Kiên định mục tiêu bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc

Bất ngờ, khó lường, phức tạp là khái quát chung tình hình quốc tế năm 2016. Trong tình hình đó, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo của Đại hội XII, công tác đối ngoại của Đảng trong năm qua đã không ngừng đổi mới phương thức, hình thức và nội dung. Những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại của Đảng rất quan trọng, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia, các chính đảng và tổ chức chính trị - xã hội, chính giới và các tầng lớp nhân dân trên thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta; chủ động trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần khẳng định, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vị thế quốc tế của đất nước. Những kết quả lớn được thể hiện trên 3 nội dung chính sau:

Tiếp tục giữ vững các mối quan hệ, chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và có nhận thức chung về các vấn đề quốc tế. Đến nay, Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 228 chính đảng ở 112 nước trên khắp các châu lục. Trong quan hệ quốc tế, Đảng ta tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương chính đảng, như: Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP), Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP), Hội thảo quốc tế các đảng cộng sản (ICS), Diễn đàn Xao Pao-lô (SPF). Ngày 28-10-2016, tại Hà Nội, Đảng ta đã tổ chức thành công Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân lần thứ 18 với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, đại diện cho các đảng cộng sản và công nhân các nước từ tất cả các châu lục trên thế giới (cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân được hình thành từ năm 1998. Qua 18 năm hoạt động đã thu hút được sự tham gia của hơn 120 đảng cộng sản và công nhân từ 85 nước trên thế giới, trở thành diễn đàn quan trọng để các đảng cộng sản và công nhân trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác, phối hợp hành động vì sự nghiệp đấu tranh chung). Việc đăng cai tổ chức thành công cuộc gặp này đã góp phần nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời làm cho dư luận quốc tế hiểu rõ, ủng hộ những vấn đề liên quan tới lợi ích chính đáng của quốc gia, nhất là vấn đề Biển Đông. Cuộc gặp lần này cũng thể hiện tính nhất quán quan điểm của Đảng ta về mở rộng, thúc đẩy toàn diện, thực chất quan hệ với các đảng cầm quyền, các đảng tham chính trên thế giới: “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH - bổ sung và phát triển năm 2011).

Tăng cường hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các quốc gia có mối quan hệ truyền thống và các nước lớn, các nền kinh tế phát triển. Năm 2016 là năm có nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, góp phần thiết thực tăng cường quan hệ với các đảng anh em, các đối tác quan trọng. Năm 2016, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện 16 chuyến thăm nước ngoài và đón gần 30 lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam. Đó là các chuyến thăm đối ngoại chính thức của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới các nước láng giềng, đối tác truyền thống, đối tác quan trọng, như: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Trung Quốc, Cu-ba, Ấn Độ, Nhật Bản, Va-ti-căng, Nga, Bê-la-rút, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU). Điểm nhấn nổi bật trong năm 2016 là chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (tháng 11-2016), là dấu mốc quan trọng tăng cường sự tin cậy chính trị, tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai đảng, hai dân tộc Việt - Lào; chuyến thăm Hoa Kỳ của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (tháng 10-2016); chuyến thăm Nhật Bản của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (tháng 12-2016); chuyến thăm chính thức Cu-ba, thăm Va-ti-căng (tháng 11-2016) của Chủ tịch nước Trần Đại Quang; chuyến thăm và dự Tang lễ đồng chí Phi-đen Cát-xtơ-rô của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12-2016)… Các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới các quốc gia thể hiện rõ quan điểm ngoại giao đa phương, hòa hiếu, thúc đẩy và đưa các mối quan hệ với các nước đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, tạo cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. Mặt khác, đó là các hoạt động đối ngoại chủ động, hiệu quả, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, mở ra không gian hợp tác, quan hệ rộng mở, tạo điều kiện cho sự phát triển mọi mặt của đất nước. Từ các hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ngoài các mối quan hệ truyền thống, chúng ta cũng thấy rõ hơn thực chất các mối quan hệ. Nhiều nước dù khác biệt với ta về chế độ chính trị nhưng ngày càng tôn trọng hơn thể chế và sự lựa chọn chế độ chính trị của nhân dân ta, thừa nhận vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tăng cường lãnh đạo, phát huy vai trò ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân vì hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước. Trong bối cảnh môi trường quốc tế và khu vực diễn biến bất ngờ, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ cần tập trung giải quyết, thông qua việc quán triệt các văn kiện lãnh đạo, bằng các hoạt động ngoại giao ở cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại của Đảng trong năm 2016 đã tập trung định hướng các kênh quan hệ ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong ngoại giao nhà nước, chú trọng ngoại giao quốc phòng.

Công tác đối ngoại đa phương không chỉ chuyển mạnh từ tham dự sang chủ động tham gia, nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới, mà còn phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, tận dụng hiệu quả tại các cơ chế đa phương để bảo đảm các lợi ích, sự phát triển và an ninh của đất nước, giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng liên quan tới hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, chủ quyền quốc gia, các vấn đề biên giới trên bộ, nguồn nước sông Mê Công... Ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân được coi là kế sách, là phương thức hòa bình hữu hiệu, là cách để bảo vệ Tổ quốc từ xa. Việt Nam là thành viên của Liên hiệp quốc, ASEAN, hoạt động đối ngoại quốc phòng được tiến hành thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, thông qua Hội nghị Hợp tác an ninh khu vực ADMN, những hoạt động đó đã thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trước quốc tế về an ninh và ổn định, là cơ hội để trao đổi thông tin, hạn chế bất đồng trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Năm 2017, tình hình kinh tế, an ninh quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là các vấn đề toàn cầu như: xung đột vũ trang cục bộ tiềm ẩn chiến tranh lan rộng, tranh chấp lãnh thổ, các vấn đề an ninh phi truyền thống, hoạt động khủng bố, khủng hoảng nhập cư, biến đổi khí hậu... đặt ra những thách thức ngày càng lớn đối với cộng đồng quốc tế và có những tác động trực tiếp, gián tiếp ở nhiều mức độ đối với nước ta. Là một bộ phận cấu thành của nền ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác đối ngoại của Đảng cần phải có những nỗ lực, sáng tạo mới. Chủ động và làm tốt dự báo tình hình, định hướng, tham mưu không để bị bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào. Bên cạnh việc giữ vững và củng cố các mối quan hệ đối ngoại truyền thống, cần tích cực và chủ động hơn trong các quan hệ ngoại giao, xử lý linh hoạt, mềm dẻo các mối quan hệ quốc tế với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của năm 2017 là lãnh đạo hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà APEC và tranh thủ một cách hiệu quả hoạt động này để thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và một số đối tác quan trọng khác; biến các hoạt động đa phương, các hoạt động ngoại giao cấp cao thành cơ hội thực hiện các lợi ích vì an ninh và phát triển của đất nước.

 Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, cần coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại vừa “hồng” vừa “chuyên”, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bám sát định hướng chính trị, định hướng chiến lược và sách lược đối ngoại, tăng cường phối hợp đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm tạo sự thống nhất trong các hoạt động đối ngoại, tuân thủ đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng: độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế để đạt mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất