Giới thiệu nội dung Tạp chí Xây dựng Đảng số 3-2019

Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tổ chức bộ máy”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Người về tổ chức bộ máy: Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân.

Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2019), Tạp chí đăng bài “Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đảng trong Đảng bộ Bộ đội Biên phòng” của Thiếu tướng Lê Như Đức (Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP). Tác giả nhấn mạnh những kết quả nổi bật của Đảng bộ: 1- Làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác tổ chức xây dựng đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. 2- Triển khai đồng bộ công tác xây dựng tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên, kiện toàn các cấp ủy, tổ chức đảng. 3- Làm nòng cốt trong công tác tham mưu xây dựng cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, công tác thống kê chính trị và tài chính đảng.

Bài “Một số vấn đề về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập” của Lê Vĩnh Tân (UVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban TCTƯ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Bài viết đề cập kết quả bước đầu tích cực của các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, bao gồm kết quả về hoàn thiện thể chế và quản lý biên chế; đồng thời tác giả cũng đưa ra 6 giải pháp trong thời gian tới.

Bài “Nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” của Nguyễn Văn Tùng (Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, BTCTƯ). Bài viết nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm tích cực thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, bước đầu khắc phục một bước tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Bài “Về tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước” của PGS, TS. Nguyễn Hữu Hải (Học viện Hành chính quốc gia) đi sâu phân tích thực trạng, thách thức và đưa ra 6 giải pháp để nâng cao hiệu quả tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước.

Đề cập đến kết quả bước đầu việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, số này có bài “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế” của ThS. Lê Thị Hải Hà (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội), “Sắp xếp tổ chức bộ máy ở Quảng Bình” của Phan Nam, “Kết quả sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế ở Yên Bái” của Minh Anh, “Bình Dương làm điểm từ cơ sở” của Đinh Thành. Từ kết quả cụ thể, các tác giả đã đúc rút những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế.

Bài viết “Tăng cường sỹ quan biên phòng về các xã biên giới ở Cao Bằng: Hai tại chỗ, ba kết quả”,  tác giả Tuấn Minh nêu bật kinh nghiệm của Cao Bằng trong việc thực hiện chủ trương huyện ủy các huyện biên giới và Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh bàn bạc, thống nhất giới thiệu các đồng chí cán bộ có đủ điều kiện và uy tín của Bộ đội Biên phòng, chỉ định tham gia giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới hoặc tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ xóm nhằm kịp thời bổ sung cán bộ, đảng viên cho cấp ủy, tổ chức đảng đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương..

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Khoa học tổ chức với công tác tổ chức - cán bộ của Đảng” của PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng nói chung và khoa học tổ chức nói riêng. Tác giả nhấn mạnh cần huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực con người cho nghiên cứu khoa học tổ chức. Tác giả đưa ra 4 giải pháp sau: Thứ nhất, coi trọng khoa học tổ chức - cán bộ bằng việc xây dựng chương trình, đề án tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học hằng năm hoặc cả nhiệm kỳ. Hai là, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan có chức năng nghiên cứu chuyên nghiệp với cơ quan tham mưu về công tác tổ chức và với các tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy. Thứ ba, có chính sách để thu hút đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi chuyên tâm cho nghiên cứu khoa học tổ chức. Bốn là, coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học.

Bài “Những điểm mới về công tác cán bộ” của Lê Xuân Lịch chỉ ra những điểm mới, nổi bật của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII). Đó là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp cần quán triệt quan điểm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa đức và tài, trong đó đức làm gốc; Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở ngoài nước; Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phân cấp, tạo đột phá trong cải cách hành chính”. Tác giả Thiên Linh đề cập đến Đề án của UBND TP. Hồ Chí Minh “về ủy quyền cho các sở - ngành, thủ trưởng các sở - ngành, UBND quận - huyện, chủ tịch UBND quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố”. Việc xây dựng, ban hành Đề án nhằm bỏ bớt khâu trung gian, tránh tình trạng dồn việc vào một số ít cơ quan, cá nhân, gây ra quá tải và dẫn đến chậm trễ khi giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo đột phá về cải cách hành chính trong điều kiện thành phố thực hiện cơ chế đặc thù.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Mô hình “3+1” ở Quan Sơn” của Thanh Xuân. Tác giả phản ánh kinh nghiệm của Quan Sơn (Thanh Hóa), cán bộ huyện, xã mỗi tháng dành 1 tuần xuống thôn, bản để nắm tình hình, hướng dẫn triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên, cùng nhân dân triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Vững vàng nơi tuyến đầu” của Minh Anh, viết về Trường ĐH Y Dược Huế nâng cao chất lượng đội ngũ - giải pháp để mạnh về số lượng, vững về chất lượng; thấm nhuần lời Bác Hồ thi đua dạy và học tốt hơn; đổi mới phương pháp dạy - học để nâng cao chất lượng đào tạo. Bài “Học và làm theo Bác trên đất Cố đô Hoa Lư” viết về các thế hệ cán bộ, đảng viên, những người con của vùng đất Ninh Bình không ngừng học tập, rèn luyện theo gương Bác, sôi nổi phong trào, lan tỏa gương sáng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Nhiệm vụ trọng tâm của Ngành năm 2019 qua góc nhìn người làm nghề tổ chức” của Bùi Văn Tiếng. Bài viết tiếp cận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2018 từ góc nhìn của người làm nghề tổ chức. Tác giả nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội nghị đã xác định đòi hỏi toàn Ngành và từng người làm nghề tổ chức xây dựng đảng phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình trong năm 2019.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Thà ít mà tốt” của Thu Huyền bình luận nhân việc đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Người đưa nano bạc vào phòng, chống bệnh tật ở Việt Nam”, tác giả Thanh Hằng giới thiệu về TS. Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng Phòng Công nghệ thân môi trường (Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là người đã góp công chính trong nghiên cứu, tìm ra phương pháp điều chế nano bạc, nguyên liệu hết sức cần thiết cho ứng dụng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người đang rất cần ở Việt Nam.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng, có bài viết “Trên nghiêm, dưới quy củ, dân tin tưởng” của Ma Văn Kháng. Từ những vụ việc cụ thể, tác giả chiêm nghiệm một điều: Nếu trên nghiêm, dưới quy củ, thì dân sẽ tin tưởng, vì dân mình là dân chính trị. Thậm chí rất nhạy cảm về chính trị. Lịch sử đã chứng tỏ không thể thờ ơ với chính trị, vì chính trị là cuộc sống hằng ngày. Là những điều cao cả và những điều nhỏ bé thường nhật quan hệ đến số phận và cuộc sống của mỗi người, đến vận mệnh của toàn thể dân tộc. Có thể hiểu nôm na, chính trị là niềm tin của nhân dân với người lãnh đạo của mình.

Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Đồng chí Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Tuyên Quang, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh” (P.V), “Đồng chí Phạm Minh Chính chúc mừng 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng” (Thảo Nguyên).

Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết: “Tuyển chọn cạnh tranh công chức ở Nhật Bản” của PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, BTCTƯ) phản ánh một số nét nổi bật trong tuyển chọn cạnh tranh của Nhật Bản, từ đó đưa ra một số nhận xét và gợi ý cho Việt Nam.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác cán bộ; chính sách cán bộ…

Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 3-2019, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất