Tại sao khi đương chức không nói?

Gần đây, một số cán bộ về hưu, trong đó có những người từng giữ cương vị quan trọng trong bộ máy đảng và nhà nước, phát biểu ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề của Đảng và đất nước. Đây là hiện tượng đáng mừng, nên hoan nghênh, cần được dư luận xã hội quan tâm xem xét, đánh giá, phản biện. Nếu tổ chức, cơ quan có trách nhiệm, những người lãnh đạo biết chân thành lắng nghe, nghiên cứu, có thể rút ra được những ý tưởng đúng đắn để hoàn thiện, bổ sung chính sách. Ở nhiều nước, người ta xem việc tạo điều kiện để những người đã từng giữ các cương vị cao nhìn lại, suy ngẫm, tổng kết, đánh giá sai đúng của giai đoạn trước, góp ý kiến về các vấn đề đương đại là một việc cần thiết làm giàu kiến thức, kinh nghiệm cho các thế hệ đi sau.  

Đối với ý kiến của các đồng chí về hưu phát biểu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta, các cơ quan có trách nhiệm còn ít  bày tỏ quan điểm, nhưng dư luận xã hội đã bắt đầu có quan tâm, khen, chê, tán thành, phản đối… Không ít trường hợp, dư luận có kèm theo một câu hỏi “Sao khi còn đương chức không nói?” Đó là một câu hỏi hàm chứa nhiều ý. Có thể tạm “giải mã” những hàm ý đó như sau: ý kiến không sai, nhưng nói ra muộn, thành thử không có mấy tác dụng(1). Ý kiến đúng, sai không biết, nhưng chỉ là sản phẩm của tâm trạng chủ quan, ấm ức cá nhân nay mới “xì ra”. Người nói là kẻ cơ hội, do đó không đáng tin cậy, lúc còn quyền chức nói khác, nay về hưu “quay ngoắt 180 độ”. Đáng tiếc, người còn trí tuệ thế mà lại “về vườn”. Mấy ông về hưu nói mà không phải làm thì cũng dễ “mạnh mồm”. Quy chế hiện có vấn đề, khiến người đương chức không dám nói… Phải thừa nhận rằng, những hàm ý trên không phải không có lý, tuy không phải đều đúng trong mọi trường hợp.

Đối với những hàm ý về nhân cách và bản lĩnh của người phát biểu ý kiến, cần có thái độ thận trọng và hợp lẽ hơn. Nếu ta không biết rõ và đầy đủ những điều họ đã nói, đã làm khi đương chức, bây giờ lần đầu tiên nghe họ nói, thì trách họ “sao trước đây không nói” có phải là vội vàng và thiếu công bằng không?

Đối với những người có ý kiến khác trước cũng không nên chụp mũ cho họ là cơ hội, tuỳ thời, không đáng tin cậy. Nhận thức là một quá trình. Trong khi sự vật đang vận động, có những người nhận thức chưa đầy đủ, hành động có sai sót. Nay trước thực tiễn họ đổi mới nhận thức và hành vi. Đó là việc đáng hoan nghênh, sao lại chê trách? Chẳng phải đổi mới ở nước ta cũng là một quá trình như vậy sao?

Cũng có trường hợp, do phương pháp tư tưởng có hạn chế, người ta thay đổi ý kiến khi thay đổi góc nhìn(2). Việc này cũng dễ hiểu, khách quan làm cho nhận thức xã hội phong phú hơn, bớt giản đơn, một chiều hơn trong việc xem xét, đánh giá sự việc, sao lại bài xích?

Cũng có một số thực sự đổi mầu như con kỳ nhông, đo chiều gió thổi, hóng hớt các ý kiến trái ngược để vụ lợi. Số này đời nào cũng có, nhưng không nhiều. Dù họ cố trà trộn vào những người khác, nhưng cuối cùng nhất định bị lộ chân tướng.

Như vậy sa vào cái “mớ bòng bong” của việc tìm “chân dung” của cá nhân người nói là mất thời gian và công sức vô ích, chẳng những không giúp gì cho việc đánh giá ý kiến của họ, mà lại làm giảm tác động tích cực, trực tiếp hoặc gián tiếp biện hộ cho việc không lắng nghe, phủ định chúng một cách chủ quan, cảm tính.

Thái độ đúng đắn là cầu thị, nghiêm túc thẩm định đúng, sai từ chính những luận điểm và căn cứ của những ý kiến được nêu lên.

Đồng thời cần rà soát lại, bãi bỏ những thể chế, quy định, thói quen sinh hoạt tư tưởng không phù hợp hạn chế cán bộ, đảng viên thảo luận dân chủ, thẳng thắn trong tổ chức về những vấn đề của Đảng, của đất nước, của địa phương, đơn vị. Cần có diễn đàn và cách thông tin phù hợp.

Cán bộ, đảng viên cũng cần đổi mới nhận thức, dám suy nghĩ, phát ngôn có trách nhiệm, đúng chỗ, không “sợ bóng sợ gió”, bảo vệ ý kiến đúng, bảo vệ quyền được thảo luận, phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị của mình và người khác theo Điều lệ Đảng.

Chắc chắn khi đó câu hỏi “tại sao khi đương chức không nói?” sẽ không lắm hàm ý như hiện nay.

____

(1, 2) Nhiều năm trước đây, có một đồng chí bí thư thành uỷ được người tiền nhiệm (vốn là cấp trên, lại là một cán bộ lão thành) phê phán thẳng thắn, khá gay gắt về “những chế độ có tính đặc quyền, đặc lợi cho cán bộ chủ chốt” mà thành uỷ đang thực hiện. Sau khi lắng nghe, đồng chí bí thư trả lời rất nhẹ nhàng: “Những ý kiến bác nói, có nhiều điều đúng phải tiếp thu, nhưng không thể sửa ngay, phần vì đời sống cán bộ vốn đã rất khó khăn, phần vì nhiều quy định đặt ra từ thời bác còn làm bí thư, tôi mới lên thay, sửa ngay không tiện”.

 

Phản hồi (3)

Nguyen Le Anh Tuan 18/10/2009

Doc qua bai viet cua tac gia Duc Lai, toi thay kha tam dac, cam on tac gia da manh dan noi len cai "nhay cam" cua con nguoi va thoi cuoc

Trần Duy Hưng 16/10/2009

Bài viết hay, thẳng thắn,đầy dũng khí! Đọc bài này sẽ hiểu thêm vì sao tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra cách đây 10 năm rồi! Rất cảm ơn!

Nguyễn Văn Thắng 09/10/2009

Xin bày tỏ sự đồng tình của tôi về bài viết này!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất