Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc truyền thống
Khu thiết chế văn hóa - thể thao Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên đáp ứng nhu cầu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của người dân và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương. Ảnh: Trà Hương

Khu thiết chế văn hóa - thể thao Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên đáp ứng nhu cầu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của người dân và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương. Ảnh: Trà Hương.

Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại

Một niềm vui lớn, tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn, xã đạt chuẩn của tỉnh lên 89 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 thôn NTM thông minh; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện, thành phố (Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đây là kết quả của sự vận dụng linh hoạt các tiêu chí của Trung ương vào thực tế của địa phương và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Phát huy truyền thống quê hương “khoán hộ”, Vĩnh Phúc là địa phương tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Trước khi Trung ương có chủ trương về xây dựng NTM, BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 03 về “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020”. Với phương châm “Giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông thôn toàn diện”, Nghị quyết được coi như một làn gió mới, tạo động lực mới, sức bật mới để nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển mạnh và bền vững. Do đó, khi triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, lúc đó bình quân toàn tỉnh đạt 6,66 tiêu chí, không có xã nào “trắng tiêu chí”, đó là cơ sở, tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Từ phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, tỉnh đã phát động phong trào “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng NTM”; chọn 20 xã làm điểm trong toàn tỉnh để rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng ra các xã còn lại.

Nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức và nhân dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng lên. Công tác quy hoạch xây dựng NTM dẫn đầu cả nước. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM đã được các cấp, các ngành tập trung huy động bằng nhiều cách, với tổng mức huy động đạt gần 13 nghìn tỷ đồng trong 10 năm (2010-2020), trong đó người dân và cộng đồng đóng góp hơn 634 tỷ đồng, chiếm 4,92% để đầu tư xây dựng xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng - kinh tế, xã hội, phát triến sản xuất nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp cho người dân nông thôn…

Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM từng bước được xác định rõ, qua đó đã khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp các nguồn lực tham gia xây dựng NTM. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành và triển khai kịp thời.

Hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương thuỷ lợi, nhà văn hoá thôn, xã được đầu tư xây dựng mới, tạo thành hệ thống liên hoàn, ngày càng thuận lợi cho người dân tham gia sản xuất, giao thương hàng hóa, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư, phát huy được sức mạnh của toàn xã hội, nhiều tập thể, hộ gia đình và cá nhân đã gương mẫu tự nguyện đóng góp tiền của, hiến đất và ngày công cho xây dựng NTM….

Những kết quả đạt được sau hơn 12 năm xây dựng NTM của tỉnh đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở bền vững nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng nông thôn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là thành quả và bài học kinh nghiệm để Vĩnh Phúc hoàn thành các mục tiêu xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trở thành nơi đáng sống

Nhất quán lấy mục tiêu phát triển con người là trung tâm, người dân là đối tượng được tham gia và thụ hưởng trực tiếp thành quả phát triển của địa phương; đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao thu nhập, phúc lợi cho người dân, tháng 3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, đặt mục tiêu xây dựng 60 Làng văn hóa kiểu mẫu đáp ứng các yêu cầu cao hơn rất nhiều so với NTM kiểu mẫu, cả về quy hoạch, kiến trúc, kinh tế, sản xuất, môi trường và văn hóa. Dự kiến nguồn vốn thực hiện là 2.610 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh 2.475 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp huyện, xã và nguồn xã hội hóa 135 tỷ đồng.

Đây được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm với mục tiêu xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.

Nghị quyết nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả Đề án, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 08 thông qua Ðề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Nội dung cốt lõi của các Nghị quyết này gồm 14 tiêu chí để chấm điểm và 16 cơ chế chính sách hỗ trợ có nội dung ưu việt hơn hẳn so với Bộ tiêu chí và chính sách về xây dựng NTM trước đây. Riêng trong năm 2023, có 30 Làng văn hóa kiểu mẫu được triển khai xây dựng với kinh phí hỗ trợ 20 tỷ đồng/ Làng văn hóa kiểu mẫu.

Bám sát 14 tiêu chí và 16 chính sách được HĐND tỉnh ban hành, các đơn vị, địa phương tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện. Nhiều hạng mục, công trình khu thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu được khánh thành đưa vào sử dụng.

Đồng chí Phùng Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Liên Châu (Yên Lạc) cho biết: Khu văn hóa, thể thao hiện đại Làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 trong niềm vui, hân hoan, phấn khởi của người dân.

Công trình đã mang lại diện mạo mới cho địa phương với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kiến trúc cảnh quan, không gian thoáng mát gồm nhà văn hóa được xây mới với diện tích trên 600m2 và trang bị đồng bộ các thiết bị nội thất, âm thanh, ánh sáng; hơn 4.500m2 diện tích mặt nước được cải tạo, nạo vét tạo thành hồ điều hòa, trồng sen, hoa súng bảo đảm cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Hệ thống trang thiết bị dụng cụ thể thao ngoài trời được lắp đặt đồng bộ với 2 sân bóng đá nhân tạo, 2 sân bóng chuyền kết hợp sân cầu lông đáp ứng nhu cầu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Về các xã NTM những ngày này, hình ảnh diện mạo các làng quê khang trang, hiện đại với những con đường từ các trục chính đến các ngõ nhỏ từng thôn, xóm đều được trải nhựa, bê tông, đan xen những cây, chậu hoa đua nhau khoe sắc; cuộc sống văn minh, hiện đại được hiện hữu, góp phần tạo nên bức tranh làng quê nông thôn mới yên bình, no ấm.

Đây cũng là mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 có 60 Làng văn hóa kiểu mẫu được xây dựng với môi trường cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất