Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn
Các tác giả đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ III- năm 2018.

Đảng ta đang trong thời điểm của sự “giao tranh” quyết liệt: giữa một bên là tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, một bên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên. Giữa sự kiên định con đường đi lên CNXH với sự chệch hướng con đường đó. Giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích nhóm. Giữa những Đảng viên chân chính với những kẻ cơ hội tham lam. Đây là cuộc chiến nội bộ đầy cam go “lửa thử vàng” chiến đấu vì sự sống còn của Đảng và chế độ.

Thoát khỏi hoạ "giặc nội xâm" không chỉ là ý chí của Đảng mà còn là mong muốn tột cùng của toàn dân. Tin tưởng, phấn khởi với kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng đang trên đà thắng lợi và kết quả bước đầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, để  phục vụ nhân dân. Nhân dân cả nước đang gửi gắm niềm tin vào Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, để cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đi đến thắng lợi cuối cùng còn vô vàn khó khăn trở ngại, không thể một sớm, một chiều. Chúng ta phạm sai lầm trong một thời gian dài, muốn sửa không phải nói là sửa được ngay. Sửa lỗi thể chế, lỗi hệ thống phải đổi mới triệt để cả về kinh tế và chính trị, phải có chính sách và giải pháp đồng bộ, cần có thời gian để bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật.

Khi chưa sửa được lỗi hệ thống, chưa có công cụ pháp luật mới phù hợp, chưa có lực lượng tin cậy, tinh nhuệ để giám sát, kiểm soát quyền lực hữu hiệu, chưa hoá giải được các căn nguyên của suy thoái, tha hoá thì hệ lụy của những sai lầm vẫn đeo bám gây tác hại. Trước mắt cần tập trung sức lực, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 khoá Xll của Đảng để hóa giải những điểm nghẽn, những nghịch lý không thuận chiều, tạo được thông suốt trên con đường đi lên mà chúng ta đã dày công vun đắp.

Với quan điểm đúng đắn: yêu Đảng, yêu chế độ, cần nói thẳng, nói thật và như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Lời nói trái tai nhưng là báo động cần lắng nghe.” Trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài viết của Đại tá, nhà báo Nguyễn Hoà Văn, tác giả của hai tác phẩm: "Chống được "chạy" sẽ thành công" và "Binh pháp" chống "giặc nội xâm".


Bài 1: Giàu nghèo và lợi ích nhóm


Mục tiêu mà chúng ta phấn đấu là “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đã trải qua mấy thập kỷ, với nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng mà mục tiêu nêu trên không được chuyển biến thuận chiều. So với trước, đất nước có nhiều tiến bộ, văn minh do thành tựu đổi mới mang lại. Tuy nhiên đối chiếu với mục tiêu đã đề ra thì sự tiến bộ đó chưa được ăn nhập với con đường mà chúng ta đã chọn. Thực trạng về bức tranh tổng thể của đất nước hiện nay, có thể nói dân giàu không đều, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nước chưa mạnh, so với trước có phần suy yếu do một bộ phận đảng viên, cán bộ trong hệ thống chính trị tha hoá, suy thoái nghiêm trọng, hoạt động quản lý nhà nước nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều vấn đề sai lệch với bản chất nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Nhiều cơ quan nhà nước bị nhóm lợi ích thao túng, chi phối. Bất công xã hội ngày càng nhiều. Dân chủ không được thực thi đúng nghĩa.


Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta rút ra nhiều bài học lớn có giá trị, nhưng những bài học ấy còn nhiều lực cản chưa được thấm sâu vào sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý nhà nước của các cấp, các ngành. Thí dụ như một bài học lớn bao trùm toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị là lấy dân làm gốc. Nhưng thực hiện bài học này không thực chất, không triệt để, nhiều nơi chỉ dừng lại việc nêu khẩu hiệu chung chung. Đây cũng là một nguyên nhân gây phân hoá giàu nghèo, bất công xã hội, dân chủ bị biến thái...

Không chỉ là các bài học lớn chúng ta không vận dụng, áp dụng được vào hoạt động của thể chế hiện hành mà nhiều vấn đề cơ bản khác của lý luận soi đường chưa được thâm nhập thực tiễn đời sống xã hội, hoặc thâm nhập vào thực tiễn mỗi nơi một khác, mỗi lúc một khác. Nhiều nguyên lý, nguyên tắc không ăn nhập sâu vào đời sống xã hội. Sự chệch hướng và lệch pha giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm, giữa bản chất đích thực của Đảng, của chế độ và thực tế cuộc sống, đã và đang làm lung lạc, khủng hoảng ý chí và niềm tin của bao thế hệ, bao lớp người theo đuổi lý tưởng Cộng sản Chủ nghĩa.

Ngày nay các thế lực thù địch mặc sức rêu rao rằng: Chế độ Cộng sản là dối trá, là lừa bịp, là bất công... điều đó hoàn toàn trái ngược với bản chất chế độ chúng ta đang xây dựng. Nhưng vì sao có một bộ phận dân chúng không còn niềm tin hoặc giảm niềm tin vào Đảng, vào chế độ, tin và nghe theo những lời xuyên tạc, bôi nhọ của lực lượng đối kháng, của những kẻ muốn thay đổi chính thể ở Việt Nam. Phải chăng trên đất nước của chúng ta có biết bao ngang trái, nghịch lý đang làm thay đổi tâm trạng xã hội. Sự ca ngợi, biết ơn, tri ân của các giai tầng trong xã hội đối với Đảng và chế độ ngày càng chìm lắng, thay vào đó là sự kêu ca, oán thán, bức xúc của người dân nóng lên từng ngày. Mà nguyên nhân chính là do sự tha hóa suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền.

Các Nghị quyết của Trung ương Đảng gần đây đã nhận diện đầy đủ và sâu sắc những nghịch lý, những nỗi đau cùng với những nguy cơ sống còn của Đảng, của chế độ mà chúng ta đang phải đối mặt.

Kết quả bước đầu của cuộc chiến chống “giặc nội xâm” và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đang giảm độ nóng về những nguyện cầu, bức xúc chính đáng của người dân và doanh nghiệp, tạo được sự tăng trưởng về kinh tế, ngăn được một phần dòng chảy thất thoát, lãng phí tài sản công, củng cố được niềm tin của một bộ phận lớn nhân dân yêu Đảng, yêu chế độ.

Tuy nhiên, đất nước ta vẫn còn hiện hữu quá nhiều chuyện nhức nhối nghịch lý chưa thể giải quyết một sớm một chiều.


Không ngăn nổi sự phát tác của mặt trái cơ chế thị trường

Mặt trái cơ chế kinh tế thị trường là câu được viết ra trong nhiều tác phẩm sách, báo. Đã được các học giả nêu lên trong nhiều Hội thảo khoa học nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, chuyển hướng sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường của nước ta. Nhưng nội hàm của nó là gì thì lại ít người nói đến. Chỉ biết rằng mặt trái cơ chế kinh tế thị trường tác động mạnh và xấu vào quá trình xây dựng Đảng, xây dựng chế độ. Mặt phải của cơ chế kinh tế thị trường là thuận mua vừa bán, là sòng phẳng, minh bạch, mục đích là lợi nhuận thì mặt trái của nó phải chăng là vì lợi nhuận nên con người không từ bỏ các thủ đoạn để đạt tới. Vì lợi nhuận nên có nhiều phi vụ, quan hệ làm ăn không minh bạch, không sòng phẳng; không còn là thuận mua vừa bán, mà là tranh mua, tranh bán; không còn là hợp pháp mà là phi pháp; không còn là giá trị thặng dư mà là siêu lợi nhuận. Do tác động của mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường nên có nhiều loại hàng hoá giá thị trường thấp nhưng giá mua bán thực tế lại rất cao do ý chí của chủ thể giao dịch.

Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lẽ ra khi chúng ta nhận diện được mặt trái của cơ chế thị trường, chúng ta phải có những rào cản, ngăn cách, đoạn tuyệt với mặt trái đó, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của nó vào công việc lãnh đạo điều hành đất nước, công việc xây dựng Đảng... Đồng thời phải có những giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế đi đôi với phát huy dân chủ, thực hiên công bằng và tiến bộ xã hội. Đằng này chúng ta nói nhưng không làm, nói một đường làm một nẻo, mặc cho mặt trái cơ chế kinh tế thị trường thẩm thấu, công phá, làm khuynh đảo nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, nhiều nguyên tắc, kỷ cương mà chúng ta đã dày công xây dựng.

Chúng ta không thể để mãi một xã hội mà sự phân hoá giàu nghèo phần lớn lại có nguyên nhân từ yếu kém của công tác quản lý nhà nước, quản trị quốc gia. Chúng ta khuyến khích làm giàu chính đáng nhưng người làm ăn chân chính giàu lên không nhiều. Trong khi đó làm ăn bất chính lại giàu nhanh, trong đó có nhiều kẻ siêu giàu. Sự giàu lên rất nhanh chủ yếu là nhờ dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài nguyên, tài sản công, giá trị sinh lợi của tài nguyên đất nước, hoặc nhờ được bảo kê để làm ăn phi pháp. Nếu người giàu là chủ doanh nghiệp, thì số làm giàu chính đáng, hợp pháp, bằng trí thông minh, sức sáng tạo của mình, có đóng góp phát triển lực lượng sản xuất của đất nước rất đáng quý, trân trọng và tôn vinh. Nhưng tiếc là số lượng của loại doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ còn thấp. Số doanh nghiệp thành lập ra vừa sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường vừa làm “sân sau” hoặc thành lập ra chỉ để làm "sân sau" của các quan chức có quyền lực, số này chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp đã đóng vai trò sân sau thì việc đấu thầu, chỉ định thầu đã được cơ quan có quyền lực định đoạt từ trước. Doanh nghiệp sân sau sẽ bao trọn thủ tục dự án và chi phối các bên A, B. Vốn thanh toán cho các công trình sản phẩm mà doanh nghiệp sân sau thực hiện thường đội lên so với giá thị trường. Chênh lệch giữa giá được duyệt với giá thị trường như là một khoản siêu lợi nhuận, từ đó cả chủ doanh nghiệp và quan chức có quyền lực giàu lên bất thường, nhờ khai thác triệt để cơ chế “xin – cho”.

Còn số doanh nghiệp không giữ vai trò sân sau thì cũng tìm mọi cách để quan hệ với quan chức có quyền lực, nhằm tạo ra quan hệ thân hữu, khai thác triệt để cơ chế “xin – cho” hoặc có sự bảo kê để tăng lợi nhuận.

Quá trình hình thành quan hệ thân hữu trong sản xuất kinh doanh cũng là quá trình hình thành phát triển và củng cố nhóm lợi ích.

Khi trong quan hệ sản xuất kinh doanh đã có sự hiện diện gắn bó của nhóm lợi ích thì việc thực hiện các quy định của pháp luật chẳng qua là hợp thức hóa quy trình, thủ tục đế đối phó mà thôi. Thí dụ nhiều doanh nghiệp trúng thầu mà vốn và năng lực, kinh nghiệm không phải là những yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định phải là thân hữu quan chức và phải “chịu chơi”. Thế mới có câu chuyện nhiều nhà đầu tư “tay không” mà vẫn “ bắt được giặc”.

Đáng sợ hơn là còn có nhiều doanh nghiệp dùng nhóm lợi ích chi phối xây dựng chính sách, chi phối cả thủ đoạn đục khoét bòn rút tài sản công. Trên đất nước ta đã xảy ra nhiều vụ điển hình, như vinasin, vinalines, Oceanbank, Vũ Nhôm… mới đây vụ Mobifone mua lại thương hiệu và công nghệ AVG. Tiền của Nhà nước vào túi của nhiều quan chức ở nhiều bộ ngành và chủ doanh nghiệp bằng những ma thuật mê hoặc lòng tham và lợi dụng sơ hở của pháp luật.

Nhóm lợi ích cũng là một nguyên nhân chính gây bao bức xúc, oan trái, nghiệt ngã cho người dân. Có hàng ngàn vụ kiện người dân mất đất sản xuất vì thực hiện dự án. Có hàng vạn câu chuyện oan trái, sự thật bị che lấp, chôn vùi, người đi kiện thì uất ức, còn kẻ bị kiện lại được bao che, bảo kê…Tất cả cũng chỉ vì danh lợi của nhóm lợi ích và nhiều "Hoà Thân"(1) đang tồn tại.

Chúng ta luôn nói vì hạnh phúc của nhân dân, nhưng do nhóm lợi ích tung hoành nên trong xã hội phân cực giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Kẻ giàu thì muốn giải quyết mọi nhu cầu của cuộc sống gia đình, cá nhân của họ đều bằng tiền. Họ có nhiều tiền thì “mua tiên cũng được”. Còn người nghèo thì trông cậy vào chính sách, sự công bằng của pháp luật, dựa vào cán bộ liêm chính, tử tế.

Trong thực tế cuộc sống thực tại người nghèo chịu nhiều thiệt thòi, yếu thế, oan ức nhưng cán bộ liêm chính, tử tế cũng chẳng giúp gì được nhiều cho họ. Cuộc sống của dân nghèo còn nhiều bức xúc do suy thoái  tha hóa của quan tham. Thế mới có đại biểu quốc hội thốt lên rằng: “Thử hỏi quốc gia mà có nhiều “Hòa đại nhân” thì dân còn gì để ăn, tài sản quốc gia hết”. Sau đó có nhà báo nói rõ ra: Đất nước nhiều Hòa thân, nhân dân nhiều chị Dậu”. Còn phát ngôn gần đây của Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải : “Bức xúc của dân không được giải quyết, lấy đâu sự bình yên".

Nếu phân cực giàu nghèo không được điều chỉnh sẽ kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp, thực tế cuộc sống trái với công bằng và tiến bộ xã hội thì con đường định hướng xã hội chủ nghĩa gặp rất nhiều khó khăn.”

--------------------------------------

Bài 2: Vấn nạn “hợp thức hóa" dân chủ

Đảng ta xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa động lực của phát triển. Nhưng tại sao quan điểm cơ bản này càng ngày càng bị xem nhẹ và bị biến thái trên thực tế. Đây cũng là một nguyên nhân để các thế lực thù địch xuyên tạc lên án chế độ cộng sản ở Việt Nam, cổ xuý cho chủ nghĩa đa nguyên chính trị và đa đảng cầm quyền.

Trên thực tế hiện nay, cùng với những cán bộ đảng viên suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hoá ” có một bộ phận nhân dân đang “dị ứng” hoặc ngán với kiểu thực thi thiếu dân chủ, dân chủ hình thức ở nước ta. Họ không bị kích động bởi các thế lực thù địch, nhưng họ hoài nghi về chế độ độc đảng. Họ cho rằng chế độ độc đảng không thể nào phát huy được dân chủ như chế độ đa đảng. Thậm chí họ còn có nhận định sớm muộn Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ bị sụp đổ như Đông Âu - Liên Xô. Nhiều người phát ngôn rằng, nơi sinh ra CNXH đã sụp đổ thì Việt Nam có nên níu kéo nữa không?

Quan điểm trên của một bộ phận đảng viên và quần chúng là sai lầm. Nhìn lại quá trình phát triển ở nhiều nước thì thể chế chính trị đa đảng, hay độc đảng đều có mặt lợi và bất lợi, mặt trái và mặt phải… Ở đây vấn đề không phải đa đảng hay một đảng mà là thể chế có dân chủ hay không? Có một số nước họ không theo con đường XHCN, họ vẫn duy trì chế độ độc đảng, nền dân chủ của họ vẫn phát huy tốt, vẫn thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Những người yêu nước Việt Nam hãy quên câu chuyên đa đảng, hãy lên tiếng mạnh mẽ và hiến kế các giải pháp hữu hiệu để đất nước ta bảo đảm thực thi dân chủ. Một đảng vẫn phát huy triệt để dân chủ nếu có hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách phù hợp.


Người viết bài này đã nêu rõ nhận thức và quan điểm của mình về vấn đề dân chủ trong hai loạt bài đã đăng báo: “Chống được “chạy” sẽ thành công” và “Binh pháp” chống “giặc nội xâm”.  Ở đây tác giả không nhắc lại những nhận thức đó.(*)

Chúng ta cần khẳng định rằng nếu duy trì kiểu dân chủ như lâu nay, không quyết liệt đổi mới để thực thi dân chủ thì Đảng sẽ ngày càng khó khăn trong thực hiện vai trò lãnh đạo, Đảng sẽ tự làm hại mình và sớm muộn cũng bị nhân dân loại ra khỏi vũ đài chính trị.

Kiểu dân chủ như lâu nay chính là dân chủ hình thức, không thực chất và thực sự dân chủ. Dân chủ thực chất chính là hội tụ và phát huy trí tuệ tài năng của mọi người vào sự nghiệp chung, công việc chung. Nhưng lâu nay dân chủ thường được biến thái để hợp thức ý chí của những người dùng quyền, tiền và tình cảm chi phối. Nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị đề ra và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhưng thực hiện cũng chỉ là hình thức. Nhiều cuộc họp văn bản được hợp thức hoá ý chí của người đứng đầu thành ý chí của tập thể. Sự đồng thuận của tập thể chỉ ở trên giấy.

Hiện nay dường như tất cả các cuộc họp, hội nghị, ý kiến người chủ trì hội nghị coi như là ý kiến kết luận. Có người chủ trì có tâm và có tầm thì thường chắt lọc các ý kiến, đồng thời nêu ra ý kiến phản biện thuyết phục khi có ý kiến trái chiều để đi đến thống nhất. Nhưng có rất nhiều trường hợp mặc cho các ý kiến phản biện đúng, nhưng người chủ trì vẫn quyết theo quan điểm, ý chí cá nhân của mình. Thường những quyết định này về những vấn đề liên quan đến tiền bạc, tài sản có dính dáng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Chúng ta phải thấy rằng không thể có các cuộc hội thảo, toạ đàm, hội nghị có chất lượng nếu không bảo đảm sự phản biện, tranh luận. Lâu nay các cuộc hội thảo, toạ đàm, hội nghị vẫn theo khuôn mẫu và kịch bản chuẩn bị sẵn. Nói thẳng, nói thật không được phát huy, có khi nói ra lại mang vạ vào thân. Trong lúc nói thẳng, nói thật của cán bộ, đảng viên, nhân viên vừa là ý kiến mà người lãnh đạo cần sàng lọc tiếp thu, vừa là một kênh thông tin để tổ chức đánh giá về người phát ra ý kiến.

Khi cán bộ, nhân viên trong cơ quan nói ra phải “uốn lưỡi” không dám bộc lộ những suy nghĩ thật, thì tập thể khó đánh giá đúng về họ và bản hân họ trong giao tiếp, ứng xử ở công sở thường xuyên phải “ đeo mặt nạ”, sống giả dối, thiếu sự chân thành, thiếu tình đồng chí. Khi trong tập thể thiếu vắng sự chân thành, thiếu tình đồng chí thì không thể có sự phê bình và tự phê bình đúng đắn, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở đây cũng suy giảm. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra môi trường nịnh hót, tung hô, dối trá, lọc lừa trong cơ quan, đơn vị. Và rồi nhân tài, hiền tài không được trọng dụng, khéo ăn, khéo nói lại được đề cao. Thậm chí có Đại biểu Quốc hội còn nêu lên một thực tế diễn ra ở nhiều nơi, người nắm quyền nghiêm trị trung thần, bảo vệ nịnh thần, gần gian thần.

Chúng ta không thể thu hút được nhân tài vào nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công... nếu không mở rộng và thực thi dân chủ thực chất. Nhiều câu chuyện về công tác cán bộ thời gian qua, như bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực vẫn được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng, trong khi có nhiều cán bộ khác tâm và tầm hơn hẳn thì lại không được bổ nhiệm... Khi kiểm tra hồ sơ bổ nhiệm đều theo quy trình, đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện.

Việc hợp thức hoá để đúng quy trình cũng giống như thủ tục đấu thầu. Khi đã quyết định nhà thầu là ai thì mọi thủ tục đấu thấu đều theo quyết định đó. Bản chất của đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu có khả năng đáp ứng tốt công việc chủ đầu tư giao và chi phí hợp lý. Nhưng thực tế không có sự lựa chọn thông qua cạnh tranh về năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính mà được áp đặt theo ý chí của những người có quyền và có tiền.

Công tác cán bộ cũng vậy, khi nhân sự bị cản trở, không xếp đặt được theo ý của người có quyền, thì bằng mọi cách cũng được hợp thức hoá. Thực tế có nhiều trường hợp tín nhiệm thấp, thậm chí rất thấp, nhưng hồ sơ bổ nhiệm lại có số phiếu cao. Kết quả đảo chiều của số phiếu không phải do gian lận trong kiểm phiếu mà do sức ép và các thủ đoạn tinh vi của những người nắm quyền đạo diễn.

Ở đơn vị nọ, có một cán bộ, dưới con mắt của mọi người cùng công tác, nói theo cách nói dân gian thì cán bộ đó có “mồ mả ông, cha đang phát”, vì phẩm chất và năng lực của họ chưa xứng với hàng nhân viên, thế mà họ đã giữ chức cấp phó của đơn vị to. Thế rồi ông cấp trưởng chuẩn bị lên cao hơn, người cấp phó khác nghĩ rằng mình sẽ thay thế cấp trưởng và ai trong đơn vị cũng nghĩ thế. Nhưng khi trên chỉ đạo làm quy trình bổ nhiệm thì lại chỉ đưa ông được coi là “mả phát” ra bỏ phiếu. Hai cấp bỏ phiếu ông này đều có số phiếu tín nhiệm thấp không bảo đảm tỷ lệ phiếu để bổ nhiệm.

Chưa ra được quyết định bổ nhiệm, trên lại giao cho ông “mả phát” phụ trách đơn vị khi ông cấp trưởng phải đi nhận nhiệm vụ mới. Sau một thời gian sắp xếp, thay đổi nhiều vị trí nhân sự trong đơn vị, được sự hỗ trợ của trên việc điều chuyển một số cán bộ nhân viên đi nơi khác và nhận mới một số lượng cần thiết. Sau đó làm quy trình bổ nhiệm, kết quả bỏ phiếu lại đủ điều kiện bổ nhiệm. Và sau đó đương nhiên ông “mả phát” có quyết định bổ nhiệm cấp trưởng. Trong khi đó hoạt động của đơn vị trong thời gian ông phụ trách kém hiệu quả, nội bộ rối ren, phức tạp.

Câu chuyện tương tự nêu trên không phải là cá biệt mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Chuyện hợp thức hoá chứng từ để thanh quyết toán, hơp thức hoá hồ sơ để cho trúng thầu, hợp thức hoá thủ tục để bổ nhiệm cán bộ... có lẽ không có nước nào như ở Việt Nam ta.


Viêc hợp thức hoá ý chí của người có quyền lực phù hợp với ý chí của số đông còn thể hiện ngay trong bầu cử. Luật bầu cử và các quy định khác về bầu cử ở nước ta so với nhiều nước thì quyền dân chủ còn bị hạn chế. Mặt khác trong thực tế khi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân chưa được phát huy triệt để dân chủ, nếu không muốn nói là mất dân chủ. Nội dung thông tin tuyên truyền về nhân sự cũng mù mờ, phần lớn cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân không nắm rõ được người được bầu, ai xứng đáng hơn ai, và có xứng đáng nằm trong danh sách bầu cử hay không. Cử tri đi bầu chủ yếu là thực hiện quyền bầu cử, còn điều kiện và cách thức để họ chọn ra đại biểu có xứng đáng không lại rất hạn chế, bất cập. Mục đích của cơ quan được lập ra để tổ chức bầu cử là để làm cho xong việc, chứ không phải làm cho được việc, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng đại biểu, họ chỉ quan tâm tỷ lệ cử tri đi bầu, tiến độ bầu cử nhanh, hoàn thành việc bầu cử sớm. Thậm chí có nơi công dân đi bầu cử được vận động định hướng bầu cử cho ai. Quyền bầu cử không được phát huy do xem nhẹ tính mục đích của bầu cử. Còn quyền ứng cử cũng bị hạn chế. Nhiều người muốn ứng cử tự do nhưng chưa chắc đã lọt vào danh sách bầu cử, vì phải qua hiệp thương, qua cấp ủy Đảng...

Nếu Quốc hội ta không sớm sửa luật bầu cử, vẫn theo luật cũ, cách làm cũ sẽ hạn chế dân chủ, cơ cấu đại biểu Quốc hội không được đổi mới, chúng ta sẽ không thực hiện được việc kiểm soát quyền lực như mong muốn, và quyền lực vẫn tiếp tục bị tha hoá gây nhiều hệ lụy xấu cho Đảng, cho chế độ.

Không đổi mới mở rộng và thực thi dân chủ một cách thực chất, chẳng những chúng ta không kiểm soát được quyền lực, không thu hút được nhân tài, không huy động được sức người, sức của, nghị lực và trí tuệ của toàn dân vào sự nghiệp chung, mà chúng ta còn kéo lùi lịch sử, tạo nhiều bất công trong xã hội. 

Lạm dụng quyền lực nhà nước 

Bên cạnh dân chủ không được thực thi đúng nghĩa, trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, việc lạm dụng quyền lực của cán bộ, công chức còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. 

Bản chất nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhưng do một bộ phận không nhỏ cán bộ trong các cơ quan công quyền suy thoái nên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của họ xa rời, sai lệch với bản chất Nhà nước. Khi cán bộ công chức suy thoái thì quyền lực do họ nắm giữ cũng bị tha hóa. Khi quyền lực bị tha hóa thì việc sử dụng quyền lực luôn hướng vào mục đích cá nhân. Và vì thế mà quyền lực nhà nước thể hiện cụ thể trong nhiều trường hợp mâu thuẫn, xung đột, trái chiều với bản chất gốc rễ của Nhà nước.


Nhân dân trao quyền cho bộ máy nhà nước để phục vụ nhân dân, nhưng trên thực tế có nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm hại, không được bảo vệ, hoăc có được bảo vệ thì người dân cũng phải “chạy”. Có nhiều vụ việc cơ quan công quyền làm ngơ trước khiếu nại, đề đạt nguyện vọng của người dân, thậm chí còn sử dụng quyền lực để bảo vệ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. 

Vấn nạn "hợp thức hoá" dân chủ và lạm dụng quyền lực nhà nước đã đưa hoạt động của nhiều cơ quan công quyền xa rời và sai lệch với bản chất Nhà nước ta. Không hoá giải được những vấn nạn này, sự nghiệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động không thể thực hiện được.

-----------------------------------

Bài 3: Thanh lọc, sàng lọc cán bộ, đảng viên

Do một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái nên sức chiến đấu của Đảng đã bị suy yếu. Vì vậy trong thời điểm quyết chiến chống "giặc nội xâm" chúng ta không có con đường nào khác là phải thanh lọc, sàng lọc, làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên.

Đảng ta có một lịch sử oanh liệt, hào hùng hơn tất cả các đảng cộng sản trên thế giới. Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên những chiến công hiển hách, những huyền thoại của dân tộc.

Đảng đã đưa nước ta từ một nước nô lệ lầm than trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền và phát triển sánh vai với nhiều cường quốc trên thế giới. Nhân dân biết ơn, tri ân Đảng, và mãi mãi thuỷ chung đi theo con đường của Đảng.

Chỉ có Việt Nam, trong lòng người dân nước Việt đã dùng đại từ tôn xưng “Đảng ta” với sự  quý trọng, biết ơn, và tự hào. Yêu Đảng, tin Đảng, đi theo Đảng đã trở thành niềm tin của nhân dân ta dành cho Đảng. Bởi vậy mà khi cách mạng đứng trước một thử thách cam go, người dân lo lắng cho sức chiến đấu của Đảng là lẽ đương nhiên.

Nếu Đảng nhận rõ sai lầm và quyết tâm sửa chữa sai lầm, Đảng vẫn là lực lượng anh minh, ưu tú của toàn dân tộc, nhân dân vẫn tin, vẫn theo Đảng đến cùng.  

Còn nếu Đảng ngày càng nhiều những đảng viên thoái hoá biến chất mà Đảng không thể thanh lọc, loại bỏ được, tư tưởng và hành động của họ đối lập với lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, hệ quả kéo theo là Đảng sẽ suy yếu, thay đổi bản chất cách mạng, không thể đảm nhiệm được sứ mệnh lịch sử của mình thì nhân dân có quyền lựa chọn lực lượng lãnh đạo khác.

Đảng muốn mãi mãi có được đội ngũ đảng viên, cán bộ của Đảng là những người tiên phong, là lực lượng ưu tú nhất trong cộng đồng dân tộc, Đảng phải trở lại những nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng.

Trước hết là phải hoá giải được sự suy thoái trong Đảng hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4, 6 khóa XII của Đảng là liều thuốc đặc hiệu để chữa trị căn bệnh suy thoái, tha hoá ngày càng trầm trọng.

Muốn hóa giải được suy thoái trong nội bộ Đảng, có nghĩa là những đảng viên trung kiên, tâm huyết, liêm chính, có đức hy sinh không được nản chí, sa ngã, giữ vững bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản, làm nòng cốt trong xây dựng Đảng và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

Những đảng viên có bản chất tốt, có đức hy sinh vì lợi ích chung nhưng có lỗi lầm, có thái độ ăn năn, tích cực sửa chữa sai lầm, thì tổ chức đảng cần tạo điều kiện lập công chuộc tội. Kiên quyết loại ra khỏi Đảng những người mang danh đảng viên, có những suy nghĩ và hành động hại nước, hại dân, bảo vệ lợi ích nhóm, bảo kê làm ăn phi pháp, thoái hoá biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hoá”.

Việc bồi dưỡng người tốt, loại bỏ kẻ xấu trong Đảng sẽ không thành công nếu cách làm vẫn như lâu nay. Đảng ta có rất nhiều Nghị quyết về xây dựng Đảng, nhưng kết quả thực hiện không được như mong muốn, trái lại sự suy thoái trong nội bộ Đảng càng ngày càng nghiêm trọng.

Vấn đề căn cơ, gốc rễ ở đây chính là đổi mới triệt để về kinh tế và chính trị chúng ta mới có môi trường tốt, tạo ra những thuận lợi cơ bản để giáo dục rèn luyện cũng như thanh lọc đội ngũ đảng viên. (**)

Sức thuyết phục đảng viên và quần chúng hiện nay vừa là kết quả chống tham nhũng vừa là đổi mới trong xây dựng thể chế.

Ngay cả những đảng viên chân chính sống chết với Đảng đến cùng cũng thấy rằng nếu chúng ta không có những bước đột phá về vấn đề dân chủ, không xây dựng được thể chế thực sự dân chủ, dù chống tham nhũng thành công cũng không loại bỏ được nguy cơ sụp đổ chế độ.

Chúng ta đều hiểu rằng muốn đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đi đến thành công phải song hành vừa chống tham nhũng, suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ đảng, bộ máy nhà nước, đồng thời phải đổi mới triệt để cả về kinh tế và chính trị, mà tâm điểm của sự đổi mới này trước mắt là tạo dựng được một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân trong lòng chính phủ hiện hành.

Tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay khi nhậm chức về chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân có sức lan tỏa mạnh và lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước.

Cảm nhận tích cực của các tầng lớp nhân dân về chủ trương nói trên không phải do nội hàm chủ đề tư tưởng câu nói của Thủ tướng.

Vì tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân trong đó bao hàm nội dung chính phủ kiến tạo đã có trong cương lĩnh chính trị của Đảng trước khi bước vào sự nghiệp đổi mới.

Sự hưởng ứng nói trên xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn cuộc sống, đồng thời qua thông điệp của mình, Thủ tướng muốn gửi đến quốc dân đồng bào lời tuyên thệ quan trọng của tân Thủ tướng và tân bộ máy lãnh đạo của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, là tâm điểm cần nhấn mạnh, cần làm rõ nét hơn trong quá trình lãnh đạo điều hành đất nước.

Nhân dân kỳ vọng tuyên bố này sẽ trở thành hiện thực để đưa đất nước ta thoát khỏi họa “giặc nội xâm” tiếp tục phát triển bền vững.

Muốn xây dựng thành công chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, về lâu dài phải trên cơ sở đổi mới triệt để kinh tế và chính trị như đã nêu ở trên.

Trước mắt, trong ngổn ngang những bất hợp lý, ngang trái vẫn hiện hữu, trong sự cố thủ của nhóm lợi ích, trong nhập nhằng giằng xé của những khuyết tật, bất cập, trong sự xuống cấp của đạo đức công vụ của chính quyền nhiều nơi…

Lối thoát duy nhất của chúng ta là nâng cao chất lượng con người trong hệ thống chính trị, là thanh lọc đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức, chính là bước đột phá để hóa giải những khó khăn, phức tạp hiện nay.

Kiểm soát chặt đầu vào

Trong hơn hai thập kỷ gần đây việc kết nạp đảng viên và tuyển dụng vào bộ máy nhà nước chất lượng không bảo đảm.

Bên cạnh những người trung thực, liêm chính có động cơ đúng đắn, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực đáp ứng được yêu cầu thì có rất nhiều người cơ hội, phẩm chất và năng lực cách xa yêu cầu chức trách nhiệm vụ. Trong đó có người nhà, người thân của cán bộ chủ chốt, người có mối quan hệ trong nhóm lợi ích, người bỏ tiền “mua bán” thông qua những quan chức có quyền lực.

Nếu giờ đây việc kết nạp người vào Đảng, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức vẫn “chạy” như lâu nay thì một thời gian nữa chúng ta không cứu vãn nổi sự sống còn của Đảng và chế độ.

Vậy, cần phải ban hành và thực hiện ngay các quy chuẩn và cách thức để kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Trong đó phải có một cơ chế giám sát, kiểm soát bảo đảm lựa chọn đúng người. Người vào Đảng, vào bộ máy nhà nước trước hết phải là người tốt, không tham lam và có đức hy sinh.

Khi kết nạp Đảng, đảng viên mới tuyên thệ, những lời tuyên thệ đó phải theo suốt cuộc đời hoạt động của đảng viên, phải trở thành lẽ sống, là ý chí, là niềm tin, là nghị lực giúp đảng viên hy sinh cống hiến.

Chúng ta không thể chấp nhận đảng viên tuyên thệ một đường làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, nghĩ khác, nói khác, làm khác. Hệ luỵ của nó là góp phần tạo thêm sự dối trá trong Đảng.

Chúng ta không thể chấp nhận tuyển người vào biên chế nhà nước mà người được tuyển không thực hiện được chức trách nhiệm vụ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” tạo thêm vướng bận, ức chế cho những cán bộ, công chức tâm huyết, tài năng.

Người phẩm chất kém, năng lực yếu thường là những người hay có những suy nghĩ và hành động không phù hợp, không thuận chiều với sự tích cực, tiến bộ của cơ quan, đơn vị.

Xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh trước hết phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ đảng viên, đội ngũ cán bộ công chức. Chất lượng đảng viên và cán bộ công chức trẻ là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Đảng và chế độ.

Chúng ta không hy vọng nhiều đến việc cải tạo người xấu thành người tốt. Ông bà ta có câu: “Giang sơn có thể đổi, bản tính khó dời”.

Vì thế phải chọn được người tốt, không tham lam, có đức hy sinh để xây dựng Đảng và chế độ. Bác Hồ dạy rằng: “Gạo đem vào giã bao đau đớn, gạo giã xong rồi trắng tựa bông, sống ở trên đời người cũng vậy, gian nan rèn luyện mới thành công”.

Nếu là người tốt họ kiên trì, bền bỉ rèn luyện đức tài để có đủ điều kiện phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Còn người xấu, trong môi trường nhiều “độc hại” hiện nay, học sự dối lừa thuận hơn là học sự liêm chính, tử tế nên người xấu đã vào Đảng, vào bộ máy nhà nước rồi thì rất khó để cải tạo thành người tốt.

Giải quyết hợp lý đầu ra

Đây cũng là một giải pháp quan trọng. Đầu ra khỏi bộ máy nhà nước muốn nói ở đây là giải quyết chế độ hưu trí. Nếu cán bộ đến tuổi nghỉ hưu mà là những cán bộ liêm chính, tâm huyết, có năng lực tốt, tín nhiệm cao, sức khoẻ bảo đảm, trong lúc này, trong những trường hợp cụ thể nên kéo dài thời gian làm việc.

Nhất là ở những cơ quan đơn vị có vấn đề suy thoái nghiêm trọng. Thực tiễn cho thấy nhiều cán bộ tuy tuổi cao nhưng sức làm việc vẫn rất bền bỉ. Nên khai thác sử dụng cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng sức khỏe, tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm vượt trội hơn hẳn thế hệ đương nhiệm.

Thanh lọc, sàng lọc đội ngũ hiện có

Đảng cũng như một cơ thể sống. Cơ thể sống chỉ chấp nhận một lượng độc tố không vượt ngưỡng an toàn. Đảng và bộ máy nhà nước có quá nhiều đảng viên, cán bộ suy thoái thì Đảng sẽ biến chất, không còn là Đảng nữa.         

Muốn Đảng vững mạnh không bị biến chất, cần phải thanh lọc đưa ra khỏi Đảng và bộ máy nhà nước những đảng viên, cán bộ công chức đã suy thoái. Muốn vậy phải phân loại chính xác sự suy thoái của từng đảng viên, cán bộ.

Cần đổi mới việc phân tích chất lượng, phân loại đảng viên. Kết quả phân loại đảng viên như lâu nay không phản ánh đúng thực chất. Chúng ta mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí vào việc phân loại đảng viên hàng năm, nhưng do phân loại không phản ánh đúng thực chất nên tác dụng tích cực đến xây dựng Đảng rất hạn chế.

Vấn đề phân loại đảng viên, cán bộ, công chức hiện nay là để thanh lọc làm trong sạch nội bộ Đảng. Đây là một vấn đề rất khó và phức tạp, nhưng không thể không làm. Không làm được việc thanh lọc cán bộ đảng viên, đồng nghĩa với việc phá hoại Đảng và chế độ. Đây là điểm quyết chiến của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Thanh lọc đảng viên và cán bộ công chức trên cơ sở kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế; trên cơ sơ kết quả đấu tranh chống tham nhũng, chống tự diễn biến tự chuyển hoá theo các quy định của Trung ương; đồng thời trên cơ sở kiểm tra giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, chức năng thẩm quyền của cán bộ công chức; trên cơ sở đánh giá về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với sự sống còn của đảng và chế độ.

Cần phải phân loại rõ loại nào đưa ra ngay khỏi Đảng, khỏi bộ máy nhà nước. Loại nào để thời gian thử thách, giáo dục rèn luyện. Loại nào làm nòng cốt, bố trí làm người đứng đầu, làm cán bộ chủ chốt để phục vụ sàng lọc, thanh lọc nâng cao chất lượng đội ngũ hiện có và xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

Thước đo năng lực và phẩm chất của cán bộ đảng viên trước hết là kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Vì thế phải đưa ngay ra khỏi Đảng và bộ máy nhà nước những cán bộ, đảng viên, công chức không hoàn thành chức trách nhiệm vụ, hoặc có vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các nguyên tắc thủ tục, quy trình chuyên môn nghiệp vụ, hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chức trách được giao, hoặc có hành vi bảo vệ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Đồng thời phải loại bỏ những đảng viên suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không làm gì đóng góp vào lợi ích chung, phá nhiều hơn xây, phá mà không xây.

Điều đáng lo ngại hiện nay là đánh giá phân loại cán bộ đảng viên thiếu khách quan, nhầm lẫn giữa người tốt và người xấu. Nhất là những nơi có vấn đề, nội bộ không sòng phẳng với nhau được. Lợi ích bất chính đã gắn bó với nhau, giờ cần giảm biên, cần thanh lọc dễ trở thành cuộc đấu đá lẫn nhau hoặc cố thủ tìm mọi cách bao che cho nhau.

Những giải pháp hỗ trợ

Ngoài ba giải pháp cơ bản nêu trên, chúng ta cần tiến hành tốt một số giải pháp hỗ trợ sau đây:

- Lúc này hơn lúc nào hết, cấp trên phải gương mẫu và chịu hy sinh danh lợi cá nhân. Câu thành ngữ: "thượng bất chính, hạ tắc loạn” diễn ra ở nhiều lúc, nhiều nơi đã làm cho tình hình đất nước đang tốt đẹp có nhiều mặt trở nên tồi tệ.

Không còn cách nào khác, muốn đảng và chế độ trường tồn, cán bộ cấp càng to càng phải gương mẫu. Gương mẫu trong lời nói, trong việc làm, trong quan hệ ứng xử của cuộc sống thường ngày. Gương mẫu hy sinh danh lợi cá nhân, không tham vọng quyền lực, không háo danh.

Gương mẫu "tự giác gột rửa nếu đã trót nhúng chàm". Gương mẫu trung thực kê khai tài sản, bằng cấp, tuổi tác… Cấp trên phải coi phẩm chất không tham lam là báu vật cần phải gìn giữ.

- Trong thanh lọc, sàng lọc, sắp xếp lại cán bộ công chức, cần phải xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt, xây dựng được lực lượng trong từng cơ quan, đơn vị  đủ sức chống tiêu cực và triển khai tốt nhiệm vụ.

Cần ban hành cơ chế chính sách để bảo vệ quyền lợi,uy tín và phát huy tối đa trách nhiệm,năng lực của đội ngũ cán bộ chủ trì,nhất là người đứng đầu để họ toàn tâm,toàn ý,dốc hết sức để phục vụ sự nghiệp chung.Sắp xếp lại cán bộ sau khi sàng lọc bảo đảm đoàn kết thống nhất,nâng cao sức chiến đấu của từng tổ chức cơ sở Đảng.

Nên nghiên cứu bố trí lựa chọn những đảng viên có quá trình công tác tốt, có bản lĩnh, kiên định, liêm chính, có tín nhiệm, bảo đảm sức khỏe đã nghỉ hưu trở lại sinh hoạt đảng nơi cơ quan có thời gian công tác lâu trước khi nghỉ hưu.

- Đặc biệt quan tâm bố trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp, thực sự là người có tâm, có tầm, có tài vượt trội, phù hợp với chức năng nhiệm vụ.

Người đứng đầu và cấp ủy đảng lúc này phải tìm mọi cách vô hiệu hóa các “Hòa thân”, đột phá được thành trì của nhóm lợi ích. Quyết không để nhóm lợi ích và các quan tham nắm quyền chi phối, lũng đoạn công việc quản lý nhà nước, quản trị quốc gia.

Người đứng đầu phải đặc biệt quan tâm đến sự minh bạch và thực thi dân chủ, đồng thời phát huy hiệu lực của vai trò báo chí truyền thông trong chống “giặc nội xâm” và xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

- Công tác cán bộ trong lúc này cần chú trọng đến nguồn cán bộ là người ngoài Đảng để bổ sung vào những vị trí đã bị thanh lọc ra khỏi Đảng.

Tiêu chuẩn cán bộ lúc này, hàng đầu là sự trung thực, liêm chính, không tham lam, tâm huyết và đức hy sinh vì sự nghiệp chung. Cần đổi mới việc phát hiện, lựa chọn, đánh giá, sắp xếp sử dụng cán bộ. Về tiêu chuẩn cán bộ không quá coi trọng bằng cấp và chức danh đã đảm nhiệm.

Cần có những cuộc thi khách quan để đánh giá năng lực cán bộ. Cần có nhiều kênh thông tin để tránh nhầm lẫn trong đánh giá cán bộ.

Lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra đảng thực sự liêm chính, gương mẫu, sắc sảo phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chống "giặc nội xâm" và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

------------------------------------

Bài 4: Trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ

Trong bối cảnh trên đất nước ta đang diễn ra cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt và sòng phẳng để bảo vệ sự sống còn của Đảng, của chế độ, trong đội ngũ cán bộ chủ trì của Đảng hiện nay, người đứng đầu cấp uỷ các cấp có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến vô cùng khó khăn và phức tạp này. Nếu vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ các cấp không được phát huy triệt để sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cục diện chung.

Và không thể hóa giải những nghịch lý không thuận chiều trên con đường đã chọn. Vậy người đứng đầu cấp uỷ các cấp cần phải thể hiện vai trò trách nhiệm của mình như thế nào?

 1.Trước hết là tự vấn lương tâm

Người đứng đầu cấp uỷ trong lúc này phải tự vấn lương tâm và phải đặt ra nhiều câu hỏi để phản biện về sự lệch lạc, sai lầm, suy thoái của chính chúng ta dẫn đến sự suy yếu của Đảng hiện nay.

Phải xem trong tư duy, suy nghĩ của mình về cương lĩnh, đường lối, quan điểm chiến lược của Đảng có gì gợn lên mà mình chưa thống nhất. Nếu mình không thống nhất với Đảng và không nói ra, đề đạt ý kiến của mình với Đảng mà vẫn giữ vị trí là người đứng đầu cấp ủy thì đây là chuyện không bình thường? Cũng chẳng khác nào đồng hành với “tự diễn biến, tự chuyển hóa” và cũng là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội.

Phải xem quá trình công tác, cống hiến của mình có những sai lầm khuyết điểm gì? Có tham nhũng, tham gia bảo vệ lợi ích nhóm, bảo kê làm ăn phi pháp, bố trí sai người, nhầm chỗ trong công tác cán bộ, thiếu trách nhiệm... không? Nếu có thì từ khi Đảng ra Nghị quyết chống suy thoái,”tự diễn biến, tự chuyển hoá” đã sửa sai như thế nào?

Thiết nghĩ người đứng đầu các cấp uỷ trong lúc này phải đồng sức, đồng lòng, vào cuộc, ra tay, dốc hết tâm sức, đưa ra các giải pháp sáng tạo để hiến kế cho Đảng và nhân dân chống “giặc nội xâm” – một thứ giặc nằm trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” đang từng ngày gặm nhấm, đục khoét, làm ruỗng nát các tổ chức Đảng. Vậy, lương tâm của cán bộ cấp ủy – người cầm ngọn cờ đứng đầu mỗi tổ chức Đảng, lúc này hơn lúc nào hết phải lấy phương châm hành động “còn Đảng thì còn mình” thì mới đúng tinh thần chiến đấu của người cộng sản chân chính.

Người cán bộ cấp ủy có thể đã có sai lầm, thậm chí là đã “trót nhúng chàm”, nhưng để bảo vệ sự tồn vong của chế độ không còn đường nào khác là tự vấn lương tâm để ra sức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, nói không với lợi ích nhóm, góp phần làm cho cuộc chiến chuyển biến tích cực, thuận chiều theo Nghi quyết của Đảng.

Thắng lợi của cuộc chiến chống tham nhũng và những chuyển động tích cực của chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng. Tuy nhiên với ngổn ngang nhiều hệ lụy của sai lầm trong một thời gian dài mà chúng ta chưa thể sửa chữa và dẹp bỏ được, người dân và nhiều cán bộ đảng viên chân chính vẫn hoài nghi, thiếu niềm tin vào phẩm chất của cán bộ các cấp. Để hoá giải được những nghịch lý không thuận chiều với Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ hiện nay là rất nặng nề.

2. Nhận thức đúng thực chất tình hình   

Để làm tốt vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, ngoài việc tự vấn lương tâm, tự giác sửa chữa lỗi lầm (nếu có) thì một vấn đề rất quan trọng là nhận thức đúng thực trạng và tình hình mọi mặt, nhất là nhận diện sâu về tình hình nội bộ của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Thí dụ, cần phải nắm được thực chất thực tiễn tình hình đang diễn ra, đặc biệt là những quan hệ ngầm, những làn sóng ngầm trong sử dụng quyền lực để giải quyết, xử lý các vấn đề, vụ việc thuộc chức trách nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và những phản bác, dư luận trái chiều, những ý kiến xây dựng... trong và ngoài cơ quan, đơn vị. Nếu không nắm được thực chất tình hình mà chỉ nghe báo cáo, nắm thông tin một chiều sẽ dẫn đến nhận thức sai lệch, người đứng đầu cấp uỷ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thực tiễn hiện nay.

3. Giữ vững vai trò vị trí người đứng đầu cấp uỷ        

Trên thực tế quan hệ công tác hiện nay,người đứng đầu cấp uỷ thường ở vào các trạng thái tâm thế sau đây:

+ Các vị trí Bí thư cấp uỷ địa phương, phần đa là nắm chặt quyền lãnh đạo, điều hành, có khả năng chi phối có hiệu lực đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành ở địa phương. Đây thường là cán bộ có tầm và có tài. Nếu những cán bộ này có đủ tâm đức và năng lực tổ chức lãnh đạo  thì mọi việc sẽ ổn thoả, thông suốt. Nội bộ đoàn kết thống nhất, không có những vụ việc gay cấn, nổi cộm, tiêu cực lớn xảy ra. Nhưng nếu không đủ năng lực lãnh đạo và tâm đức thì phát sinh tham lam, thao túng quyền lực, nịnh trên, nạt dưới, vơ vét làm giàu cá nhân... thậm chí có nơi còn trị trung thần, nghe nịnh thần và gần gian thần của người đứng đầu cấp uỷ sẽ là nguyên nhân làm tăng số lượng cán bộ, đảng viên suy thoái. Trong lãnh đạo, điều hành thực hiện chức trách nhiệm vụ và sinh hoạt hàng ngày sẽ thấp thoáng bóng dáng “anh cả”,  “đại ca” lấn át hình ảnh người Bí thư cấp uỷ. Và như thế, nội dung đề xuất cấp uỷ thông qua, ban hành các nghị quyết có một phần chỉ là hình thức, không thực chất. Dẫn đến chuyện cấp uỷ nói một đường làm một nẻo, sai lệch, xa rời bản chất của cấp uỷ Đảng.

+  Trạng thái tâm thế thứ hai là người đứng đầu cấp uỷ bị người đứng đầu chính quyền hoặc cấp phó lấn lướt. Các Bí thư cấp uỷ này, thường là ở các cơ quan Trung ương (Bí thư cấp uỷ không phải là người đứng dầu chính quyền) như các cơ quan đơn vị trong lực lượng vũ trang, một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công và còn một số ít địa phương khác. Trong trường hợp này thường do Bí thư cấp ủy nằm trong cơ chế của nhóm lợi ích, hoặc do lịch sử quá trình được bầu, được bổ nhiệm bị chi phối tình cảm, hoặc đang giữ mình để mong được sự đồng thuận của tập thể vì mục đích cá nhân, và cũng có trường hợp không đủ tầm, năng lực và tín nhiệm để thể hiện vai trò của mình. Nếu người đứng đầu cấp uỷ mà bị lấn lướt thì rất khó quy tụ đoàn kết trong nội bộ, dễ xảy ra tiêu cực do các nguyên tắc, kỷ cương ở đây không được thực thi đầy đủ. Việc thể hiện vai trò lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ của cấp uỷ, nhất là thực hiện các nghị quyết về chống tham nhũng, suy thoái “tự diễn biến, tự chuyển hoá” thiếu tính quyết đoán và thống nhất, do đó sẽ rất khó khăn.

+   Thứ ba là người đứng đầu cấp uỷ hội đủ các yếu tố : Tâm - Tầm - Tài, nhưng lại mới đến nhận nhiệm vụ ở nơi rối ren, phức tạp, nhiều tham nhũng, gặp phải sự phản ứng tiêu cực của đảng viên và quần chúng, muốn có trạng thái tâm thế tốt phải có quá trình.

Chúng ta muốn có được đội ngũ đứng đầu cấp uỷ giữ vững được vai trò vị trí của mình, thực hiện chức trách nhiệm vụ có nhiều chuyển biến tiến bộ cần chú ý trạng thái tâm thế của Bí thư cấp uỷ các cấp để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí đúng cán bộ làm Bí thư và những vị trí khác liên quan. Trước hết là phải bố trí người bí thư không tham lam tiền bạc, không tham vọng quyền lực, có đức hy sinh, chịu sự kiểm tra giám sát, có tư duy lý luận và năng lực thực tiễn...

 4. Bãn lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ

Trước cuộc chiến chống “ giặc nôi xâm “ đầy cam go, vô cùng phức tạp này, Đảng cần bố trí đội ngũ những người đứng đầu cấp uỷ hội đủ các điều kiện như nêu ở trên. Cái khó hiện nay là số lượng hội đủ Tâm -Tầm -Tài còn thiếu. Người có đức, có tài ngoài Đảng không phải là ít, còn trong Đảng tỷ lệ người có đức, tài ngày càng ít đi do một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái. Để khắc phục sự thiếu hụt này, Đảng cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ đảng viên hiện có, từ đó sàng lọc, bồi dưỡng, bố trí đủ người đứng đầu cấp uỷ bảo đảm tiêu chuẩn.

Bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ trong thời điểm hiện nay cần chú ý những vấn đề sau đây:

Một là, nếu tự vấn lương tâm và tự xét thấy mình không thể đáp ứng được vị trí người đứng đầu cấp uỷ (không đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trước tình hình nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp hoặc không đủ tín nhiệm, quyền uy để lãnh đạo do có những vụ việc gây hoài nghi, mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân mà không thể giải toả được, hoặc có cả hai trường hợp này) thì nên chủ động báo cáo cấp uỷ và cấp trên xin nghỉ, xin chuyển công tác. Ngược lại, nếu tự vấn lương tâm, tuy có một số sai lầm, khuyết điểm nhưng xét thấy mình vẫn  đủ điều kiện, khả năng về phẩm chất, năng lực và quyền uy bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến tích cực tình hình, thì dồn hết sức lực và trí tuệ để xây dựng Đảng. Đây là ứng xử thuộc về bản lĩnh và đức hy sinh của người đứng đầu cấp uỷ trước cuộc chiến giành lấy sự trường tồn của Đảng, để có những đề xuất đúng đắn nhất, tạo điều kiện cho Đảng kiện toàn cũng cố tổ chức. Trong lúc này Đảng rất cần những đảng viên trung thực, tự trọng, tự đánh giá mình để giúp Đảng vượt qua khó khăn.

Hai là, đi đôi với việc tìm mọi biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, suy thoái,”tự diễn biến, tự chuyển hoá” cần phải thu nắm, phân tích tổng hợp tình hình đề xuất với cấp uỷ và cấp trên những vấn đề Đảng cần tiếp tục đổi mới, vừa tác động tích cực để đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm “ đi đến thành công vừa tạo thuận lợi để xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đưa đất nước ta vững bước đi lên trên con đường đã chọn. Thí dụ, gần đây trên các diễn đàn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, Đoàn thể chính trị, xã hội... có nói nhiều đến lỗi hệ thống, vậy sửa lỗi hệ thống phải sửa những vấn đề gì trước, sửa những đạo luật nào trước. Hoặc nói nhiều đến lợi ích nhóm, cơ chế xin cho thì cần giải quyết như thế nào để xoá bỏ...

Ba là, người đứng đầu cấp uỷ phải đặc biệt lưu tâm đến thực thi dân chủ, nói không với dân chủ hình thức, dẹp bỏ vấn nạn “hợp thức hoá” dân chủ (sự đồng thuận chỉ trên giấy). Đây là một vấn đề thuộc về đổi mới chính trị rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ góp phần giúp Đảng vượt qua khó khăn hiện nay. Phải nhận rõ và thấu hiểu tâm trạng xã hội hiện nay, khủng hoảng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước chưa được khắc phục. Sự ca ngợi, biết ơn Đảng đang bị chìm lắng, thay vào đó là sự kêu ca, oán thán của người dân về những oan trái và bất công xã hội. Để thoát ra khỏi sự khủng hoảng này, vấn đề cốt lõi là thực thi dân chủ và sửa sai công tác cán bộ.

Bốn là, trên cơ sở triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4, 6 (Khoá Xll) của Đảng, người đứng đầu cấp uỷ phải xây dựng quyết tâm cùng cấp uỷ làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vừa kiểm soát chặt đầu vào (kết nạp Đảng và vào biên chế bộ máy các cơ quan công quyền. Người nhà, người thân, người có ảnh hưởng quyền thế, tiền bạc đều bình đẳng trên cơ sở các tiêu chuẩn đầu vào) vừa giải quyết hợp lý đầu ra (giải quyết sớm chế độ thôi việc, nghỉ việc, nghỉ hưu đối với cán bộ công chức vi phạm pháp luật, kỷ luật, thiếu trách nhiệm và năng lực, có hành vi bảo vệ nhóm lợi ích, bảo kê làm ăn phi pháp. Kéo dài thời gian công tác các cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu là những cán bộ tâm huyết, tài năng, có tín nhiệm cao. Đồng thời tiến hành rà soát đánh giá đúng đội ngũ cán bộ đảng viên hiện có để thanh lọc, sàng lọc những người suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Năm là cần chú trọng việc lựa chọn đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ là người ngoài Đảng để trong các nhiệm kỳ tới sức chiến đấu của Đảng được tăng cường củng cố, hoạt động của bộ máy nhà nước thực sự theo tinh thần chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động phục vụ nhân dân.

--------------------------------------

Bài 5: Ngăn chặn quyền lực không chính danh

Quá trình thực hiện chủ trương phòng chống tham nhũng lãng phí, chúng ta đều nhận ra rằng, trong cuộc chiến đầy cam go và phức tạp này, sự biến thái của quyền lực đang là một trong những tâm điểm cần phải được hóa giải. Nội dung, cơ chế, cách thức kiểm soát quyền lực đang được Trung ương Đảng định hình định hướng, có những khâu, những mặt đã có qui định và đang triển khai thực hiện cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7, khoá XII.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc kiểm soát được quyền lực bằng quyền lực, bằng pháp luật, bằng đạo đức, bằng báo chí và truyền thông xã hội, phát động được nhân dân tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực. 

Muốn vậy phải xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý,quy chế, quy định và tuyên truyền hướng dẫn thực hiện. Có nghĩa là phải có thời gian, có lộ trình mới triển khai đồng bộ được. 

Trong khi chưa “nhốt” được quyền lực, thì không ít người sử dụng quyền lực là những kẻ suy thoái vẫn tranh tối tranh sáng lạm dụng nó để đạt được mục đích cá nhân. Khi quyền lực chưa được kiểm soát thì sự tha hoá quyền lực vẫn cứ diễn ra. 

Đây cũng là một nguyên nhân của thực trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”, “trên vội vã, dưới thư thả”. Và do vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nguyên nhân của sự rối loạn kỷ cương, bất công xã hội vẫn còn hiện hữu.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến một phần “góc khuất” của kiểm soát quyền lực và mong muốn Đảng ta cần có giải pháp thật mạnh mẽ để ngăn chặn ngay quyền lực không chính danh.

Quyền lực không chính danh theo chúng tôi, là quyền lực không hợp pháp, không được cơ quan có thẩm quyền giao, không được quy định trong các văn bản pháp lý về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức;Chức trách, nhiệm vụ của cá nhân. 

Quyền lực không chính danh thường được người có quyền lạm dụng, người có tiền, có tình chi phối vì mục đích cá nhân. Quyền lực không chính danh thường được thể hiện bằng miệng, bằng thư tay, bằng tin nhắn, điện thoại trực tiếp hoặc bằng truyền đạt qua những người thân hữu, thuộc hạ tin cậy. 

Người tiếp nhận và thực thi thường là những người bị lệ thuộc, ràng buộc, ảnh hưởng về chính trị, lệ thuộc về kinh tế và tình cảm đối với những người “ban hành” những yêu cầu không thuộc quyền hạn, trách nhiệm của họ.

Một vài thí dụ về quyền lực không chính danh

- Chúng ta dễ dàng nhận thấy, câu chuyện bộ máy nhà nước ngày càng phình ra, chất lượng cán bộ công chức ngày càng suy giảm, tỷ lệ suy thoái ngày càng cao... một phần cũng do quyền lực không chính danh. Rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thừa cán bộ lãnh đạo, thừa nhân viên so với quy định, nhưng số lượng thừa vẫn tiếp tục tăng.

 Nhiều trường hợp cơ quan cần tuyển những người giỏi, nhưng không thể tuyển được. Công tác tuyển dụng theo định kỳ và đột xuất vẫn cứ diễn ra, mặc cho trong cơ quan còn một bộ phận công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Nhiều nơi tiếp tục được bổ sung vào cơ quan, đơn vị những kẻ ăn bám, không đủ tiêu chuẩn tuyển dụng nhưng lại đủ điều kiện về quan hệ. 

Và theo đó những người đủ tiêu chuẩn phải xếp hàng chờ năm này qua năm khác, hoặc tìm kế sinh nhai theo những ngành, nghề không được đào tạo... Khi cấp ủy, hội đồng tuyển dụng họp có những ý kiến có trách nhiệm nêu vấn đề, lại có nhiều ý kiến cho rằng: Biết thế nhưng phải chấp nhận, vì nhiều lẽ phải “quan tâm”.

 Để rồi việc tuyển dụng, ý chí từ những yêu cầu của chủ thể không chính danh được hợp thức hóa, hợp pháp hóa vào nghị quyết của tập thể hội đồng, của cấp ủy. 

Trong khi còn tồn tại cơ chế xin cho, trong khi còn phải tranh thủ quan hệ vừa có lợi cho tập thể, vừa có lợi cho cá nhân... có rất nhiều lýdo mà không thể nào khác được vẫn phải nhận người, tuyển dụng người từ những yêu cầu không chính danh. 

- Việc bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua là thí dụ điển hình nhất về sự áp đặt quyền lực không chính danh. Mua chức, mua quyền không chỉ mua ở nơi có quyền bán, mà mua cả nơi không chính danh, mua những người chi phối được quyền bán, mua. Có nhiều trường hợp, thực chất người “có quyền” chi phối là người quyết định việc bổ nhiệm. 

- Trong thực tiễn điều hành hoạt động thực thi nhiệm vụ của các cơ quan công quyền chúng ta dễ nhận thấy sự hiển hữu quyền lực ngầm, không chính danh dường như phổ biến. Ở một địa phương nọ, việc lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng là chủ trương có trong nghị quyết của cấp uỷ, hội đồng nhân dân, và người dân rất bức xúc với những trường hợp xây dựng trái phép. Thế nhưng có vụ việc đang tổ chức cưỡng chế, thi hành quyết định chính danh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong khi lực lượng phương tiện đã huy động, đang tiến hành tháo dỡ... thì có một cú điện thoại từ một chủ thể không chính danhyêu cầu dừng việc cưỡng chế. Sau đó lực lượng cưỡng chế được giải tán. Câu chuyện tương tự này không phải là cá biệt trong thực thi nhiệm vụ của nhiều lĩnh vực.

- Trong hoạt động tư pháp cũng vậy, Luật tố tụng quy định: Điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng khi có sự can thiệp của quyền lực không chính danh người thực thi quyền lực chính danh cũng sẵn sàng làm mất đi tính khách quan, công minh và công bằng của pháp luật. Nhiều vụ việc người yếu thế phải chịu thiệt thòi, oan ức mà không thể giải quyết thoả đáng.

- Báo chí có chức năng phản ánh đúng sự thật, nhưng khi có sự can thiệp không chính danh, nhiều nhà bảo vẫn phải bẻ cong ngòi bút...

Tác hại của quyền lực không chính danh

Quyền lực không chính danh như là một thứ quyền lực ngầm, đang là lực cản vô cùng lớn, vừa là nguyên nhân của những rào cản trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, vừa là tác nhân góp phần bảo vệ thành trì của nhóm lợi ích, gây khó khăn cho nhiệm vụ xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, là môi trường dung dưỡng sự thiếu minh bạch,mất dân chủ...

Quyền lực không chính danh đôi khi còn chi phối thay đổi cả một chủ trương, chính sách đúng đắn của cấp uỷ, làm biến thái các quy trình,quy phạm, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị. Đôi khi vì phải thực thi một yêu cầu không chính danh mà đảo lộn đổi ngôi các giá trị. Hoặc nhập nhèm thiếu minh bạch về nhiệm vụ chung, gây mất đoàn kết cơ quan đơn vị. 

Khi quyền lực không chính danh còn “được nuôi dưỡng” thì sự lợi dụng hiệu lực của nó để chạy chọt, có khi còn gian dối, lừa lọc,nhằm mưu cầu lợi ích riêng vẫn diễn ra. 

Cũng có nhiều trường hợp quyền lực không chính danh xung đột lẫn nhau, và rồi chủ thể của quyền lực chính danh phải tìm cách thu xếp cho ổn thỏa, gây thêm nhiều phức tạp trong thực hiện chính danh. 

Trong xã hội đương thời, nhiều người có địa vị cao sang, họ đi lên chủ yếu bằng con đường sử dụng quyền lực không chính danh. Chính danh của họ trong xã hội lại được xây dựng, nâng đỡ từ lực đẩy không chính danh. Họ có sự trải nghiệm, muốn có thành công trên con đường danh lợi phải bằng sự quan hệ, chạy chọt, mua bán, xin cho, mới có được. 

Chính sự trải nghiệm đó tạo ra cuộc sống hai mặt khác biệt trong mỗi con người. Sự chân thật và giả dối đan xen, đảo chiều, hoán vị đồng hành trong suốt quá trình cá nhân thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Quyền lực không chính danh đang biến nhiều chính trị gia, nhiều người có quyền cao, chức trọng “nói một đường làm một nẻo” với những phát ngôn mỵ dân ấn tượng có thể xếp vào loại “kinh điển”. Nhưng đến khi pháp luật phanh phui, chiếc mặt nạ rơi xuống, sự thật mới được phơi bày... 

Có nghĩa là trên sân khấu chính trị họ là những diễn viên xuất sắc, nhưng thực tế đời thường, tư tưởng, tình cảm, động cơ và hành động của họ chứa đầy những tham vọng cá nhân. Họ có thể ký ban hành nhiều văn bản đúng đắn, có lợi cho đất nước, cho nhân dân, nhưng suy nghĩ và sự quan tâm của họ lại hướng về danh lợi của cá nhân là chủ yếu. 

Sự vận hành thực thi quyền lực không chính danh cũng là một biểu hiện của vấn nạn “chạy” và cũng là nét đặc trưng biến thái trong quan hệ xã hội đương thời ở nước ta hiện nay. Việc ngăn chặn quyền lực không chính danh là góp phần quan trọng để chống “giặc nội xâm”. 

Ngăn chặn quyền lực không chính danh có thể thực hiện được ngay bằng các quyết định, chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng, không phải chờ sửa luật.

Ngăn chặn quyền lực không chính danh

1. Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 khoá XII của Trung ương Đảng, đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cần sớm ban hành các văn bản và triển khai thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính trị từ trên xuống việc kiểm soát quyền lực cả chính danh và không chính danh. 

Cần rà soát lại các quy chế, quy định của các cấp,nhất là nội dung liên quan đến những vấn đề hay xẩy ra các can thiệp không chính danh để bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh các văn bản kiểm soát quyền lực chặt chẽ và hữu hiệu. Cần tuyên truyền phát động mọi người dân tham gia phát hiện, tố giác những hành vi can thiệp không chính danh.

2. Các cơ quan Đảng, các ngành các cấp của nhà nước từ trung ương đến cơ sở và các cá nhân nắm giữ trọng trách trong hệ thống chính trị khi thực hiện vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, chức trách công tác của cá nhân mình cần thường xuyên bảo đảm sử dụng quyền lực chính danh, hợp pháp, hợp lý một cách độc lập và chịu trách nhiệm cao nhất với việc sử dụng quyền lực của mình. 

Có các biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn quyền lực không chính danh chi phối việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chức trách của cơ quan, đơn vị, cá nhân mình.

 Không thể để những cú điện thoại, những lá thư tay, những lời nhắn tin, những trao đổi bên lề hội nghị... làm khuynh đảo những nghị quyết, kế hoạch, quyết định đã thông qua tập thể, làm sai lệch bản chất chế độ, chính sách, chủ trương... 

Không vì nể nang, né tránh, muốn được lòng cấp trên, người thân mà các sự vụ thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan, đơn vị, cá nhân mình lại cứ đùn đẩy, để dùng dằng hoặc cho “chìm xuồng” các vụ việc gây hệ lụy xấu. Người cán bộ chủ chốt các cấp có bãn lĩnh là phải biết từ chối những yêu cầu, can thiệp không chính danh.

3. Trung ương Đảng cần có quy định xử lý người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền có hành vi hợp pháp hoá, hợp thức hoá những yêu cầu,những can thiệp, nhằm tạo thuận lợi cho quyền lực không chính danh thao túng. Khi kiểm tra, thanh tra, kiểm điểm và xử lý các vụ việc tiêu cực thì “can thiệp không chính danh” cũng không được coi là yếu tố giảm nhẹ tính chất vi phạm.

4. Từng cơ quan, đơn vị cần đăng tải công khai trên báo chí các quy định về kiểm soát quyền lực. Sử dụng công nghệ phầm mềm để kiểm soát có hiệu quả quyền lực chính danh và không chính danh. 

Những yêu cầu can thiệp không chính danh được đăng ký, lưu giữ và giám sát bằng các ứng dụng kỹ thuật phần mềm sẽ là một biện pháp hữu hiệu trong ngăn chặn quyền lực không chính danh.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất