Bước tiến mới trong quá trình phát triển ở Mi-an-ma

Bước cuối cùng trong lộ trình dân chủ 7 bước cải cách do Chính phủ quân sự của Thống tướng Than Suề thực hiện từ năm 2003 đã được thực thi với việc Quốc hội Mi-an-ma bầu ông Hơ-tin Ki-o (Htin Kyaw), trợ thủ thân tín, trung thành của bà A-ung Xan Xu Ky thuộc Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền làm Tổng thống mới của Mi-an-ma ngày 15-3-2016. Ông U Min Xuề (U Myint Swe), Thủ hiến khu vực Y-an-gun, đồng thời là một trợ tá thân tín của Thống tướng Than Suề (Than Shew), được bầu làm Phó Tổng thống thứ nhất. Ông U Min Xuề là ứng cử viên của Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), do quân đội đề cử. Vị trí Phó Tổng thống thứ hai thuộc về ông U Hen-ri Van Thi Y-u (U Henry Van Htee Yu) cũng là một ứng cử viên thuộc đảng NLD. Đây là bước tiến mới trong quá trình xây dựng một quốc gia hiện đại, phát triển và dân chủ với các lãnh đạo nhà nước do Quốc hội bầu ra và các cơ quan chính phủ do Quốc hội lập nên. Sau khi trúng cử, Tổng thống Hơ-tin Ki-o sẽ đứng ra lập Chính phủ.

Theo hiến pháp Mi-an-ma, Tổng thống giữ toàn quyền hành pháp, trừ việc quản lý các bộ biên giới, nội vụ, quốc phòng và thông qua các thay đổi của hiến pháp buộc phải có sự ủng hộ của quân đội. Cũng theo Hiến pháp Mi-an-ma, bà A-ung Xan Xu Ky mặc dù là Thủ lĩnh Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11-2015 bầu các cơ quan lập pháp tại Mi-an-ma, người kiên trì, bền bỉ đấu tranh suốt 25 năm vẫn không được đề cử bầu Tổng thống vì bà có hai con trai và chồng là người ngoại quốc. Tuy nhiên, quyền lực thực sự sẽ nằm trong tay bà do mối quan hệ cấp bậc trong Đảng cầm quyền và quan hệ thân tín của bà với Tổng thống Hơ-tin Ki-o.   

Quân đội Mi-an-ma đã gửi lời chúc mừng Tổng thống Hơ-tin Ki-o vừa được bầu và tuyên bố quân đội sẽ hợp tác với Tổng thống và Chính phủ trong việc bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực êm thấm, phát triển, đoàn kết và ổn định đất nước. Đây là động thái thuận lợi đối với Đảng cầm quyền bởi Chính phủ cần nhận được sự hỗ trợ từ chính quân đội hiện chiếm 25% số ghế trong Quốc hội và có quyền phủ quyết đối với mọi thay đổi Hiến pháp. Quân đội giữ một số chức danh chủ chốt gồm Bộ trưởng An ninh biên giới, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ. Nhiều tập đoàn quốc phòng có quan hệ gần gũi với chính quyền cũ của Tổng thống U Thên Xên vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Mi-an-ma.

Một thách thức nữa đối với Đảng cầm quyền là vấn đề đoàn kết, hòa giải dân tộc, tôn giáo. Mi-an-ma có hơn 130 dân tộc khác nhau với lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của riêng mình. Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng gần 40% dân số cả nước. Sự đa dạng của các thành phần trong Quốc hội Mi-an-ma phản ánh ý định rõ ràng của NLD sẽ thực hiện tốt những cam kết đảm bảo quyền lợi cho các dân tộc thiểu số, quyền tự quyết và phân phối công bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong lịch sử Mi-an-ma, các dân tộc thiểu số trên cả nước thường cảm thấy thiệt thòi và ít mong muốn hợp nhất với dân tộc Bamar chiếm đa số. Năm 2013 chính phủ đã phát động cuộc đàm phán hòa bình lịch sử với 20 tổ chức vũ trang trên cả nước. Hơn một nửa số nhóm vũ trang đã rút khỏi các cuộc đàm phán và chỉ có 8 nhóm ký thỏa thuận ngừng bắn với Chính phủ trong tháng 10 năm 2015. Bà Aung San Suu Kyi đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang từ ngày 12-1-2016. Khoảng 10 nhóm vũ trang coi NLD là đối tác dễ đàm phán hơn. Tuy nhiên hợp nhất được toàn bộ các nhóm vũ trang, hòa giải cộng đồng sắc tộc ở Mi-an-ma luôn là thách thức lớn. Ngoài ra, Mi-an-ma có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó đạo Phật chiếm 89,3% số dân; Thiên chúa giáo 5,6%; đạo Hồi 3,8%; đạo Hindu 0,5%; các tôn giáo khác như Do thái giáo, Đa thần giáo, Vật linh giáo… chiếm khoảng 0,8% số dân. Công dân Mi-an-ma được tự do tín ngưỡng, tuy theo tôn giáo khác nhau nhưng dân chúng chung sống hòa bình. Tuy nhiên, vẫn thường xảy ra xung đột quyết liệt giữa các giáo phái với nhau, đặc biệt là tín đồ Hồi giáo và Phật giáo. Tình trạng thu nhập thấp và quản lý dòng vốn đầu tư sau nhiều thập kỷ tăng trưởng trì trệ luôn là những khó khăn phải giải quyết căn cơ, lâu dài.

Mặc dù phía trước có nhiều thách thức nhưng với lãnh tụ đảng cầm quyền có bản lĩnh chính trị, ý chí kiên cường phục hưng dân tộc, đất nước, Chính phủ do Tổng thống Hơ-tin Ki-o đứng đầu sẽ có chính sách đối nội, đối ngoại khôn khéo nhằm tiếp tục ổn định tình hình chính trị, xã hội hướng tới hòa hợp và hòa giải dân tộc, bảo đảm an ninh quốc gia, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đó không chỉ là mong muốn của riêng bà A-ung Xan Xu Ky, của Đảng NLD mà còn là mong muốn chung của nhân dân Mi-an-ma. Đó cũng chính là mục tiêu chung gắn kết  mỗi người Mi-an-ma, bất kể người đó thuộc đảng phải, dân tộc, tôn giáo nào vì một Mi-an-ma hoà bình, thịnh vượng.

Phản hồi (1)

Nguyễn Văn Vọng 19/03/2016

Bài có nhiều phân tích khách quan và đúng mức giúp hiểu thêm tình hình Mianma. Cảm ơn Tạp chí, mong Tạp chí có nhiều hơn những bài như thế.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất