Đảng bộ huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Đảng ủy xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ảnh: Trường Khanh.

Đảng ủy xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ảnh: Trường Khanh.

Những kết quả tích cực

Đảng bộ huyện Vĩnh Tường có 66 chi, đảng bộ cơ sở, trong đó có 334 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với tổng số trên 9.800 đảng viên. Thực hiện Kết luận số 18-KL/TW ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới”, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Hướng dẫn số 13-HD/TU ngày 16-11-2018 “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Đây là những văn bản quan trọng, có thể coi là cẩm nang về công tác chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và nội dung, chương trình, cách thức tổ chức một buổi sinh hoạt thường kỳ hay sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ.

Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Tường luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố chi bộ, trong đó tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đồng thời, xem đây là khâu đột phá trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Việc duy trì sinh hoạt chi bộ hằng tháng được các chi bộ quan tâm chỉ đạo, duy trì thường xuyên, chuyển tải được các nội dung công tác đảng của đảng ủy hằng tháng và tiếp nhận những ý kiến phản ánh của đảng viên.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập 28 tổ công tác của Huyện ủy do đồng chí huyện ủy viên phụ trách đảng bộ xã, thị trấn làm tổ trưởng, về dự sinh hoạt chi bộ cơ sở hằng quý. Qua đó, các đồng chí huyện ủy viên nắm bắt tình hình cơ sở, báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy những khó khăn, vướng mắc và vấn đề phát sinh ở cơ sở để có những biện pháp chỉ đạo hiệu quả, kịp thời.

Qua theo dõi, kiểm tra Sổ ghi biên bản và trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ với một số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở cho thấy: Hầu hết các chi bộ đều duy trì nền nếp sinh hoạt đều đặn, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và của Tỉnh ủy. Nội dung sinh hoạt chi bộ được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể hơn, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng chi bộ; gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra hằng ngày tại cơ sở. Nhiều tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cho các chi bộ trực thuộc về nội dung, cách thức sinh hoạt nhằm tập trung thảo luận sâu các mặt công tác hoặc những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, qua đó giúp buổi sinh hoạt chi bộ thêm sinh động, thu hút sự quan tâm của đảng viên; từng bước khắc phục được tình trạng chung chung tại các buổi sinh hoạt chi bộ.

Một số cấp ủy đã quan tâm phân công cấp ủy viên, đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy trực tiếp dự sinh hoạt với các chi bộ. Nhiều chi bộ thực hiện tốt việc họp chi ủy để thống nhất nội dung trước khi sinh hoạt chi bộ, đồng chí bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt, công tác điều hành đảm bảo yêu cầu; đảng viên dự sinh hoạt chi bộ nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm. Việc ghi chép biên bản sinh hoạt chi bộ cũng dần đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên.

Qua sinh hoạt chi bộ đã giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và của chi bộ. Đồng thời, cấp ủy các cấp xác định rõ nguyên nhân cơ bản của những khuyết điểm, hạn chế của cấp ủy, chi bộ mình, từ đó có biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. 

Tuy nhiên, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ huyện thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ở một số chi bộ, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ chưa thể hiện rõ nét; tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao nên chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, nhất là việc quan tâm bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Qua các phiếu đánh giá chất lượng sinh hoạt của các chi bộ cho thấy, một số tiêu chí không đạt điểm tối đa là do đảng viên dự sinh hoạt đạt tỷ lệ chưa cao, đi sinh hoạt không bảo đảm thời gian, ít phát biểu ý kiến, thiếu đánh giá cụ thể về kết quả hoạt động của chi bộ, chưa kịp thời biểu dương đảng viên tiêu biểu.

Một số chi bộ còn lúng túng trong việc chọn nội dung, chủ đề sinh hoạt chuyên đề; nội dung sinh hoạt chủ yếu vẫn bàn về một số chủ đề như buổi sinh hoạt kỳ trước, không có nội dung mới, có những nội dung dành quá nhiều thời gian bàn bạc mới thống nhất triển khai.

Khả năng điều hành của một số đồng chí bí thư chi bộ còn hạn chế; duy trì, gợi ý thảo luận chưa cụ thể, chưa quan tâm phân công nhiệm vụ cho đảng viên; đôi khi chưa thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế của chi bộ và đảng viên trong chi bộ. Có chi bộ chưa chưa kịp thời phát hiện đảng viên vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định…

Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt thường kỳ chưa cao, bình quân chỉ đạt khoảng gần 95%, có kỳ chỉ có gần 90% số đảng viên dự sinh hoạt. Trong sinh hoạt ít đảng viên phát biểu, có ý kiến không trọng tâm và thường chỉ tập trung ở một số đảng viên hay phát biểu.

Các chi bộ thôn, tổ dân phố tổ chức sinh hoạt chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản như: Việc xây dựng nội dung, định hướng cho vấn đề cần thảo luận trong buổi sinh hoạt chưa kỹ; chưa có các phương án giải quyết khi có tình huống nảy sinh để quyết định thực hiện.

Bên cạnh đó, việc dự kiến nội dung sinh hoạt chi bộ hoặc họp chi ủy để thống nhất, phân công chuẩn bị sinh hoạt chi bộ chưa được duy trì đều đặn; việc xây dựng nội dung và chuẩn bị cho buổi sinh hoạt chi bộ chỉ có một mình bí thư chi bộ thực hiện. Thêm nữa, việc thông tin tình hình thời sự, chính sách, nghị quyết, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đến đảng viên cũng chưa thường xuyên; nội dung sinh hoạt còn dàn trải hoặc sơ sài, thiếu nội dung cụ thể, chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, chủ trương chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế của đơn vị để cụ thể hóa thành chương trình, nhiệm vụ của chi bộ để lãnh đạo.

Việc ra nghị quyết có thời điểm chưa cụ thể, chưa có biện pháp lãnh đạo, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của chi bộ chưa thường xuyên. Những nguyên nhân trên tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến chất lượng của buổi sinh hoạt chi bộ.

Một số giải pháp

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Huyện ủy Vĩnh Tường quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nêu cao vai trò của các đồng chí cấp ủy viên được phân công phụ trách chi bộ; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt như: phát huy dân chủ, cởi mở; định hướng để chi bộ tập trung bàn các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong tháng; quán triệt, giải đáp các ý kiến của đảng viên thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc những nội dung đã được đảng ủy triển khai, giải đáp; không tiếp thu thụ động để chuyển lên cấp trên.

Thường xuyên quan tâm, tổ chức các buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề để phát huy vai trò của chi bộ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong sinh hoạt chuyên đề, cấp ủy chi bộ cần nghiên cứu, lựa chọn chuyên đề phù hợp, sát với tình hình thực tế của chi bộ, của thôn, tổ dân phố, tránh đơn điệu, không hiệu quả trong sinh hoạt chuyên đề.

Bố trí thời gian sinh hoạt chi bộ hợp lý để các đảng viên, đặc biệt là các đảng viên đang tham gia công tác, đi làm ở các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp tham gia sinh hoạt đầy đủ. Đồng chí bí thư chi bộ chủ trì, điều hành cuộc họp chi bộ phải thực hiện linh hoạt các nội dung trong chương trình đề ra; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian sinh hoạt.

Nội dung báo cáo trước chi bộ phải rõ ràng, ngắn gọn, dành nhiều thời gian cho phần thảo luận. Đồng thời tạo không khí dân chủ, cởi mở, chân thành để đảng viên bộc lộ tâm tư, nguyện vọng, nêu cao trách nhiệm bản thân, nêu gương, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại va chạm, dám bày tỏ chính kiến, dám ủng hộ cái đúng, phê phán cái sai, đề xuất các ý kiến với chi bộ.

Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của đảng ủy các xã, thị trấn, các tổ công tác của Huyện ủy dự sinh hoạt chi bộ, các đồng chí đảng ủy viên phụ trách chi bộ trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy cấp trên quan tâm, sâu sát với chi bộ, kịp thời hướng dẫn, gợi mở các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đi đôi với kiểm tra, giám sát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ, việc ra nghị quyết của chi bộ thì nơi đó chất lượng sinh hoạt chi bộ được bảo đảm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất