Đọc sách để cùng “tự soi, tự sửa”
Bìa cuốn sách

Bìa cuốn sách "Ánh sáng niềm tin".

47 bài viết gói gọn trong gần 200 trang viết và được chia làm 2 phần chính luận và tiểu phẩm, cuốn sách “Ánh sáng niềm tin” của Thượng tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực, rõ nét về công cuộc xây dựng và chỉnh đốn của Đảng ta hiện nay. Đọc toàn bộ những bài viết trong hai phần của cuốn sách này thấy có sự khác biệt rõ ràng về cách tiếp cận, văn phong, sự phân tích thông tin. Tuy nhiên, điểm chung rất quan trọng là các bài viết trong cả hai phần đều hướng tới mục tiêu phê phán thói hư, tật xấu đang tồn tại trong cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị, địa phương ở các tầng nấc khác nhau; đồng thời chỉ ra biện pháp, định hướng tư tưởng đấu tranh quyết liệt hiệu quả. Đây là điều cần nhất mà bất kể bài viết nào về lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng cần phải có.

Phần một của cuốn sách là những tác phẩm chuyên luận báo chí ngắn. Ở phần này, tác giả không nêu sự vật, sự việc dài dòng mà chủ yếu tập trung vào phân tích sự việc, hiện tượng để chỉ ra những thói hư, tật xấu của những cán bộ có chức, có quyền trong tổ chức của Đảng. Tiêu biểu như các bài: “Chống thói đạo đức giả”; “Ngăn chặn nạn “sân trước”, “vườn sau””; “Chống “tiêu cực phí”"; “Chống lạm dụng uy tín”; “Trị “bệnh” lười học lý luận chính trị”; “Ngăn chặn trục lợi chính sách”... Trong các bài viết này, tác giả đều chỉ rõ các hiện tượng ấy đã bị biến tướng, khiến nhiều người khó tìm ra bản chất vấn đề. Đây là điều hiếm trong các bài viết chuyên luận báo chí từ 1.300 từ trở xuống. Điều này cũng cho thấy, tác giả là người hiểu sâu về lý luận và nắm chắc các chủ trương lãnh đạo của Đảng.

Phần hai của cuốn sách là những tiểu phẩm và có lẽ cũng là phần gây được sự tò mò, thích thú hơn cả. Bởi lẽ, xưa nay các cây bút, các nhà nghiên cứu chủ yếu viết theo hướng chính luận và sẽ khó tránh khỏi cảm giác gây khó hiểu cho bạn đọc, nhất là bạn đọc là người dân lao động. Thường thì các tác giả sẽ dùng tiểu phẩm để thể hiện vở diễn kịch, chèo hay sân khấu nào đó nhưng ở đây tác giả đã mạnh dạn sử dụng nó để nói về vấn đề hệ trọng của Đảng và đất nước. Phải nói rằng, chọn cách viết tiểu phẩm là một sáng tạo, một hướng đi mới của tác giả và chắc chắn cũng là một thử thách không nhỏ với anh. Những “Thay chim làm… “lãnh đạo”, “Đề án phân loại ong”, “Cán bộ “nước chấm””, ““Hoa hồng to”, “hoa hồng nhỏ””, “Cai sữa” cho khỏi… khổ””, “Phía sau những “công văn phòng máy lạnh”… thu hút bạn đọc ngay từ nhan đề. Thông qua những tiểu phẩm, câu chuyện và tình huống có thật trong đời sống, tác giả đã chắt lọc, kết nối để đưa người đọc đến với lĩnh vực xây dựng Đảng.

Đọc những bài viết mang tính trải nghiệm, đúc kết trong tập sách hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi tò mò về tác giả của cuốn sách này? Gần 12 năm làm công tác Đảng, công tác chính trị ở các đơn vị cơ sở trong Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần và các đơn vị khác trong Quân đội cùng hơn 10 năm làm báo tại Báo Quân đội nhân dân đã cho anh thêm những chất liệu sống và làm giàu thêm tri thức bản thân. Điểm nổi bật ở anh là rất rành cơ sở, nắm chắc cơ sở - đó là một lợi thế, một kinh nghiệm “xương máu” của các nhà báo nếu không muốn bị độc giả quay lưng. Có lẽ do trưởng thành từ cơ sở, lại được tiếp cận với nhiều văn bản của Đảng một cách có hệ thống cùng niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp cách mạng của Đảng nên anh mới đau đáu trước những vấn đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến thế. Thiết nghĩ, đây chính là một món ăn tinh thần có ý nghĩa, khắc phục được những vấn đề “khó, khô, khổ” khi viết về lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà nhiều người đang theo đuổi.

Tác giả Mạnh Thắng (trái) tặng sách cho độc giả.

Tác giả Mạnh Thắng (bên trái) tặng sách cho độc giả.

Viết lời tựa cho cuốn sách, đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng nhấn mạnh: “Đa phần các bài viết được tác giả Mạnh Thắng trình bày dưới dạng tiểu phẩm báo chí, bằng ngôn từ hài ước, hóm hỉnh và dí dỏm, nhưng không mất đi tính thực tế. Tác giả đã khéo léo chắt lọc các thông tin xảy ra trong đời sống, công việc hằng ngày của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị; đặc biệt tác giả đã khéo khai thác những tình tiết đời thường trong các mối quan hệ đời sống để chỉ ra những thói hư, tật xấu ăn sâu trong tư duy, trở thành thói quen cố hữu có ảnh hưởng đến tư cách, phẩm chất, đạo đức và niềm tin của cán bộ, đảng viên để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân với muôn hình vạn trạng hình hài, biểu hiện”.

Cuốn sách “Ánh sáng niềm tin” của Thượng tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng ra đời trong thời điểm Đảng ta đang tập trung đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là rất thiết thực, phù hợp, góp sức cùng “binh chủng” báo chí trong sự nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước. Nó đặc biệt phù hợp khi đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đọc nó để “tự soi, tự sửa”, qua đó làm việc và hành động xứng đáng là “công bộc”, là “người đày tớ trung thành của Nhân dân”.

Một tin mừng đã đến là dù mới xuất bản được vài tháng nhưng cuốn sách “Ánh sáng niềm tin” đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tái bản lần từ hai. Điều đó cho thấy sức thu hút, sự lan tỏa, tin cậy và cảm mến của bạn đọc dành cho cuốn sách. Còn đối với người làm nghề, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng đó hẳn là niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa mà khó có câu từ nào có thể diễn tả được.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất