Đột phá trong đổi mới công tác cán bộ
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm 3 đảng bộ trực thuộc Trung ương có số lượng TCCSĐ và đảng viên lớn nhất cả nước, bao gồm 31 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 1.462 TCCSĐ với gần 240.000 đảng viên. Hiện nay, toàn tỉnh có 78.642 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 596 cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý, 7.302 cán bộ diện BTV cấp ủy cấp huyện và tập thể lãnh đạo ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quản lý. Đây là lực lượng nòng cốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị, quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dành cho vùng đất và con người tỉnh Thanh Hóa những tình cảm ấm áp, ân tình. Trên cương vị là người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước, Người đã 4 lần về thăm Thanh Hóa; nhiều lần gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương thành tích mà Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đạt được. Vào ngày 20-2-1947, trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”, “Tỉnh Thanh Hóa... muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Khắc ghi lời dạy của Người, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, trong suốt những năm qua Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thường xuyên chăm lo đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành đầy đủ văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện đồng bộ, tạo sự đột phá trong công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ của tỉnh, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu, được tăng cường và nâng cao cả về số lượng và chất lượng, về cơ bản có cơ cấu hợp lý, phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Để tạo nguồn bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, tỉnh Thanh Hóa đã đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức; trong đó, tập trung thu hút, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn; đồng thời, có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn có nguyện vọng đi học để chuyển đổi nghề nghiệp... Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, nhất là học sinh THPT, học sinh trường trung cấp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Năm 2023, toàn tỉnh kết nạp mới được 8.120 đảng viên; trong đó, 1.374 đảng viên là học sinh, 175 đảng viên là sinh viên. Qua đó góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; đồng thời định hướng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong nhà trường, lan tỏa niềm tin yêu của thế hệ trẻ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và sớm tạo nguồn cán bộ lâu dài cho quê hương, đất nước.
Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định, đánh giá cán bộ là khâu đột phá trong công tác cán bộ, đánh giá đúng cán bộ là cơ sở để bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ phù hợp với thế mạnh, năng lực, sở trường, nâng cao kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời, kịp thời phát hiện, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và sàng lọc cán bộ yếu kém, đưa ra khỏi quy hoạch. Ngày 12-3-2012, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”. Sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổng kết và ban hành Kết luận số 934-KL/TU ngày 5-9-2022 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, trong đó, lựa chọn khâu đánh giá đội ngũ cán bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Vì vậy, công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đội ngũ cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, lượng hóa các tiêu chí đánh giá cán bộ bằng chỉ tiêu, kết quả, sản phẩm cụ thể để làm căn cứ, cơ sở đánh giá đội ngũ cán bộ, bảo đảm khách quan, công tâm, chính xác, đúng với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ hằng năm được các tổ chức, cơ quan, đơn vị công bố công khai, làm cơ sở xét thi đua khen thưởng, lựa chọn cán bộ để bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ...
Trong bố trí, sử dụng cán bộ, Tỉnh ủy Thanh Hóa và các cấp ủy đặc biệt quan tâm phát hiện cán bộ năng động, sáng tạo, bảo đảm “đúng người, đúng việc”, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao; đồng thời, rà soát, sàng lọc cán bộ yếu kém để đưa ra khỏi quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý. BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành các quy định cụ thể để triển khai thực hiện có kết quả. Công tác quy hoạch cán bộ đã được thực hiện khách quan, dân chủ, đúng quy định, bảo đảm liên thông giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị tỉnh; thực hiện nghiêm phương châm “động” và “mở”, gắn với các khâu trong công tác cán bộ. Số lượng nguồn quy hoạch bảo đảm theo quy định, chất lượng nguồn quy hoạch được nâng lên, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đến nay, toàn tỉnh có 33.278 cán bộ nữ (chiếm 42,4%), 34.527 cán bộ trẻ (chiếm 44%), 7.341 cán bộ là người dân tộc thiểu số (chiếm 9,4%), 7.144 cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ (chiếm 9,1%), 3.250 cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân (chiếm 4,1%).
Các huyện miền núi đều thực hiện quy hoạch cán bộ là người dân tộc Kinh trong thường trực cấp ủy; các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đều quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt; nhiều đơn vị đã làm tốt việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ từ nơi khác vào quy hoạch. Định kỳ các tổ chức, cơ quan, đơn vị đã làm tốt việc rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, bị xử lý kỷ luật; bổ sung nhân tố mới được đào tạo bài bản, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng động, sáng tạo, có triển vọng phát triển vào quy hoạch. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 79.669 lượt cán bộ được đưa vào quy hoạch; trong đó, quy hoạch các chức danh diện BTV Tỉnh ủy quản lý là 8.366 lượt; quy hoạch các chức danh diện BTV cấp ủy cấp huyện và lãnh đạo ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quản lý là 71.303 lượt.
Tỉnh ủy Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh, đã ban hành và triển khai thực hiện tốt các đề án, quyết định của tỉnh trong thời gian vừa qua. Hằng năm, căn cứ nhu cầu và thực tế đội ngũ cán bộ, Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đương chức, cán bộ trong quy hoạch. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng được 84.211 lượt người, bao gồm đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho 10.564 lượt người, trong đó, tỉnh đã tuyển chọn được 26 đồng chí cán bộ trẻ có triển vọng ở các ban, sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cử đi học thạc sĩ tại Anh, Ô-xtrây-li-a theo Đề án của BTV Tỉnh ủy về tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý và đã trở về công tác tại các ban, sở, ngành, địa phương của tỉnh; đào tạo lý luận chính trị cho 20.701 lượt người (cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị được 2.296 lượt người, trung cấp lý luận chính trị được 18.405 lượt người); bồi dưỡng 52.946 lượt người, trong đó tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh các nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và các nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 cho 232 đồng chí. Cấp huyện đã mở được 27 lớp dự nguồn BCH đảng bộ và chức danh lãnh đạo chủ chốt các nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và các nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 cho gần 4.000 đồng chí.
Cùng với đánh giá đội ngũ cán bộ, điều động, luân chuyển cán bộ được Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định là một trong hai khâu đột phá trong công tác cán bộ, từ năm 2012 đến nay BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, trong đó có 5 văn bản chuyên đề về công tác điều động, luân chuyển cán bộ, đặc biệt là Đề án số 03-ĐA/TU ngày 27-2-2013 của BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa “Về điều động và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý diện BTV Tỉnh ủy quản lý”. Toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển được 4.523 lượt cán bộ ở các cấp, từ tỉnh về huyện 121 lượt, huyện lên tỉnh 92 lượt, huyện sang huyện 94 lượt; huyện về xã 574 lượt, xã lên huyện 267 lượt, xã sang xã 1.363 lượt; ngành này sang ngành khác cấp tỉnh 38 lượt, phòng này đến phòng khác ở các ngành cấp tỉnh 828 lượt, ngành này đến ngành khác ở cấp huyện 1.146 lượt. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ việc điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, bước đầu đã tạo sự “đột phá” quan trọng, từng bước xóa bỏ tư tưởng cục bộ, khép kín địa phương, tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ đối với cán bộ được luân chuyển. Đa số các địa phương sau khi có cán bộ được điều động, luân chuyển thì tình hình ổn định, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đều có bước phát triển; nhiều cán bộ trưởng thành, được bố trí, sắp xếp vào vị trí cao hơn và tương đương; Sau khi luân chuyển có 912 đồng chí được bố trí chức vụ cao hơn, 731 đồng chí giữ chức vụ tương đương so với trước khi luân chuyển.
Thực hiện các nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương về quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương, chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, các cấp ủy trong tỉnh đã rà soát, bố trí, sắp xếp lại người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị khi để phong trào của địa phương, đơn vị cầm chừng, chậm phát triển hoặc sa sút tinh thần đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; thường xuyên rà soát, sàng lọc đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ đối với 356 trường hợp, xóa tên 845 đảng viên (trong đó có 274 đảng viên dự bị). Các cơ quan, đơn vị rà soát, bố trí, sắp xếp lại công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm, tham mưu không rõ chính kiến, không dám làm, dễ làm khó bỏ, không vì lợi ích chung...
Một số bài học kinh nghiệm
Thành tựu mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua chính là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh; trong đó, có vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ cán bộ các cấp. Thành quả đó đến từ chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về công tác cán bộ và việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, gắn với phát hiện, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và sàng lọc cán bộ yếu kém, đưa ra khỏi quy hoạch; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, tạo được sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía bắc của Tổ quốc, là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước, như Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị khóa XII “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả đạt được trong việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, gắn với phát hiện, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và sàng lọc cán bộ yếu kém, đưa ra khỏi quy hoạch trong thời gian qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nhận thức đầy đủ, toàn diện về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, việc bố trí, sử dụng cán bộ gắn với phát hiện, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và sàng lọc cán bộ yếu kém, đưa ra khỏi quy hoạch. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, giữ vai trò quyết định trong thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, phải nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu chiến lược cán bộ và công tác cán bộ; giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; quán triệt đầy đủ các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy về công tác cán bộ; định kỳ rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định, quy chế về công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của cấp ủy cấp trên về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, bảo đảm tổng thể, thống nhất, liên thông, minh bạch, khách quan, công tâm về công tác tổ chức - cán bộ. Trong công tác cán bộ phải có sự gắn kết, đồng bộ giữa các khâu; quy trình về công tác cán bộ phải bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, bảo đảm nguyên tắc, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch; lắng nghe ý kiến của nhân dân, dư luận xã hội, ý kiến phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng; cẩn trọng thẩm tra kỹ lưỡng trước khi quyết định, nhất là việc đề bạt, bổ nhiệm và bố trí cán bộ.
Bốn là, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ phải thường xuyên được đổi mới, xác định rõ khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; đồng thời, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm.
Năm là, thường xuyên rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí lại cán bộ, công chức, viên chức uy tín giảm sút, có tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, cái gì có lợi cho cá nhân thì làm, không vì lợi ích chung, nhất là người đứng đầu thiếu sáng tạo, thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực, uy tín, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; có tinh thần “7 dám” như sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, đó là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung; năng động, sáng tạo, có tư tưởng đột phá, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ to lớn, phức tạp vì sự phát triển của địa phương, đơn vị. Chú trọng xây dựng môi trường làm việc hiện đại, văn minh để thu hút được người tài vào công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị tỉnh và trọng dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực nổi trội.