Cơ hội nào trong lúc nguy nan!
Vì một Việt Nam cất cánh - Tự hào Việt Nam

Sức khoẻ của người dân và nền kinh tế Việt Nam trải qua gần 2 năm có thể nói là rất mệt mỏi bởi dịch bệnh kéo dài, bởi mọi nguồn lực trong xã hội, trong ngân khố quốc gia đã và đang tập trung toàn lực cho chống dịch và bảo vệ mạng sống của người dân. Thời gian này cũng là lúc chính quyền và người dân nhìn nhận được tất cả những mặt mạnh, yếu từ cấp cơ sở đến Trung ương và đánh giá sức chịu đựng của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và doanh nhân.

Ngày 15-9-2021, tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có đủ các thành phần trong cơ cấu tổ chức quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhắc lại những vấn đề mà quan chức trong hệ thống chính trị đang mắc phải: “…Càng không được làm động tác giả làm ra vẻ ta đây là làm, nhưng thực ra là để che đậy cái khác. Không phải là không có đâu, bề ngoài thì có vẻ rất tích cực hăng hái thế nọ thế kia, nhưng bên trong có khi đằng sau này có cái gì đó tìm mọi cách dìm đi, giảm nhẹ tội bởi ăn hối lộ người ta rồi, há miệng mắc quai xử được ai nữa…”.

Từ đây và những năm trước nữa, ta nhận thấy công việc kiện toàn tổ chức - cán bộ, lựa chọn người có đủ tâm, đủ tầm và đủ tài phụng sự đất nước luôn là một việc cấp bách nhất, bởi con người là chìa khoá của mọi thành công. Khi người lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ được giao thì mặc nhiên quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ phát sinh tiêu cực, phát sinh rào cản cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Những cán bộ yếu kém sẽ triệt tiêu mọi kế hoạch tốt đẹp mà Chính phủ, Quốc hội đã đặt ra. Họ sẽ triệt tiêu và làm băng hoại đạo đức xã hội, họ sẽ triệt tiêu mọi cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngày 5-9-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước. Thủ tướng vô cùng bức xúc và trăn trở khi hàng ngũ cán bộ từ cấp phường, xã đến lãnh đạo đứng đầu cấp tỉnh, thành phố khi Thủ tướng đi thị sát cấp cơ sở đã không tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, khi họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh thì bản thân người đứng đầu tỉnh cũng không đáp ứng được câu hỏi đơn giản nhất, dễ nhất mà lẽ ra phải thuộc, phải hiểu, phải biết nằm lòng. Thủ tướng khiển trách lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giám sát, chỉ đạo, ban hành các văn bản cực kỳ khó hiểu, tối nghĩa và nói thẳng ra rằng đó là duy ý chí, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ dẫn đến người dân không biết đường nào thực hiện, không biết thế nào là đúng hay sai.

Ngày 16-9-2021, trong cuộc họp Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp vô cùng bức xúc về việc chi tiền công quỹ, tiền ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống dịch, cho xét nghiệm, cho y tế một cách rất lãng phí. Tiền chi cho những việc không hiệu quả còn nhiều hơn tiền mua vắc-xin tiêm đủ 2 mũi cho 75 triệu dân. Đặc biệt nghiêm trọng là khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông báo trước Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Uỷ ban rằng: “Ngân sách hiện rất khó khăn. Ngân sách Trung ương dành cho hỗ trợ phòng, chống dịch gần như không còn”…

Từ đó ta nhận thấy những con số trên thực tế và trong báo cáo có sự khác nhau. Có những con số chỉ làm đẹp hồ sơ lấy thành tích cho cá nhân hoặc tập thể nhằm che lấp những yếu kém nội tại trong bộ, ngành mình quản lý. Để mổ xẻ vấn đề yếu kém về điều hành kinh tế vĩ mô và vi mô thì còn nhiều lắm, nhưng khi không chỉ là người dân mà là những người đứng đầu đất nước, những người có trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân đã nhận diện, nhận rõ thì buộc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải làm, làm ngay bây giờ bởi đây là cơ hội ngàn năm một thủa. Đây mới đích thực là trong “nguy” tìm thấy “cơ” để xoay chuyển càn khôn, thay đổi những cái lạc hậu, quan liêu, xa dân của các cấp lãnh đạo. Thay đổi, huỷ bỏ những chính sách, những luật lệ, những nghị định chồng chéo, kìm hãm sự phát triển sản xuất - kinh doanh của nhân dân, của doanh nghiệp nhưng lại tạo thuận lợi cho tham nhũng, cho sân sau, sân trước.

Theo cá nhân tôi việc đầu tiên chúng ta phải làm và cần làm ngay lúc này:

1- Sàng lọc, rà soát lại cán bộ lãnh đạo các cấp để gạn đục khơi trong, tìm người có đủ tâm, đủ tầm và đủ tài thay thế cho các vị trí lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu. Mở rộng công tác lựa chọn người có tài ngoài Đảng tham gia vào các vị trí quan trọng cho quốc kế dân sinh nhưng không nhất thiết phải là đảng viên khi họ đáp ứng được tiêu chí cần và đủ, đặc biệt là họ trung thành với Nhân dân, với đất nước Việt Nam.

2- Đứng trước tình hình kinh tế bị đổ gãy là hiện hữu, muốn kinh tế sớm hồi phục, cuộc sống của người dân trở lại bình thường trong tình hình mới, Chính phủ cần phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho dân doanh, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư sản xuất bằng chính sách như miễn, giảm thuế (bằng con số cụ thể để chính quyền địa phương và các cục thuế sở tại thi hành, không cần thiết phải đơn từ, xin cho mà lâu nay thường xảy ra). Cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp cho đăng ký đầu tư, sản xuất - kinh doanh, giảm hoặc miễn thu các loại phí, lệ phí, trong đó có cả tiền thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp bằng văn bản pháp quy cụ thể chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương thi hành.

3- Mở cửa cho các hoạt động giao thương, du lịch nội địa và quốc tế trong phạm vi hẹp và nới dần có kiểm soát để khôi phục từng bước lao động sản xuất, để các công ty, hãng xưởng của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá trong khu vực và toàn cầu. Nếu không làm tốt các nhà đầu tư FDI sẽ dời bỏ thị trường sản xuất tại Việt Nam bởi họ là nhà đầu tư, họ quan tâm đến phát triển kinh doanh, đến lợi nhuận và họ ít hoặc không quan tâm đến lời hứa hẹn của các nhà chính trị gia.

4- Thực tại các mặt hàng từ nông, ngư nghiệp cho đến công nghiệp nhẹ của Việt Nam đang đứng trước thử thách vô cùng lớn về nguyên liệu sản xuất và đơn hàng xuất khẩu sang các nước khu vực và thế giới, nếu tình trạng này kéo dài thì người lao động sẽ không có công ăn việc làm, an sinh xã hội bất ổn. Cần lắm lãnh đạo các bộ, ngành phải có kế hoạch cụ thể, phương án hữu hiệu nhất để kết nối lại thị trường tiêu thụ trên thế giới, nên nhớ rằng thị trường toàn cầu hoá là thị trường mở, không phải trong phòng họp, trong hội nghị mà phải hành động lan toả ra thế giới bằng hàng thật, người thật.

5- Xác định sống chung với Covid-19 là trúng và chuẩn, cần Chính phủ ban hành văn bản để các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện, để người dân yên tâm lao động, sản xuất. Điều tiên quyết là ít nhất 75% dân số phải được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 càng nhanh càng tốt, tránh tổn thất về người và bảo đảm duy trì sản xuất lâu dài.

6- Trong tình hình mới, mọi việc như lửa cháy ngang mày, dân số Việt Nam hơn 98 triệu người, đứng hàng thứ 15 trên thế giới, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có công ty nào trong nước sản xuất được vắc-xin là vấn đề rất nghiêm trọng của các cơ quan quản lý về y tế, cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức gây cản trở việc này để sớm nhất Việt Nam phải tự cung, tự cấp, chủ động nguồn vắc-xin cho toàn dân.

Giờ đây, trong lúc nguy cấp này phải xác định lợi ích của quốc gia là trên hết và lợi ích này phải gắn kết với lợi ích của nhân dân, của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam.

Cơ hội luôn có trong mọi tình huống dù là thanh bình hay lúc nguy nan, nhưng để nắm bắt “cơ hội” trong “nguy cơ” mới là điều khó, mới cần lãnh đạo tài năng, mạnh khoẻ, nhiệt huyết, vì lợi ích của Nhân dân, của quốc gia là tối thượng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất