Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng


Trao Giải C cho các tác giả, nhóm tác giả

Bài 1: Người kiến tạo thành công của đại hội

Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng đã đi qua một chặng đường khá quan trọng. Thực tế cho thấy đảng bộ nào cấp ủy, người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, làm tốt vai trò, trách nhiệm thì đại hội thành công; còn làm cầm chừng, nghe ngóng, “giữ mình lấy phiếu”, hoặc làm cho qua chuyện để chờ nghỉ chế độ do không đủ điều kiện tái cử thì đại hội khó đạt yêu cầu như nêu trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Không ai khác, cấp ủy phải thật sự là người kiến tạo thành công của đại hội.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: DUY LINH

Mỗi người mỗi việc, nhưng chung một ý chí

Đại hội đảng bộ là sự kiện trọng đại đối với mỗi cấp, có nhiệm vụ tổng kết toàn diện các mặt công tác trong nhiệm kỳ, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới; lựa chọn người có đức, có tài, đủ điều kiện tham gia cấp ủy khóa mới,... Để chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội, cấp ủy đương nhiệm có rất nhiều việc để làm, nhất là lần này lại vướng đại dịch Covid-19, vừa lo thực hiện “nhiệm vụ kép” phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, vừa lo tổ chức đại hội. Việc nào cũng quan trọng, cấp bách, song đây là thời điểm nhạy cảm dễ xảy ra tình trạng người được quy hoạch thường thận trọng, nghe ngóng, không dám quyết đoán, không dám làm mạnh, sợ mất phiếu; người không trong quy hoạch, nhất là sắp nghỉ lại dễ buông xuôi.

Nếu không nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đại hội, cho rằng đại hội nào chẳng “thành công tốt đẹp”; không thấy hết trách nhiệm thì rất khó có quyết tâm trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội. Thiết nghĩ, tập thể cấp ủy chỉ phát huy tốt vai trò của mình khi từng thành viên làm tốt công việc được phân công, đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, như lời Bác Hồ căn dặn “Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”.

Trong tập thể cấp ủy, mỗi người theo dõi, phụ trách một lĩnh vực và cũng sẽ có trách nhiệm chính, tham mưu, giúp cấp ủy tổng kết, đánh giá kết quả các lĩnh vực công tác đó trong suốt nhiệm kỳ, để xây dựng dự thảo báo cáo, nhất là báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của đại hội. Người phụ trách lĩnh vực kinh tế tham mưu về kinh tế; người phụ trách lĩnh vực văn hóa, tham mưu về văn hóa,… Dù phụ trách lĩnh vực nào, các cấp ủy viên cũng phải có tiếng nói chung, khách quan, thống nhất khi đánh giá từng lĩnh vực cũng như tất cả các mặt công tác; nêu bật thành tích, chỉ rõ hạn chế, yếu kém để tìm giải pháp khắc phục; tránh tình trạng “ăn cây nào rào cây nấy”; “mẹ hát con khen hay”, chỉ nói điều tốt đẹp, mà bỏ qua hoặc xem nhẹ hạn chế thuộc lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách.

Đặc biệt là trong công tác nhân sự, một lĩnh vực khó, nhạy cảm, phức tạp, càng cần sự vào cuộc đồng bộ, thận trọng của thành viên cấp ủy, nhất là ban tham mưu, giúp việc. Không chỉ tham mưu về công tác tổng kết chuyên ngành cho việc xây dựng văn kiện đại hội mà còn phải cùng các cơ quan chức năng giúp cấp ủy làm tốt công tác nhân sự, như: ban tổ chức, trực tiếp là trưởng ban, chịu trách nhiệm chính, tham mưu cho cấp ủy quá trình lựa chọn, sàng lọc, giới thiệu nhân sự cấp ủy theo quy trình năm bước; ủy ban kiểm tra mà trực tiếp là chủ nhiệm tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là kiểm tra, xác minh, làm rõ đơn thư tố cáo liên quan nhân sự đại hội; ban tuyên giáo mà trực tiếp là trưởng ban tập trung nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về đại hội, trong đó đặc biệt quan tâm công tác nhân sự…

Việc nào cũng vậy, sự đồng thuận cao của các ban tham mưu sẽ là cơ sở tốt nhất để cấp ủy quyết định, còn như “năm người mười ý” thì sẽ rất khó cho cấp ủy. Mỗi người mỗi việc nhưng phải chung một ý chí là thế!

Nhìn thẳng vào sự thật, can ngăn việc làm sai trái

Đại hội là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, dân chủ, sáng tạo để quyết định những vấn đề hệ trọng của Đảng bộ. Trong các văn kiện đại hội, báo cáo chính trị phải kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và cơ quan, đơn vị, địa phương; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành tập trung đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo, việc đổi mới tư duy và cách thức tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.

Những yếu kém cần có địa chỉ cụ thể, qua đó rút bài học cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới. Không có tinh thần tự phê bình và phê bình, không dũng cảm đánh giá đúng sự thật, nói đúng sự thật thì những yếu kém trong nhiệm kỳ khó được chỉ ra một cách rõ ràng. Cần khắc phục căn bệnh: thành tích thì nói rất dài, rất sâu, rất kỹ, có khi tô điểm thêm, còn hạn chế, yếu kém chỉ nói chung chung, không thấy trách nhiệm thuộc về ai; báo cáo kiểm điểm của tập thể cấp ủy cần gắn liền với trách nhiệm cá nhân trong các lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, vậy nhưng, có những báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành nhiều đoạn sao chép lại báo cáo chính trị, không nêu bật được vai trò lãnh đạo của cấp ủy.

Việc kiểm điểm cần làm rõ mức độ sai phạm với tinh thần nghiêm túc, không sợ, không giấu khuyết điểm, nhất là hạn chế yếu kém kéo dài. Đó cũng là một nội dung quan trọng phục vụ công tác nhân sự khóa mới. Ở đây cần tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải kiên quyết đấu tranh, không tranh công đổ lỗi, không thiên vị người này mà bao che, ghét người khác mà “bới lông tìm vết”.

Để chuẩn bị cho đại hội, các cấp ủy đều thành lập tiểu ban văn kiện, nhân sự và phục vụ đại hội…, nhưng cấp ủy viên chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực của mình và đồng chí bí thư có thể coi như nhạc trưởng, biết khơi dậy âm thanh trong từng nốt nhạc, tập hợp trí tuệ mọi người; đồng thời là “trung tâm điều hành”, là “người cầm lái” phát huy dân chủ, thảo luận, tranh luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất. Đây là lúc cấp ủy tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp các mặt công tác, đồng thời chỉ đạo sát sao từng lĩnh vực, từng việc và phát huy cao nhất tính chủ động của từng thành viên.

Người đứng đầu cấp ủy, có ý thức đảng cao, tâm huyết, trách nhiệm với công việc sẽ là động lực, thôi thúc các cấp ủy viên làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, còn ngược lại cấp ủy khó có thể hoàn thành được trọng trách trước đảng bộ, trước nhân dân. Bởi thế, đồng thời với phát huy vai trò của cấp ủy, rất cần sự chỉ đạo sát sao và kiểm tra thường xuyên của cấp ủy cấp trên từ khi chuẩn bị đến tổ chức đại hội và sau đại hội.

Thực tế, vừa qua còn tình trạng cấp ủy chưa làm tròn trách nhiệm, cá biệt có nơi để xảy ra việc đáng tiếc như gian lận phiếu bầu, phải tổ chức bầu lại tại một đại hội đảng bộ xã; bốn cán bộ ở một đảng bộ phường bị kỷ luật do có nhiều vi phạm nghiêm trọng, như vận động bầu cử trái quy định, xúi giục, lôi kéo đảng viên không chấp hành chủ trương về công tác nhân sự, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khi bầu ban thường vụ tại một đại hội đảng bộ phường. Hay như chỉ định bí thư cấp ủy khóa mới sau đại hội đảng bộ ít ngày, thậm chí ngay trong đại hội… Dù lý giải thế nào thì cũng rất khó nhận sự đồng thuận của xã hội, bởi công tác nhân sự phải được thực hiện theo quy trình năm bước, theo Chỉ thị 35 về đại hội và Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ.



Người dân xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên vui mừng đi trên cây cầu mới nối đôi bờ sông Lô - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII

Trước mỗi đại hội, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu vô cùng nặng nề, không chỉ làm tốt việc được giao mà phải có dũng khí dám can ngăn việc làm trái quy định, Điều lệ Đảng, như thế mới thật sự xứng đáng với niềm tin mà đại hội đã lựa chọn, gửi gắm.

Bài 2: Kết quả của tầm nhìn và hành động

Đến thời điểm này, các đại hội đảng bộ cấp cơ sở, trên cơ sở và nhiều đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương thành công tốt đẹp. Song thành công ấy không “tự dưng có” mà là kết quả của cả quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của tập thể Ban Chấp hành nhiệm kỳ trước, nhất là về công tác nhân sự và xây dựng văn kiện. Trong đó, rõ nét là nỗ lực của từng cấp ủy viên, tổ chức đảng, nhất là trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu mỗi đảng bộ.

    


“Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả” là một trong những mục tiêu quan trọng của Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025. Trong ảnh: Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn

Lắng nghe dân và trực tiếp chỉ đạo giải quyết

Sau nhiều năm “gõ cửa” không ít cơ quan chức năng của huyện, tỉnh để kiến nghị giải quyết quyền lợi chính đáng trong việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng ki-ốt và quyền thuê đất, mới đây, ông Nguyễn Văn Hoán, Giám đốc Công ty TNHH Hoán Hà đã được Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Tĩnh bàn giao 144,6 m2 diện tích đất thuê kinh doanh 50 năm và các ki-ốt gắn liền với đất thuộc khu vực Ngã ba Voi (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Vụ tranh chấp này kéo dài nhiều năm và chỉ được giải quyết khi có sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Báu Hà cho biết, sự việc này chỉ là một trong nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm gần đây, sau khi rà soát, phân loại các đơn thư, phản ánh của công dân; thông qua công tác tiếp, đối thoại trực tiếp, những vụ việc tồn đọng thời gian qua đã được giải quyết rốt ráo. Đây là phương thức hành động “ba trong một” mà Hà Tĩnh thực hiện theo tinh thần Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; đồng thời cũng là chủ trương của tỉnh ủy gắn việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp với giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, vụ việc nổi cộm kéo dài. “Kinh nghiệm cho thấy, khi người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh gương mẫu, trực tiếp lắng nghe, tiếp thu và giải quyết những kiến nghị của nhân dân thì dứt khoát người đứng đầu cấp ủy cấp huyện, cấp xã phải noi gương mà thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ ở cấp mình”, đồng chí Trần Báu Hà nhận định.

Mỗi nơi một cách làm, song khi cán bộ thực tâm lắng nghe ý kiến người dân, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo thì cơ bản những vấn đề dù khó đến mấy vẫn được tháo gỡ, xử lý hiệu quả. Ở Hà Tĩnh là phương thức “ba trong một” thì ở thành phố Hà Giang là Diễn đàn “Chiều thứ sáu nghe dân nói” được duy trì nhiều năm nay, định kỳ mỗi quý một lần, bên cạnh công tác tiếp công dân duy trì hằng tháng. Trong quá trình chuẩn bị đại hội, qua các cuộc tiếp xúc, đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, lãnh đạo thành phố luôn chú trọng việc giải quyết các vấn đề tồn đọng, các vấn đề bức xúc, từ đó tạo niềm tin trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân. “Quan trọng hơn, không ít lần khi tiếp xúc trực tiếp như thế, chịu khó lắng nghe, cầu thị, chúng tôi còn được các đảng viên, người dân thẳng thắn góp ý, thậm chí là hiến kế hiệu quả để các cơ quan chức năng làm tốt hơn vai trò của mình”, đồng chí Bùi Huy Hoàng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Giang phân tích.

Có dịp về Tuyên Quang, chúng tôi cảm nhận rõ sự quan tâm của các đảng viên và các tầng lớp nhân dân dành cho sự kiện chính trị quan trọng của huyện. Đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Yên cho biết, qua việc góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, nhất là của các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí đảng viên lớn tuổi. Tại các cuộc lấy ý kiến, đảng viên, nhân dân đã có thảo luận sôi nổi, và rồi những giải pháp hợp lý, những sáng kiến tốt được lựa chọn để kịp thời hoàn thiện Báo cáo chính trị.

Tại huyện Hàm Yên, khi kiểm tra công tác chuẩn bị trước Đại hội Đảng bộ huyện, nhận thấy dự thảo văn kiện còn xác định chưa rõ mục tiêu nhiệm kỳ mới, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã đề nghị ban soạn thảo phải khẩn trương tham vấn, lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiếp tục chỉnh sửa nhiều lần, nâng tầm chất lượng văn kiện. Sau những cân nhắc kỹ lưỡng, được sự gợi ý từ cấp trên, dự thảo Báo cáo chính trị đã rút từ hai khâu đột phá xuống chỉ xác định một khâu đột phá cho tập trung và phù hợp hơn, đó là “Xây dựng huyện nông thôn mới gắn liền với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế”. Nhờ sự chuẩn bị công phu đó, các văn kiện tại Đại hội nhận được sự ủng hộ tuyệt đối…


N
hững công việc được giải quyết rốt ráo, những cuộc tiếp xúc trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân, cán bộ, đảng viên mà trong đó cấp ủy, người đứng đầu đóng vai trò trung tâm, tạo tiền đề cho việc chuẩn bị văn kiện, cũng như nhân sự cho đại hội đảng cấp cơ sở, trên cơ sở và cấp trực thuộc trung ương diễn ra một cách thuận lợi. Đặc biệt là uy tín của cấp ủy, người đứng đầu chính là sự bảo chứng cho kết quả, phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ mới của đảng bộ nêu trong Báo cáo chính trị và các văn kiện, cũng như phương án giới thiệu nhân sự vào các vị trí chủ chốt.

Trước đó, cấp ủy khóa cũ cũng thể hiện rõ quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, không chấp nhận tư duy “chợ chiều, cuối khóa”. Nhiều đồng chí cấp ủy, trong đó có đồng chí Bí thư Huyện ủy không tái cử nhiệm kỳ tới, xác định càng tích cực trong thời gian tại nhiệm. Đó cũng là những tấm gương để toàn đảng bộ noi theo, các tầng lớp nhân dân thêm tin tưởng.

Vượt khó, khắc phục sai lầm, dám làm, dám chịu

Về cơ bản, cấp ủy khóa mới ở cấp cơ sở và cấp huyện ở Hàm Yên đều theo dự kiến, chỉ có một hai trường hợp ở ngoài dự kiến vì lý do khách quan. Trong đó có một đồng chí được luân chuyển giữ chức xã đội trưởng đúng vào dịp “giãn cách xã hội” do dịch Covid-19 trước đại hội chỉ vài tháng, chưa có điều kiện thể hiện đầy đủ phẩm chất, năng lực của mình, cho nên không trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Đáng mừng là chất lượng cấp ủy khóa mới bảo đảm tiêu chuẩn đề ra, các trường hợp trượt cấp ủy được bố trí công việc phù hợp, nhanh chóng nhập cuộc, nỗ lực với nhiệm vụ mới. “Đại hội thành công, theo tôi, không chỉ đại hội được tổ chức suôn sẻ, mà là nhiệm kỳ mới đã được kế thừa thành tựu, thành công từ Ban Chấp hành khóa trước. Trên đà ấy, sau đại hội, Ban Chấp hành khóa mới cũng kịp thời bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội”, Bí thư Huyện ủy Hàm Yên Mai Hồng Hà chia sẻ.

Thời gian qua, gắn với công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp từ cơ sở đến cấp trên cơ sở, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chủ động giải quyết có hiệu quả những việc khó, vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, góp phần tạo nên khí thế, niềm tin và sự đồng thuận cao đối với Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang đánh giá cao vai trò cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong quy trình nhân sự, bản lĩnh chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về nhân sự mà mình giới thiệu. “Phải thật linh hoạt trong triển khai các quy chế, quy định, quy trình. Đối với một vài trường hợp nhân sự tốt song có người thân đang làm việc, sinh sống ở nước ngoài đã báo cáo sớm, chúng tôi phối hợp đề nghị công an hỗ trợ xác minh, nếu thân nhân không có vấn đề về chính trị, vẫn tạo điều kiện, giới thiệu nhân sự ấy vào cấp ủy”, đồng chí Trưởng ban Tổ chức lấy thí dụ.

Hà Giang là tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc, nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong giao thương giữa hai bên được đặt lên hàng đầu. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều đại biểu vẫn nhớ như in thời điểm thực hiện “nhiệm vụ ba trong một”: tổ chức Đại hội; phòng, chống dịch Covid-19; và bảo đảm hoạt động liên tục tại cửa khẩu. Đại tá Vàng Đình Chiến, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Do tính chất đặc thù, được Đại hội chấp thuận, nhiều đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Đồn Biên phòng Thanh Thủy - đã sắp xếp xen kẽ thời gian dự Đại hội, để vừa có thể tham gia góp ý vào Báo cáo chính trị, tham gia bầu cử, biểu quyết thông qua Nghị quyết song vẫn hoàn thành nhiệm vụ tại cửa khẩu”.

Tất nhiên không phải lúc nào, ở đâu kết quả bầu cử cũng đúng như phương án nhân sự do Ban Chấp hành trình ra Đại hội. Ở một góc độ nào đó, điều này phản ánh tinh thần dân chủ trong Đảng ngày càng cao, song cũng cho thấy bài học từ cơ sở cần được rút kinh nghiệm kịp thời. Đến giờ, khi được hỏi về công tác cán bộ thời gian qua, đồng chí Lưu Đình Phát, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang vẫn chưa thôi trăn trở. Những vấn đề nổi cộm trước đây của Hà Giang rõ ràng không chỉ thuộc trách nhiệm người đứng đầu mà cả cấp ủy các cấp nhiệm kỳ trước. Rồi việc một huyện mới đây chưa chuẩn bị được nhân sự cấp trưởng phòng, đành phải để trống một vị trí trong cấp ủy khi tiến hành Đại hội Đảng bộ huyện cho thấy cấp ủy bị động trong chuẩn bị nhân sự, không có người để thay thế, dù chủ trương một chức danh có thể quy hoạch ba người đã được thực hiện từ rất lâu.

Từ thực tế ấy, khắc phục khó khăn trong lựa chọn, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân sự trước Đại hội, công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới cần được tính toán kỹ lưỡng. Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo quyết liệt, bài bản, cả trong chuẩn bị văn kiện và nhân sự. Xác định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, song để bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn thì không thể đánh giá chung chung; trong không ít phiên họp Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, xác định “những việc cần làm ngay”, những vướng mắc cần tháo gỡ và giao việc cụ thể cho từng cấp ủy viên, người đứng đầu mỗi cấp, vừa nhằm tạo “áp lực” trách nhiệm vừa dựa vào kết quả công việc để đánh giá chất lượng cán bộ. Bên cạnh kết quả đáng kể trong đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ, đến nay, trên địa bàn Hà Giang không còn bí thư huyện ủy nào là người địa phương, cán bộ trẻ được tăng cường phát triển…

Để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, chuẩn bị Đại hội còn nhiều việc cần quan tâm. Vì vậy, sau mỗi Đại hội, các cơ quan chức năng cần có thời gian nghiên cứu, có vấn đề phải xin ý kiến cấp trên, để tìm hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Điều chắc chắn là khi người đứng đầu mạnh dạn lựa chọn những việc khó, vấn đề nổi cộm để giải quyết, cùng với đó biết lắng nghe và dựa vào nhân dân, biết nhận trách nhiệm, biết sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm thì không khó khăn, trở ngại nào ngăn cản địa phương ấy phát triển.

Bài 3: Những tiếng nói trách nhiệm

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Giang: Quán triệt các quy định, hướng dẫn của Trung ương, công tác nhân sự đại hội được Thành ủy Hà Giang đặc biệt coi trọng cả về chất lượng và cơ cấu, nhưng trước hết là chất lượng.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, đề án nhân sự cần tiến hành theo phương châm “Làm từng bước chặt chẽ; từng việc cụ thể; thận trọng kỹ lưỡng, từng khâu; làm đến đâu chắc đến đó”. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, tham nhũng, tiêu cực, không xứng đáng, nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín; trên cơ sở tuân thủ quy trình năm bước một cách nghiêm túc, chặt chẽ.

Đồng chí Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà (Hà Tĩnh): Thời gian qua, thông qua việc đối thoại với nhân dân, phát hiện một số tập thể, cá nhân đã bị xử lý kỷ luật do vi phạm về ý thức, thái độ, trách nhiệm trong thi hành công vụ. Đó cũng là thông tin quan trọng cho công tác nhân sự cấp ủy. Thời gian tới, tiếp tục phát huy kết quả của nhiệm kỳ trước, nhất là trong giải quyết, xử lý các vụ việc nổi cộm; nhằm tạo điều kiện tối đa để người dân được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình cũng như giúp người dân giám sát hoạt động của bộ máy các cấp, qua đó chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước, xử lý nghiêm vi phạm của cán bộ, công chức liên quan, tiếp tục duy trì tốt các phiên tiếp công dân cả thường kỳ và đột xuất. Thông qua công tác tiếp công dân, tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn trên tinh thần công tâm, khách quan, không để công dân khiếu nại vượt cấp, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây mất ổn định an ninh, trật tự…

Đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang: Cấp ủy các cấp từ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, khắc phục mọi khó khăn do dịch Covid-19 để tổ chức đại hội Đảng các cấp. Thành công của Đại hội là kết quả từ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã phát huy tốt vai trò trong đề xuất, quy tụ trí tuệ tập thể lãnh đạo, đặc biệt là những quyết định quan trọng, những vấn đề có ý kiến khác nhau, ý kiến trái chiều.

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Tuyên Quang: Đặc thù là Đảng bộ thuộc khối doanh nghiệp, mọi hoạt động gắn với hiệu quả kinh doanh là chính, nhưng cũng phải chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ. Sau Đại hội, Đảng ủy xác định, trong nhiệm kỳ 2020-2025 cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyên môn, phải tập trung bồi dưỡng, giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là các nhân tố trẻ, nêu cao tinh thần gương mẫu trong toàn đơn vị. Trong công tác quản trị kinh doanh thì phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, xây dựng con người.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất