Một kiểu quan liêu
Bác Hồ với nông dân

Theo đoàn công tác đến một huyện trung du, nhìn những cánh đồng lúa bông đen, lép hạt, nghe bà con nông dân thở than về vụ mùa kỳ này chắc chắn thất bát trên dưới 50%, lòng chúng tôi như thắt lại. Vậy là mục tiêu giảm nghèo của Huyện năm nay e chừng khó đạt…

Xuống tới chân ruộng, chúng tôi hỏi một nông dân:

- Tại sao lúa nhà mình xấu vậy bác?

Người đàn ông trạc tuổi 60, đen đủi và rắn chắc quay lại trả lời, tay vẫn mải cuốc:

- Tại đợt gió bấc đầu mùa vừa rồi nên lúa không trổ được, trổ rồi cũng không làm hạt.

- Nhưng sao nhiều nơi khác, ruộng lúa thấy khá lắm? Một anh trong đoàn thắc mắc.

- À, đó là vì chuyện khác!

- Khác thế nào ạ? Mọi người đồng thanh hỏi.

- Khác là… do người ta làm đúng nông lịch của cấp trên chỉ đạo, nên tránh được đợt bấc đầu mùa. Còn bà con chúng tôi thì… Người đàn ông gãi đầu, cười như mếu.

Ra vậy. Năm nay thời tiết chuyển biến xấu, cơ quan chức năng đã nghiên cứu, tính toán chặt chẽ lịch gieo sạ chi tiết đến từng ngày. Cán bộ nông nghiệp huyện cùng các tổ công tác dân vận về từng xã triển khai chỉ đạo. Các xã tiếp tục cho cán bộ về thôn, phát lịch đến từng hộ gia đình. Thế nhưng… số phận các tờ lịch thật hẩm hiu, chúng được đem giắt lên mái nhà, hoặc cất đâu đó dưới hộc bàn, trên nóc tủ... Rồi bà con mạnh ai nấy làm đất, trữ nước, gieo sạ. Tại năm nay ông trời không thương, cho đợt gió bấc dữ dội đầu mùa, nên các đồng lúa mới thâm đen cháy cả lòng vậy!

Nhưng không phải chỉ vì trời, vì cán bộ, đảng viên… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Tập quán canh tác của bà con ở đây gắn liền với điều kiện vùng trung du - ruộng bậc thang phụ thuộc vào nước trời. Nếu tranh thủ gieo sạ sớm, nước đủ sẽ được mùa. Hàng bao đời nay, nếu thời tiết có những biến động phức tạp, thì… vẫn cứ làm vậy, may rủi nhờ trời! Khi khoa học, kỹ thuật về với nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh “nước, phân, cần, giống”, yếu tố thời vụ được đặc biệt chú trọng và nông lịch ra đời. Tuy nhiên, đối với bà con nông dân, nông lịch chỉ là một tờ giấy được cán bộ cấp trên đưa về, đề nghị làm theo. Nếu lịch lệch với ngày dự kiến của bà con quá, dù với lý do gì, cũng rất khó thuyết phục. Mặt khác, càng khó hơn khi từ lâu, bà con nơi đây ít tin vào cán bộ xã. Nhiều chủ trương, nhiều phong trào được triển khai về cơ sở, cán bộ thôn, cán bộ xã không ít người nói mà không gương mẫu thực hiện, thậm chí nói một đằng, làm một nẻo. Có người còn quan liêu, hách dịch với dân. Có người cậy quyền ăn chặn, bớt xén chế độ của hộ nghèo… Người dân thôn quê hiền lành, bình dị, bị đối xử không công bằng là phản ứng bằng im lặng, đem cái ấm ức biến thành sự xa lánh cán bộ, vô hình trung xa lánh cả những điều cần nghe, cần biết, cần làm  vì lợi ích của chính mình.

Nhớ lời Bác dạy: Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi! Thiết nghĩ, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Để dân đói vì mất mùa do chính sự bảo thủ của người dân, hay do sự bàng quan của cán bộ khi cho rằng đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến dân kiểu như trên thế là xong, không biết chủ trương, chính sách đó dân nghe, dân tin, dân theo thế nào…Thành ra, đó lại là lỗi của hệ thống chính trị.

Quan liêu, xa dân có nhiều vẻ. Thực tế mà chúng tôi kể trên cũng là một kiểu quan liêu. Không đồng hành với dân, trách nhiệm đến cùng công việc vì lợi ích của dân là chúng ta đã xa dân và để dân ngày một rời xa chúng ta hơn. Giá như trước vụ mùa, ngoài việc triển khai và thuyết phục bà con tin vào tính khoa học và hiệu quả của nông lịch, các cấp ủy phân công cán bộ, đảng viên về bám dân, bám ruộng, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc để nông lịch được thực hiện, chắc chắn toàn huyện sẽ không phải chứng kiến cảnh mất mùa, đói kém đang hiện dần sau cánh đồng lúa đen đòng, lép hạt ấy. Giá cán bộ luôn gần dân, chia sẻ, cảm thông, hiểu dân, không quan liêu, cửa quyền, nói một đàng làm một nẻo… thì dân sẽ luôn luôn tin cán bộ, cán bộ nói dân theo.

Phòng chống quan liêu, xa dân, hãy bắt đầu bằng việc thực hiện lời dạy của Bác, mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên là đày tớ thật trung thành của nhân dân, luôn thấy được trách nhiệm trước dân, vì nhân dân phục vụ.

Phản hồi (3)

Nguyễn Văn Đức 07/12/2011

Bệnh quan liêu ngày càng nhiều là do cán bộ, đảng viên chỉ lo lợi ích cá nhân. Cần khai trừ bớt những đảng viên thoái hoá, biến chất để Đảng mạnh như ngày xưa.

Lương Đình Hải 04/12/2011

Bài hay, đúng thực tế.

Đinh Văn Kiểm 22/11/2011

Đúng thực trạng quê nhà tôi đấy. Cán bộ bây giờ không cần dân, quan liêu lắm. Đề nghị Tạp chí có nhiều loại bài này để đánh thức cán bộ.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất