Tập trung chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em sau đại dịch COVID-19

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong năm 2021, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em có nhiều chuyển biến từ nhận thức của các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn đến toàn xã hội. Việc vận động, lồng ghép nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em được các địa phương quan tâm và thực hiện sáng tạo, linh hoạt; nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em được triển khai hiệu quả, đặc biệt trong huy động nguồn lực để nhân rộng các mô hình và hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, công tác về trẻ em thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như vẫn còn một số vụ việc xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em phức tạp, gây bức xúc dư luận. Còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, trẻ em bị rơi, ngã ở nhà cao tầng. Đặc biệt, giãn cách xã hội dài ngày dẫn đến trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, ít tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè, thường xuyên tiếp xúc với các trang mạng trong đó có các trang mạng độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ở một số địa bàn cơ sở hiệu quả chưa cao, chưa đến được từng hộ gia đình, từng cộng đồng dân cư, từng lớp học, trường học. Một số kênh thông tin, báo chí, truyền thông, mạng xã hội vẫn còn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

“Để tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em sau đại dịch COVID-19, cần tăng cường truyền thông, giáo dục kỹ năng cho giáo viên, cha mẹ và các thành viên gia đình về kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em nhằm phát hiện sớm, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan, vướng mắc dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác trẻ em để có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đặc biệt là kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 36 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, bảo vệ trẻ em, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em của Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất