Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào. Tư tưởng đó quán xuyến trong cả cuộc đời và xuyên suốt trong các tác phẩm của Người.
 
Thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân là quan điểm bao trùm trong toàn bộ Tư tưởng Hồ Chí Minh, cơ sở để hình thành tư tưởng về công tác dân vận của Người. Người luôn ý thức: Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Người cũng nói: Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh. Đó cũng chính là mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân.

Vấn đề dân chủ cũng là một trong những tư tưởng cơ bản xuyên suốt công tác dân vận của Người. Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có cái cốt lõi: Dân là gốc. Bản chất dân chủ là quyền làm người. Dân là gốc thì dân phải là chủ và dân phải làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Bác đánh giá rất cao về dân chủ: Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Đoàn kết, tập hợp lực lượng là nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận. Không những thế mà đó còn là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Người, Người đã từng nhấn mạnh đến vai trò hạt nhân của Đảng. Người nói: Cách mạng muốn thành công, trước hết phải có Đảng cách mệnh. Nhân dân cần có Đảng dẫn đường. Bởi vậy đại đoàn kết phải có Đảng lãnh đạo. Đảng phải được xây dựng xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận. Đảng của giai cấp nhưng Đảng cũng là của dân tộc. Nhân dân công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của mình. Đây thật là một vinh dự. Đảng là thành viên bình đẳng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng là thành viên lãnh đạo Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng thuyết phục và nêu gương. Đảng phải tiêu biểu cho mọi sự đoàn kết nhất trí, bảo đảm dân chủ nội bộ, thống nhất tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc dân là chủ, phương thức cơ bản của công tác dân vận là phương pháp dân chủ chứ không phải là những thủ thuật chính trị.

Trong bài báo Dân vận (15-10-1949), Người chỉ rõ: Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Bên cạnh phương thức cơ bản này, Người còn rất coi trọng đến các vấn đề liên quan khác như: cán bộ đảng viên trước hết phải tự mình làm gương cho quần chúng; phải gần gũi quần chúng, kiên trì, giải thích cho quần chúng hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người dạy: Muốn thực sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết sinh hoạt của quần chúng thế nào... mới biết nguyện vọng của quần chúng thế nào. Ngoài ra, cách tổ chức, cách làm việc cũng phải phù hợp với quần chúng. Lực lượng làm công tác dân vận là lực lượng của cả hệ thống chính trị - trước hết là của chính quyền.


Trong bài báo Dân vận, Bác viết: Tất cả cán bộ, chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận. Điều ấy có nghĩa là, tất cả cán bộ chính quyền đều phải làm dân vận. Đây là đặc điểm nổi bật của công tác dân vận khi Đảng ta có chính quyền. Chính quyền của ta là công cụ chủ yếu của nhân dân. Chính quyền không những chỉ phải làm dân vận mà còn có nhiều điều kiện làm công tác dân vận thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, người cán bộ làm công tác dân vận phải luôn chú ý giữ gìn phẩm chất đạo đức và hoàn thiện phong cách làm việc của mình. Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Về phong cách làm việc của cán bộ dân vận, Bác Hồ có nhiều cách nói khác nhau, ở những ngữ cảnh khác nhau, nhưng tập trung nhất là trong bài báo Dân vận ngày 15-10-1949, Người đúc kết thành 12 từ: óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu, Bác Hồ muốn khẳng định công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học - khoa học về con người, một nghệ thuật - nghệ thuật tiếp cận và vận động con người, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả. “Mắt trông, tai nghe, chân đi” là yêu cầu sát cơ sở, sát thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. “Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” là phong cách quan trọng nhất hiện nay, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại. Bác cũng nghiêm khắc phê phán “bệnh nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”.

Trong thư gửi các đồng chí Bắc bộ năm 1947, Bác đã thẳng thắn chỉ rõ căn bệnh thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác để vạch ra những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không cũng không biết đến. Và Bác nhấn mạnh: Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn. Bởi vậy, người làm công tác dân vận luôn "Phải thật thà nhúng tay vào việc". Tức là làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hằng ngày của quần chúng để thực hiện mục đích của công tác dân vận. Nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân, làm sao để dân có tự do, hạnh phúc thật sự.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là, hiện nay, những người làm công tác dân vận, thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã và đang thực hiệt tốt hơn chức năng và nhiệm vụ của mình theo đúng đường lối của Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh với nhiều nội dung và hình thức phong phú.                          

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất