83 năm truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng

Năm 2013, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tổ chức kỷ niệm 83 năm truyền thống (14-10-1930 – 14-10-2013). Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng với đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện chính trị vô cùng trọng đại của cách mạng nước ta. Sau tám tháng thành lập Đảng, ngày 14-10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khai mạc tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, trong đó có việc quyết định thành lập Bộ Tổ chức kiêm giao thông - tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương Đảng ngày nay. Việc thành lập Bộ Tổ chức kiêm giao thông ngay sau khi thành lập Đảng khẳng định vai trò quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Từ đó đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ và đảng viên. Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) đã đồng ý lấy ngày 14-10 hằng năm là Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng và cơ quan tổ chức cấp uỷ các cấp.

Ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm và tập trung củng cố, phát triển tổ chức cơ sở đảng, vận động các phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng. Đến tháng 4-1931, Đảng ta đã có 250 chi bộ với hơn 2.400 đảng viên. Nhiều tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng lần lượt ra đời.


Sau 15 năm thành lập, với hơn 5.000 đảng viên, nhưng có đường lối chính trị đúng đắn và nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức tài tình, được đông đảo đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng và tích cực tham gia, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.


Để phục vụ đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, trường kỳ kháng chiến, công tác tổ chức xây dựng Đảng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp tục coi trọng việc củng cố các tổ chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, xây dựng, phát triển đảng viên và lực lượng vũ trang. Năm 1947, Trung ương ra Chỉ thị thi đua xây dựng Đảng và xây dựng chi bộ tự động. Công tác tổ chức giai đoạn này vừa bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng ác liệt trên khắp các chiến trường, vừa bảo đảm thực hiện các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về nông dân, nông nghiệp và nông thôn, động viên, tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, góp phần quan trọng vào chiến thắng oanh liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.


Khi đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Bắc tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức xây dựng Đảng ở miền Bắc thời kỳ này đi vào kiện toàn tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; thực hiện “Bốn tốt” ở các chi, đảng bộ cơ sở gắn với cuộc vận động “Ba xây, ba chống”; đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, học sinh miền Nam tập kết. Ở miền Nam, công tác tổ chức chú trọng xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên để lãnh đạo và cùng nhân dân miền Nam ruột thịt anh dũng chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn và cũng là thắng lợi trong công tác tổ chức tài tình của Đảng ta. Hơn 20 năm chiến tranh ác liệt, các cơ quan tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức dù hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, ở vùng địch tạm chiếm hay vùng giải phóng, dù phải đấu tranh trong các trại giam tàn bạo của nhà tù Mỹ - Ngụy, hay ở những nơi biên cương hẻo lánh, đều tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Hàng nghìn cán bộ làm công tác tổ chức, số đông là cán bộ, đảng viên trực tiếp hoạt động ở các chiến trường ác liệt đã anh dũng hy sinh góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm trong sự lãnh đạo chính trị của Đảng. Sau Đại hội V, công tác tổ chức xây dựng đảng tập trung vào việc củng cố hệ thống tổ chức đảng, tiến hành xây dựng các quy chế làm việc của cấp ủy và tổ chức đảng, đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, khắc phục những yếu kém; kết hợp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc kiện toàn các cơ quan chính quyền, cải tiến tổ chức và cơ chế quản lý, nâng cao tính chiến đấu của đội ngũ đảng viên; thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương pháp làm việc…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đánh giá, bên cạnh những những thành tựu đã đạt được, đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước… Những sai lầm, khuyết điểm trong lĩnh vực kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng.

Hội nghị Trung ương 3 (khoá VII) đề cập đến đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Hội nghị đã xác định cụ thể các yêu cầu, phương châm và nội dung lớn đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (từ ngày 20 đến 25-1-1994) đã chỉ ra 4 nguy cơ mà công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng phải được nhận thức và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

Đại hội VIII của Đảng đã tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, rút ra 6 bài học kinh nghiệm, trong đó, có bài học kinh nghiệm về “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Trong nhiệm kỳ khoá VIII, Ban Chấp hành Trung ương đề ra và chỉ đạo nhiều nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết Trung ương 3 về “Chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh”, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

Những Nghị quyết này đặt nền tảng, tạo ra những tiền đề, những động lực, những mục tiêu cho công tác xây dựng đảng nói chung và công tác tổ chức xây dựng đảng nói riêng có những chuyển biến quan trọng qua các Đại hội lần thứ IX, X, XI của Đảng.

Đại hội XI nêu rõ phương hướng và mục tiêu tổng quát của công tác xây dựng đảng: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới...

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, những năm đổi mới, công tác tổ chức xây dựng đảng đạt nhiều thành tựu quan trọng:

Đảng đã quan tâm xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức. Từng bước sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân; điều chỉnh, bổ sung và quy định cụ thể hợp lý hơn chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và lề lối làm việc của mỗi tổ chức. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp.

Tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng. Xác định chức năng, nhiệm vụ các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp hơn trong điều kiện hoạt động mới. Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng; chú ý hơn xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở vùng sâu, vùng xa, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tạo nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác phát triển đảng viên được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả, nhất là ở những vùng trọng yếu, những nơi có ít hoặc chưa có đảng viên. Số lượng đảng viên mới kết nạp hằng năm đều tăng; tỉ lệ đảng viên mới kết nạp là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, là nữ, người dân tộc thiểu số, trí thức ngày càng tăng, góp phần thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên theo hướng tích cực.

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới về nội dung và cách làm. Giữ vững và thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, coi trọng hơn việc phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu các tổ chức; bước đầu tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến vào công tác cán bộ, nhất là ở cơ sở. Triển khai đồng bộ các khâu công tác cán bộ: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Công tác luân chuyển và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý có chuyển biến tiến bộ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và khắc phục một bước tình trạng hẫng hụt về cán bộ.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được các cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo, góp phần bảo vệ Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đã làm rõ và kết luận nhiều trường hợp về lịch sử chính trị của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng công tác bố trí, sử dụng cán bộ, kết nạp người vào Đảng.

Đảng đã từng bước cụ thể hoá và thể chế hoá phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt hơn vai trò của các cơ quan nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân, khắc phục dần khuynh hướng Đảng bao biện làm thay, cũng như buông lỏng, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng. Dân chủ trong Đảng, trong quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và dân chủ trong xã hội có tiến bộ.

Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa nêu gương và làm tròn trách nhiệm trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Công tác tổ chức trên một số mặt còn yếu; chậm xây dựng, hoàn thiện tổ chức và cơ chế giám sát trong Đảng và trong hệ thống chính trị, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên. Còn thiếu những quy chế cụ thể bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức chưa đạt yêu cầu tinh gọn, hiệu quả. Một số thôn bản ở vùng sâu, vùng xa chưa có tổ chức đảng và đảng viên. Một số loại hình tổ chức cơ sở đảng còn lúng túng về tổ chức và phương thức hoạt động. Không ít cơ sở đảng yếu kém, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thấp; sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên lỏng lẻo, nội dung sinh hoạt nghèo nàn; tự phê bình và phê bình yếu. Việc đánh giá tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không ít trường hợp chưa đúng thực chất, còn hình thức. Chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Chưa kiên quyết và thiếu những quy chế có hiệu lực để sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém về phẩm chất và năng lực. Chưa có chính sách đủ hiệu lực khơi dậy tài năng và thu hút nhân tài vào các lĩnh vực quan trọng.

Những kinh nghiệm chủ yếu của công tác xây dựng đảng những năm đổi mới:

Một là, phải kiên trì đường lối đổi mới, đổi mới toàn diện, có nguyên tắc và sáng tạo; trong quá trình đổi mới, phải luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không đa nguyên, đa đảng.

Hai là, Đảng phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đổi mới công tác xây dựng Đảng. Phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thường xuyên tự phê bình và phê bình; giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đấu tranh kiên quyết đối với những phần tử cơ hội. Xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Coi trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng.


Ba là, Đảng phải chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ. Phải tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ trong công tác cán bộ trên tất cả các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và chính sách cán bộ. Đặc biệt coi trọng xây dựng hạt nhân lãnh đạo, trọng dụng nhân tài.


Bốn là, Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Phải xây dựng các thiết chế mở rộng và phát huy dân chủ, bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều có sự tham gia xây dựng của nhân dân, phản ánh ý chí, lợi ích chính đáng của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của nhân dân.


Năm là, Đảng phải tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận, các đoàn thể và của các cơ quan thông tin đại chúng.


Sáu là, Đảng phải đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nhất là phương thức lãnh đạo Nhà nước, bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mặt trận, các đoàn thể nhân dân. Phải xây dựng hệ thống các quy chế về sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành, các cấp.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất