm tính tích cực của môi trường, sinh thái, để rồi có được sự tăng trưởng kinh tế, có được đồng vốn để phục vụ đời sống dân sinh, mất cái này, được cái kia là điều còn có thể. Nhưng trên thực tế điều không thể lại cứ diễn ra. Không thể tin nổi ngành khai thác than, khoảng sản thua lỗ nặng. Làm nghề bán tài nguyên mà còn thua lỗ thì ngành sản xuất khác làm sao có lời ?

      Về các dự án khai thác titan ở Bình Thuận, nơi được quy hoạch là “trung tâm khai thác, chế biến titan” lớn nhất nước. Đáng lẽ với lượng quặng titan lên đến 550 triệu tấn, Bình Thuận sẽ hưởng lợi đáng kể từ nguồn tài nguyên khổng lồ này. Thế nhưng trên thực tế, dù các mỏ titan được khai thác ồ ạt nhưng tiền thuế tỉnh Bình Thuận thu được từ các doanh nghiệp khai thác chỉ chiếm 0,5%-1% tổng thu ngân sách của tỉnh (số liệu tháng 9/2017). Nếu lấy số tiền ít ỏi có được từ các dự án khai thác titan để so sánh với cảnh tượng môi trường bị tàn phá tan hoang ở Bình Thuận thì có lẽ lợi ích thu được chẳng thấm tháp gì so với những thứ quý giá đã mất đi. Và nếu doanh nghiệp khai thác titan không thu được nhiều lợi nhuận (theo tỉ lệ tiền thuế nộp vào ngân sách địa phương) thì tại sao họ lại quyết định đầu tư và “đeo bám” đến cùng?). Nguồn: Báo Pháp luật Tp. HCM

Dầu khí là một ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, chúng ta tin tưởng sản lượng khai thác dầu sẽ giải quyết được nhiều khó khăn, nhất là vốn đầu tư cho các chương trình, mục tiêu quan trọng, nó như là đột phá chiến lược của bước đi ban đầu khi nước ta bước vào sự nghiệp đổi mới. Hơn 30 năm qua, sự đóng góp của ngành Dầu khí cho nền kinh tế quốc gia là rất đáng kể, tuy nhiên nó cũng chẳng thấm vào đâu, như kiểu “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.

Tháng 6/1986, tấn dầu thô thương mại đầu tiên được khai thác, cho đến nay hàng trăm triệu tấn dầu đã được xuất khẩu. Trung bình hàng năm trên 10 triệu tấn dầu thô từ nước ta được chuyển đến thị trường các nước, nhà nước thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ. Vậy mà nợ công ngày càng lớn lên, ngân sách nhà nước bảo đảm vốn cho các công trình quốc gia trọng điểm và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội chưa tương xứng với giá trị tài nguyên đất nước.

Lẽ ra đất nước giàu tài nguyên thì thuận lợi cho việc bổ sung nguồn vốn cho các nhiệm vụ trọng điểm. Thế nhưng hiện nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm, các dự án bảo đảm an sinh xã hội cho các vùng đặc biệt khó khăn, đói vốn, khát vốn, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư công, hợp tác công tư. Trong khi đó lại có những công trình đội vốn rất lớn, thậm chí đội vốn nhiều lần. Không thể không choáng với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội gấp hơn 2 lần, dự án khu Gang thép Thái Nguyên hơn 8.000 tỉ đồng nhiều năm vẫn đắp chiếu.

Trong bài "Sân sau" đăng trên báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 11/9/2017 có đoạn: "Hiện nay, một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, có nhiều "mối quan hệ" ngày càng có nhiều hình thức tác động, gây ảnh hưởng với địa phương, đơn vị có những dự án kinh tế, gói thầu để người nhà, người thân hoặc doanh nghiệp “sân sau” của mình tiếp cận, "chi phối hiệu quả". Đây là một hình thức móc ngoặc giữa quan chức và doanh nghiệp để hợp thức hóa việc tham nhũng, bòn rút của công… Những nguồn lợi bất chính đã thôi thúc không ít cán bộ tha hóa biến chất tìm kiếm, tạo dựng cho mình những “sân sau” để chuộc lợi.

Có một thực tiễn không thể phủ nhận là trong xã hội đang tồn tại những quy ước, những ngầm định chỉ dành cho “nhóm lợi ích”, những người trong cuộc mới hiểu, nó được ngầm hiểu là luật bất thành văn hay “luật ngầm”, nhiều "sân sau” của quan chức được sinh ra từ đây. Cơ chế xin - cho từ lâu đã là mảnh đất màu mỡ cho một bộ phận không nhỏ quan chức tha hóa biến chất thao túng. Và, doanh nghiệp muốn có được những dự án kinh tế, gói thầu lớn, nhỏ đều phải “chạy”. Đó là cái vòng luẩn quẩn giữa bên “có và cần”, tạo ra luật chơi đẩy họ đến chỗ cần nhau. Và tất yếu “sân sau” hình thành, tác động chi phối các quan hệ kinh tế - lợi ích...Câu chuyện chạy dự án, chạy nguồn, chạy vốn, chạy quan hệ không còn xa lạ với các doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp xem việc có được mối quan hệ và trở thành “sân sau” của các quan chức có khi còn quan trọng hơn cả việc phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình. Tìm kiếm, kéo người nhà, người thân của quan chức vào cuộc chơi của các doanh nghiệp được xem như là một xu thế kinh doanh thời thượng, một kiểu cạnh tranh mới, cạnh tranh mối quan hệ của doanh nghiệp với quan chức, cho dù chỉ là hơi hướng".

Thực trạng trên cũng là nguyên nhân tạo nhóm lợi ích, phân hoá giàu nghèo. Nhiều doanh nghiệp và quan chức được hưởng lợi từ công tác quản lý ngân sách nhà nước. Cái bánh ngân sách được cắt xén, gặm nhấm, bòn rút không chỉ vì yêu cầu nhiệm vụ mà còn vì lợi ích riêng, lợi ích cục bộ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lợi ích của những người có quyền chi phối ngầm việc phân chia ngân sách.

Sự bất cập trong quản lý ngân sách thể hiện rất rõ trong các khâu xin, cấp, chi tiêu, thanh quyết toán. Luật, nghị định, quy định, quy chế có đủ cả, nhưng trên thực tế khi giải ngân và thanh quyết toán, việc hợp thức hoá chứng từ đã trở thành “nghề” của phần lớn cán bộ nhân viên trực tiếp quản lý, sử dụng ngân sách. Ước tính việc hợp thức hoá chứng từ thường làm thất thoát thấp cũng tới 10%. Có thể nói, nếu quản lý ngân sách không bị thất thoát thì vốn liếng, ngân khố quốc gia không đến nỗi phải quá chật vật và khó khăn như hiện nay.

Bất cập trong quy hoạch

Quy hoạch tốt thì bộ mặt đẹp giàu của tổ quốc sẽ luôn là hình ảnh nhân lên niềm tự hào và tình yêu non sông, gấm vóc của con người Việt Nam. Quy hoạch tốt thể hiện trình độ, sự ứng xử hợp quy luật, tạo được cuộc sống hài hoà, thân thiện giữa con người với thiên nhiên, với đồng loại, đồng thời là một yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Quy hoạch tốt sẽ tạo ra nhiều thuận lợi nhằm đáp ứng các nhu cầu sử dụng dịch vụ công của cộng đồng xã hội như tham gia giao thông, ăn, ở, lao động, học tập, chữa bệnh, vui chơi, giải trí, du lịch tham quan, bảo vệ môi trường cuộc sống...

Nhưng đối chiếu với những yêu cầu đó, công tác quy hoạch ở nước ta có nhiều bất cập. Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết có nhiều nơi không thống nhất, thậm chí có sự khác biệt. Đôi khi ý chí chủ quan của người lãnh đạo có quyền lực lại áp đặt vào các phương án quy hoạch. Có những trường hợp, người không có kiến thức quy hoạch lại quyết định phê duyệt quy hoạch, phê duyệt thay đổi quy hoạch. Và cũng có trường hợp cả bộ máy làm quy hoạch bị chi phối bởi các nhà đầu tư, các đại gia có nhiều tiền.

Vấn đề quy hoạch đô thị ở nước ta luôn là vấn đề nóng. Nóng trong lòng dân và nóng trên cả các nghị trường Trung ương và địa phương. Điệp khúc thay đổi quy hoạch về không gian, về chức năng của các công trình, dự án, cùng với vấn nạn xây dựng không phép, trái phép tràn lan đã gây ra bao hệ lụy xấu cho cuộc sống con người ở các đô thị lớn. Sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép còn diễn ra ở nhiều nơi. Việc người dân, doanh nghiệp “làm luật“ để xây dựng công trình không phép, trái phép đã là hiện tượng phổ biến. Vì thế mà ở đây nhiều nơi cây xanh bị bức tử, mặt hồ bị thu hẹp, không gian bệnh viện, trường học, nơi sinh hoạt văn hoá, vui chơi... không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí cụ thể xây dựng đô thị giàu đẹp, văn minh.

Phát triển hạ tầng giao thông 

Đây là lĩnh vực rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, bảo đảm Quốc phòng - An ninh, an sinh xã hội của đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta đã xây dựng được nhiều công trình giao thông quan trọng. Có những công trình là niềm tự hào của người Việt, như hầm đường bộ Đèo Cả, đèo Cù Mông... nhờ đó mà diện mạo của đất nước thay đổi, công việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...có nhiều thuận lợi. Theo đó, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội có nhiều tiến bộ đáng kể.

Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng có nhiều bất cập, nhiều vấn đề nóng như BOT đến nay vẫn chưa hoá giải được. Người dân nhìn nhận vấn đề hợp tác công tư theo hình thức hợp đồng BOT còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí cứ nói đến BOT là tiêu cực, là lợi ích nhóm. Đánh đồng các nhà đầu tư làm ăn minh bạch với các nhà đầu tư nhập nhèm. Có những nhà đầu tư kiểm soát được tổng mức đầu tư, minh bạch trong hoạt động tài chính, họ mời kiểm toán nhà nước vào cuộc ngay từ khi lập và thẩm định dự án, vì vậy họ đã tiết giảm được một khoản “khủng“ về vốn đầu tư... Nhưng họ vẫn đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Bài 2: Lợi ích nhóm “vấy bẩn” đời sống tinh thần xã hội

Trong không gian sống và môi trường sống của con người giờ đây còn có cả không gian mạng. Sự phát triển của Internet kéo theo sự phát triển quá nóng của báo chí điện tử và mạng xã hội. Do sự phát triển nhanh về số lượng của báo chí điện tử, lực lượng làm báo tăng lên nhiều. Nhiều phóng viên, biên tập viên không đủ bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp, thậm chí có nhiều trường hợp không bảo đảm về đạo đức vẫn được mang danh và thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà báo theo quy định của pháp luật.

Văn hóa tâm linh

Trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực quản lý văn hóa cũng bộc lộ không ít bất cập. Thực trạng xây đền chùa ở Việt Nam trong thời gian qua đã có sự khác thường trong đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Theo thống kê, thời gian qua nhiều bài báo chỉ rõ những bất cập trong quản lý văn hóa tín ngưỡng như là lời cảnh báo, thức tỉnh các nhà lãnh đạo, các giới tu hành ở Việt Nam, vấn đề suy thoái đang xâm nhập, ẩn náu ở cả chốn linh thiêng.

Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên liên quan đến du lịch, văn hoá cũng có nhiều chuyện động trời, như để các nhà đầu tư bất động sản biến các khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản văn hoá bị biến dạng, thậm chí biến thành sản phẩm du lịch riêng của người lắm tiền nhiều của, như xẻ thịt, băm nát bán đảo Sơn Trà, đào ủi, san lấp núi biển, làm biến dạng cảnh quan, biến đổi môi trường, sinh thái ở Vũng Tàu... là những ví dụ rất điển hình. 

Nhiều danh làm thắng cảnh nổi tiếng, trước đây con người đến đó được tự do chiêm ngưỡng sự kỳ thú của thiên. Còn bây giờ, có nơi lại nằm trong sự quản lý của các chủ đầu tư, có những nhà hàng, khách sạn mọc lên án ngự, che khuất tầm nhìn, ai muốn ngắm biển, ngắm rừng, ngắm sông, ngắm núi... đều phải sử dụng dịch vụ của các nhà đầu tư. Có khi trong phần lợi nhuận lớn từ các sản phẩm du lịch do lợi thế về địa hình, khí hậu mà có, phần nộp thuế không được tăng lên hoặc tăng lên không đáng kể so với lợi nhuận, còn phần ngầm chi trả cho “nhóm lợi ích” vẫn được bảo đảm thường xuyên theo tỷ lệ thuận với lợi nhuận.

        

Báo chí truyền thông

Trong không gian sống và môi trường sống của con người giờ đây còn có cả không gian mạng. Sự phát triển của Internet kéo theo sự phát triển quá nóng của báo chí điện tử và mạng xã hội. Nằm trong trào lưu đó, ở nước ta có gần cả trăm cơ quan báo chí điện tử, hàng ngàn trang thông tin điện tử được ra đời trong một thời gian ngắn. Do sự phát triển nhanh về số lượng của báo chí điện tử, lực lượng làm báo tăng lên nhiều. Nhiều phóng viên, biên tập viên không đủ bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp, thậm chí có nhiều trường hợp không bảo đảm về đạo đức vẫn được mang danh và thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà báo theo quy định của pháp luật.

Nhiều báo, tạp chí, trang thông tin tổng hợp được cấp phép hoạt động, nhưng không có nguồn tài chính ổn định, phải tự kiếm tiền thông qua thực hiện giấy phép được cấp. Thậm chí có cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản chẳng hỗ trợ được gì, ngược lại toà soạn còn phải làm “nghĩa vụ” nộp tiền cho cơ quan chủ quản.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, phóng viên báo chí bị suy thoái nằm trong các cơ quan báo chí phải tự kiếm tiền để nuôi nhau, thế là mạnh ai nấy làm. Cái gậy quyền lực và trách nhiệm của họ chính là qui định của pháp luật về nhà báo, cơ quan báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí... Từ đó, những nhóm nhà báo được hình thành, có khi chỉ có một người có thẻ phóng viên hoặc chưa có thẻ, nhưng được cơ quan báo chí giao nhiệm vụ phóng viên.

Có khi thành phần trong nhóm có cả cộng tác viên không biết gì nghề báo, thậm chí có nhóm còn dung nạp cả những thành phần xã hội “đen” vào công việc của họ. Trong các nhóm nhà báo này, có những nhà báo không nằm trong nhóm nào, họ chuyên đi “bới lông tìm vết” để hù doạ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị có những biểu hiện sai trái. Họ đã sử dụng một thứ quyền lực được quy định trong luật để làm những việc trái với mục đích của trách nhiệm, quyền hạn được giao nhằm trục lợi cho tập thể và cá nhân. Vì thế, đối với các báo, tạp chí tự kiếm tiền nuôi nhau, thường không làm đúng tôn chỉ, mục đích.

Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, một số toà soạn đặt mục đích kinh tế cao hơn mục đích chính trị. Có rất nhiều chuyện không bình thường diễn ra trong hoạt động báo chí. Như việc chồng chéo, lấn sân nhau về chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích. Về mặt pháp lý, nội dung giấy phép quy định khác nhau cho các loại hình, các cơ quan báo, tạp chí, trang tin tổng hợp, nhưng trên thực tế tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, thậm chí cả lãnh đạo cũng không tuân thủ giấy phép được cấp. Hiện tượng “báo hóa” tạp chí đang phổ biến. Nhiều người không được đào tạo, bồi dưỡng về báo chí vẫn nghiễm nhiên trở thành nhà báo, thậm chí có những cơ quan báo chí sử dụng bố trí trưởng văn phòng đại diện, thường trú, phóng viên thường trú là những cán bộ doanh nghiệp, thực tế này chưa phải phổ biến nhưng cũng không phải là cá biệt.

Phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí tự kiếm tiền nuôi nhau đều có chung mục đích trong tác nghiệp, đó là làm sao có được nguồn thu nhập cho toà soạn và cho cá nhân. Nguồn thu nhập của phóng viên, cộng tác viên không phải là nhuận bút như trước. Câu chuyện này khiến nội dung trên mặt báo in, giao diện báo điện tử không thể đồng hành với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí được ghi trong giấy phép.

Đây là vấn đề đã được cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh, nhưng khắc phục chưa được triệt để. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quy hoạch báo chí đến năm 2025, theo đó, nhiều cơ quan báo chí biết sẽ sáp nhập, hoặc không tồn tại, trong đó có những cơ quan báo chí, nhà báo “tranh tối, tranh sáng” vẫn làm sai tôn chỉ mục đích, vi phạm các quy định của pháp luật và đạo đức người làm báo Việt Nam.

Thực tế, số đông nhà báo vẫn tâm huyết với nghề nghiệp, có động cơ tác nghiệp trong sáng, ngày đêm theo sát sự kiện, thâm nhập đời sống xã hội, phát hiện, phản ánh nhiều thông tin có giá trị bổ ích, là cầu nối giữa cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chức năng với người dân. Bên cạnh đó, có không ít nhà báo ngồi phòng lạnh, quán cà phê xào nấu bài, tư liệu của đồng nghiệp thành tác phẩm của mình. Có loại chuyên đi tìm kiếm, bới móc sai sót, sơ hở của các tổ chức, cá nhân lạm dụng nghề nghiệp để trục lợi.

Không chỉ là cơ quan báo chí tự đi kiếm tiền để sống, mà ngay cả các báo, tạp chí tiêu tiền bằng ngân sách, hoặc được ngân sách hỗ trợ phần thiếu hụt thì cũng có không ít nhà báo suy thoái, chạy theo lợi ích vật chất, dùng nghề nghiệp chính danh của mình để trục lợi.

Từ thực tế tha hoá và suy thoái của báo chí nêu trên, dẫn đến hệ luỵ là bức tranh tổng thể của báo chí không phản ánh trung thực, khách quan đời sống xã hội, tỷ lệ phản ánh tiêu cực của báo chí vẫn chiếm tỷ lệ lớn, phản ánh mặt tích cực chưa đúng với thực trạng hiện có.

Gương cán bộ bị mờ nhạt...

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp sử dụng cán bộ của chúng ta trong thời gian qua có nhiều bất cập. Do không ngăn nổi sự phát tác của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, nên vấn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy học, chạy việc... diễn ra phổ biến. Vì thế trong hệ thống chính trị đã tạo ra một đội ngũ cán bộ cơ hội, thực dụng. Ngay cả đội ngũ đang là rường cột của nước nhà thì cũng có nhiều những vị hình ảnh trong lòng dân bị mờ nhạt. Thậm chí có những vị phát ngôn trước công luận chẳng đâu vào đâu, không đủ tâm và tầm của những chính khách, bộc lộ sự non yếu cả về đức và tài, không tương xứng với cương vị đang đảm nhiệm.

Có những vị ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách để xảy ra nhiều chuyện bê bối, nhưng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết không đến nơi đến chốn. Thậm chí có những vị đi đâu, nói gì thì người dân cũng cho là ông “chém gió” để nghe cho thiện tai thôi, làm được như ông nói khó lắm. Cá biệt còn có vị hễ xuất hiện trên ti vi, rất nhiều người xem chuyển sang kênh khác. Họ cho rằng, những con người suy thoái về đạo đức, non yếu về năng lực, không đủ tư cách để dạy bảo, tuyên truyền vận động người khác.

Nghị quyết và đảng viên

Trước đây, mỗi lần góp ý xây dựng hoặc học tập quán triệt Nghị quyết của Đảng, đa số đảng viên đều tham gia nhiệt tình, nhiều đảng viên trong các chi bộ, đảng bộ tâm huyết với những vấn đề mới, sôi nổi bàn luận trong hội nghị, trong giao tiếp trao đổi thông tin với đảng viên, quần chúng... làm cho các vấn đề cốt lõi của các Nghị quyết được cán bộ, đảng viên, người ngoài đảng nhận thức rõ hơn, sâu hơn.

Trước đây là vậy, còn giờ thì sự quan tâm của đảng viên và của các thành phần xã hội đến Nghị quyết của Đảng không được như trước. Trên thực tế có nhiều đảng bộ, chi bộ, đảng viên lười học Nghị quyết, số đông đảng viên có tham gia học Nghị quyết nhưng không để tâm tiếp thu Nghị quyết.

Không chỉ là việc học Nghị quyết của Đảng, mà nhiều chủ đề sinh hoạt đảng diễn ra rất hình thức, gọi là có làm theo quy định cho xong việc, làm qua loa, chiếu lệ, không ăn nhập giữa hội họp và thực tế. Số lượng đảng viên trên thực tế thống nhất giữa nói và làm, tin và tâm huyết đi theo, làm theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Cương lĩnh, đường lối Nghị quyết của Đảng ngày càng giảm đi. Biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng ngày càng tăng lên.

Ở đây có một điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm, đó là Đảng đã nhìn rõ thực trạng tư tưởng của đội ngũ đảng viên, Đảng đã có Nghị quyết cùng với các quy định cụ thể về nêu gương, về chống suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hoá”. Hoặc như vấn đề chống tham nhũng, hơn hai nhiệm kỳ trước càng nói chống thì tham nhũng càng phát triển. Đến hơn một nhiệm kỳ qua, chống tham nhũng mới thực sự trở thành phong trào, mới giành được nhiều thắng lợi lớn. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là quốc nạn đang còn rất nhức nhối. Việc chống tham nhũng, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trở thành cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vô cùng cam go, khốc liệt, chưa đến hồi kết. Có nhiều người lo lắng cho rằng, nếu Đảng không đổi mới triệt để cả về kinh tế và chính trị thì cuộc chiến chống tham nhũng, chống “giặc nội xâm” sẽ khó thành công.

Việc chống “giặc nội xâm” trong đó có chống tham nhũng, suy thoái “tự diễn biến, tự chuyển hoá” . Càng nói chống thì hiện nay trên thực tế số lượng đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hoá có dấu hiệu ngày càng tăng. Trong khi đó các cấp ủy đảng kết luận xử lý đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá là việc vô cùng khó khăn. Rồi trong bình xét phân loại đảng viên hàng năm kết quả đều giống nhau, số đông đảng viên vẫn là đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tổ chức đảng không thể đánh giá được khách quan, thực chất lập trường, quan điểm, bản lĩnh, đạo đức, lối sống của đội ngũ đảng viên. Sự phân hoá giàu nghèo, giữa lợi ích nhóm và không lợi ích nhóm diễn ra trong Đảng, theo đó tư tưởng, tình cảm và niềm tin của đảng viên cũng bị phân hoá. Việc mang danh đảng viên với thực tế cuộc sống của nhiều người không thống nhất.

Chỉ nói một thực tế là việc Đảng quy định những điều đảng viên không được làm, trong đó có nhiều nội dung đảng viên thường vi phạm, như bảo kê làm ăn phi pháp, đưa, nhận, môi giới hối lộ, tác động can thiệp bổ nhiệm chức vụ, thiếu trách nhiệm để cơ quan đơn vị xảy ra tham nhũng, nội dung liên quan đến đánh bạc, mê tín, hiếu hỷ xa hoa... Nêu ra như vậy để chúng ta thấy có nhiều nội dung đưa ra, đề ra, nói ra nhưng không làm được hoặc làm được một phần, thậm chí có nhiều cán bộ đảng viên nói theo Nghị quyết, nhưng không làm theo Nghị quyết, nói một đường làm một nẻo. Trên thực tế, đảng viên, quần chúng thấy có nhiều cán bộ nói một đường làm một nẻo, có trường hợp loại cán bộ này được thăng tiến “ thần tốc”, "nâng đỡ" trong sáng. Vì họ giáo dục chi bộ, đảng bộ, quán triệt thực hiện những điều đảng viên không được làm, nhưng khi họ chạy chức, chạy quyền, chạy dự án... thì họ phải thực hiện việc đưa, môi giới hối lộ...

Bài 3: Thật giả lẫn lộn và "bệnh giả dối"

 - Trong thế giới hiện thực, sự tương tác giữa con người với muôn loài, muôn vật xung quanh, cũng như mối quan hệ giữa người với người luôn tồn tại hai hiện tượng song hành đó là thật và giả. Thật và giả tồn tại khách quan, hiện hữu trong mọi không gian và thời gian của xã hội loài người. Thật, giả có lúc rất rõ ràng, dễ nhận biết, nhưng cũng có lúc lẫn lộn, rất phức tạp, khó nhận biết.

Trong cuộc sống, nếu không nhận diện và phân biệt được thật, giả, con người không thể cải tạo thiên nhiên, làm chủ xã hội. Trong đó, sự thật và giả dối là những hiện tượng khách quan, phổ biến luôn tác động đến nhận thức, hành vi của con người. Sự thật khách quan do sự vận động của thế giới vật chất mà có, trong đó có những không gian và thời gian có cả hành vi của con người. Còn sự giả dối nó cũng tồn tại khách quan, cũng nằm trong quá trình vận động của thế giới vật chất, nhưng phải có con người và do chính con người tạo ra.

Sự giả dối mà con người có thể nhận thức được là từ ý chí chủ quan của con người. Thường thì con người tạo ra sự giả dối đều có mục đích riêng của nó.

Con người phải nhận biết được sự thật, bảo vệ sự thật, chấp nhận sự thật, đối diện với sự thật, tôn trọng sự thật, ứng xử khoa học với sự thật, lên án, bài trừ sự giả dối thì xã hội loài người mới vận động và phát triển theo quy luật tiến hoá của nhân loại. Ở đâu bảo vệ, nuôi dưỡng sự giả dối, ở đó tư tưởng dễ mất phương hướng, thiếu niềm tin chân lý, tâm lý luôn chìm ngập trong mơ hồ, ảo tưởng, và trong nhiều trường hợp lại làm nghiêm trọng thêm căn bệnh chủ quan, duy ý chí của con người.

Tuy nhiên, sự giả dối cũng có năm bảy đường. Có những giả dối đã thành thói quen, được con người chấp nhận như là lối sống hiển nhiên, thậm chí có những giả dối còn đem đến nguồn vui, khích lệ cuộc sống lạc quan của con người. Có những giả dối chỉ để làm yên, làm đẹp lòng người...

Ngược lại có những giả dối rất nguy hiểm. Có khi sự giả dối xung đột với giá trị thật, không chỉ làm lu mờ sự tốt đẹp, tiến bộ, làm lung lạc niềm tin, đảo chiều, đổi ngôi giá trị trong cuộc sống, mà còn giết chết hoài bão, khát vọng cống hiến cả một thế hệ.

Trong hoạt động của hệ thống chính trị mặt tốt, mặt tích cực, tính trung thực và sự tử tế của con người trong bộ máy đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hiện tượng giả dối đang phát triển gây trở ngại lớn cho xây dựng đảng và bộ máy nhà nước. Bài viết này bàn về sự giả dối đang lên ngôi trong hoạt động của bộ máy công quyền đang làm sai lệch bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ ta; làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá trị truyền thống; gây trở ngại, khó khăn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của tuổi trẻ, và là bằng chứng để các thế lực thù địch xuyên tạc sự thật, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vì thế, giả dối cũng là một trong những yếu tố gây bất ổn tâm trạng xã hội Việt Nam đương thời.

Tuổi thơ đã ở trong môi trường giả dối

Sự thật trong các nhà trường, các em học sinh đều tự nhận biết được khả năng học tập của mình. Và cũng có một sự thật khác mà các em cũng biết được là có rất nhiều trường hợp học cùng lớp, học sinh có học lực vượt trội chưa hẳn đã được đánh giá ghi nhận kết quả học tập như những học sinh thực tế có lực học kém hơn. Việc đánh giá về đạo đức cũng vậy. Có nhiều trường hợp các em chưa ngoan, nhưng thầy cô vẫn chấm điểm hạnh kiểm tốt.

Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân làm cho đánh giá nhận xét việc rèn luyện, học tập của các em học sinh trong các nhà trường thiếu khách quan,trung thực.

Trong đó có hai nguyên nhân chính đó là sự tác động bằng tiền, bằng quyền, bằng tình cảm của phụ huynh đối với thầy cô giáo và căn “bệnh” thành tích quái gở lâu nay đang làm biến chất ngành giáo dục.

Vì thế, cả nước có vô số học sinh học lực yếu kém mà thi vẫn có kết quả giỏi và khá. Vì những học sinh này có đi học, có đi thi, nhưng thực chất hậu thuẫn đằng sau có phụ huynh “đi thi” hộ. Thậm chí có nhiều học sinh bỏ học, học tập gián đoạn vẫn được ghi nhận đánh giá có quá trình học tập tốt và khi ra trường cũng có tấm bằng “ đáng nể “ như nhiều học sinh chăm chỉ.

Cùng với mong muốn sai lầm của phụ huynh, "bệnh" thành tích trong ngành giáo dục trở thành một “phong trào”, một hiện tượng phổ biến đã làm cho sự gian dối trong thi cử ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều trường vì đua nhau chạy theo thành tích nên đã “khoanh vùng “ nội dung ôn tập, ôn gì thì nấy. Vì vậy, bây giờ điểm thi của học sinh phần lớn là giỏi và khá, cao hơn thời kỳ trước rất nhiều.

Sự thật về lực học của học sinh, dù nhà trường dạy tốt đến mấy, thì phần tỷ lệ học sinh giỏi không thể cao hơn học sinh khá và trung bình. Thế nhưng trong mấy thập kỷ qua, trên sổ điểm và văn bằng chứng chỉ của phần lớn các trường, nhất là bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh giỏi lại cao ngất, thường là trên 80% trong tổng số học sinh. Thậm chí có nhiều trường thường xuyên có tỷ lệ học sinh giỏi cao, trên 90%.

Ở đây có một nghịch lý là, đánh giá kết quả học ở nhà trường chỉ nằm trên giấy, còn các em lớn lên có việc làm hay không, trưởng thành như thế nào, cuộc sống có thuận lợi hay không nó lại không phụ thuộc vào tờ giấy ghi nhận về quá trình học tập. Không hiểu vì lý do gì mà người lớn cứ đua nhau bằng mọi cách để rồi nhân cách của con trẻ lại được hình thành trong chi phối của sự giả dối. Rồi từ đó, nguồn nhân lực tương lai của đất nước không còn có được một lực lượng tâm huyết, hy sinh cống hiến vì đồng bào đồng chí, thay vào đó là có một bộ phận thanh niên có lối sống vị kỷ, thấp hèn, cơ hội, thực dụng ... Điều đó có nguyên nhân từ môi trường gian dối của nhà nhà trường, của phụ huynh và thầy cô giáo tạo ra.

Câu chuyện thi cử gian dối không chỉ có ở các nhà trường phổ thông. Các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề, các trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị, thậm chí là các lớp học chương trình sau đại học... ở nước ta gian dối trong thi cử đã trở thành vấn nạn phổ biến. Hành vi đối phó với các kỳ thi, kiểm tra như việc sản xuất ra các loại “phỏm “ giờ đây vẫn thịnh hành trong tất cả các loại hình đào tạo. Học thuộc lòng, học vẹt và thi cử như “người máy” đã tạo ra trong xã hội đương thời ở Việt Nam. Chúng ta có một lực lượng lao động, trong đó có một số cán bộ, công chức, viên chức về mặt học vị, học hàm là “hữu danh vô thực “.

Gian dối trong việc học và thi ở nước ta đã tạo ra một lớp cán bộ công chức, viên chức có nhiều bằng, nhưng không biết làm việc hoặc làm việc kém hiệu quả. Mặc dù thực chất không ít cán bộ, công chức không đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ được giao, nhưng họ lại có vị trí và có quyền thực thi công vụ. Vì thế, nhiều trường hợp cụ thể khi thực hiện chức trách họ đã góp phần làm sai lệch chủ trương, chính sách, làm mất niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Giả dối có nơi làm "khuynh đảo" chính sách

Trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, khi giao tiếp trao đổi thông tin với cấp trên, cấp dưới, đồng cấp, đồng nghiệp, đối tác, khách hàng... phát ngôn phổ biến của cán bộ, công chức, viên chức là nói ra những gì có lợi cho cơ quan, đơn vị, cá nhân, người thân của mình.

Có những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quyết định, ý kiến chỉ đạo... nếu có lợi thì khai thác triệt để, ngược lại thì lờ đi các quy định, thậm chí lờ đi cả các điều nằm trong các văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hoặc có những văn bản được cơ quan có thẩm quyền ban hành ra, nếu có lợi thì triển khai thực hiện đến nơi đến chốn, còn ngược lại thì coi như văn bản đó không tồn tại.

Tóm lại là ý chí chủ quan của một tập thể, một nhóm người, thậm chí là một cá nhân có thể có lúc, có nơi còn làm khuynh đảo chủ trương, chính sách. Đôi khi sức nặng của người đứng đầu có quyền lực lớn còn làm thui chột cả tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đầu năm 2019, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về giải pháp đột phá để xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần chấn chỉnh đạo đức xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ. Cụ thể, khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm. Từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất đến các tầng lớp xã hội phải khắc phục bệnh thành tích, giả dối, sống hai mặt...Nguồn: HàNộiMới

Riêng lĩnh vực đấu thầu thì phổ biến là gian dối. Triển khai các quy định, quy trình đều đúng quy định của luật. Nhưng trên thực tế, lựa chọn nhà thầu lại do ý chí chủ quan bởi sự chi phối của tiền, quyền và tình cảm. Sự dàn xếp quân xanh quân đỏ, lập hồ sơ, đóng thầu, mở thầu, chấm thầu có vẻ như là minh bạch, nhưng thực chất việc lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn, thi công...thường là đã được định đoạt từ trước.

Có nhiều doanh nghiệp bỏ tiền ra để lập dự án, có trường hợp là sân sau của những quan chức có quyền lực cao, đương nhiên họ là bên B, không ai có thể tranh giành, thay thế họ được. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nhiều dự án, thi công chậm tiến độ, chất lượng công trình, sản phẩm không bảo đảm, thậm chí có những dự án không hoàn thành, đổ bể, vị phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trong lập kế hoạch, xin cấp, giải ngân, chi tiêu, thanh quyết toán ngân sách thì ở nước ta luật, hướng dẫn thi hành luật quy định đầy đủ, chi tiết nhưng lại để thất thoát ngân sách quá lớn. Ngay khi lập kế hoạch xin cấp ngân sách hàng năm hoặc xin cấp ngân sách cho một nhiệm vụ cụ thể, thường chủ thể xin cấp thuyết minh rất hợp lý về nhu cầu chi. Trong đó, cơ quan, đơn vị nào thuyết minh nghe phù hợp và giỏi “chạy" thì việc xin ngân sách rất thuận lợi.

Vì thế mà tình trạng có nơi, có việc cần tiền thì không được cấp, có nơi, có việc cần ít thì được cấp nhiều, có nơi, có việc cần nhiều thì được cấp ít. Nhiều nơi nghĩ ra cách để giải ngân cho hết kinh phí được cấp. Cuối năm còn nhiều kinh phí không biết tiêu vào đâu, thế là các kế hoạch, hợp đồng kinh tế, hoá đơn, chứng từ ... được dựng khống để giải ngân.

Ngoài việc lập thủ tục, hồ sơ khống hoàn toàn để giải ngân, thì việc gian dối còn thể hiện, như nhu cầu chi ít, thanh toán lên nhiều, giá thị trường thấp, thanh toán lên cao, chi thật thì không có hoá đơn, không chi lại có hoá đơn... đây là những hành vi tham nhũng phổ biến trong sử dụng ngân sách.

Cho đến nay, mặc dù phong trào chống tham nhũng đang lên, nhưng thực tế gian dối nói trên vẫn còn phổ biến, chỉ mới hạn chế được một phần. Nơi nào, việc gì gian dối được, nguy cơ bị phát hiện thấp thì vẫn cứ gian dối để tư túi, còn nơi nào, việc gì có nguy cơ bị phát hiện cao thì không được tích cực giải ngân, nhiệm vụ bị đình trệ. Có nhiều cơ quan, nhiều cán bộ, công chức trước đây hăng hái, tích cực, nay không làm việc, hoặc làm việc thiếu nhiệt tình, trách nhiệm cũng do không kiếm được nhiều tiền bỏ túi như trước.

Được biết, 9 tháng đầu năm 2019 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân chậm cũng là nguyên nhân đình trệ sản xuất kinh doanh, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phức tạp.

Có nhiều người nhận định rằng, do cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang nóng, việc bòn rút, đục khoét ngân sách của nhóm lợi ích, của các đường dây lập, thẩm định, phê duyệt, giải ngân các dự án đầu tư công không thuận lợi như trước đây, hành vi lập khống hoá đơn, chứng từ không còn “an toàn” như trước nên tỷ lệ giải ngân thấp là điều dễ hiểu. Đây là điều vừa mừng vừa lo. Mừng là đã có chuyển biến tích cực trong quản lý tài sản công, lo là vì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội sẽ chững lại do chậm tiến độ giải ngân.

Giả dối trong quan hệ ứng xử

Giả dối của công chức, viên chức không chỉ nằm trong hoạt động thực hiện chức trách nhiệm vụ, trong quản lý sử dụng tài sản công, mà trong quan hệ ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp giờ đây lời nói thật ngày càng ít, lời nói dối đang lên ngôi.

Trong các hội nghị, hội thảo, sự khen chê, phân tích, bình luận, nhận định vấn đề, nhân vật, sự kiện không còn như trước.

Lời khen không đúng đôi khi vẫn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Còn nếu có chê thì cũng nói đến cho ra vẻ khách quan nhưng nói ở chừng mực vừa phải. Lượng thông tin và thái độ biểu cảm không đủ để nhận rõ sự thật, thực chất những yếu kém, hạn chế. Động cơ những phát ngôn trong các hội nghị, hội thảo thường nghĩ đến chuyện lấy lòng nhiều hơn là đi tìm chân lý, tìm tiếng nói chung.

Hệ quả là tiêu tốn một lượng tiền lớn, nhưng mục đích đặt ra không đạt được, tình trạng “ăn theo, nói leo” dường như đang là vấn nạn hiện hữu trong các nghị trường lớn, nhỏ. Phát ngôn ra chủ yếu để thuận tai người nghe, người chủ trì, chứ không phải là sự phản biện nhằm mục đích tìm ra những định hướng, những giải pháp, biện pháp đúng đắn.

Còn trong quan hệ làm việc hằng ngày, cũng như trong giao tiếp giữa cán bộ, công chức với nhau, lời nói thật phần nhiều ở trong các quan hệ cá nhân thân tình, hoặc trong lúc tụm năm, tụm ba, “xì xào” về chuyện cơ quan đơn vị. Giờ đây có những cán bộ lởm khởm, thậm chí rất đểu cáng, nhưng những phẩm chất “tốt” “ảo” của ông ta vẫn được tâng bốc lên mây, còn sự thật về ông ta thì chỉ được nói ra ở quán trà, quán nhậu, trong không gian mạng khi kết nối giữa hai người...

Trong bước đường tiến thân của quan chức hiện nay, nhiều người nghĩ rằng, nói một đường, làm một nẻo, hoặc nghĩ khác, nói khác, làm khác sẽ thành công hơn nói thẳng, nói thật, làm thật.

Do sự giả dối lên ngôi mà giờ đây trong các hội nghị chi bộ, cấp ủy sự thẳng thắn, chân tình không còn được như trước. Người có tâm huyết, có trách nhiệm thì ngại phát biểu, còn kẻ cơ hội thì phát hay không đều nằm trong sự tính toán, mưu cầu lợi ích cá nhân.

Sự giả dối trong quan hệ ứng xử đã làm thui chột các giá trị tốt đẹp, cái đáng tôn vinh, điều đáng tôn vinh, người đáng tôn vinh có khi không được xã hội thừa nhận, còn kẻ đáng chê trách, phỉ báng có khi không dám chỉ trích, thậm chí có trường hợp còn được tô điểm như là những người có hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp chung.

Cũng là lãnh tụ, cũng là chính khách, nhưng khi đương chức, đương quyền, có vị thì được người dân ngưỡng mộ, ngợi ca, nhưng có vị, mặc dù giữ chức vụ to, nhưng tín nhiệm lại rất nhỏ, thậm chí cá biệt có vị hình ảnh của họ trong lòng dân là “hoà đại nhân” tham lam, hại nước, hại dân. Thế nhưng khi về cõi vĩnh hằng, nội dung bài điếu văn tại lễ truy điệu của người được dân ngưỡng mộ và người mất uy tín trong dân đều không khác nhau là mấy. Đúng là đến khi chết, lời nói dối vẫn còn được sử dụng để “thuận” lòng người.

Bài 4: Đột phá từ thay đổi, sửa đổi các đạo luật

Trong phạm vi bài viết này, xin được bàn đến đôi điều về nhận thức lý luận, đột phá trong xây dựng thể chế pháp luật và đi tìm lời giải cho lòng yêu nước chân chính.

Tác giả của loạt bài này đã có 3 loạt bài đăng báo: Chống được “chạy” sẽ thành công“Binh pháp” chống giặc nội xâm“Chìa khóa” hóa giải những “điểm nghẽn” không thuận chiều. Trong 3 tác phẩm trên bàn đến nhiều nội dung về đổi mới triệt để về kinh tế và chính trị và nhiều vấn đề liên quan đến chống “giặc nội xâm”, xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo...

Trong phạm vi bài viết này, xin được bàn đến đôi điều về nhận thức lý luận, đột phá trong xây dựng thể chế pháp luật và đi tìm lời giải cho lòng yêu nước chân chính.

Sự chao đảo về nhận thức lý luận

Thực cảnh những góc khuất, những khoảng tối như đã phân tích trong các bài trước thể hiện sự non kém trong quản lý, sự phát tác không kiểm soát của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, sự thao túng của nhóm lợi ích khiến những bất công xã hội chưa được hạn chế, dân chủ chưa thực sự theo đúng nghĩa, giả dối lên ngôi, các giá trị truyền thống đang dần bị mờ nhạt... đã và đang tác động mạnh mẽ làm chao đảo về niềm tin của người dân.

Từ thực cảnh đó, một bộ phận người dân cho rằng, nước ta phải thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng... Bộ phận này có khuynh hướng không thừa nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác Lê-nin. Từ đó dẫn đến có không ít người tin theo, nghe theo các luận điệu sai trái, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Thậm chí có nhiều kẻ “trở cờ” phản bội Đảng, phản bội sự lựa chọn của chính mình, tiếp tay, tiếp sức cho các lực lượng “chiến tranh tâm lý” chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân cho rằng, nguyên nhân của thực cảnh xã hội nói trên không nằm ở chỗ độc đảng hay đa đảng, mà chính là bệnh chủ quan, duy ý chí và giáo điều. Đảng đề ra cương lĩnh, đường lối đúng, nhưng lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đôi lúc chưa đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, nặng chủ quan. Thông tin trong bộ máy lãnh đạo, tuyên truyền trong xã hội thường nêu về thuận lợi, thành tích, phản ánh thực tế còn hạn chế.

Không ít cán bộ quan liêu, có dấu hiệu ảo tưởng, nhận xét đánh giá tình hình chưa sát thực tế, say sưa ca ngợi các thành tựu của sự nghiệp đổi mới, chưa thấy hết những khó khăn, trở ngại, nguy cơ khôn lường mà Đảng và nhân dân đang phải đối mặt.

Trong khi đó, cũng còn nhiều cán bộ khác, khi phát ngôn có biểu hiện né tránh, họ hiểu thực tế, nhưng không dám nói đúng thực tế. Mặt khác, dường như các thông tin chỉ trích về ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình trên báo chí đều rất hạn chế, nhiều nơi còn tìm cách bưng bít, nói dối công chúng. Các thông tin phản biện chưa đủ sức thuyết phục, chi phối thay đổi nhận thức, tư duy chủ quan của đội ngũ cán bộ rường cột.

Trong bộ phận lớn này, đa số kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, thừa nhận tính khoa học của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác Lê-nin không sai, nhưng phương thức lãnh đạo của Đảng không rõ ràng, rành mạch, thể chế pháp luật của nhà nước chưa bảo đảm được thực chất dân chủ, chưa đủ sức để kiểm soát quyền lực và chưa thu hút được người có đức, tài trong xã hội vào bộ máy nhà nước để họ phục vụ, cống hiến. Số lượng cán bộ công chức không giảm được, chất lượng ngày càng kém. Suy thoái đạo đức xã hội, đạo đức công vụ, tha hoá quyền lực trong bộ máy chưa thể ngăn chặn, đẩy lùi.

Cho đến nay, không có nghiên cứu nào trên thế giới có thể phủ định được những nguyên lý, nguyên tắc, quy luật, phạm trù cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lê-nin. Ngay cả các trường phái triết học đối lập với Chủ nghĩa duy vật thì cũng chỉ đưa ra những quan điểm tư tưởng đối lập, xung đột với Chủ nghĩa Mác, nhưng để phủ định Chủ nghĩa Mác, thuyết phục được giới khoa học là điều không thể. Tính khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác Lê-nin sẽ bảo đảm cho học thuyết này đứng vững và trường tồn. Nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần một thế kỷ bây giờ vẫn còn nguyên giá trị : “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin”

Học thuyết và thực tế

Trong đời sống chính trị, tinh thần của cộng đồng xã hội lâu nay có một biểu hiện nhầm lẫn giữa khái niệm về chủ nghĩa (học thuyết) và khái niệm về chế độ xã hội (hoặc là hiện thực học thuyết hoặc là cơ sở thực tiễn của học thuyết).

Chủ nghĩa là hệ thống những quan điểm, ý thức, tư tưởng làm thành cơ sở lí thuyết chi phối, hướng dẫn hoạt động của con người theo định hướng nào đó.

Chế độ xã hội là chỉnh thể chính trị, kinh tế, văn hoá hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định. Chủ nghĩa là một học thuyết, là phần lý thuyết, còn chế độ xã hội cụ thể (mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể ở một nước hoặc một số nước) là phần thực tế sự tồn tại của chính thể.

Bản thân một học thuyết ra đời đúng hay sai là do thực tiễn kiểm nghiệm. Khi tiếp cận, nghiên cứu học thuyết chúng ta chỉ phân tích, bình luận về sự đúng đắn hay sai lầm, khoa học hay phản khoa học, giá trị lý luận và thực tiễn của nó. Chúng ta có thể, nói Chủ nghĩa xã hội ở một nước sụp đổ, nhưng không thể nói Chủ nghĩa xã hội sụp đổ. Sụp đổ một mô hình cụ thể làm theo học thuyết không có nghĩa là sụp đổ học thuyết.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là một bộ phận hợp thành Chủ nghĩa Mác  Lê-nin. Học thuyết này nó vẫn tồn tại trong các tuyển tập dày cộm nằm trong kho tàng tri thức của nhân loại, có giá trị lớn cho nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn, làm sao nó sụp đổ được.

Thế nhưng, khi nói về chính thể, người ta hay nhầm lẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế chủ nghĩa xã hội một số nước đã sụp đổ, nhưng học thuyết về chủ nghĩa xã hội thì vẫn tồn tại, vẫn sáng ngời tính khoa học, nhân văn và bản chất vị dân.

Đi tìm lời giải cho lòng yêu nước chân chính

Nghiên cứu nguyên nhân sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô cũ, vấn đề không nằm ở nền tảng tư tưởng của chế độ. Vì vậy, nguyên nhân thực cảnh của đất nước hiện thời có nhiều nghịch lý, ngang trái không thuận chiều trên con đường đã chọn, không nên đặt vấn đề sai hay đúng từ nền tảng tư tưởng.

Đảng ta cần nghiêm túc nhìn nhận rõ thực trạng của căn bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều. Đồng thời phải đổi mới để khống chế, cương tỏa, kiểm soát được mặt trái, lề trái, mặt tiêu cực, mặt xấu trong quá trình xây dựng phát triển đất nước. Đảng muốn giữ được vai trò lãnh đạo xã hội, đảng phải được cũng cố xây dựng vững mạnh, đảng phải lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước đúng bản chất nhà nước do dân, của dân và vì dân. Muốn vậy, Đảng phải khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, đồng thời phải đổi mới triệt để phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng thể chế pháp luật phù hợp.

Điều cốt lõi để hoá giải được thực trạng yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội hiện nay, xoá bỏ được lợi ích nhóm, thực thi được dân chủ, thu hút được nhân tài, kiểm soát được quyền lực... chính là thể chế pháp luật và chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng lực lượng lao động trong hệ thống chính trị, trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công. Trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan công quyền, trong các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, nghề nghiệp đang có vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu thì Đảng phải đột phá từ khâu đổi mới xây dựng thể chế pháp luật.

Khi xây dựng được thể chế pháp luật đạt được yêu cầu sẽ tác động làm trong sạch bộ máy, chất lượng cán bộ, công chức... được nâng lên. Khi chất lượng cán bộ, công chức được bảo đảm, thì việc hoàn thiện thể chế pháp luật sẽ ngày càng tốt hơn. Quan hệ biện chứng tác động qua lại giữa con người và thể chế pháp luật là chìa khoá để giữ vững ổn định, bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, củng cố xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Muốn xây dựng thể chế pháp luật đáp ứng được các yêu cầu trong điều kiện hiện nay có một số vấn đề cần phải được làm rõ để định hướng đúng. Thí dụ: Khi nói về quyền lực nhà nước, về bản chất là quyền lực của nhân dân trao cho bộ máy nhà nước. Nhưng trên thực tế, bên trao quyền thì chẳng có quyền gì, một thứ quyền chung chung, trừu tượng.

Khi cơ quan cán bộ nhà nước thực hiện quyền được trao có dấu hiệu vi phạm, người dân chất vấn, phản ánh, tố giác thì việc giải quyết không theo bản chất quyền lực nêu trên, có khi thậm chí kể cả ý kiến của người đại biểu nhân dân vẫn không được tôn trọng. Hoặc khái niệm về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Đây cũng là một nguyên nhân gây những phức tạp, khó khăn  cho công tác quản lý đất đai.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhưng sau khi nhà nước giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân, quyền sở hữu đôi khi bị lu mờ. Hoặc vấn đề xoá bỏ cơ chế xin cho, xoá bỏ nhóm lợi ích, làm sao để hạn chế tối đa tiêu cực. Hoặc những vấn đề về quyền con người, về dân chủ, luật quy định như thế nào cho thực chất, không hình thức, không thể bị biến thái.

Ý kiến của các nhà báo và các nhà nghiên cứu về thể chế hiện nay

Hiến pháp nước ta quy định đầy đủ về quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Nhưng thể chể hoá vào các văn bản luật, dưới luật có nhiều nội dung còn bất cập. Luật Bầu cử là một đạo cơ bản nhằm bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong xây dựng bộ máy nhà nước, nhưng quy định hướng dẫn thực hiện Luật và cách thức triển khai quy trình ứng cử, đề cử, bầu cử trên thực tế là rất hình thức, không đảm bảo thực chất.

Hoặc Luật tổ chức Quốc hội, kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, khoá XIV đang diễn ra, chuẩn bị thông qua sửa đổi Luật này. Câu chuyện giám sát tối cao, kiểm soát quyền lực thời gian qua nói rất nhiều, nhân dân rất bức xúc về cơ chế xin cho, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “lợi ích nhóm” nhưng bản dự thảo luật tổ chức Quốc hội không có gì mới để giải quyết bức xúc nói trên.

Cơ cấu đại biểu chuyên trách theo Luật tổ chức Quốc hội hiện hành là 35%. So với yêu cầu, tỷ lệ này còn rất thấp. Vậy tại sao không nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 70 - 80%. Nâng lên như vậy, vừa để hạn chế tối đa cán bộ hành pháp, tư pháp làm Đại biểu Quốc hội, vừa để thu hút những người có đức tài trong cộng đồng xã hội, họ là những nhà khoa học, những nhà hoạt động thực tiễn, những người có kiến thức sâu rộng, có trình độ giám sát sự vận hành của bộ máy, theo sát các vụ việc nổi cộm để chất vấn các cơ quan hành pháp và tư pháp.

Đây là một thể chế rất quan trọng để phát huy dân chủ, kiểm soát quyền lực, thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền nhằm xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ... xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN do dân, của dân và vì dân. Tại sao chúng ta không mạnh dạn đổi mới theo hướng này. Trong khi nhiều quy định của các đạo luật khác vừa chồng chéo, vừa sơ hở, là điều kiện để nhóm lợi ích thao túng.

Mặt khác khâu tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, có rất nhiều nơi không bảo đảm được quyền dân chủ, thậm chí có nhiều nơi vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ của người dân. Còn dân chủ hình thức thì diễn ra khá phổ biến. Ngay việc Đại biểu Quốc hội thực hiện việc tiếp xúc cử tri hiện nay đôi khi cũng chỉ tiếp xúc được những người dân được cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở “cử đi”.

Lời giải cho lòng yêu nước chân chính hiện nay là bảo đảm nhiệm vụ chống “giặc nội xâm” thắng lợi triệt để, mà cốt lõi là phải đột phá từ xây dựng thể chế pháp luật và thực hiện thể chế đó. Có những đạo luật phải thay đổi, có những đạo luật phải sửa đổi. Trong bất cứ giai đoạn nào, chúng ta phải triệt để chống bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới mạnh mẽ về kinh tế, chính trị mà trọng tâm là xây dựng thể chế pháp luật. Đây là nguyện vọng của người dân mong đẩy lùi các nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đây là lòng yêu nước chân chính của đội ngũ cán bộ rường cột của nước nhà.

Bài 5: Thể hiện lòng yêu nước như thế nào cho đúng?

Yêu nước, thương nòi là truyền thống vốn có lâu đời nhất của xã hội loài người. Ai cũng sinh ra trong một gia đình, dòng tộc, bộ tộc, quốc gia nhất định. Quá trình lao động, sản xuất duy trì sự sống, cải thiện cuộc sống mỗi con người đều gắn liền với một hoàn cảnh cụ thể của không gian và thời gian. Trong hoàn cảnh đó, tình yêu của con người đối với thế giới hiện thực được hình thành và lớn lên, trong đó tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng nhất, hệ trọng nhất.

Lòng yêu nước chân chính

Ở nước ta, lòng yêu nước đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Có thể nói, nước ta là một trong những quốc gia, trong hàng ngàn năm lịch sử có nhiều cuộc chiến chống giặc ngoại xâm nhất thế giới và nhân dân ta chưa bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Vì thế lòng yêu nước của nhân dân ta đã được tôi luyện, thử thách, gắn kết vững bền với vận mệnh quốc gia dân tộc.

Bác Hồ nói:“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Từ khi có Đảng và sau Cách mạng tháng 8/1945, lòng yêu nước của nhân dân ta gắn liền với yêu Đảng, yêu chế độ. Qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cùng với đội ngũ đảng viên, đa số là những người có đức, có tài đã hy sinh cống hiến hết mình vì nước, vì dân nên tình yêu đảng, yêu chế độ, yêu nước quyện chặt làm một và trở thành động lực cống hiến của mọi người dân, tạo thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc.

Tuy nhiên, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong Đảng và bộ máy nhà nước xuất hiện ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái, tha hoá, làm cho nhiều hoat động của các cơ quan công quyền bị chi phối bởi “tư duy nhiệm kỳ” gắn với sự phát triển “lợi ích nhóm”. Đây là một trong những nguyên nhân chính, làm sai lệch, xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước - một nguyên nhân trực tiếp làm trở ngại, hạn chế hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Đảng, làm cho niềm tin của nhân dân ta bị chao đảo, tâm trạng xã hội diễn biến phức tạp, bộc lộ nhiều dấu hiệu rất đáng lo ngại. Có một bộ phận người dân giờ đây nhận thức các vấn đề nhạy cảm thường theo tâm lý đám đông, đôi khi còn bị cuốn hút theo tin giả của mạng xã hội. Còn nhiều cán bộ tâm huyết, tận tụy cống hiến, nhưng sự ghi nhận của xã hội, của người dân cũng bị mờ nhạt. Giờ đây quan chức là người tốt, liêm chính, tử tể cũng không được người dân tin tưởng như trước. Niềm tin còn bị “vấy bẩn” ở cả những chốn công đường vốn sáng ngời bản chất vị dân và những “ không gian” vốn trong sạch nhất của thượng tầng kiến trúc.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mặc dù vừa qua có những cuộc gây rối diễn ra ở vài nơi, nhưng về cơ bản xã hội ta không bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, mà đang có vẻ “bất ổn” về đời sống tư tưởng, tâm lý, tình cảm của các tầng lớp nhân dân. Nhiều giá trị trong đời sống cũng bị biến thái, đảo chiều, bất công xã hội không giảm. 

Chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Trong Đảng, mặc dù đã được nhận diện và có chủ trương biện pháp để chống “tự diễn biến, tự chuyển hoá” nhưng xem ra cuộc chiến này diễn ra vô cùng phức tạp. Việc phân loại đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong thực tiễn những nơi nội bộ có nhiều phức tạp, như là sự đánh đố tổ chức Đảng. Người còn tư chất đảng viên có khi sốt ruột vì sự sống còn của Đảng, bức xúc phát ngôn đôi khi lại bị quy chụp là “tự chuyển hoá”.

Ngược lại, có người mất hẳn niềm tin vào Đảng, lo vun vén cá nhân, im lặng trước thời cuộc có khi lại được tổ chức Đảng bảo vệ “an toàn”. Cũng còn một số đảng viên đang ngày đêm bảo vệ lợi ích nhóm, đục khoét, bòn rút của công, làm suy thoái đạo đức, lối sống, tha hoá quyền lực, làm suy yếu Đảng và chế độ chưa bị phát hiện lên án kịp thời. Có một bộ phận cán bộ công chức, trước những đòn tấn công mạnh mẽ của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, trước những “quả bom” dội vào các đại án tham nhũng, họ đang nằm im, chờ thời, không làm gì,hoặc chỉ làm một phần chức trách nhiệm vụ. Họ gia nhập vào đội ngũ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Có khi họ lại là những người nói nhiều về quyết tâm của Đảng chống “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong các cuộc họp tập thể. Tính trung thực với Đảng của họ từ lâu đã không còn. Thậm chí, có nơi họ còn tìm cách “bao vây" những đảng viên dũng cảm đưa ra những quan điểm, những phản biện tích cực để góp phần hiện thực hoá các nghị quyết của Đảng. Thường họ là những kẻ cơ hội, động cơ thiếu trong sáng, họ tìm cách xuyên tạc, bóp méo, báo cáo, phản ánh, rỉ tai làm nhiễu thông tin về những chính kiến của những đảng viên có tâm huyết, có năng lực đến các cấp lãnh đạo của Đảng.

Lòng yêu nước của nhân dân bị phân hoá

Biểu hiện thứ nhất: Một bộ phận lớn nhân dân yêu nước gắn liền, quyện chặt với yêu Đảng và yêu chế độ. Tình yêu nước, yêu Đảng, yêu chế độ của họ thống nhất giữa nhận thức và hành động. Trong bộ phận này, có một bộ phận thống nhất cao với đường lối nghị quyết của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Bộ phận khác vẫn tin tưởng vào tính mục đích của đường lối, Nghị quyết của Đảng, nhưng hoài nghi về tính khả thi thực hiện nghị quyết. Vì họ cho rằng, Đảng ta có một số nghị quyết thực hiện không mấy thành công. Họ cho rằng, sự yếu kém trong quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, sự suy thoái trong bộ máy sẽ không giải quyết được tận gốc nếu không thay đổi phương thức lãnh đạo của đảng. Khi nào xã hội thực sự dân chủ, người có đức tài được trọng dụng, quyền lực được kiểm soát thì các nguy cơ, quốc nạn, vấn nạn mới được đẩy lùi và mới có niềm tin xoá bỏ.

Biểu hiện thứ hai: Một bộ phận lớn nhân dân, về mặt tư tưởng, tình cảm họ vẫn yêu nước, yêu Đảng, yêu chế độ, nhưng tư tưởng, tâm lý và hành động không thống nhất. Họ nói một đường làm một nẻo. Việc làm của họ thường chống lại hoặc làm biến thái các nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Họ thừa nhận và coi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm là chuyện bình thường. Họ không ghét quan tham. Họ cổ xuý cho việc “chạy” để có vị trí, có quyền lực trong xã hội. Con cháu của họ trưởng thành họ đều dùng tiền để lo lót bảo đảm cuộc sống ổn định, vương giả, có vị trí trong xã hội.

Trong cuộc sống, họ chỉ lo tâp trung kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình và cá nhân. Người có chức vụ, có quyền lực thì sử dụng quyền lực để tham nhũng. Người không có chức vụ, không có quyền lực thì chấp nhận dùng tiền để chi phối quyền lực như là một lẽ đương nhiên. Họ thiếu quan tâm, thiếu chính kiến thời cuộc. Việc làm của họ đồng nghĩa với việc phá hoại, chống lại Đảng, chế độ, lòng yêu nước của họ đã bị tha hoá.

Biểu hiện thứ ba: Một bộ phận không nhiều, tình yêu nước không thay đổi, nhưng họ ngán ngẩm và chán nản đối với xã hội mà họ đang sống. Họ vừa không chấp nhận các âm mưu chống Đảng, chống nhà nước, không hài lòng với chế độ. Họ mất phương hướng, họ thường xuyên ca ngợi cuộc sống các nước tư bản. Vì họ thấy xã hội ta có nhiều cán bộ, đảng viên nói mà không làm, hoặc nói một đường làm một nẻo. Họ nghĩ rằng, chế độ này tạo đất sống cho sự giả dối. Trong số này có nhiều người có điều kiện đã định cư hoặc chuẩn bị định cư ở nước ngoài.

Biểu hiện thứ tư: Có một bộ phận nhỏ người Việt Nam thiếu lòng yêu nước, thâm thù với chế độ đã có những hành động tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá làm rối loạn xã hội. Bộ phận này tìm cách lôi kéo những người dân yếu thế bị oan trái, lôi kéo những người thuộc biểu hiện thứ ba như nêu ở trên. Biểu hiện này sẽ góp phần tạo ra hiểm hoạ của giặc ngoại xâm.

Có thể nói, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam có lúc thịnh lúc suy, vận nước lúc lên lúc xuống. Bên cạnh sự ổn định về dòng máu lạc hồng, khí phách kiên cường bất khuất, bản lĩnh anh hùng của một dân tộc được thử thách, hun đúc qua hàng nghìn năm chinh chiến để giữ gìn non sông bờ cõi, thì ở bất kỳ kỷ nguyên nào, thế kỷ nào cũng có những thời đoạn chúng ta phải đối mặt với những vấn đề xung đột, nhức nhối, thậm chí là sự bi thảm trong nội tình đất nước mà biểu hiện ở mỗi thời một khác.

Ở thời đại ngày nay, trong gần một thế kỷ trôi qua, có những lúc vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” và có những cuộc chiến không cân sức, tưởng chừng dân tộc ta không thể thắng nổi những thế lực ngoại bang hùng mạnh, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhờ có truyền thống yêu nước tạo thành sức mạnh đoàn kết thống nhất của toàn dân tộc, nhờ có chính quyền hoạt động đúng với bản chất do dân, của dân và vì dân, nhờ có ý Đảng, lòng dân quyện chặt làm một mà dân tộc ta đã làm nên những huyền thoại, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập cho tổ quốc, thống nhất non sông, đưa dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than trở thành những công dân ở một đất nước đầy niềm kiêu hãnh và tự hào.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện khát vọng vươn lên để sánh vai với các cường quốc năm châu, bên cạnh những thành quả to lớn do biến đổi cách mạng và sự nghiệp đổi mới mang lại, đất nước đang đối mặt với sự suy thoái, tha hoá về đạo đức, lối sống, rối loạn về kỷ cương.

Nhận rõ sự nguy hiểm khôn lường của giặc bên trong, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết, có thêm những “liều thuốc” mới để tấn công vào dinh lũy của những khối “ung nhọt” ác tính nằm ngay trong hệ thống chính trị. Những khối “ung nhọt” này chưa được phẫu thuật, chưa được cắt bỏ, chưa được chữa trị đúng trình độ chuyên môn cao đã đánh sập niềm tin, gây hoài nghi của dân chúng về sự đúng đắn của con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta dã lựa chọn.

Thành công bước đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng trong thời gian gần đây là đột phá lớn, gây hiệu ứng xã hội mạnh, hiệu triệu được hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước tham gia chống “giặc nội xâm” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tổng chỉ huy cuộc chiến.

Tuy nhiên, nhìn nhận toàn diện hiện tình đất nước, hiện thời trong xã hội ta,những cấu trúc, cơ chế đang vận hành có nhiều chuyện không giống các nước khác. Tàn dư tâm lý của chế độ phong kiến vẫn đang đeo bám trong thực thi quyền lực nhà nước. Chúng ta vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường nhưng thiếu sự minh bạch. Con đường đi lên của nước ta là CNXH nhưng dân chủ, công bằng đang bị biến thái phức tạp. Chúng ta tuyên bố xây dựng nhà nước pháp quyền từ hơn 30 năm trước, nhưng nhiều hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội vẫn theo thói quen của chế độ tập quyền.

Hiện nay, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề đang làm cho tính nghiêm trọng của dao động niềm tin tăng lên. Trong đó, có hai vấn đề chung, rất hệ trọng, đó là: Hiểm hoạ giặc ngoại xâm và tính nguy hiểm của “giặc nội xâm”

Trước thực cảnh đất nước như trên, chúng ta cần thể hiện lòng yêu nước của mình như thế nào? Đây là câu hỏi mà mọi ngành, mọi cấp, mọi nhà, mọi người phải có nhận thức thống nhất.

Đối với hiểm hoạ giặc ngoại xâm

Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam: “Lòng yêu nước chân chính không bao giờ song hành cùng chủ nghĩa cực đoan, không đồng nghĩa với hành động quá khích. Lòng yêu nước được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt mới là nguồn lực quan trọng để củng cố, tăng cường thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người dân Việt Nam với tình cảm yêu nước đừng để lòng yêu nước đó bị kẻ xấu lợi dụng”. Nguồn: Báo Lao động

Nói hiểm hoạ ngoại xâm có nghĩa là nguy cơ, là sự đe doạ độc lập chủ quyền của quốc gia. Hành động xâm lược, thôn tính nước ta bằng chiến tranh bom đạn, bằng phương thức tranh đoạt từ những “cuộc chiến” bằng công nghệ, bằng kinh tế, bằng văn hoá có thể xảy ra trong tương lai. Hiểm hoạ giặc ngoại xâm do ai gây nên và đến từ đâu? Câu hỏi này phải được trả lời trước khi chưa xảy ra hành động xâm lược của kẻ thù, hoặc mới chỉ là những dấu hiệu của ý đồ đối phương, bằng sự tổng hợp, phân tích, nhận định tình hình một cách khách quan, khoa học.

Không làm tổn hại đến tình hữu nghị với các nước mà Đảng và nhân dân ta đã dày công vun đắp. Là người Việt Nam yêu nước, trước hiểm hoạ của giặc ngoại xâm, trước hết các tầng lớp nhân dân ta ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài cần tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với xây dựng đường lối, chiến lược và triển khai nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

Dân tộc Việt Nam ta đã có hàng ngàn năm lịch sử oanh liệt, vẻ vang trong chống giặc ngoại xâm. Kế thừa truyền thống quý báu của tổ tiên ta, ông cha ta, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có đủ tinh thần, nghị lực, trí tuệ và kinh nghiệm phòng chống giặc ngoại xâm.

Cùng với sự tin tưởng nói trên, cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc về đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Đảng. Nhất là phải nhận thức sâu sự xác định của Đảng về đối tượng, đối tác, sự chuyển hoá lẫn nhau giữa đối tượng và đối tác. Đồng thời phải thấm nhuần quan điểm vừa hợp tác vừa đấu tranh.

Chúng ta tin tưởng Đảng ta có đủ bản lĩnh duy trì môi trường hoà bình ổn định, hoá giải nhằm hạn chế tối đa những mầm mống xảy ra xung đột, chiến tranh, đồng thời cũng đủ bản lĩnh, kinh nghiệm để lãnh đạo điều hành  để bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

Mỗi người dân cần có trách nhiệm vừa cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch, vừa góp phần xây dựng tình hữu nghị theo tinh thần Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Đặc biệt phải tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng. Không có những phát ngôn và hành động đi ngược lại tình cảm quốc tế mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dày công vun đắp.

Đối với “giặc nội xâm”

Lê-nin nói: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”.

Vì vậy, “giặc nội xâm” là thứ giặc vô cùng nguy hiểm. Chống “giặc nội xâm” là phải chống thường xuyên, liên tục, kiên trì với những cách đánh linh hoạt sáng tạo,lấy mục tiêu toàn cục, mục tiêu cuối cùng để đề ra “binh pháp” phù hợp. Dù có bỏ tù được hàng vạn quan tham, nếu không đổi mới thì mục tiêu cuối cùng cũng không thể thành công. Vì vậy, chúng ta không chủ quan, nóng vội tấn công vào “dinh luỹ” “ thành trì” khi môi trường, hoàn cảnh chưa thuận lợi và không kéo dài lê thê xử lý những vụ việc đã rõ, làm những việc đã chín. Chỉ huy cuộc chiến phải bao quát tình hình chung, việc làm trước, làm sau, chưa làm, không làm phải tính toán cân nhắc cẩn trọng. Cần kết hợp việc chống “giặc nội xâm” với đổi mới thể chế để trong bộ máy khi diệt trừ được “sâu bọ” thì phải có môi trường thuận lợi, để “chim chích” sống, tiếp tục tìm diệt, ngăn chặn sâu bọ sinh sôi trở lại.

Để đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đến thắng lợi cuối cùng, là người dân yêu nước chúng ta cần phải làm gì ?

Một là, trước hết phải tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến, thường xuyên tuyền truyền, cổ vũ động viên những chiến công. Mặt khác phải tham gia tạo được các luồng dư luận tích cực để các cơ quan, lực lượng chức năng trực tiếp tham gia giải quyết, xử lý các vụ việc, vấn đề đạt được hiệu quả cao nhất.

Hai là, thường xuyên phát hiện tố giác, tố cáo tội phạm tham nhũng, tội bao che cho tham nhũng, ngăn cản phòng chống tham nhũng. Đề cao vai trò của báo chí truyền thông, qua đó tạo nên phong trào sôi động trong phòng chống tham nhũng lãng phí.

Ba là, người yêu nước không tham nhũng với lãng phí, không tiếp tay bao che cho tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn của bọn tham nhũng. Khi tham gia phòng chống tham nhũng cần phải có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ những đồng bào, đồng chí tham gia cuộc chiến này. Trong đó bảo vệ tính mạng, bảo vệ tài liệu chứng cứ, bảo vệ sự trong sáng cho đồng chí phải đặt lên hàng đầu.

Năm là, tích cực phản biện, có những bài viết sâu, xác định rõ nguyên nhân, gốc rễ và thực trạng của “giặc nội xâm”, nhằm cung cấp thông tin cho Đảng, Nhà nước, người chỉ huy cuộc chiến có thêm nhiều thông tin để có những chỉ đạo sáng suốt, không vì chống “giặc nội xâm” để mâu thuẫn nội bộ trở nên sâu sắc và cũng không vì chống “giặc nội xâm” mà hoạt động trong bộ máy bị ngưng trệ, đình đốn, và cũng không vì chống “giặc nội xâm” mà làm tăng nguy cơ hiểm hoạ ngoại xâm. Chính vì vậy,những người yêu nước trong lúc này phải hiến kế nhiều giải pháp để hoá giải được tình hình, làm cho Đảng ta, chế độ ta đứng vững và mạnh lên nhờ vào kết quả chống “giặc nội xâm”, loại trừ hiểm hoạ ngoại xâm, xây dựng chính phủ kiến tạo phục vụ trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền.

Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trước hết, trong điều kiện cho phép nghiên cứu sửa đổi Luật bầu cử, Luật đất đai, Luật ngân sách, Luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ ... nhằm xây dựng xã hội thực sự dân chủ để kiểm soát được quyền lực và thu hút người có đức tài vào hoạt động, cống hiến trong hệ thống chính trị đủ sức xây dựng và thực hiện nhà nước pháp quyền do dân, của dân và vì dân. Đồng thời triệt để đổi mới về kinh tế, tạo mọi điều kiện để hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, các loại hình kinh tế hoạt động minh bạch theo pháp luật; Xoá bỏ doanh nghiệp “sân sau”, cơ chế xin cho, chạy dự án, thủ tục đấu thầu kiểu quân xanh như lâu nay.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất