Tạp chí Xây dựng Đảng là một trong những "cẩm nang gối đầu giường" của tôi

Có ông bạn đến nhà chơi, đọc Giấy khen ấy đã ngoảnh lại hỏi tôi: “Nghề chính của anh là Văn phòng mà sao anh lại gắn bó mật thiết với Tạp chí Xây dựng Đảng đến vậy?”. Tôi chân thành trò chuyện. Đúng, khi bắt đầu thoát ly gia đình lên huyện công tác vào tháng 6-1949, tôi được giao nhiệm vụ Văn phòng trưởng Huyện ủy Yên Thành, Nghệ An (sau này là Chánh Văn phòng). Và trước khi nghỉ hưu vào tháng 4 -1992, tôi đã giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy 4 năm và Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh 10 năm. Tôi chỉ được trên hai năm (từ tháng 8 – 1950 đến hết năm 1952) là ủy viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An. Nhưng trên hai năm ấy, tôi được công tác ở một ban có vị trí rất quan trọng về công tác xây dựng đảng. Hồi ấy cơ quan chuyên môn giúp việc Tỉnh ủy chỉ có Ban Tuyên huấn, Ban Đảng vụ, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Kinh tài và Tổ Giao thông liên lạc. Ban Đảng vụ (sau này là Ban Tổ chức) chỉ có 15-16 cán bộ, trong đó lãnh đạo Ban có 5 người mà đồng chí Trưởng ban Nguyễn Đức Thiệng mới gần 30 tuổi, Phó trưởng ban Đàm Xuân Dung 26 tuổi, 2 đồng chí khác đứng tuổi là cán bộ đã tham gia phong trào 1930-1931, 1939-1940. Riêng tôi là “đứa em út” ít tuổi nhất, nhưng cái tình thương yêu thì thắm thiết như anh em ruột thịt. Đồng chí Dương Đức Nhuận bị què một chân (thường gọi là Nhuận què) được Tỉnh ủy phân cho một chiếc xe đạp, khi anh đi công tác chúng tôi thường thay nhau dắt xe từ nhà ra cổng cho anh. Những khi dời cơ quan vào ban đêm, bác Hồ Văn Tư, đảng viên 30-31, liên lạc viên của cơ quan, có thân hình to khỏe lại vui tính, thường lội trước qua khe suối rồi trở lại gánh những đôi bồ đựng tài liệu của anh em khác. Hồi ấy chưa có lương, mới có chế độ cung cấp bằng gạo, nhà ăn tập thể chỉ nấu hai bữa chính còn bữa sáng nhờ dân cho bát cơm, củ khoai. Ở xã Lý Thành, nơi cơ quan đóng, bà con nông dân thường cho chúng tôi bát cơm ăn sáng với con cá rô nấu mặn đơm ngoài đồng. Anh Vũ Trọng Kiên (hồi đó là phái viên của Ban Tổ chức Trung ương theo dõi Nghệ An, sau này là Trưởng Ban Tổ chức Chính phủ), vác ba lô đi bộ từ Việt Bắc vào, khi bị đau đã nhờ bà con nấu cho bát cháo hành tăm và chữa bệnh bằng củ gừng, củ tỏi. Tôi muốn kể lại đôi điều để nhớ về một thời kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, gian khổ mà anh em cán bộ Tỉnh ủy nói chung, Ban Tổ chức nói riêng đã sống trong dân, nhờ dân nuôi nấng, đùm bọc mà trưởng thành. Cái tình nghĩa sâu nặng của người dân đối với cán bộ lúc bấy giờ thật là cao quý.

Hơn hai năm công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An thời chống Pháp, tôi lớn lên nhiều, có thể nói là vượt bậc về trình độ chính trị, năng lực và phương pháp công tác. Những bài học cuộc đời từ những năm tuổi mới trên hai mươi, công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An thật quý giá vô cùng đối với tôi. Được cùng lãnh đạo Ban tham mưu giúp Tỉnh ủy chỉ đạo cuộc vận động tự phê bình, phê bình hồi 1951-1952, điều động hàng loạt cán bộ phục vụ tiền tuyến, giúp Tỉnh ủy nhận xét, bố trí, sử dụng, đề bạt và kỷ luật cán bộ… tôi thật sự khôn lớn lên. Những kinh nghiệm ấy làm cho tôi vững vàng hơn, dày dạn hơn trong những chặng đường sau này khi gánh vác những trọng trách khác.

Qua 30 năm làm cộng tác viên Tạp chí Xây dựng Đảng, trong đó có 26 năm sau khi nghỉ hưu, tôi vui mừng vẫn được bồi dưỡng các chủ trương, chính sách về xây dựng Đảng, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Đảng. Tôi nghĩ nghỉ hưu là thực hiện chính sách chứ đối với trách nhiệm đảng viên thì không ngơi nghỉ. Tôi lăn vào hoạt động thực tiễn ở cơ sở, có thực tế để sáng tỏ thêm những vấn đề lý luận về xây dựng Đảng. Tôi nghĩ sự đóng góp của mình cho Tạp chí là rất khiêm tốn nhưng Tạp chí đã quan tâm đến tôi rất kịp thời, đầy đủ. Tôi coi Tạp chí Xây dựng Đảng là một trong những “cẩm nang gối đầu giường” của tôi. Những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những vấn đề lý luận, những kinh nghiệm xây dựng Đảng, những gương sáng đảng viên đăng tải trên Tạp chí tiếp tục bồi dưỡng cho tôi về nhiều mặt. Tôi coi đó như cơm ăn, nước uống, như những thang thuốc bổ làm cho nhận thức, tư duy không bị lạc hậu do tuổi tác.

Trước những vấn đề tiêu cực nghiêm trọng trong công tác cán bộ gần đây, tôi lại nhớ vào tháng 3-1989, đồng chí Tổng Biên tập Vũ Văn đã mời tôi ra Hà Nội cho biết ý kiến một số cán bộ lãnh đạo ở Trung ương đã tỏ lời khen bài viết của tôi “Trung thực và gian dối”, tuy ngắn gọn mà sâu sắc. Đồng chí Vũ Văn đã mở Tạp chí số tháng 2-1989 đọc một đoạn: “Ở xã hội nào cũng vậy, người trung thực bao giờ cũng tìm người trung thực làm chỗ dựa. Ngược lại kẻ gian dối tìm người gian dối để kết bạn. Ở đời không phái bao giờ và nơi nào người trung thực cũng được đa số người ủng hộ, cũng nắm được quyền thống trị, quyền lãnh đạo. Lịch sử cho thấy ở nơi nào đó, lúc nào đó đã có kẻ gian tà lại nắm quyền cao chức trọng, chi phối cả tư tưởng và hành động của số đông người. Như vậy thì sự nghiệp đổi mới ở đó không khỏi trải qua khó khăn và tất yếu phải đi đường vòng…”.

Giờ đây đã ở tuổi gần chín mươi, đã được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, trong sự bền bỉ phấn đấu của mình, dù trong tình hình nào cũng bình tâm, kiên định, một phần khá quan trọng là qua các bài viết và tình cảm của cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng giúp tôi sống vui, sống có ích, sống thọ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất