Thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ mới
Ảnh minh họa

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Ảnh minh họa

Những thách thức

Qua hơn 30 năm đổi mới, phát triển đất nước, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ở nước ta phát triển còn chậm, kết cấu hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập, khó khăn. Tác động điều tiết của quy luật giá trị trong nền kinh tế hàng hóa là nguyên nhân dẫn đến sự phân hoá thu nhập, chênh lệch giàu - nghèo giữa miền núi và miền xuôi, giữa các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Bản sắc văn hóa truyền thống của một số cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là phong tục tín ngưỡng trong tang lễ và hôn nhân đang đứng trước thử thách gay gắt trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đứng trước sự khủng hoảng và bị tác động mạnh mẽ, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn cải biến cho phù hợp.

Một số chính sách dân tộc qua quá trình thực hiện đang bộc lộ những bất cập trên các mặt như thiếu đồng bộ, thiếu nguồn lực để thực hiện, dàn trải... cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Tỷ lệ người lao động qua đào tạo trong các dân tộc thiểu số còn thấp, trong khi thực trạng đa số người dân ở vùng dân tộc thiểu số vẫn duy trì tập quán, thói quen sản xuất nhỏ, tự sản tự tiêu; việc ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế, kỹ năng và tác phong lao động ở nhiều vùng dân tộc thiểu số còn lạc hậu.

Trình độ dân trí và học vấn thấp là nguyên nhân căn bản làm cho các vùng dân tộc thiếu số kéo dài sự trì trệ và kìm hãm sức phát triển kinh tế hàng hoá, năng suất lao động và thu nhập thấp; năng lực hấp thụ các nguồn lực giúp đỡ từ bên ngoài vào các vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Một số dân tộc thiểu số có số lượng cán bộ trong hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành chưa tương xứng với tỷ lệ dân số của mỗi dân tộc trong tổng dân số của đất nước, của địa phương. Số người dân tộc thiểu số gốc địa phương tham gia vào cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đang có xu hướng giảm.

Quá trình hội nhập quốc tế, những diễn biến của tình hình thế giới có tác động lớn đến việc thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta, sự phân hóa giàu nghèo, phân cực xã hội, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, bạo loạn chính trị, ly khai, can thiệp, lật đổ; mạng in-tơ-nét và mạng xã hội ngày càng tham gia trực tiếp vào đời sống chính trị, xã hội của các quốc gia...

Sự bất bình đẳng trong thực tiễn về kinh tế, chính trị và đời sống sẽ tăng lên; bản sắc văn hóa tốt đẹp của nhiều dân tộc thiểu số đứng trước sự khủng hoảng gay gắt và bị tác động ngày càng mạnh mẽ của các yếu tố văn hoá ngoại lai và sự xâm nhập của các tôn giáo mới, lạ; các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước sẽ ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, làm cho tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta có nơi, có lúc sẽ diễn biến phức tạp.

Những nhiệm vụ cấp bách

Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; trong những năm trước mắt tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu; xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Khơ-me Nam Bộ.

Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới. Làm tốt công tác định canh, định cư và di dân xây dựng vùng kinh tế mới; công tác quy hoạch, sắp xếp, phân bổ lại hợp lý dân cư, nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình; tăng cường các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở; ăn tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các tiếng dân tộc thiểu số; làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc.

Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở và các chương trình giáo dục miền núi, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, nhất là hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp; đẩy mạnh việc tổ chức các trường mẫu giáo công lập; mở rộng việc dạy chữ dân tộc.

Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên, cử tuyển dành cho con em các dân tộc vào học tại các trường đại học và cao đẳng; mở thêm trường dự bị đại học dân tộc ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nghiên cứu tổ chức hệ thống trường chuyên đào tạo, bồi dưỡng trí thức và cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Tăng cường cơ sở khám, chữa bệnh, cán bộ y tế cho các xã, bản, thôn, ấp; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích trồng và sử dụng các loại thuốc dân gian.

Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, kiên quyết khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của một số cán bộ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ. Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng cơ sở không có tổ chức đảng và đảng viên.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội ở vùng dân tộc và miền núi.

Tiếp tục xây dựng, phát triển nhanh các khu kinh tế kết hợp quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng và tôn giáo ở vùng dân tộc và miền núi; kiên quyết ngăn chặn việc lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng để hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xã hội chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Thông qua các chính sách, biện pháp cụ thể, động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vươn lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất