Những cáo buộc vô căn cứ về tự do tôn giáo tại Việt Nam

Nhiều điều trong Báo cáo do USCIRF thực hiện không phản ánh chính xác tình hình tôn giáo tại Việt Nam (Ảnh minh hoạ).

Trong báo cáo về Việt Nam, USCIRF ghi nhận tự do tôn giáo được Hiến pháp Việt Nam bảo vệ, tuy nhiên, báo cáo lại chỉ ra một điều khoản trong Hiến pháp cho phép đình chỉ một số quyền tự do nhất định khi an ninh quốc gia bị đe dọa và mặc định coi đây là nguyên do khiến tự do tôn giáo ở Việt Nam không được bảo đảm.

Nhìn nhận thực tế, tất cả các nước trên thế giới đều có quyền bảo vệ an ninh quốc gia để bảo vệ công dân trên đất nước của họ. Ngay cả quốc gia dân chủ bậc nhất như Mỹ, các hoạt động tôn giáo gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia cũng sẽ bị chính quyền đình chỉ. Ví dụ như, nếu nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tìm cách thành lập tổ chức ở Mỹ và tuyển mộ thành viên mới thì sẽ được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia và các hành động của IS sẽ không được diễn ra trên lãnh thổ của Mỹ.

Trong một phần khác của báo cáo, USCIRF nhấn mạnh đến đạo luật được Quốc hội Việt Nam thông qua liên quan đến hoạt động tôn giáo (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), trong đó yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải đăng ký hoạt động. Vấn đề này bị đem ra quy kết rằng, Việt Nam đã và đang hạn chế tự do sinh hoạt tín ngưỡng.

Tuy nhiên, mục đích của điều khoản này là nhằm bảo vệ công dân Việt Nam không bị lừa đảo và lạm dụng bởi những tổ chức tôn giáo tự xưng, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích. Thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp tự mở lớp giảng dạy tôn giáo để lừa lấy tiền của người dân và khiến người dân bị "u mê" trong tà đạo. Việc các cơ sở tôn giáo đăng ký hoạt động sẽ giúp tạo lập cơ sở dữ liệu để người dân Việt Nam kiểm tra xem tổ chức mà họ quan tâm có hợp pháp hay không. Hiện nay, có rất nhiều tôn giáo được thực hành trên khắp Việt Nam, từ các tôn giáo truyền thống của Việt Nam đến Phật giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo... Và theo phản ánh, các tổ chức không vi phạm pháp luật đều không gặp vấn đề rắc rối trong khi thực hiện thủ tục pháp lý đăng ký hoạt động.

Báo cáo của USCIRF cho rằng các nhóm tôn giáo nhỏ hơn, ví dụ như Cao Đài bị đàn áp. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể đến thăm và tự do hành đạo ở các thánh thất Cao Đài và Tòa Thánh Cao Đài tại Tây Ninh.

Có thể thấy, các tuyên bố của USCIRF không phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Những gì chúng ta biết về USCIRF, về vai trò và thành phần của tổ chức này cho thấy, báo cáo của USCIRF về tự do tôn giáo ở Việt Nam mang động cơ chính trị, chủ quan, phiến diện.

Một vài nhận định cho rằng, USCIRF vẫn đang tuyên truyền chống Cộng sản và cho rằng những người Cộng sản và các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền đều bài trừ tôn giáo. Những báo cáo kiểu này đang khiến bạn bè quốc tế có cái nhìn méo mó về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, trong khi bức tranh sự thật lại không phải vậy. Thực tế chứng minh, vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam trong những năm trở lại đây được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận với những kết quả tích cực, đặc biệt thông qua việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

USCIRF là gì?

Năm 1998, Chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế, đây là cơ sở lập ra USCIRF. Tổ chức này được trao quyền nghiên cứu và báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của từng quốc gia, ngoại trừ tình hình tự do tôn giáo của Mỹ.

USCIRF ra báo cáo hằng năm và khuyến nghị Ngoại trưởng Mỹ đưa các nước được coi là không có tự do tôn giáo vào danh sách CPC. Những nước trong danh sách CPC sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt dưới các hình thức khác nhau.

Ngay từ khi mới thành lập, USCIRF đã bị chỉ trích là công cụ của chủ nghĩa đế quốc văn hóa. Đồng thời, USCIRF cũng nhiều lần bị cáo buộc có kế hoạch truyền bá Cơ đốc giáo và mang nặng thành kiến ​​chống Hồi giáo và Hindu giáo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất