Trách nhiệm
Toàn cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 80-QĐ/TW và Thông báo kết luận số 20-TB/TW của Bộ Chính trị.

Ngày 22-9-2022, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18-8-2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 80) và Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Hai văn bản quan trọng thu hút sự chú ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, Quy định 80 gồm 6 chương, 34 điều, thay thế cho Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị không chỉ có nhiều nội dung mới mà còn chỉ rõ trách nhiệm của cấp uỷ từng cấp đối với quản lý cán bộ.

Theo Quy định 80, nội dung quản lý cán bộ gồm: phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với cán bộ. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ và cán bộ.

Phải chăng các cấp uỷ chưa thực hiện hết trách nhiệm trong quản lý cán bộ nên thời gian qua xảy ra tình trạng bổ nhiệm chưa được bao lâu đã vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước? Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị bắt tạm giam để điều tra. Gần đây nhất cơ quan Cảnh sát điều tra bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Trong quản lý cán bộ, khâu quan trọng đầu tiên là phải đánh giá đúng cán bộ. Có đánh giá đúng mới bố trí, phân công, giới thiệu ứng cử, tái cử… chính xác, đúng người, đúng việc, bảo đảm chất lượng cán bộ khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải chăng việc phát hiện, đánh giá, sàng lọc, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cao cấp, cán bộ cấp chiến lược của đất nước cần phải được chuẩn bị dân chủ hơn, kỹ hơn, thận trọng hơn và phải có chế tài đối với những tổ chức, cá nhân khi những cán bộ được giới thiệu vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước?

Trách nhiệm là việc mà mỗi tổ chức, cá nhân phải làm và phải có ý thức với những kết quả việc làm đó. Kết quả tốt được khen thưởng, hậu quả xấu phải bị xử phạt. Chỉ có vậy mới công bằng, khuyến khích những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý cán bộ chặt chẽ, đem lại hiệu quả tích cực, ích nước, lợi dân và loại dần những hậu quả nghiêm trọng từ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý cán bộ mà ra.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất