Dân chủ

Đại hội XI của Đảng đã bế mạc thành công với nhiều nét mới, trong đó nổi bật là dân chủ được mở rộng, phát huy.

Dân chủ trước hết thể hiện ở sự tranh luận thẳng thắn về nhiều vấn đề xưa nay được coi là nhạy cảm, có tính nguyên tắc, không ai dám đặt ra ở những diễn đàn chính thức. Một trong những vấn đề đó là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất. Từ thực tiễn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới ở Việt Nam, nhiều đại biểu thẳng thắn phát biểu cho rằng cần phải xem lại Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khi tiếp tục xác nhận công hữu tư liệu sản xuất như một đặc trưng của xã hội XHCN. Bởi mục đích của XHCN mà nhân dân ta xây dựng là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chế độ công hữu chỉ là phương tiện để đạt được mục đích. Đã là phương tiện thì có thể thay đổi phù hợp thực tiễn phát triển của đất nước. Ý kiến khác nhau đã thành hai luồng, Đại hội đã quyết định biểu quyết bằng phiếu kín. Phương án 1: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” (như Dự thảo). Phương án 2: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (như tinh thần Đại hội X, có bổ sung thêm từ “tiến bộ”). Kết quả, hơn 66% đại biểu tán thành phương án 2, được chính thức đưa vào Cương lĩnh.

Dân chủ thể hiện ở bầu cử các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Số dư tại Đại hội XI cao nhất, chưa từng có ở các đại hội trước đây khi bầu Ban Chấp hàng Trung ương. Ở danh sách Ủy viên chính thức, số dư tới 33 người (24,57%). Ở danh sách Ủy viên dự khuyết, số dư 61 người (144%). Số dư cao nhưng chỉ một lần bầu là đủ số nhân sự cần thiết. Trong kết quả bầu cử uỷ viên trung ương, có tới 72 người tham gia Ban Chấp hàng Trung ương lần đầu (50%, hầu hết là bí thư, chủ tịch các tỉnh thành và một số là lãnh đạo cấp phó của các bộ). Đáng chú ý là có không ít nhân sự được các đại biểu đề cử trực tiếp tại Đại hội và trong số đó có người đã trúng cử. Đó là đồng chí Nguyễn Thanh Nghị (Phó hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Tp.Hồ Chí Minh).

Dân chủ được mở rộng, phát huy tại Đại hội sẽ lan toả trong xã hội. Dân chủ là bản chất của chế độ ta. Nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Dân chủ càng được mở rộng, càng tạo được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thuận của nhân dân cũng chính là sức mạnh tổng hợp để chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách đưa đất nước phát triển. Dân chủ giống như chiếc chìa khóa vạn năng. Bởi vậy, sau Đại hội, Đảng lãnh đạo xây dựng cơ chế cụ thể để người dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình. Nhất là trong lãnh đạo bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp sắp tới, bảo đảm trong thực tiến, tất cả mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều được thực hiện vì lợi ích của nhân dân. Nhiều vấn đề bức xúc, kéo dài trong đời sống của nhân dân, nhờ dân chủ và thông qua dân chủ, sẽ được giải quyết triệt để, không chỉ bảo đảm được quyền lợi của người dân, mà còn góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Dân chủ trong Đại hội XI của Đảng là niềm tin, khí thế mới làm nên sức mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết do Đại hội đề ra.  

Phản hồi (6)

Lê Thanh Sang 27/02/2011

Tôi đồng ý với ý kiến trên. Tuy nhiên dân chủ là phải được thực hiện ở mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành.

Dương Quang Tiến 25/01/2011

Dân chủ trong Đại hội rõ ràng hơn hẳn mấy đại hội trước. Nhưng tôi chưa thấy ngoài xã hội được phát huy. Trong khi đó, mất trật tự, lộn xộn, vô kỷ luật lại nhiều. Đó không phải là dân chủ. Tôi đề nghị Tạp chí có thêm nhiều bài viết phân tích, lý giải hiện tượng vày. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng ở đây là đâu?

Đỗ Bạch Dương 22/01/2011

Tôi rất nhất trí với ý kiến này của Tạp chí. Tôi là độc giả thường xuyên của Tạp chí. Trong các chuyên mục của Tạp chí, tôi thích 3 chuyên mục: Sự việc-Ý kiến, Diễn đàn và Văn kiện - Tư liệu. Chuyên mục Sự việc - Ý kiến tôi thích nhất, coi là phát ngôn của Tạp chí về mỗi sự việc, sự kiện, quan điểm. Chuyên mục này có tính định hướng rõ ràng, dứt khoát, lập luận sắc sảo, nhạy bén, tác giả rất NGHỀ! Bởi vậy, tôi rất bực mình, như nhai sạn khi đọc một bài do Tạp chí lấy từ báo, tạp chí khác. Có thể bài đó cũng đồng quan điểm với Tạp chí nhưng vẫn thấy không phải "của mình"! Đó là chưa kể có bài chẳng ra bình luận gì cả như bài chống tham nhũng chẳng hạn. Có bài cũng là ý kiến nhưng theo tôi, chưa chuẩn như bài Bội thực báo cáo. Tôi mong số bài chuyên mục này nhiều hơn, thường nhật hơn để mõi ngày vào đọc tôi được bồi dưỡng thêm nhận thức. Chuyên mục Diễn đàn tôi thích bởi tôi tìm được ở đây những vẫn đề còn tranh luận. Nhưng tiếc là bài thỉ nhiều nhưng vấn đề tranh luận còn quá ít. Thậm chí có bài tôi nghĩ sao lại đưa vào chuyên mục này. Chuyên mục Văn kiện - Tư liệu đối với tôi rất quý vì đó là những thông tin rất bổ ích khi nghiên cứu, tìm hiểu về cán bộ, tổ chức, xây dựng Đảng, chính xác 100%, không sợ tam sao thất bản. Tôi mong Tạp chí cập nhật đều đặn để chúng tôi có tư liệu nghiên cứu, nâng cao trình độ, kiến thức về xây dựng Đảng. Năm mới, kính chúc Tạp chí sang xuân, xuân hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn! Kính chúc các đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc.

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất