Hằng ngày xem trên truyền hình, đọc trên các báo hay đi dự hội nghị ở một số cơ quan, tôi thấy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội và Công an (các cấp ở Trung ương) việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các hội trường, phòng họp đều rất chuẩn mực, trang nghiêm theo đúng Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992. Tuy nhiên, gần đây ở nhiều tỉnh, thành, hội, đoàn thể, cả cơ quan báo chí địa phương sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một số hội trường, phòng họp… chưa đúng, chưa được trang nghiêm do chưa thực hiện đầy đủ Thông báo số 31-TB ngày 15-2-1993 của Chính phủ về việc treo cờ Quốc kỳ, chào cờ và hát Quốc ca và Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 2-10-2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Ảnh minh họa)
Tôi xin mạnh dạn chỉ ra 5 biểu hiện sai thường gặp trong việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một số hội trường, phòng họp:
Thứ nhất, theo Quy định thì nền cờ màu đỏ tươi, không có nhiều đường xếp nếp nhưng nhiều cơ quan, đơn vị lại để màu cờ đỏ tím, làm nhiều đường xếp nếp, nếp to, nếp nhỏ, hai mép cờ (theo chiều thẳng đứng) để cong queo.
Thứ hai, nếu sử dụng 2 cờ là cờ Đảng, cờ Tổ quốc theo hình thể đang bay hoặc dùng búa liềm và sao gắn vào hai nền cờ thì cờ đang bay hoặc búa liềm và sao phải để đúng điểm giữa, cân đối giữa tượng Bác với trần nhà. Không để hình hai cờ đang bay hoặc búa liềm và sao thấp sau lưng tượng Bác. Thậm chí có nơi búa liềm nổi gắn không cẩn thận chạm vào sau gáy tượng Bác.
Thứ ba, có cơ quan dùng kích thước nền một cờ nhưng lại sử dụng hình tượng hai lá cờ bằng cách gắn một bên búa liềm, một bên sao vàng năm cánh chạm sát nhau ở giữa, nơi thì búa liềm và sao sát ra hai mép.
Thứ tư, có nơi còn đặt tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bục cao nhưng phía dưới sát bục và phía trước không trang trí hoa. Có nơi cờ Tổ quốc gắn ngôi sao vàng nhưng ngôi sao lại để lệch và thấp sát đầu tượng Bác. Có nơi còn để hai cánh ngôi sao phía dưới ôm sát đầu tượng Bác… Có cơ quan tổ chức hội nghị lớn thì ở chính giữa trên cao là Quốc huy và khẩu hiệu, có lễ đài, có Chủ tịch đoàn, bên trái (nhìn từ dưới lên) là bục để đặt tượng Bác nhưng bục đặt tượng Bác lại không đặt tượng, thay vào đó là để làn hoa quả. Người hiểu biết, trọng hiếu nghĩa với tấm lòng thành kính thì bục đặt tượng Bác phải đặt tượng, nếu tượng Bác chưa chuẩn bị trang nghiêm được thì nên đặt ảnh Bác.
Thứ năm, có nơi dùng phông nền hội trường, màu đỏ tím (không đỏ tươi) làm nhiều đường xếp nếp to, nếp nhỏ (theo chiều thẳng đứng từ trái sang phải không đều nhau, nếp to, sâu tối), ở khoảng giữa phông có gắn búa liềm và ngôi sao vàng, dưới là tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng giữa búa liềm và sao để dải phân cách màu vàng thẳng đứng vào đầu tượng Bác. Tượng Bác lại đặt thấp, khi mọi người đứng lên lễ đài nhận bằng khen, giấy khen… cao hơn, che khuất tượng Bác. Trang trí như thế rất thiếu tôn nghiêm.
Là người đã bước sang tuổi 75, có 45 năm tuổi Đảng, tôi đã được đi học các lớp của Văn phòng Trung ương, Bộ Ngoại giao… hướng dẫn về nghiệp vụ lễ tân, trang trí hội trường, phòng họp, phòng làm việc, hơn nữa trước đây tôi đã được phục vụ các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội qua các thời kỳ (đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, đồng chí Phạm Thế Duyệt, đồng chí Lê Xuân Tùng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng), tôi nhận thấy nếu nhiệm vụ này không sớm được các cơ quan chức năng của Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh, càng ngày làm càng sai lệch sẽ khó giữ được di sản văn hóa hào hùng của Đảng, của Bác Hồ ở các cấp cơ sở một cách trang nghiêm, thành kính.
Kinh nghiệm trước đây khi còn làm việc ở Văn phòng Thành ủy Hà Nội, chúng tôi chọn mua vải nhung, màu đỏ tươi, rồi cắt chiều dài, chiều rộng theo đúng kích thước quy định, gắn búa liềm vào cờ Đảng, gắn sao vàng vào cờ Tổ quốc rồi treo lên thì thấy nền cờ phẳng bóng, vuông vắn theo chiều ngang, dọc từ trên xuống dưới, trang nghiêm và đẹp hơn cờ xếp nếp. Cờ xếp nếp trên bé, dưới to, nếp uốn éo kéo dài lê thê từ trái sang phải (nhìn từ dưới lên) mà nên trang trí cờ là cờ, phông là phông, không để vừa cờ, vừa phông chung một tấm vải. Cách làm này dễ làm và nhanh, nhưng không đẹp và trang nghiêm bằng cờ cắt theo đúng kích thước mà Hiến pháp đã quy định.
Mấy năm trước chỉ có chính quyền phường, xã có công văn gửi tổ dân phố, khu dân cư thông báo treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc vào các ngày kỷ niệm truyền thống của Đảng, Nhà nước. Trong thông báo chỉ nói thời gian treo cờ và hạ cờ, nhưng nhân dân hưởng ứng treo cờ Tổ quốc rất tốt. Tuy nhiên, trong một hai năm gần đây việc treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ tết ngày một ít đi nên từ đầu năm 2020 UBND TP. Hà Nội phải thông báo việc treo cờ vào các ngày kỷ niệm truyền thống của Đảng, Nhà nước, trong đó còn đặc biệt chú trọng: “Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở việc treo cờ Tổ quốc ở địa bàn dân cư; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kiểm tra việc treo cờ Tổ quốc ở các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý”.
Cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng hào hùng, thiêng liêng của quốc gia, dân tộc Việt Nam vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn bằng cách trang trí ở hội trường, phòng họp, phòng đón khách quốc tế… thật trang nghiêm, thành kính. Nếu là cờ thì phải đúng kích thước theo quy định của Hiến pháp, mà muốn đẹp thì trước hết phải đúng. Các biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lúc nào cũng phải đầy đủ, sạch bóng.
Trần Ngọc Quyến
Nguyên Trưởng Phòng Hành chính, Văn phòng Thành ủy Hà Nội