Sẻ chia
Ban Tổ chức Trung ương quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản
Ngày 17-3-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội chia buồn sâu sắc cùng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trước những tổn thất to lớn và đau thương do thảm hoạ động đất và sóng thần gây ra làm chết và mất tích hơn 10.000 người. Đồng thời, với truyền thống “thương người như thể thương thân”, một làn sóng quyên góp, sẻ chia mất mát với nhân dân Nhật Bản trong cơn hoạn nạn đã lan truyền khắp Việt Nam và thế giới. 
Chúng ta đều biết, từ thuở nhỏ, người Nhật được giáo dục, rèn luyện tinh thần thép, bản lĩnh kiên cường để ứng phó trước mọi hoàn cảnh. Trong thảm hoạ thiên tai lần này, ý chí, sự kiên cường, bản lĩnh của người dân Nhật được thể hiện rõ mọi lúc, mọi nơi: khi người thân bị mất, nhà cửa tan hoang, giao thông tê liệt, điện mất, không có nước sinh hoạt, nguy cơ nhiễm xạ đe doạ nhưng mọi người dân vẫn kiên nhẫn xếp hàng nhận nước uống, thức ăn, lên xe buýt, chờ gọi điện thoại công cộng… Dù xếp hàng có lâu và dài bao nhiêu, không ai chen lấn, xô đẩy, giành giật. Tất cả đều im lặng, nhường nhịn và kiên nhẫn. Không hỗn loạn, không trộm cắp, không hôi của như đã từng xảy ra ở những nơi có thiên tai, kể cả ở những nước được coi là văn minh nhất, không “tát nước theo mưa” lợi dụng đầu cơ, tăng giá hàng. Ngược lại, các siêu thị giảm giá và chủ cửa hàng mời mọi người nước uống. Trong hoạn nạn, người dân đoàn kết, chia sẻ với nhau và với Chính phủ. Đó là sức mạnh của văn hóa mà dân tộc Nhật đã dày công vun đắp. Người Nhật sớm nhận ra: trên mảnh đất thiếu tài nguyên, thừa thiên tai này, chỉ có thể tồn tại và phát triển khi biết đoàn kết, có kỷ luật, biết tôn trọng và thương yêu bản thân và người khác. Dân tộc nào cũng có nét hay, điều dở. Điều quan trọng là người Nhật đã biết rút ra được bài học lịch sử, chắt lọc, giữ gìn cái hay, cái đẹp, nhân lên dũng khí vượt mọi gian khó, biết lấy phẩm chất hiền hòa, mềm mỏng và khiêm tốn để có thêm bạn bè.

Sẻ chia đau thương, mất mát với nhân dân Nhật Bản hôm nay trong thảm hoạ động đất, sóng thần, chúng ta cũng học thêm kinh nghiệm ứng xử với thiên tai, bão lũ không năm nào không có. Và ai dám chắc nước ta sẽ không bao giờ có động đất, sóng thần? Các cấp uỷ đảng và nhân dân đã đổi mới tư duy từ “chống bão lụt” sang “chung sống với bão lụt”, coi đó là một phần tất yếu của cuộc sống diễn ra hằng năm. Nói vậy, nhưng chưa năm nào có sự chủ động “chung sống”. Khi bão lũ tràn đến, bên cạnh những tấm gương dũng cảm hy sinh vì cộng đồng và tinh thần lá lành đùm lá rách của đồng bào cả nước thì ở đâu đó lại song hành cảnh trục lợi, hiện tượng cán bộ không làm hết trách nhiệm với dân.

Sẻ chia đau thương, mất mát với nhân dân Nhật Bản hôm nay không chỉ là giúp người Nhật, mà chúng ta sẻ chia kinh nghiệm, tự nhìn lại cách chung sống, ứng phó với thiên tai một cách bản lĩnh, nhân văn nhất, chủ động cứu lấy chính mình.

Phản hồi (5)

nguyễn thanh hương 06/04/2011

Tôi đã đọc bài này nhiều lần và lần nào đọc cũng thấy cảm động.

Vũ Thành Kính 23/03/2011

Tôi nghĩ chúng ta nhìn đất nước Nhật hôm nay không chỉ để "sẻ chia kinh nghiệm, tự nhìn lại cách chung sống, ứng phó với thiên tai một cách bản lĩnh, nhân văn nhất, chủ động cứu lấy chính mình", mà còn học người Nhật trong giáo dục các thế hệ. Người ta giáo dục trẻ em từ thuở nhỏ bản lĩnh chung sống với thiên tai, ứng xử với nhau trong cuộc sống hằng ngày một cách nhân văn nhất. Văn hoá một dân tộc không chỉ có kế thừa mà phải đợc bồi đắp, chắt lọc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và cơ bản, những người ứng đầu đất nước phải làm gương. Hãy nhìn các chính khách Nhật xem họ tự trọng thế nào? Họ có trách nhiệm với dân ra sao? Hãy nhìn lại "đầy tớ" của dân hiện nay ở Việt Nam thế nào? Tôi không nói tất cả, nhưng rất nhiều cán bộ vô trách nhiệm với dân, tham nhũng, nhũng nhiễu đã thành quốc nạn. Thượng đã thế, hạ trách gì không loạn? Nhân dịp này Tạp chí Xây dựng Đảng nên thống kê xem trong các đợt lũ lụt hoặc thiên tai, có bao nhiêu người vì dân quên mình, và đồng thời có bao nhiêu cán bộ, bao nhiêu vụ ăn chặn tiền, hàng cứu trợ? Tôi nghĩ xây dựng Đảng phải bắt đầu từ những con người, những sự việc cụ thể nhất để nêu gương cũng như phê phán.

Nguyễn Văn Hưởng 22/03/2011

Người Nhật đã cho tôi một bài học. Những ngày này ra đường, tôi cố gắng kiên nhẫn, không cố tìm cách chen lên phía trước khi đường đã chật cứng. Mọi khi, thậm chí tôi còn chạy xe máy cả trên vỉa hè để vượt dòng người như nêm dưới lòng đường! Tôi mong Tạp chí nên có nhiều bài như bài này. Ngắn, gọn nhưng có sức thuyết phục. Tôi thấy người Việt Nam mình may mắn hơn người Nhật không ở vùng động đất. Nhưng sao Việt Nam lộn xộn quá vây? Hãy học người Nhật từ việc làm nhỏ nhất.

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất