Sàng nhưng phải… lọc
Các tác giả đoạt Giải c - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ III- năm 2018.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ” chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Với gần 5 triệu đảng viên, một trong những giải pháp làm thanh sạch “một bộ phận không nhỏ” là rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.  

Thực tiễn đòi hỏi phải nhận diện

Tính đến hết năm 2017 toàn Đảng có 57.801 TCCSĐ với 4.921.129 đảng viên. Rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; là yêu cầu khách quan và cũng là quy luật trong công tác xây dựng đảng. Tuy nhiên, nhận diện chính xác những biểu hiện suy thoái là việc không dễ.

Đảng viên T là tiến sỹ của một trường đại học lớn, đã nhận huy hiệu 40 năm tuổi đảng, nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 1-1-2016. Cuối năm 2015, trước khi nhận quyết định nghỉ hưu, đảng viên này bắt đầu viết đơn thư tố cáo một số cán bộ, đảng viên của trường. Theo đúng thủ tục chuyển sinh hoạt đảng, sau 60 ngày nhận quyết định nghỉ hưu, đảng viên sẽ chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú. Nhưng đảng viên T không làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng với lý do đang trong thời gian chịu thanh tra, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền (?). Chi bộ 8 lần nhắc nhở làm thủ tục chuyển sinh hoạt, đảng viên T đều không chuyển. Đến nay, sau hơn một năm nghỉ hưu, đảng viên này vẫn nhất quyết không làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng. Trong số gần 5 triệu đảng viên hiện nay, trường hợp như đảng viên T không phải hiếm. Đây cũng được coi là một trường hợp suy thoái, cần phải thanh lọc.

Đảng viên B khi còn công tác giữ chức vụ lãnh đạo ở một cơ quan cấp tỉnh của Lào Cai. Khi về hưu, đồng chí không chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú mà chuyển sinh hoạt về chi bộ của một doanh nghiệp. Đảng viên của chi bộ đều là những đảng viên như đồng chí B, khi còn công tác giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, khi về hưu không muốn sinh hoạt cùng chi bộ tổ dân phố nên chuyển về đây sinh hoạt cho “tiện”. Khi được hỏi lý do vì sao không chuyển sinh hoạt về nơi cư trú, đảng viên B cho biết: “Về sinh hoạt đảng tại tổ dân phố chắc chắn sẽ “bị” đưa vào “quy hoạch” chức danh bí thư chi bộ. Mình đã hoàn thành nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước cho về nghỉ, giờ làm bí thư chi bộ tổ dân phố mệt lắm. Chuyển sinh hoạt đảng về sinh hoạt tại chi bộ của doanh nghiệp cho nhàn. Ở đây cũng đơn giản, kỳ nào không sinh hoạt cũng chẳng sao!”(?). Đó cũng là tâm sự của nhiều đảng viên đã nghỉ hưu, nhất là đảng viên từng giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Đây phải chăng cũng là một hình thức suy thoái cần phải thanh lọc, khi đảng viên không còn sức chiến đấu, không còn đam mê cống hiến cho Đảng, cho dân?

Đồng chí Vũ Ngọc Huyên, Phó Bí thư Thường trực Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Ở các tổ chức đảng trong giáo dục, khung để định lượng, đánh giá suy thoái bằng kết quả học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học là một trong nhiều cơ sở đúng đắn, phù hợp, khoa học. Trong 13 đảng viên bị xóa tên năm 2017 của Đảng bộ Khối Các trường đại học, cao đẳng Hà Nội thì Học viện Nông nghiệp Việt Nam chiếm 7 đảng viên. 5 tháng đầu năm 2018, Học viện tiếp tục có một đảng viên bị xóa tên. Những đồng chí này đều là những đảng viên được kết nạp ở nhiều tỉnh, thành. Đây được coi là “phần thưởng” cho những học sinh THPT thi đỗ đại học. Môi trường đại học xa gia đình, nhiều mới lạ nên không phải sinh viên mới nào cũng thích ứng kịp. Trong quá trình học tập ở trường đại học, tổ chức đảng đã giáo dục, giúp đỡ, nhắc nhở, nhưng những đảng viên dự bị vẫn không đạt yêu cầu về học tập, rèn luyện nên không thể chuyển đảng chính thức. 

Tuy nhiên, trong quá trình sàng lọc, cần chú ý những trường hợp đặc thù để đưa ra những giải pháp thích hợp. Chẳng hạn, với sinh viên hoặc giảng viên ra nước ngoài học, nơi học không có tổ chức đảng, với khoảng cách xa xôi hàng nghìn km không thể về sinh hoạt đảng tại thành phố khác, phải xóa tên do bỏ sinh hoạt. Hoặc những đảng viên – sinh viên ra trường, đi làm, nơi làm việc không có tổ chức đảng mà nơi cư trú cũng không. Nhiều sinh viên đã phải bỏ sinh hoạt đảng, chấp nhận bị xóa tên dù trong 4 hay 5 năm đại học đã rất cố gắng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh đã có giải pháp thành lập chi bộ cho những đảng viên - sinh viên vừa ra trường không sinh hoạt đảng được tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc. Đây có thể coi là một giải pháp tình thế phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Quy định rà soát, sàng lọc đảng viên áp vào những trường hợp này không phù hợp.

Cần xây dựng được định lượng khi sàng lọc

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong thực tiễn phong phú còn rất nhiều trường hợp đảng viên suy thoái cần rà soát, sàng lọc. Đó là những trường hợp đảng viên năm nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng cả năm không phát biểu lần nào, được hỏi ý kiến đều “tôi xin không có ý kiến gì khác những ý kiến của các đồng chí đã phát biểu”. Có đảng viên trước mặt rất hòa nhã với đồng chí, đồng nghiệp, nhưng sau lưng là “trung tâm” gây mất đoàn kết, xúi người này, đẩy người kia. Có đảng viên cố gắng trong chuyên môn, nghiệp vụ, có ý chí phấn đấu nhưng không phải vì sự phát triển chung của đơn vị, cơ quan mà vì mục đích cá nhân. Trong phê bình, họ nể nang, né tránh, ngại va chạm vì sợ người khác sẽ phê bình mình, sợ mất phiếu… Không ít đảng viên tuổi đảng cao nhưng chẳng thiết tha với Đảng, lấy lý do sức khỏe yếu để xin miễn sinh hoạt đảng nhưng người dân vẫn thấy lái ô tô, cưỡi xe máy đi du lịch… Hầu hết đảng viên khi được hỏi làm thế nào để nhận diện đảng viên có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều cho rằng, dưới con mắt quan sát của người dân, họ đều nhận diện được hết. Nhưng để sàng lọc và đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng cần phải có tiêu chí định lượng cụ thể vì những biểu hiện suy thoái này thường được che giấu dưới nhiều hình thức tinh vi. Đồng chí Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, nếu đảng viên không tự nguyện cống hiến, không tha thiết với Đảng, không gương mẫu thì nên cho họ ra khỏi Đảng.

Trước thực tế phong phú, nhiều tỉnh, thành ủy trong cả nước đã cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái, có những định lượng cụ thể của từng địa phương, đơn vị để nhận diện suy thoái trong đảng viên hiện nay. Ví dụ, Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành quy định, hướng dẫn nội dung việc cấp ủy viên, đảng viên tự phê bình trước nhân dân; ban hành Hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị. Cụ thể 27 biểu hiện thành 82 biểu hiện suy thoái giúp kiểm điểm, đánh giá, nhận diện dễ dàng hơn.

Đồng chí Vũ Tuấn Dũng, Bí thư Đảng ủy Khối Các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cho rằng: “Khâu đào tạo cán bộ làm công tác đảng cần phải bài bản, có hệ thống. Ngay cả những người làm công tác tuyên giáo cũng phải đào tạo lại phù hợp với tình hình mới. Phải đào tạo cán bộ giỏi thực sự mới có thể hiểu, tuyên truyền, đấu tranh với những luận điệu sai trái, mới chiến thắng được trên mọi mặt trận. Có một thực tế, trở thành đảng viên giờ là cơ hội cho không ít cán bộ trẻ cơ hội vào Đảng với những dự tính, mưu toan cá nhân. Đề nghị nghiên cứu quy chế, quy định rõ ràng để khi rà soát thấy có những dấu hiệu suy thoái thì sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng, tránh ảnh hưởng đến uy tín, sự phát triển của tập thể…”. Cách làm của Đảng ủy Khối Các trường đại học, cao đẳng Hà Nội khi tiến hành rà soát, sàng lọc là phân ra 3 nhóm đối tượng cần rà soát, sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng. Nhóm 1: Suy thoái về ý thức hệ. Nhóm 2: Suy thoái về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhóm 3: Suy thoái trong công tác lãnh đạo, quản lý. Chính sự phân ra 3 nhóm này đã giúp Đảng ủy Khối khi đánh giá đảng viên luôn toàn diện, khách quan, được định lượng bằng kết quả công việc hằng ngày. 

Khi rà soát, sàng lọc, có nhiều thủ tục, mất thời gian nhưng thực tế phải tính đến cả những khó khăn, cá biệt của yếu tố vùng miền. Qua khảo sát, hầu hết các tỉnh, thành ủy đều kiến nghị Trung ương cần có khung quy định với những tiêu chí, tiêu chuẩn được định lượng cụ thể, rõ ràng nhưng nên để cho các tỉnh, thành ủy được quy định những đặc trưng riêng của vùng miền. Cần có những quy định cụ thể, kịp thời về những hình thức đưa ra khỏi Đảng. Ngoài hai hình thức xóa tên và khai trừ cần có thêm những hình thức xử lý khác, tránh thủ tục rườm rà.

Nhiều nhóm đối tượng là đảng viên lợi dụng dân chủ để khiếu kiện vì mục đích cá nhân. Trong quá trình rà soát, sàng lọc cần chính xác, thận trọng, công khai, minh bạch, thấu lý, đạt tình. Không để sót những cán bộ, đảng viên suy thoái, nhưng cũng không xử lý oan những cán bộ, đảng viên do thật thà, ngay thẳng, dám đấu tranh, bị cô lập. Làm tốt sàng lọc ngay từ khâu kết nạp đảng viên, không để những kẻ cơ hội lọt vào Đảng. Chương trình quản lý dữ liệu đảng viên cần được nâng cấp để không chỉ phục vụ tốt cho việc quản lý mà còn phục vụ tốt cho việc sàng lọc, nâng chất lượng đảng viên. 

Rà soát, sàng lọc đảng viên là vấn đề quan trọng, cần thiết. Được biết tới đây Ban Tổ chức Trung ương sẽ trình Ban Bí thư Đề án “Rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Hy vọng các quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn, có thể phân cấp, phân quyền cho cấp ủy cấp dưới để họ có thể chủ động xem xét toàn diện, cẩn trọng, chính xác từng trường hợp cụ thể. Quan trọng hơn, không chạy theo thành tích, sàng nhưng phải lọc, tránh nhầm lẫn. Bởi nhầm lẫn trong đánh giá, nhìn nhận một cán bộ, đảng viên có thể hủy hoại cuộc đời không chỉ của một cá nhân mà còn ảnh hưởng tới nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị.

MINH ANH



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất