Cầu nối yêu thương giữa cộng đồng và các đối tượng yếu thế

Chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XVII.

Hành trình 30 năm kết nối các nguồn lực xã hội trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi

Những ngày đầu thành lập, chỉ có cơ quan Hội ở Trung ương và hơn một chục Hội thành viên cấp tỉnh được thành lập với tổng số khoảng 5.000 hội viên, tuy nhiên đến nay Hội đã có 45 hội cấp tỉnh, 292 hội cấp huyện, 2006 hội cấp xã, 1.565 chi hội và 5.938 hội viên tập thể, 566.335 hội viên cá nhân, tạo thành mạng lưới tương đối rộng rãi ở các địa phương, cơ sở. Hoạt động Hội ngày càng đa dạng, thiết thực và hiệu quả, trong đó tiêu biểu là hoạt động vận động nguồn lực cộng đồng để trợ giúp đối tượng yếu thế.

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong 30 năm qua đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách về người khuyết tật, về trẻ em cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng; tham gia có trách nhiệm vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách; làm tốt vai trò đại diện tiếng nói của người khuyết tật, của trẻ em, góp phần xây dựng một xã hội không rào cản; chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, khuyến khích người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tự tin, tự lực vươn lên, khắc phục khó khăn, hòa nhập cộng đồng.

Với nguyên tắc tự nguyện, tự quản; vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật với mục đích tổ chức các hoạt động trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi, hỗ trợ họ sống tự tin, tự lực và hòa nhập cộng đồng, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới hoạt động để ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của một tổ chức xã hội từ thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Bằng những chương trình, hoạt động cụ thể, hiệu quả, hướng tới sự bền vững, Hội đã thu hút nguồn lực, tiềm năng của xã hội, cộng đồng, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương, tham gia lãnh đạo, hoạt động Hội, góp phần giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và người khó khăn trong cả nước cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng, tham gia các hoạt động xã hội, thực sự hòa nhập cộng đồng. Dấu ấn ghi nhận sự trưởng thành, lớn mạnh của Hội được minh chứng rõ ràng thông qua các con số giá trị vận động, gây quỹ để tổ chức trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người khó khăn khác được hưởng lợi thông qua các chương trình, dự án trợ giúp Hội thực hiện tăng mạnh theo từng năm.

Những con số biết nói

Từ chỗ bình quân mỗi năm chỉ vận động được trên dưới 200 tỷ, đến nay bình quân mỗi năm Hội vận động được từ 500 đến 600 tỷ đồng bao gồm cả tiền và hiện vật quy thành tiền. Nguồn lực đó đã trợ giúp cho hàng chục triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trong cả nước cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhà ở, đi lại, học hành, học nghề, việc làm, sinh kế…

Trong 30 năm qua, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 5.385 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 458 tỷ đồng (chiếm khoảng 9% so với tổng quỹ hội vận động được) để thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.

Ngoài ra, Hội đã triển khai các hoạt động nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất của người khuyết tật, trẻ mồ côi. Theo đó, Hội đã trợ giúp cho trên 25,8 triệu lượt đối tượng được hưởng lợi.

Tính đến nay, Hội đã triển khai phối hợp phẫu thuật mắt cho 161.000 lượt người mù với tổng trị giá gần 308,4 tỷ đồng; phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng cho 21.128 lượt người người khuyết tật vận động; hỗ trợ phẫu thuật tim cho 6.700 người (80% số ca là trẻ em); tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.705 triệu lượt người; hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 302.000 lượt người người khuyết tật, trẻ mồ côi và một số đối tượng khác thuộc hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, Hội cũng tặng 160.000 lượt xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ hỗ trợ; tặng xe đạp cho 53.572 lượt trẻ mồ côi, khuyết tật, con thương binh, con liệt sĩ; xây mới, sửa chữa 17.000 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo; trợ cấp thường xuyên cho trên 325.000 người; tặng 171.553 suất học bổng.

Với những kết quả đạt được trong 30 năm qua, Hội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.

Vừa qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (nhiệm kỳ 2022-2027) và Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội, Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XVII. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hội ở Trung ương và 45 tổ chức thành viên. Đại hội có sự tham gia của 350 đại biểu chính thức được lựa chọn từ 47 tỉnh, thành phố, những cá nhân tiêu biểu, trong đó có 182 đại biểu là nữ, 26 đại biểu người dân tộc, 24 đại biểu tôn giáo. Đặc biệt, có nhiều đại biểu là người khuyết tật hoặc trưởng thành từ trẻ mồ côi nay là cán bộ hội, doanh nghiệp hoặc những nhân tố tích cực trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, sự đoàn kết, sáng tạo, năng động của Hội trong nhiệm kỳ qua, dù trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh nhưng Hội vẫn vận động được hơn 2.862 tỉ đồng để tổ chức nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho hơn 16 triệu lượt người được hưởng lợi. Qua đó, góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước bảo vệ trợ giúp và chăm sóc đảm bảo quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi đảm bảo an sinh xã hội công bằng vì sự tiến bộ chung của xã hội, sự phát triển bền vững của đất nước để không ai bị bỏ lại phía sau.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất