Nhiều chính sách hỗ trợ người khó khăn và người dân tộc thiểu số tại các tỉnh, thành phố dịp Xuân Quý Mão
Thăm, tặng quà cho các đối tượng gặp khó khăn tại Quảng Nam. Ảnh minh họa

Thăm, tặng quà cho các đối tượng gặp khó khăn tại Quảng Nam. Ảnh minh họa.

Hỗ trợ 25.000 người nghèo tại Gia Lai dịp Xuân Quý Mão

Nhằm triển khai Phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Quý Mão - 2023 cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong dịp Tết này. Hội chữ thập đỏ các cấp tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu chăm lo, hỗ trợ cho 25.000 người với tổng giá trị hoạt động 15 tỷ đồng.

Phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Quý Mão - 2023 được triển khai từ ngày 1-1-2023 đến 16-1-2023 (từ ngày 10 đến 25-12 âm lịch); trong đó, đợt cao điểm từ ngày 6-1-2023 đến 15-1-2023 (từ ngày 15 đến 24-12 âm lịch).

Phong trào được tổ chức với mục đích huy động mọi nguồn lực của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Tặng quà - Vui Tết” hỗ trợ về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái. 

Quảng Ngãi chi trả hơn 577 tỷ đồng cho hơn 93 ngàn đối tượng bảo trợ xã hội

Năm 2022, Quảng Ngãi đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cụ thể, đã chi trả cho hơn 93 ngàn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội với kinh phí hơn 577 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, thăm hỏi động viên đối tượng là người có công với cách mạng. Đặc biệt, đã kịp thời chi trả các khoản trợ cấp ưu đãi thường xuyên hằng tháng cho hơn 40 ngàn đối tượng, với tổng kinh phí hơn 840 tỷ đồng; giải quyết chế độ cho gần 4,5 ngàn trường hợp hưởng chế độ trợ cấp chính sách người có công theo quy định; triển khai điều dưỡng cho hơn 8,3 ngàn lượt người có công với cách mạng với số tiền là 12,2 tỷ đồng.

Cùng với đó, cũng đã hỗ trợ hơn 308 ngàn suất quà với tổng kinh phí là 131 tỷ đồng trong các dịp lễ, tết; tặng gần 500 suất quà cho thương binh 1/4, bệnh binh 1/3, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với tổng số tiền hơn 8,2 tỷ đồng. Tiến hành sửa chữa, nâng cấp cho 8 nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí là 15 tỷ đồng.

Tính đến nay, số lao động được tạo việc làm tăng thêm trong năm 2022 là hơn 9 ngàn người (đạt tỷ lệ 113,9% so với kế hoạch năm). Tư vấn việc làm, học nghề cho 3,5 ngàn lượt người và thực hiện giới thiệu việc làm cho 10 ngàn lao động (trong đó, giới thiệu việc làm trong nước cho hơn 9 ngàn lao động và đưa 952 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, hàng tháng có 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi đã vận động được hơn 19 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 25 ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bình Định ban hành chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số

UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 84/2022/QĐ-UBND về Quy định một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, trong giai đoạn từ 1-1-2023 đến 31-12-2025, có 5 chính sách được triển khai là: cấp không thu tiền muối i-ốt, hỗ trợ học sinh đi học, trợ giá sử dụng giống lúa lai, hỗ trợ người có uy tín, hỗ trợ bảo hiểm y tế. Cụ thể:

1. Chính sách cấp không thu tiền muối i-ốt

Cấp không thu tiền muối i-ốt cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa bàn thuộc các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.

2. Chính sách hỗ trợ học sinh đi học

a) Đối tượng hỗ trợ: Học sinh là người dân tộc thiểu số đang đi học tại các trường mẫu giáo, mầm non và phổ thông các cấp thuộc các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

b) Mức hỗ trợ:

Học sinh mẫu giáo, mầm non được hỗ trợ 160.000 đồng/học sinh/tháng (trừ đối tượng đã được thụ hưởng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và các quy định sửa đổi bổ sung khác).

Học sinh đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc nội trú (trừ đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17-7-2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục và Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn) không được hưởng chính sách nội trú hoặc bán trú thì được hưởng hỗ trợ mỗi tháng bằng 30% mức lương cơ sở.

Hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh đang học bán trú tại các trường phổ thông, dân tộc bán trú, nội trú trên địa bàn tỉnh Bình Định: 240.000 đồng/học sinh/tháng.

Học sinh đang học tại các trường phổ thông tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (trừ đối tượng đã được hưởng theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn) được hỗ trợ mỗi tháng bằng 20% mức lương cơ sở.

Các mức hỗ trợ tại điểm b khoản 2 Điều này được hưởng theo thời gian học thực tế tối đa 9 tháng/năm học. Nếu học sinh bỏ học thì không tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại điểm b Khoản 2 điều này.

3. Trợ giá sử dụng giống lúa lai

a) Định mức lượng giống lúa lai cho 01 ha gieo trồng: 45 kg/ha.

b) Loại giống trợ giá: Các giống lúa lai có trong cơ cấu giống của tỉnh.

c) Mức trợ giá, đối tượng hỗ trợ: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% và ngân sách huyện, xã hỗ trợ 50% giá giống lúa lai cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa bàn thuộc các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát; hỗ trợ không quá 2 vụ/năm (vụ Đông Xuân và Hè Thu).

d) Điều kiện hỗ trợ: UBND các huyện xây dựng kế hoạch sản xuất lúa lai trên diện tích đảm bảo nguồn nước tưới theo kế hoạch sản xuất hàng năm của địa phương; sử dụng kinh phí của địa phương để hỗ trợ thêm về phân bón, tập huấn kỹ thuật nhằm đảm bảo nâng cao năng suất và hiệu quả trong việc sử dụng giống lúa lai.

4. Chính sách hỗ trợ người có uy tín

a) Đối tượng hỗ trợ: Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định (theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số). Người có uy tín thuộc đối tượng thụ hưởng nhiều mức hỗ trợ thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.

b) Mức hỗ trợ: Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng để tham gia công tác vận động, tuyên truyền tại cơ sở.

5. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế

a) Đối tượng hỗ trợ: Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Định.

b) Mức hỗ trợ: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế (70% mức đóng bảo hiểm y tế còn lại do ngân sách Trung ương hỗ trợ). Nguồn kinh phí thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Quảng Nam dành kinh phí khoảng 810 tỷ đồng cho người có công và bảo trợ xã hội

Tại Quảng Nam, trong năm 2022, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, nhiều chính sách về lao động, người có công và bảo trợ xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, đạt hiệu quả. Sở LĐ, TB&XH tỉnh đã thực hiện trợ cấp tại cộng đồng cho 100.894 đối tượng và 13.821 cá nhân, hộ gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng với kinh phí khoảng 810 tỷ đồng.

Năm 2022, công tác chăm lo đời sống người có công tiếp tục được thực hiện kịp thời. Giải quyết kịp thời hồ sơ người có công, xác nhận và thực hiện chế độ đối với 7.762 trường hợp; ban hành quyết định điều dưỡng tập trung đối với 2.784 trường hợp; điều dưỡng tại gia 10.727 trường hợp; tổ chức vận động thu quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh được hơn 7,3 tỷ đồng.

Đối với công tác bảo trợ xã hội, Sở LĐ, TB&XH đã triển khai hướng dẫn, theo dõi thực hiện trợ cấp tại cộng đồng cho 100.894 đối tượng và 13.821 cá nhân, hộ gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng BTXH tại cộng đồng với kinh phí khoảng 810 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 549 người tại các cơ sở BTXH trực thuộc Sở.

Trong các dịp lễ, tết, ngành đã tổ chức thăm, tặng quà cho các đối tượng gặp khó khăn với kinh phí hơn 15,6 tỷ đồng. Thực hiện cấp miễn phí 59.647 thẻ BHYT cho người nghèo, 78.546 người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đóng BHYT cho 10.293 người cận nghèo.

Toàn tỉnh thực hiện cho vay 5.508 lượt hộ nghèo với doanh số cho vay 279 tỷ đồng; 6.268 lượt hộ cận nghèo, doanh số 338 tỷ đồng; 6.245 lượt hộ mới thoát nghèo, doanh số 342 tỷ đồng. Theo kết quả sơ bộ tính đến ngày 15-12, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 29.314 hộ, giảm 3.813 hộ so với năm 2021. Kết quả giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Công tác lao động, việc làm được các cấp, ngành quan tâm. Tổng số lao động có việc làm tăng thêm năm 2022 là gần 21.000 người; toàn tỉnh có hơn 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động thất nghiệp dưới 4%; tần suất tai nạn lao động chết người giảm 4%. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Trong năm 2023, ngành LĐ, TB&XH tỉnh đặt mục tiêu: Số lao động có việc làm tăng thêm là 16.000 người; 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổng chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023 là 24.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 71%; kịp thời thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có công; 100% các đối tượng BTXH đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại thiên tai, lũ lụt được trợ giúp kịp thời; giảm 3.000 hộ nghèo; huy động quỹ Bảo trợ trẻ em 05 tỷ đồng…

Nghệ An dự kiến chi hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng khó khăn dịp Tết Nguyên Đán

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 878/KH-UBND về việc thực hiện đảm bảo công tác chính sách người có công với cách mạng và an sinh xã hội trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo Kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện chính sách thăm, tặng quà Tết Nguyên đán Quỹ Mão năm 2023 cho các đơn vị và đối tượng trên địa bàn tỉnh là 70.480.650.000 đồng. Trong đó, đối tượng quà tặng của Chủ tịch nước do Ngân sách Trung ương đảm bảo cho 83.023 người, với kinh phí là 25.483.500.000 đồng; thăm, tặng quà Tết của Chủ tịch UBND tỉnh và hỗ trợ hộ nghèo đón Tết, chúc thọ người cao tuổi do Ngân sách tỉnh đảm bảo, với kinh phí 25.134.450.000 đồng; tặng quà Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023 do ngân sách cấp huyện, xã đảm bảo cho 66.209 người, mức quà 300.000 đồng/người, với kinh phí 19.862.700.000 đồng.

Ngoài ra, còn có các chính sách khác như: Trình Chủ tịch Nước tặng thiệp mừng thọ cho 685 người cao tuổi tròn 100 tuổi; trình Chính phủ hỗ trợ 1.325.955 kg gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cho 20.133 hộ, với 88.397 nhân khẩu.

Kế hoạch số 878/KH-UBND được ban hành nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhân dân đối với người có công với cách mạng, an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 được vui Tết, đón Xuân, góp phần giữ vững an ninh, chính trị xã hội của tỉnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất