Lấy ý kiến sao cho có chất lượng

Chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp từ chi bộ, đảng bộ cơ sở đến huyện, tỉnh… các cấp uỷ thường tổ chức lấy ý kiến tham gia của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, những đồng chí đã kinh qua cấp uỷ các khoá trước đóng góp vào dự thảo văn kiện và cả nhân sự cấp uỷ khoá mới. Đây là việc làm cần thiết, vừa mở rộng dân chủ, vừa phát huy được trí tuệ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có kiến thức, có kinh nghiệm, từng trải qua các cương vị công tác ở các lĩnh vực khác nhau, đóng góp vào những vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến sự phát triển của địa phương, đến đời sống mọi mặt của các tầng lớp nhân dân, trước khi đại hội quyết định. Qua đó góp phần vào thành công của đại hội.

Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “Trong quá trình xây dựng các dự thảo văn kiện của đại hội cấp mình và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp, các cấp uỷ cần tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhất là ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, cán bộ khoa học công nghệ và các chuyên gia một cách thích hợp, thiết thực”. Tuy nhiên, ở nơi này, nơi kia có những vấn đề cần rút kinh nghiệm để các cuộc lấy ý kiến này thực sự dân chủ, không hình thức, đạt chất lượng cao.

1. Về phía cấp uỷ:

Báo cáo chính trị dù đã được chuẩn bị khá công phu, qua nhiều lần chỉnh sửa, nhưng không vì thế mà coi việc lấy ý kiến của các thành phần nói trên chỉ là thủ tục, mang tính hình thức. Cần phải có thái độ cầu thị, thật sự lắng nghe cả ý kiến đúng, ý kiến trái chiều và cả ý kiến chưa đúng.

Đây là việc đóng góp trí tuệ, khác với mời những người tiêu biểu tham dự các cuộc kỷ niệm hay tổng kết liên hoan, nên ngoài những người có chức vụ cũ như bí thư, phó bí thư, uỷ viên thường vụ cần mời thêm những cấp uỷ viên, những cán bộ có hiểu biết, có kinh nghiệm.

Để việc góp ý kiến được sát, thiết thực, kèm theo dự thảo báo cáo chính trị, nên có bản gợi ý của cấp uỷ về những vấn đề cốt lõi cần tập trung cho ý kiến, nhất là những vấn đề đang có những ý kiến khác nhau.

Cấp uỷ cần yêu cầu người đến dự họp tốt nhất nên chuẩn bị thành văn bản nêu rõ nội dung, chính kiến những vấn đề mình tham góp..Người chủ trì hội nghị cần có kết luận công khai những ý kiến xác đáng sẽ báo cáo với cấp uỷ bổ sung vào văn kiện để trình ra đại hội. Không nên kết thúc hội nghị chỉ với vài câu cảm ơn đáp lễ theo kiểu hình thức.

2. Về phía những người được mời:

Tuy có sự khác nhau về chức vụ cũ, về tuổi đời, tuổi đảng, thời gian nghỉ hưu, điều kiện và khả năng nắm bắt thông tin…nhưng đến hội nghị đều bình đẳng, có nghĩa vụ chung là đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện cũng như nhân sự sao cho có chất lượng, giúp cấp uỷ chuẩn bị và tiến hành đại hội có chất lượng và hiệu quả tốt nhất. Cần đọc và nghiên cứu kỹ văn bản dự thảo, góp ý thẳng vào nội dung báo cáo, nêu rõ quan điểm và suy nghĩ của mình với tinh thần xây dựng, không né tránh, cũng không chủ quan, áp đặt.

Không chỉ bổ sung, góp ý vào những vấn đề trong dự thảo mà cần có thái độ khách quan, tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe ý kiến của nhau, thẳng thắn nêu ra những ý kiến trái với đồng chí khác khi trao đổi thảo luận nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Qua đó, giúp đồng chí chủ trì hội nghị và cấp uỷ dễ xem xét, chọn lọc.

Nếu vì thời gian, trong hội nghị chưa phát biểu hết ý kiến thì sau đó tiếp tục gửi văn bản hoặc trực tiếp gặp cấp uỷ góp ý kiến.

       

Phản hồi (1)

Nguyễn Bình Minh 28/06/2010

Tít có thể biên tập lại là "Để lấy ý kiến có chất lượng hơn". Về phía cấp uỷ cần gửi tài liệu sớm hơn và phải có thông báo lại cái gì tiếp thu và cái gì không tiếp thu, vì sao.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất