Ba trụ cột - một mục tiêu

Năm 2015 đã khép lại với nhiều biến động khó lường, diễn biến mau lẹ, bất ngờ trên trường quốc tế. Thế giới hòa bình, nhưng không yên bình. Châu Á - Thái Bình Dương trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đặc biệt, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền biển, đảo nước ta ngày càng gay gắt. Nhiệm vụ của ngoại giao ngày nay là phải tư duy “trong nguy có cơ”, “biến nguy thành an” tìm thời cơ, vận hội của đất nước. Là một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, tranh thủ các điều kiện thuận lợi thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH. Ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, nhằm mục tiêu duy nhất bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện, sự đồng tình, ủng hộ và hậu thuẫn quốc tế rộng rãi phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục đổi mới tư duy, đối ngoại Đảng đa dạng các kênh hợp tác, tăng cường mở rộng quan hệ với chính đảng các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ với đảng các nước láng giềng, bạn bè truyền thống. Với hơn 200 chính đảng ở 114 nước, trong đó có hơn 100 đảng cộng sản và công nhân, gần 50 đảng cầm quyền, gần 80 đảng đang tham gia quốc hội, nghị viện các nước, đối ngoại Đảng đã tạo nền tảng tin cậy chính trị vững chắc thúc đẩy quan hệ về mặt nhà nước, mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân, tranh thủ hiệu quả sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới đất nước.

Đối ngoại Đảng khiến các đảng cầm quyền, tham chính ở các nước trên thế giới ngày càng coi trọng và nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của Đảng ta với tư cách là đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2015, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Hoa Kỳ theo lời mời của Chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng. Đây là chuyến thăm lịch sử, một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một chức danh tương đương không có trong hệ thống quản trị của Hoa Kỳ, thăm chính thức một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt. Tổng thống B.Ô-ba-ma, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ đã đón Tổng Bí thư với nghi thức cao, trọng thị, với một chương trình làm việc rất phong phú và thực chất. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử với một cuộc hội đàm do hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước gặp gỡ, trao đổi và họp báo ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng. Xây dựng lòng tin và hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, hai bên đã cùng đánh giá quan hệ song phương sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và xác định tầm nhìn cho thời gian tới: Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, biến đổi khí hậu, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Trao đổi và chia sẻ quan điểm, nhận thức chung về các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm tăng cường hợp tác, trong đó có vấn đề Biển Đông, chuyến thăm đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư với bà con Việt kiều là một thông điệp mạnh mẽ về chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, rút ngắn khoảng cách địa lý của những người con sống xa quê hương đoàn kết, chung tay cùng xây dựng đất nước giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền Tổ quốc.

Đối ngoại Đảng ngày càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm từ các chính đảng về quản lý đất nước, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng trong tình hình mới.

Với nhiều thành tựu đối ngoại quan trọng, trong đó đối ngoại đa phương được xem như một điểm nhấn quan trọng của ngoại giao Nhà nước trong năm qua. Khác với trước đây, hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185/193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc; có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hiệp quốc. Với tầm vóc mới, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đăng cai nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 (4-2015) và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Trước đây, hoạt động đối ngoại đa phương chỉ trong khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề của Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam chủ động vươn ra cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển. Từ ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, đến cải cách cơ cấu, tăng trưởng xanh, kết nối khu vực, phát triển nguồn nhân lực... Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế của mình với tư cách một thành viên có trách nhiệm và uy tín của cộng đồng quốc tế. Liên hiệp quốc đã nhiều lần vinh danh Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi đầu trong thành tích xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và sáng kiến “Một Liên hiệp quốc”.

Việt Nam gia tăng tốc độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước lớn có ảnh hưởng chủ đạo ở khu vực và trên thế giới. Từ đó giúp Việt Nam giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời tranh thủ được các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Chuyển mạnh từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang “chủ động tham gia đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, Việt Nam tăng cường tiếp cận đa ngành, chú trọng nội hàm phát triển bền vững, chủ động đóng góp vào các quan tâm chung trong khuôn khổ hợp tác quốc tế. Tích cực hơn trong việc đưa ra các sáng kiến và cân nhắc tham gia, đồng khởi xướng các cơ chế hợp tác mới. Tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)... ngay từ khi những cơ chế này vừa được thành lập với tư cách là thành viên sáng lập. Việt Nam có quyền tham gia định hình luật chơi của các thể chế này nhằm tranh thủ mặt tích cực và bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia. Cách tiếp cận mới giúp Việt Nam nâng vị thế từ thụ động lên vai trò chủ động tại các khuôn khổ đa phương vốn luôn gay gắt, thậm chí áp đặt của các nước lớn.

Việt Nam đi đầu trong việc cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; khẳng định vai trò là một hạt nhân tích cực thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung. Đây là đóng góp thiết thực và có trách nhiệm của Việt Nam củng cố xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, bảo đảm môi trường thuận lợi để phát triển của đất nước.

Sức mạnh của ta là sức mạnh vật chất và tinh thần, là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Làm cho người dân các nước hiểu, đồng tình, gắn bó và ủng hộ là nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân. Lực lượng chủ công hoạt động đối ngoại nhân dân là mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức nhân dân khác. Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, đối ngoại nhân dân đã góp phần xây dựng nền tảng quần chúng rộng rãi và đồng thuận xã hội cho quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia, các dân tộc, củng cố môi trường hòa bình, tạo dựng hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, thu hút nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam. Là tổ chức chuyên trách về đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị đã có nhiều đóng góp quan trọng. Công tác phi chính phủ nước ngoài do Liên hiệp làm đầu mối thường trực đã được chú trọng đẩy mạnh trong những năm qua và có bước phát triển đáng kể cả về lượng và chất. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác với gần 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giải ngân trên 3 tỷ USD cho hàng chục ngàn chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, hạ tầng, y tế, giáo dục và liên quan tới biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Liên hiệp tích cực tham gia triển khai chiến lược ngoại giao toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại theo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đất nước, truyền thống và con người Việt Nam, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị để xây dựng, phát triển đất nước.

Lấy bất biến là lợi ích quốc gia, dân tộc để ứng xử vạn biến linh hoạt, thích ứng với một thế giới không ngừng biến đổi, với phương châm “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân luôn sát cánh tạo nên thế chân kiềng vững chắc, nắm bắt các xu thế mới, không bị bất ngờ, đưa Việt Nam vào dòng chảy của thời đại, kỷ nguyên độc lập, hòa bình và phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa vị thế nước ta ở khu vực, trên thế giới.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất