Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ
Đồng chí Chu Vân Hải, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh:H.H)

Đồng chí Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: H.H).

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp KHCN là nơi nhận chuyển giao công nghệ mới, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học, đồng thời là đích đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để đưa trí tuệ, những ý tưởng của mình tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội, doanh nghiệp cũng là cầu nối đưa nhanh các tiến bộ KHCN vào ứng dụng vào sản xuất, đời sống và tạo ra những sản phẩm KHCN có giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp KHCN đã có doanh thu lớn, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu KHCN khi tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước từ đó góp phần nâng cao tỉ lệ đầu tư của xã hội cho KHCN.

Một trong những vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua đối với hoạt động KHCN tại doanh nghiệp chính là việc tiếp cận hiệu quả các chính sách ưu đãi và các bước thực hiện các hồ sơ đề nghị để được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nói chung.

Theo thống kê của Sở KH&CN, tính đến nay trên địa bàn Thành phố hiện có 111 doanh nghiệp KHCN được cấp Giấy chứng nhận. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện chứng nhận là trên 700 doanh nghiệp từ đó cho thấy tiềm năng phát triển mạng lưới doanh nghiệp KHCN còn rất lớn.

Bên cạnh đó, Thành phố hiện có 36 cơ sở ươm tạo/tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 13 không gian làm việc chung, hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), cùng với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup) khoảng gần 2.000 doanh nghiệp. Đây được xem là nguồn phát triển doanh nghiệp KHCN cần được chú ý thúc đẩy phát triển trong thời gian tới để xây dựng một hệ sinh thái hoạt động mạnh và có chất lượng nhằm hình thành ngày càng nhiều các doanh nghiệp KHCN cho Thành phố, tạo ra nguồn lực có chất lượng từ xã hội đầu tư cho KHCN. 

Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp

Chia sẻ về kinh nghiệm, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận chính sách về doanh nghiệp KHCN, đồng chí Phan Thị Thùy Ly, Phó Giám đốc phụ trách Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu Công nghệ cao) cho biết: Theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp KHCN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về tín dụng; được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KHCN; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, việc đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN cũng có những khó khăn nhất định như: để được công nhận doanh nghiệp KHCN thì doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KHCN cũng như phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KHCN. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp KHCN sau khi thành lập và hoạt động đã không phát huy được lợi thế cạnh tranh từ việc ứng dụng công nghệ mới cùng các chính sách ưu đãi; do vậy, không đáp ứng các điều kiện doanh thu theo quy định và dẫn đến không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi, thậm chí hoạt động cầm chừng, loay hoay lúng túng trong quản trị doanh nghiệp nên rất khó phát triển.

Là đơn vị đang có số lượng doanh nghiệp KHCN chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp KHCN của TP. Hồ Chí Minh (tính đến cuối năm 2021), Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về doanh nghiệp KHCN và thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN.

Với lợi thế là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao của UBND TP. Hồ Chí Minh, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao có chức năng, nhiệm vụ là đầu mối phát triển KHCN để tổ chức và triển khai các chương trình thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hoạt động ươm tạo, tăng tốc, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ cao của các tổ chức, nhóm cá nhân trong và ngoài Khu Công nghệ cao. Với những chức năng này cùng với chương trình ươm tạo được thiết kế phù hợp với đặc điểm phát triển của từng doanh nghiệp ươm tạo, Vườn ươm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị, hoàn thiện những yếu tố cần thiết để đăng ký và được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN mà còn những hoạt động thúc đẩy thương mại hóa, giúp doanh nghiệp đạt được các điều kiện để nhận được các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KHCN.

Các doanh nghiệp khi tham gia chương trình ươm tạo từ cơ sở ươm tạo, cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hưởng nhiều lợi ích và thuận lợi hơn rất nhiều khi đăng ký doanh nghiệp KHCN.

Cụ thể ở Vườn ươm Doanh nghiệp công nghê cao, trong giai đoạn chuẩn bị, các doanh nghiệp được cung cấp các hỗ trợ để đạt được các yếu tố cần thiết khi đăng ký doanh nghiệp KHCN như hỗ trợ tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng mô hình kinh doanh và phương án triển khai khả thi. Trong 1 năm đầu ươm tạo, đội ngũ chuyên gia tư vấn về pháp lý và sở hữu trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp rà soát các tài sản sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp có thể đăng ký và Vườn ươm sẽ hỗ trợ một phần kinh phí giúp các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. Hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia ươm tạo đều sẽ đăng ký thành công ít nhất một tài sản sở hữu trí tuệ trong năm đầu tiên khi tham gia ươm tạo. Song song đó, đội ngũ chuyên gia từ các công ty tư vấn lớn với kinh nghiệm và am hiểu tốt về thị trường trong nước và quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng lại mô hình kinh doanh khả thi, đồng chí  Phan Thị Thùy Ly chia sẻ.

Ban Tổ chức đã trao giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cho các đơn vị: Công ty TNHH Gia Thái Doctor Loan, Công ty CP Bê tông đường thủy, Công ty TNHH LaVite, Công ty Cổ phần Khoa học Kỹ thuật Phượng Hải (Ảnh: H.H)

Ban Tổ chức đã trao giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cho các đơn vị: Công ty TNHH Gia Thái Doctor Loan, Công ty CP Bê tông đường thủy, Công ty TNHH LaVite, Công ty CP Khoa học kỹ thuật Phượng Hải (Ảnh: H.H).

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cho 4 đơn vị:

Công ty TNHH Gia Thái Doctor Loan: với 5 kết quả KHCN như: gối cổ, gối lưng, ghế chỉnh hình để điều trị và ngăn ngừa các bệnh liên quan đế xương sống; ghế nằm và đệm ngồi.

Công ty Cổ phần Bê tông đường thủy: với kết quả KHCN là trạm trộn bê tông có thể nâng hoặc hạ độ cao, được lắp đặt trên phương tiện thủy với công suất đổ bê tông xi măng liên tục: 60 m3/h, 90 m3/h và 180 m3/h.

Công ty TNHH LaVite: với kết quả KHCN nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ tạo ra sản phẩm giúp gia tăng giá trị của nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris mang thương hiệu Hector với 6 sản phẩm như: nấm đông trùng hạ thảo hector sấy thăng hoa, viên nang nấm đông trùng hạ thảo hector, nước đông trùng hạ thảo hector collagen, nước đông trùng hạ thảo hector sâm, nước đông trùng hạ thảo hector lite, nước đông trùng hạ thảo hector super white.

Công ty Cổ phần Khoa học kỹ thuật Phượng Hải: với kết quả KHCN nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị đo tự động giám sát liên tục các chỉ tiêu của nước với 2 sản phẩm: thiết bị phân tích online đa chỉ tiêu trong nước, nước thải; thiết bị phân tích online đơn chỉ tiêu trong nước, nước thải.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất