Giới thiệu nội dung Tạp chí Xây dựng Đảng in số 11-2018

Mở đầu, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về giáo dục”, giới thiệu với bạn đọc những quan điểm của Người về giáo dục. Người căn dặn: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà…

Số này, Tạp chí thông tin đến bạn đọc “Năm nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV”.

Nhân kỷ niệm 198 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28-11-1930 - 28-11-2018), chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm số này có bài “Những chỉ dẫn của Ph.Ăng-ghen về xây dựng Đảng” của PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tác giả chỉ rõ một trong những di sản lý luận về đảng cộng sản của Ph.Ăng-ghen và C.Mác để lại là sự phân tích tính khách quan về sự ra đời các đảng cộng sản, đặc biệt là nguyên tắc tổ chức, hoạt động của đảng cộng sản: Một là, đảng cộng sản được xây dựng trên tinh thần của nguyên tắc tập trung dân chủ. Hai là, nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Ba là, nguyên tắc đoàn kết thống nhất, luôn đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại. Bốn là, đảng được xây dựng trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản, “vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. 

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), BCH Trung ương đã thảo luận, tiếp thu ý kiến và thống nhất cao dự thảo Quy định “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương”. Sau khi Quy định được hoàn thiện, Tổng Bí thư đã ký ban hành ngày 25-10-2018. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và những điểm mới của Quy định, Tạp chí kịp thời có bài “Những điểm mới trong Quy định về trách nhiệm nêu gương” của PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, BTCTƯ).

Bài “Một số điểm nhấn về đào tạo, bồi dưỡng trong thực hiện Chiến lược cán bộ” của Lan Phương đưa ra kinh nghiệm để công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước đi vào nền nếp, đội ngũ cán bộ từng bước trưởng thành trên nhiều mặt, đó là: đa dạng phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực vị trí việc làm; đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển nhân tài.

Bài “Để có đội ngũ bí thư chi bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn” của Phạm Giang, qua khảo sát thực tiễn một số địa phương đã đề xuất những biện pháp nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ bí thư chi bộ. Đó là: Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng và khuyến khích tự rèn luyện; trực tiếp hướng dẫn kỹ năng; kiểm tra giám sát; tăng cường trao đổi, giao lưu, khen thưởng kịp thời.

Với bài “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở Hà Giang”, tác giả Xuân Vinh đã chia sẻ kinh nghiệm của Hà Giang chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, cập nhật kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần quan trọng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, hoàn thiện các tiêu chuẩn của ngạch, của từng vị trí chức danh đang đảm nhiệm của đội ngũ cán bộ này.

Bài “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - khâu đột phá ở Tuyên Quang” của Phan Nam nêu bật kinh nghiệm của Tuyên Quang làm tốt công tác cán bộ, trong đó phải kể đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Bài “Lượng hóa đánh giá cán bộ từ thực tiễn Nam Định” của Diệp Chi viết về kết quả đạt được của Nam Định sau khi đổi mới công tác đánh giá cán bộ bằng quy trình chấm điểm chặt chẽ, dân chủ và sát thực.

Bài ““Bốn hóa” trong xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ở Quảng Trị” của Xuân Vinh đã phản ánh kinh nghiệm của Quảng Trị trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đặc biệt thực hiện chủ trương “bốn hóa” (thể chế hóa, trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa và từng bước nhất thể hóa) bằng nhiều giải pháp.

Bài “Sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, huyện - từ thực tiễn Thái Bình” của Hồng Văn. Từ chỗ chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của tổ chức bộ máy và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, bài viết đề xuất 6 biện pháp để tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bài “Sóc Trăng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”, tác giả Kiều Linh viết về kết quả quan trọng của Sóc Trăng khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở khu vực công” của Bùi Văn Tiếng (nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Tác giả so sánh mô hình công tác cán bộ của Đảng như là ba cạnh của một tam giác đều: cạnh huyền là quy hoạch vào một hay một vài chức danh lãnh đạo, quản lý; cạnh tiếp theo là đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của từng chức danh đã quy hoạch và cạnh cuối cùng là bố trí, sắp xếp vào một chức danh đã quy hoạch. Làm thế nào để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở khu vực công hiệu quả? Độc giả sẽ tìm thấy câu trả lời trong bài viết.

Bài “Giải pháp tinh giản biên chế ở các cơ quan trung ương” của TS. Nguyễn Văn Tùng (Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, BTCTƯ). Tác giả triển khai bài viết theo 2 nội dung chính: Thực trạng công tác quản lý biên chế ở các cơ quan trung ương và giải pháp tinh giản biên chế của các cơ quan trung ương. Các giải pháp đó là: Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở các cơ quan tham mưu giúp việc mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan ở Trung ương; Xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Một số giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh”. PGS, TS. Trần Hoàng Ngân (Thành ủy viên, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh) viết về kết quả sau khi Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU nhằm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống có bài viết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long” của Bùi Văn De (Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp). Từ chỗ chỉ ra những khó khăn, bất cập trong đối phó với những tác động và thách thức không nhỏ của biến đổi khí hậu, tác giả đưa ra những giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng không chỉ nhằm thực hiện có hiệu quả từng chương trình, dự án mà còn tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ để ứng phó với biến đối khí hậu cho toàn vùng.

Số này, Tạp chí cũng cung cấp cho bạn đọc thông tin “Ngành BHXH tiếp tục triển khai 5 nhiệm vụ quan trọng”; “Phấn đấu số hóa 100% hồ sơ điện tử hưởng BHXH vào năm 2025”.

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Từ nơi này lớn lên” của Phương Anh, viết về Trường THPT Phạm Ngũ Lão (Ân Thi, Hưng Yên). 15 năm qua là cả một chặng đường THPT Phạm Ngũ Lão học và làm theo lời Bác Hồ, vượt qua bao gian khó vì sự nghiệp trồng người, để cho đời những trái ngọt lành.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Nghĩ về người cán bộ lãnh đạo gương mẫu” của Lê Xuân Lịch. Từ câu chuyện có thật, từ những trải nghiệm cuộc đời và nhiều năm công tác trong Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, tác giả nhấn mạnh cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng các cấp cần phải gương mẫu. Bởi chính họ là người tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu về công tác cán bộ.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ” của Thành Sáng, bình luận qua sự kiện Ban Tổ chức Trung ương tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ”. Đây là vấn đề thu hút quan tâm của dư luận không chỉ bởi tính cấp thiết của nó, mà còn là kỳ vọng về một giải pháp hữu hiệu, một chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn sự tha hóa, tham nhũng quyền lực với biểu hiện cụ thể là chạy chức, chạy quyền.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt số này có bài viết “Hạnh phúc lớn nhất là đến được với đồng bào”. Tác giả Nguyễn Bá Thắng viết về đồng chí Trịnh Ngọc Trình, 84 năm tuổi đời, 58 năm tuổi đảng, người liên lạc dũng cảm, kiên cường, nhà giáo mô phạm, cán bộ đoàn sáng tạo, Giám đốc Tổ chức hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi tận tụy, đã sống một cuộc đời sôi nổi, ý nghĩa. Mới đây, ông được UBND TP. Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô Ưu tú.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Đừng thờ ơ với cái tốt quanh mình” tác giả Ma Văn Kháng cảm nhận, gần đây trong xã hội xuất hiện tình trạng có nhiều người còn thờ ơ với những cái tốt, trong khi rất “nhạy” với những điều không tốt. Qua đó, tác giả cho rằng, trong cuộc sống cần phải lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Đừng coi cái tốt là điều tồn tại hiển nhiên, mà chúng ta phải tỏ thái độ đồng tình, đừng thờ ơ với cái tốt quanh mình. Việc hiệu chỉnh bản thân, tự soi, tự sửa, tự gột rửa nếu ít nhiều đã nhúng chàm cũng là để không trở thành đối tượng bị mọi người săm soi, để khỏi trở thành bia miệng của thiên hạ, để bảo vệ danh hiệu vô cùng cao quý là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Góp ý dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ” (Mai Anh).

Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết “Đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý ở một số quốc gia” của Đình Anh. Bài viết khai thác kinh nghiệm hữu ích của một số quốc gia: Kỹ năng ra quyết định - ưu tiên số một trong bồi dưỡng kỹ năng quản lý, lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ; kỹ năng tổ chức và điều hành - trọng tâm đào tạo kỹ năng quản lý, lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Xin-ga-po; Kỹ năng kiểm soát và phối hợp của Chính phủ Nhật Bản.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này tập trung giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên.

Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 11-2018, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất