Chưa có tiền lệ nhưng đúng pháp luật
Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN).
Quốc hội hành động quyết liệt vì dân

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2022. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn; Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn. Cũng trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ tiến hành 2 giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021” và giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Với phương châm chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về danh sách ủy viên và đại biểu khách mời tham gia hai Đoàn giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội. Ngày 27-8-2021, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sẽ có một số điểm khác biệt so với thông lệ trong triển khai giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này. Cụ thể, “Đoàn giám sát sẽ quyết định thành phần, sự tham gia của các chuyên gia là đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành”. Như vậy, ngay những ngày, tháng đầu nhiệm kỳ công tác, cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của dân đã tập trung vào việc giám sát, nhằm tìm ra những mặt đã thực hiện được, những hạn chế nhằm kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết những nội dung, vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân mà bấy lâu nay. Bấy lâu nay, công tác giám sát, kiến nghị các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, giải quyết nhiều nội dung, vấn đề đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí còn hình thức. Ngày 18-8-2021, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe Ban Dân nguyện Quốc hội báo cáo về tình hình khiếu kiện của dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Tình hình khiếu kiện tạm lắng là do dịch Covid-19 bùng phát, phải tập trung chống dịch, thực sự xã hội đang rất nhiều vấn đề phức tạp, từ lĩnh vực đất đai tới tài nguyên, môi trường, đâu cũng thấy có chuyện bức xúc nghiêm trọng, kéo dài. Chỉ riêng việc ngay từ đầu nhiệm kỳ công tác, huy động lực lượng, tập trung giám sát một loạt vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(1). Việc mở rộng thành phần giám sát, trong đó có đại diện Ban Tổ chức Trung ương là điều chưa từng có tiền lệ, nhưng chắc chắn với góc nhìn mới trong công tác giám sát chắc chắn sẽ góp tiếng nói, giải pháp, cách làm chất lượng, hiệu quả hơn trong việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội.

Chưa có tiền lệ nhưng đúng pháp luật

Đồng thời với quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước là một quyền rất quan trọng của Quốc hội. Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Giám sát chuyên đề là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Theo “Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân” do Quốc hội khóa XIII ban hành ngày 20-11-2015 thì “Chủ thể giám sát của Quốc hội bao gồm giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội”. Bấy lâu nay, ngoài các thành phần của Quốc hội thì ít có, nếu không muốn nói là chưa có, sự tham gia chính thức của các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội hoặc các chuyên gia có uy tín. Việc đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham gia các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa có tiền lệ, nhưng công tác giám sát có sự tham gia của một số chuyên gia, đại diện các tổ chức chính trị, bộ, ban, ngành... được mời không vì thế mà sai trái với pháp luật hiện hành. Điều này được chứng minh, lý giải bằng một số căn cứ pháp lý và thực tiễn sau đây:

Thứ nhất, theo Điều 4 của Hiến pháp nước ta, về lý thuyết và nguyên tắc, với tư cách là đảng cầm quyền, “lãnh đạo đất nước và xã hội, đại diện trung thành của lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”, “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” thì Đảng ta, các tổ chức, cấp ủy đảng, đại diện các ban của Đảng đều được tham gia trực tiếp, được biết, được góp ý với các các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan đại diện cao nhất của dân.

Thứ hai, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua các lần bổ sung, sửa đổi, đều nhất quán nguyên tắc: Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác... là rất quan trọng, cần thiết, tuy nhiên trong thực tế những năm qua, trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan nhà nước, cơ quan Chính phủ, các cơ quan trong khối tư pháp đều thường xuyên phối hợp với các ban của Đảng, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và ngược lại trong quá trình thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, tham mưu xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, thực thi công vụ.

Thứ ba, “Luật Giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân” do Quốc hội khóa XIII ban hành ngày 20-11-2015, tại  Điều 9 có quy định: 

“1. Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia hoạt động giám sát.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm tham gia hoạt động giám sát khi có yêu cầu của chủ thể giám sát”.

Điều 27 của Luật quy định rõ:

“1. Căn cứ vào chương trình giám sát của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Đoàn giám sát do một Phó Chủ tịch Quốc hội hoặc Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm đại diện Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương nơi Đoàn tiến hành giám sát và một số đại biểu Quốc hội. Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia có thể được mời tham gia hoạt động của Đoàn giám sát”.

Như vậy là Luật đã mở rộng đường cho các tổ chức chính trị, bộ, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể tham gia giám sát cùng với chủ thể là Quốc hội. Với hành động quyết liệt vì dân của Quốc hội, sự tham gia của Ban Tổ chức Trung ương cũng như đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, MTTQ Việt Nam... trong các Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ mở ra một giai đoạn mới, tạo ra sự phối hợp, góp thêm tiếng nói, làm nên sự chuyển biến tích cực, thực chất trong công tác giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp nhằm tham mưu, kiến nghị các cơ quan hành pháp thực hiện đúng đắn hiệu quả các chính sách, giải quyết những vấn đề vướng mắc, nổi cộm, bức xúc của người dân.

Một số vấn đề cần lưu ý

Việc tiến hành các cuộc giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân bị giám sát tuân thủ Hiến pháp, pháp luật về một lĩnh vực, một mặt công tác nào đó đã được quy định trong “Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân” (năm 2015) và tuân thủ các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể chưa có quy chế, quy định về sự phối hợp hoạt động của các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam, các tổ chức, bộ, ban, ngành, đoàn thể, các chuyên gia, đại biểu được mời tham gia hoạt động của Đoàn giám sát. Cần xây dựng quy chế, quy định về sự phối hợp trong hoạt động này. Do vậy, trong tình hình hiện nay, khi được mời tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị mà chuyên gia, đại biểu đại diện, sẽ có những góc nhìn khác, những đề xuất, ý kiến, kiến nghị với Đoàn giám sát.

Để có tiếng nói của dân, đóng góp thực sự vào chất lượng, hiệu quả công tác giám sát tối cao, các chuyên gia, đại diện cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng dù trải qua nhiều lĩnh vực, quá trình công tác, ở những cương vị lãnh đạo khác nhau, nhưng nay được cử tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội thì trước hết sẽ “hóa thân” làm một đại biểu thực thụ của dân ở một cơ quan đại diện cao nhất. Trong tình hình hiện nay, khi công tác giám sát thường liên quan quá trình thực thi nhiệm vụ theo đúng chính sách, pháp luật, đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm, tế nhị, khi mà “quan thì ở xa, bản nha thì gần” để người dân dám nói sự thật, cán bộ nghe được dân nói là việc khó khăn. Người cán bộ giám sát cần hành xử theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Luôn luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm/ Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(2).

Dân kiểm tra, dân giám sát là hai khâu trong phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Cán bộ, chuyên gia đại diện cơ quan tham mưu của Trung ương Đảngtham gia đoàn giám sát của Quốc hội dù đã trải qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng hay chưa thì cũng cần nghiên cứu kỹ “Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân” và các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát có liên quan đến dân. Trong thực tế thì khó phân biệt rõ ràng, rành mạch giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động giám sát, giữa công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra, giám sát của Đảng nói riêng mà chúng thường lồng ghép, đan xen nhau. Ở đây, giám sát của một cơ quan đại diện cao nhất của dân, mang ý nghĩa dân giám sát lại càng có những yêu cầu, nội hàm khác. Các đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan hành pháp cũng có nghĩa là góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết, phương châm do Đại hội XIII của Đảng đề ra. Cán bộ, chuyên gia đại diện Ban Tổ chức Trung ương chắc chắn là những người có thế mạnh, thuận lợi để phát huy, góp phần vào chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội với góc độ phẩm chất đạo đức, lối sống, mối quan hệ, gắn bó với dân, trong thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị, quy định... của Đảng.

Các chuyên đề mà Quốc hội đề ra trong công tác giám sát tới đây có nhiều mảng, nhiều khâu liên quan, gắn bó với công tác của Ban Tổ chức Trung ương. Trong những năm gần đây, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, thông báo, quy định về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương, tiêu cực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Đặc biệt một số quy định liên quan đến mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân như: “Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh kiến nghị của dân”; “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; “Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” v.v… Lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan hành pháp, đối tượng bị giám sát, hầu hết là thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương quản lý. Do đó, các cán bộ, chuyên gia đại diện cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng có rất nhiều “đất” để hoạt động. Đồng thời với công tác giám sát các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân thực thi pháp luật là kiểm tra giám sát việc chấp hành thực thi Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng  Như thế là “một công đôi việc”.

Một điều trăn trở, băn khoăn trong công tác giám sát thời gian qua là thường “giám sát trên các báo cáo” của cơ quan, đơn vị, địa phương bị giám sát. Trong khi nhiều báo cáo còn rất chung chung, định tính mà không định lượng, thiếu địa chỉ, tên tuổi cụ thể. Để giải quyết tình trạng này, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-8-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Phải xác định từng vụ việc bức xúc, nổi cộm để làm đến nơi đến chốn, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, hẳn là tình hình sẽ chuyển động chứ không dừng ở việc "xuân thu nhị kỳ", các cơ quan Quốc hội cứ chờ Chính phủ gửi báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo sang, tổng hợp, báo cáo lại rồi gọi là… giám sát”. Thái độ cương quyết của người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của dân là một tín hiệu vui!
--------------------------------------

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 2021, t.1, tr. 27-28.

(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2002, t.4, tr.56.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất