Khi tự do cá nhân gắn với lợi ích cộng đồng

Chủ trương nói trên là hoàn toàn đúng, bởi nó đã thực hiện một bước tiến mới trong sự nghiệp canh tân đất nước: Xóa bỏ tận gốc cơ chế quan liêu bao cấp, tạo ra một chân trời rộng mở cho từng địa phương, từng đơn vị và mỗi cá nhân, tạo cơ hội để tự do sáng tạo, tự chủ, tự quyết định, dám nghĩ dám làm và tự chịu trách nhiệm. 

Tự do - năng lực tự quyết định một cách có hiểu biết

Con người, bất cứ ai, ngay từ lúc mới bắt đầu phôi thai, ra đời, lớn lên, học tập, lao động và mưu sinh… đều bị chi phối bởi những hoàn cảnh nhất định. Không ai có thể tự chọn cho mình một người mẹ, một làng quê, một dân tộc, một Tổ quốc.

Ngược lại, khi ra đời, thiên nhiên đã có sẵn tất cả những hoàn cảnh, những điều kiện, không gian, trời, biển, đất đai, ruộng đồng, sông núi. Dân tộc từ ngàn đời đã định hình phong tục, tập quán đến cách thức sản xuất, lao động… và kèm theo đó là vô vàn các mối quan hệ xã hội của con người, của cộng đồng người (gia đình, làng xóm, phố phường, dân tộc, nhà nước, quốc gia và quốc tế), trong đó quan hệ kinh tế, sức sản xuất, chế độ sở hữu và truyền thống văn hóa giữ vai trò nền tảng chi phối và quyết định. Tất cả những cái đó là hoàn cảnh khách quan, tất yếu.

Hầu hết các nhà tư tưởng, văn hóa lớn của loài người, trong đó có C. Mác và Ph. Ăng-ghen, đều khẳng định: Khách quan vốn bướng bỉnh, dù vật vã thế nào thì cũng từ hoàn cảnh của mình mà đi lên, có nghĩa là con người phải có hiểu biết, có nhận thức để nắm bắt được qui luật khách quan của tự nhiên và xã hội. Càng hiểu biết, càng nhận thức được cái tất yếu thì con người càng tự do. Do vậy, tự do suy cho cùng là ở sự nhận thức được cái tất yếu.

Hoàn cảnh khách quan không đứng im, không đông cứng, ngược lại nó biến đổi không ngừng. Vì vậy, nhận thức của con người về tự nhiên và xã hội, về thế giới cũng như về chính bản thân nó cũng phải không ngừng biến đổi, đổi mới, nâng cao. Nhưng muốn có nhận thức đúng nghĩa là hiểu và nắm bắt được qui luật của tự nhiên, xã hội và hiểu được khuynh hướng phát triển của nó thì chỉ có một con đường, một phương pháp là giáo dục và tự giáo dục, tự rèn luyện. Chính Ph. Ăng-ghen (và sau này là Hồ Chí Minh) đã nêu một gương sáng cho nhân loại: học - tự học - học suốt đời - học trong sách vở, trong trường lớp và học trong trường đời.

Xã hội ta đang coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Người người, nhà nhà nô nức đi học và ra sức cố gắng đạt được tấm bằng, học vị, học hàm, càng cao càng tốt. Nhưng vấn đề đặt ra là học lấy bằng cấp để làm gì? Có lẽ cũng chính Ph. Ăng-ghen là người đầu tiên trong lịch sử những nhà khoa học cách mạng đã nêu ra tư tưởng: Học là để giành lấy tự do.

Ph. Ăngghen

Ph. Ăng-ghen là người đầu tiên trong lịch sử những nhà khoa học cách mạng đã nêu ra tư tưởng: Học là để giành lấy tự do.

Bởi theo ông: “Tự do không phải là ở sự độc lập tư tưởng đối với các qui luật tự nhiên mà là nhận thức được các qui luật đó và ở các khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những qui luật đó tác động một cách khoa học nhằm những mục đích nhất định”1. Ông cũng đã nhấn mạnh rằng luận điểm trên đúng với cả đời sống xã hội lẫn ý chí, tư duy của con người.

Ông viết: “… Như vậy, tự do của ý chí chẳng qua chỉ là cái năng lực quyết định một cách có hiểu biết. Do đó, sự phán đoán của một người về một vấn đề nhất định, càng tự do bao nhiêu thì nội dung của sự phán đoán sẽ được quyết định với một tính tất yếu càng lớn bấy nhiêu; còn sự không giải quyết, do không hiểu biết mà ra… chứng tỏ nó không có tự do, nó bị chi phối bởi đối tượng mà lẽ ra nó phải chi phối.

Vì vậy, tự do là sự chi phối được chính bản thân và tự nhiên bên ngoài, một sự chi phối dựa trên sự nhận thức được những tất yếu của tự nhiên; do đó nó là tất yếu của một sản phẩm của lịch sử” và ông kết luận: “mỗi bước tiến lên trên con đường văn minh lại là một bước tiến tới tự do”2.

Tất cả những vụ “quan tham, lại nhũng” vừa qua chứng tỏ rằng người ta, bất cứ ai, cũng đều phải trả giá cho sự ngu dốt của mình như Ph. Ăng-ghen đã từng cảnh báo. Sự ngu dốt ở đây chính là không có nhận thức đúng về tự do, không hiểu tự do là sự nhận thức được cái tất yếu của lịch sử phát triển xã hội và tự do là sự nhận thức để chi phối được đối tượng chứ không để đối tượng (tiền bạc, danh vọng, sự sa đọa…) chi phối lại mình. 

Thực hiện phân cấp, giao nhiều quyền cho cấp dưới và cơ sở, dành ưu tiên cho cán bộ lãnh đạo, quản lí, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được tự do trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Đó là một bước tiến dài trong cơ chế quản lí của Đảng và Nhà nước ta. Đó là nhận thức về tính tất yếu của sự phát triển xã hội hợp quy luật. “Xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” như C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã dự báo.

Không để lợi ích cá nhân “cầm tù”

Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thực chất là một xã hội tự do mà chúng ta đang dựng xây, kiến tạo. Nhưng rất tiếc là trong khi thực hiện cơ chế quản lí mới, không ít người đã không nhận thức được cái tất yếu nên đã mắc khá nhiều khuyết điểm, tội lỗi như lạm quyền, phớt lờ cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm qui chế dân chủ, độc đoán chuyên quyền, coi thường kỉ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước…

Có phải họ đều là những người ít được đào tạo về lí luận, chuyên môn, nghiệp vụ không? Hoàn toàn không phải. Qui chế bầu cử và bổ nhiệm cán bộ bắt buộc người được giao nhiệm vụ đã phải qua những trường lớp nhất định, mỗi chức danh đều có tiêu chuẩn rõ ràng. Nhiều người nói vanh vách về dân chủ, về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, về kỉ luật và pháp luật…Nhưng họ nói một đằng làm một nẻo. Vì sao vậy? Theo chúng tôi, một số người được học hành tử tế, lại đã qua thực tế rèn luyện, trước khi được giao chức quyền họ cũng đã được quần chúng tín nhiệm nhưng khi thi hành công vụ họ đã lầm lạc, bị “chủ nghĩa cá nhân cầm tù” như Bác Hồ đã nhiều lần chỉ rõ. Do vậy, họ đã không có nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, giữa lợi ích của cái tôi riêng lẻ và lợi ích của tập thể, của Nhà nước. Vì cá nhân chủ nghĩa, họ u tối trong nhận thức về lợi ích và tà tâm trong hành động khiến họ mất “năng lực quyết định một cách hiểu biết”, họ không có tự do “nó bị chi phối bởi đối tượng mà lẽ ra nó phải chi phối”, và nguy hại nhất là nó không “chi phối được chính bản thân”.

Những người đó quên mất rằng con người bao giờ cũng là con người xã hội. Xã hội không phải là một cá nhân riêng lẻ. Nó là tập hợp của nhiều cộng đồng lớn, nhỏ trong mối quan hệ đan xen, tác động lẫn nhau giữa cá nhân - gia đình - dòng tộc - dân tộc - Tổ quốc - nhà nước… Song trong sự vận động và phát triển của cộng đồng bao giờ cũng do những cá nhân sống và hoạt động theo đuổi những lợi ích khác nhau nhằm thỏa mãn những nhu cầu khác nhau.

Nhưng chính những nhu cầu - lợi ích - mục đích hoạt động ấy của mỗi cá nhân lại bị ràng buộc trong mối quan hệ với những người khác, với xã hội, thành ra nó luôn luôn bị chi phối bởi cái tất yếu trong mối quan hệ nhân quả: Cá nhân - xã hội mà trong đó dẫn dắt sự hoạt động của cá nhân và thúc đẩy sự phát triển xã hội luôn luôn do lợi ích đóng vai trò là nhân tố quan trọng nhất trong đời sống xã hội. Giải quyết thỏa đáng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội luôn luôn là động lực của sự phát triển của mỗi cá nhân và của xã hội.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu lợi ích của cá nhân càng cao. Nhưng xã hội phát triển bao giờ cũng thông qua hành động của các cá nhân. Và như vậy, động lực thúc đẩy con người trong hoạt động để thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của họ cũng chính là động lực thúc đẩy xã hội. Nhận thức về lợi ích như trên cần phải được soi sáng bởi chân lí mà Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra là: Động lực thúc đẩy xã hội tuy là động lực của các cá nhân nhưng không phải là động lực của một số cá nhân riêng lẻ mà là động lực lao động, thôi thúc hàng triệu, hàng chục triệu con người của cả xã hội (quốc gia, dân tộc…) trong những thời điểm lịch sử nhất định. Động lực của xã hội ta ngày nay là ai cũng được tự do phát triển, được làm giàu chính đáng, là dân giàu, nước mạnh, là công bằng, dân chủ, văn minh cho tất cả mọi người.

Xã hội lành mạnh luôn luôn hướng dẫn, thúc đẩy, khích lệ, cổ vũ động lực đúng đắn của mỗi cá nhân và mỗi cá nhân khi hoạt động với động cơ phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng thì khi ấy xung đột giảm thiểu, tạo ra sự hài hòa, đồng thuận cùng phát triển. Ngược lại sẽ dẫn tới một trong hai khả năng sau: Phá vỡ cấu trúc xã hội, đòi hỏi thiết lập một cấu trúc mới, một thiết chế mới; hoặc là, những cá nhân đi ngược dòng với sự phát triển chung sẽ bắt buộc phải “dừng lại”, “quay lại” và “nhận thức lại”, “xác định lại” nhu cầu lợi ích để hành động hợp qui luật chung của sự tiến hóa. Nếu không, cá nhân đó sẽ bị đào thải, bị cầm tù trước cái tất yếu, tức là họ đã không có tự do.

Giao quyền hành và trách nhiệm cho cá nhân người đứng đầu, Đảng và Nhà nước ta cũng đồng thời trao quyền và trách nhiệm cho những người khác trong cơ quan, đơn vị, cho tất cả mọi người. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được bảo đảm bằng các văn bản chính trị, pháp lí nhằm điều chỉnh để ai cũng được tự do sáng tạo, tự do mưu cầu lợi ích và hạnh phúc cá nhân.

Như vậy, suy cho cùng, tự do là ai muốn làm gì thì làm nhưng tuyệt đối không được vi phạm tự do của người khác, của cộng đồng, dân tộc và xã hội.

Để có tự do không thể chỉ chạy theo bằng cấp mà nhất thiết phải bằng giáo dục của kỉ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, quan trọng hơn là bằng tự học, tự tu dưỡng và rèn luyện của mỗi người. Tự do không thể chỉ là lời nói suông, là sự thuyết giáo, răn dạy mà là trầm tĩnh của suy tư, tự vấn lương tâm, tự biết mình và biết rõ thời cuộc, biết tiến, biết dừng và phải biết xấu hổ như Bác Hồ từng răn dạy. 

1, 2. C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập, tập 5, NXB Sự thật, H.1983, tr.163, 164. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất