Vắc-xin và phương châm sống chung với COVID-19
Đứng trước tình hình mới của dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 trên thế giới và Việt Nam. Chúng ta nhận thấy diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn mặc dù thế giới đã có không dưới 6 loại vắc-xin phòng COVID-19 được sử dụng trên toàn cầu. Nhưng các biến chủng mới như Alpha, Beta, Delta, Gamma, Lambda… đã vô hiệu hoá tác dụng của các loại vắc-xin đang lưu hành.

Vấn đề đặt ra cho các chính phủ, cho các nhà khoa học cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tình hình mới là vắc-xin nào có khả năng hạn chế mức tối đa nhất lây nhiễm và tử vong do các biến chủng mới gây ra. Đây là một bài toán vô cũng nan giải cho các cơ quan có thẩm quyền. Hiện tại ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ca-na-đa, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác đã có nhiều người được tiêm đủ liều (2 mũi) vắc-xin phòng COVID-19 vẫn lây nhiễm và tử vong.

Việt Nam là một trong những quốc gia cần phải có giải pháp nhanh, triển khai sớm bởi trên thực tế nhu cầu tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân là rất lớn, với dân số hơn 98 triệu, người dân trong độ tuổi cần tiêm phòng để bảo đảm miễn dịch cộng đồng vào khoảng 75% nên nhu cầu mua vắc-xin không dưới 150 triệu liều.

Theo báo cáo, hiện nay Việt Nam đã nhập khẩu theo hình thức cung cấp miễn phí của WHO, Chính phủ - Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nghiệp… mới chỉ đạt hơn 17 triệu liều. Chưa đủ cho 10% dân số tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo quy định của các nước tiên tiến trên thế giới và khuyến cáo của WHO.

Lâu nay chúng ta luôn sử dụng câu từ “ngoại giao vắc-xin” để thúc đẩy nguồn hàng cung cấp cho Việt Nam. Nhưng Bộ Y tế đưa ra lý do vắc-xin phòng COVID-19 do chính phủ của các quốc gia sản xuất chỉ làm việc với chính phủ của các quốc gia có nhu cầu sử dụng. Trên thực tế không phải như quan điểm của Bộ Y tế mà các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân vẫn có quyền thực hiện mua bán, trao đổi vắc-xin phòng COVID-19. Việc chỉ đạo của Bộ Y tế đã làm chậm tiếp cận với các nguồn hàng cung cấp vắc-xin. Thiết nghĩ Bộ Y tế chỉ cần cấp Quota, kiểm tra chất lượng vắc-xin sau khi đã nhập khẩu, còn việc hợp đồng mua bán, giá cả nên để các doanh nghiệp làm và quyết định.

Gần hai năm qua, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại phía Bắc, đến bây giờ lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt nghiêm trọng là TP. Hồ Chí Minh và 23 tỉnh thành phía Nam. Tổng số ca dương tính và tử vong bởi COVID-19 mặc dù có tăng, nhưng chúng ta nên nhìn nhận khách quan về vấn đề này, Đảng và Chính phủ Việt Nam, cũng với người dân Việt Nam đã và đang làm hết sức có thể để phòng, chống dịch bệnh lây lan, để bảo vệ cuộc sống và mạng sống của người dân.

Góc nhìn khách quan tại Việt Nam và các nước trong khu vực, thế giới trong thời gian gần 2 năm qua từ khi có dịch bệnh bùng phát thì công bằng mà nói Việt Nam làm tương đối tốt, với dân số hơn 98 triệu người, tính đến hôm nay Việt Nam chỉ có hơn 240.000 ca dương tính và gần 4.500 ca tử vong (theo báo cáo của Bộ Y tế). Có thể nói con số này là thấp nhất trên thế giới hiện nay so với tỷ lệ dân số của các quốc gia.

Hãy lấy một quốc gia nằm trong nhóm G7 là Ca-na-đa, kinh tế hùng mạnh, hệ thống y tế vào loại tốt nhất nhì trên thế giới, dân số khoảng hơn 37 triệu người, chỉ bằng hơn 1/3 dân số Việt Nam, đất rộng, người thưa nhưng đến thời điểm này kể từ khi đại dịch khởi phát, Ca-na-đa đã có 1.414.736 trường hợp nhiễm COVID-19 và 26.273 ca tử vong (được báo cáo ở Ca-na-đa). 

Giải pháp cho phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Cần thiết chấn chỉnh lại phương pháp điều hành của các địa phương, cần chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Các quyết sách cần phải thống nhất đồng bộ bởi chúng ta đã đặt ra phương châm “chống dịch như chống giặc” nên không thể để tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Cần phải thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước được phép đàm phán mua vắc-xin phòng COVID-19 trực tiếp từ nước ngoài, Chính phủ và Bộ Y tế chỉ là bà đỡ để hỗ trợ về mặt pháp lý và kiểm tra chuyên ngành khi hàng đã nhập khẩu vào Việt Nam. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cần phải hỗ trợ có trọng điểm về tài chính cho một vài tổ chức, doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 có hiệu quả thử nghiệm lâm sàng thành công phase 1 và phase 2, phase 3. Nhanh chóng cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất, Chính phủ, Bộ Y tế khẩn trương đứng ra mời các tổ chức y tế có uy tín và WHO thẩm định nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả vắc-xin phòng COVID-19 do Việt Nam sản xuất.

Việc phong toả, giãn cách xã hội những tỉnh, thành phố có dịch bệnh nguy hiểm theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là điều cần thiết. Nhưng các tỉnh, thành phố trong vùng an toàn mà áp dụng nhiều biện pháp hành chính như giấy xét nghiệm âm tính nhanh, RT-PCR; giấy đi đường, CMND/CCCD không nằm trong vùng dịch … mới được qua chốt kiểm dịch là bất hợp lý, khác nào một hình thức ngăn sông, cấm chợ biến tướng. Cần phải xem lại và điều chỉnh ngay mới bảo đảm mục tiêu kép của Chính phủ đặt ra. 

Việc cần thiết nhất bây giờ là phải tăng thêm tiền hỗ trợ, gạo, thực phẩm thiết yếu hằng ngày cho bà con lao động, cho người yếu thế trong khu vực bị áp dụng Chỉ thị 16, 16+ của Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương. Nếu làm tốt thì việc an dân, việc "dân ở đâu ở yên đấy" mới thành công và ngăn chặn mọi hệ luỵ xấu có thể xảy ra.

Phương án đặt ra cần phải tăng thêm các bệnh viện dã chiến, tăng cường huấn luyện đội ngũ y tá, điều dưỡng ngắn ngày để đủ nhân lực, vật lực ứng phó từ rất sớm với tình huống xấu có thể xảy ra.

Tôi tin rằng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn này, xác định phương châm sống chung với COVID-19 mà không có người tử vong, vẫn lao động, sản xuất bình thường bởi chúng ta đã tiêm vắc-xin đầy đủ và đạt miễn dịch cộng đồng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất