AI và sự tác động đến vấn đề nhân quyền

PGS, TS. Nguyễn Tiến Dũng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

AI - “Thiên thần” hay “quỷ dữ” do con người quyết định

John McCarthy, nhà khoa học máy tính người Mỹ trở thành cha đẻ của AI khi ông đưa ra khái niệm Artificial Intelligence (AI) năm 1956 ở Dartmouth (New Hampshire, Mỹ). Ba thập niên (70, 80, 90) của thế kỷ XX, được gọi là những mùa đông của AI (Artificial Intelligence Winter). Vì đó là những thập niên AI thiếu dần nguồn tài trợ trong khi khoa học máy tính lại có những bước tiến quan trọng.

Ngày 30-11-2022, AI đã tạo được sóng trong học thuật và thực tế với hình hài và tầm vóc của nó khi OpenAI (Mỹ) cho ra mắt ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer). ChatGPT đã giúp cho người ta hình dung thật hơn về trí tuệ nhân tạo với hai hướng tích cực và những vấn nạn mà nó có thể tạo ra. Bởi thế, ChatGPT đã đẩy cuộc  tranh đua về AI đi vào thời kỳ mới với sự quyết liệt không chỉ ở các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga mà cả ở những nước tầm tầm bậc trung. Người ta hiểu rằng “Bất cứ ai dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn đầu thế giới”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Song song với điều đó là sự cảnh giác, nghi ngờ về AI cũng tăng lên. Giới khoa học ngày càng rõ dần về sự hai trong một của AI: Thiên thần ở đó và quỷ dữ cũng ở đó. Không nghi ngờ gì nữa, AI là  lực lượng trí tuệ không thể thay thế trong thời đại 4.0 để kiến thiết một kiểu xã hội chỉ có trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, những câu chuyện cổ tích AI có quyền năng như chiếc đũa thần trong cổ tích nổi tiếng ở phương Tây, AI sẽ mở ra những nhận thức mới về thế giới, về xã hội về bản thân con người.

Ở phương diện khác, Stephen Hawking (1942-2018), nhà khoa học nổi tiếng hiện đại, lại nhìn AI từ Aladin và cây đèn thần trong thần thoại nổi tiếng của xứ Ba Tư, với những cảm giác e ngại về thần đèn khi đã ra khỏi đèn nhưng thiếu đi sự kiểm soát, giống như trí tuệ nhân tạo đã phát triển đến hoàn chỉnh.

Hiện nay, AI mới chỉ là đứa trẻ đang lớn. Các nhà khoa học cho biết những gì nhân loại nhận thức được về AI hiện nay mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Do vậy, sự lạc quan thái quá hoặc những bi quan về AI đều chưa thể là những kết luận. “Chiếc đũa thần” hay “Bóng ma của sự tha hóa” mới chỉ dừng lại ở dự báo từ khoa học tương lai.

Trí tuệ có ba cấp độ là AI hẹp (Artificial Narrow Intelligence - ANI), còn được gọi là AI yếu; AI tổng quát (Artificial General Intelligence - AGI), còn được gọi là AI mạnh và siêu AI Siêu AI (Artificial Super Intelligence - ASI). Sự ám ảnh nhân loại về ngày tận thế tăng dần theo cấp phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, AI mới ở cấp độ là hẹp, chưa có ảnh hưởng phổ biến trong mọi lĩnh vực. ANI chưa đạt tới trí thông minh tổng quát. Con người chưa tìm ra cách khớp một số thuật toán cho máy móc vì vỏ não sinh học còn ẩn dấu nhiều thủ thuật bí mật khoa học còn chưa thể khám phá. Điểm yếu cốt tử của trí tuệ nhân tạo hiện nay là chưa có khả năng trừu tượng. Nhưng chính gót chân Achilles này lại đưa cuộc đua của những ông lớn trí tuệ nhân tạo bứt tốc. Điều này sẽ sớm được khắc phục trong tương lai gần và đẩy nhanh tới trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).

Trí tuệ nhân tạo tổng quát tương đương với trí tuệ sinh học của con người. Nó hiểu và làm được tất cả những gì con người có thể làm với lợi thế tốc độ tính toán có thể nhanh gấp hàng tỷ lần so với bộ não sinh học của con người.

Siêu trí tuệ (ASI) là cấp độ ba của trí tuệ nhân tạo. Ở cấp độ này, trí tuệ nhân tạo đã vượt qua trí tuệ sinh học của những cá nhân ở mức siêu việt trên cả ba mặt: sáng tạo khoa học, trí tuệ tổng quát và kỹ năng xã hội. Nói một cách cụ thể, ở trình độ Siêu trí tuệ, trí tuệ nhân tạo đã đánh bại trí tuệ con người, vượt qua những giới hạn của bộ não con người để có thể khám phá và sáng tạo ra những thứ mà nó nghĩ đến. Đây là thời kỳ mà robot (tạm gọi là thế), có sức mạnh hơn con người và có thể thay thế hoàn con người.

Một câu hỏi đặt ra khi nào thì Siêu trí tuệ xuất hiện? Trong tình hình hiện nay chưa có có câu trả lời chính xác về thời gian nhưng chắc chắn trí tuệ nhân tạo sẽ vươn tới trình độ đó. Vì đó là qui luật phát triển của nhận thức. Do vậy, mọi sự can thiệp của con người dù chỉ là tạm hoãn, hay tạm dừng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cũng khó khả thi. Trình độ trí tuệ nhân tạo hiện nay, không còn là hình ảnh chiếc máy tính bàn tắt nguồn (điện) là ngưng hoạt động. Phần lớn những sự cố đã được lập trình để ứng phó, điển hình là trong lĩnh vực hàng không.

Mọi sự vật, hiện tượng đều có tính hai mặt và sự đối lập của nó. Bởi thế, chưa thể kết luận khi dữ liệu về đối tượng còn thiếu hụt. Trí tuệ nhân tạo là đũa thần hay bóng ma tha hóa là do con người quyết định cho dù xét ở bất cứ góc độ tích cực hay ngược lại. Trong Tự Bạch, một trong những câu cách ngôn La-tinh mà C. Mác (1818-1883) thích là: Tôi là con người, nên tôi không coi những gì thuộc về con người là xa lạ với tôi” ("Homo sum et nihil humanum a me alienum puto”. Điều đó có nghĩa là “Gốc rễ mọi vấn đề của con người là ở con người”).

Kiểm soát để tạo ra cơ hội phát triển 

Tiến trình hình thành của AI cho thấy, việc kiểm soát siêu trí tuệ khó khăn hơn nhiều lần việc tạo ra nó. AIS cần được kiểm soát trước khi nó xuất hiện với chính những công năng của AI. Sự kiểm soát không chỉ là bình ổn mà còn tạo ra cơ hội cho AIS là động năng chủ đạo trong sự phát triển xã hội vì một phúc lợi chung của con người.

Ngược lại, sự kiểm soát lỏng lẻo (có thể do lợi ích chi phối), siêu trí tuệ sẽ biến con người thành công cụ, thành những sinh vật đơn bào. Đó là lúc “Tất cả những phát minh của chúng ta và tất cả những tiến bộ của chúng ta, tựa hồ như đang dẫn tới chỗ là những lực lượng vật chất thì được ban cho đời sống tinh thần, còn đời sống của con người… thì lại bị hạ thấp xuống trình độ lực lượng vật chất đơn thuần”.

Tất cả những gì nói về siêu trí tuệ nhân tạo hiện nay không phải là sự lo xa của con người mà là trách nhiệm của mỗi công dân đối với vận mệnh của thế hệ tương lai, của xã hội và vì một thế giới bình yên, hiện đại. Những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu XXI, trí tuệ nhân tạo ở cấp độ hẹp (ANI) đã tạo ra nhiều kỳ tích trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Việc sử dụng có hiệu quả các thành tựu của trí tuệ nhân tạo không những là động lực xanh, sạch mà còn là lực lượng không thể thiếu trong sự tăng tốc để lấp dần khoảng cách của những quốc gia do hoàn cảnh lịch sử tạo nên.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mũi nhọn là trí tuệ nhân tạo là một trong những lực lượng vật chất và tinh thần để hoàn thành mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển thu nhập cao. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là máy cái, là bà đỡ để đi đến mục mục tiêu này: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là phương thức quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.

Trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần quan trọng trong việc khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển. Đó cũng là quá trình xây dựng lực lượng lao động tinh thông về chuyên môn, giỏi tay nghề để phát huy lợi thế của nước đi sau, tạo ra tiềm lực cho sự phát triển là quá trình thống nhất của tuần tự và nhảy vọt.

Tuy vậy, cách mạng 4.0 và trí tuệ nhân cũng làm thay đổi tận góc rễ cách con người sống làm việc và tương tác với nhau trong xã hội số, với những phương tiện thông minh, trong những ngôi nhà thông minh. Con người và robot thông minh dường như có những cách biệt mong manh. Trí tuệ nhân tạo cũng lấy dần lợi thế giá công nhân thấp ở nước ta. Những dấu hiệu về sự tước đoạt việc làm của nhiều ngành nghề… đã hiện ra ngày càng rõ nét. Không chỉ vậy, trí tuệ nhân tạo đã đặt ra gay gắt vấn đề an ninh và quyền riêng tư cá nhân khi mọi hoạt động của cá nhân đều để lại dữ liệu để phân tích.

Đây không phải là những kết luận có tính dự báo thuần túy. Trí tuệ nhân tạo tạo ra một ma trận cho sự phát triển. Trong ma trận đó cơ hội và rủi ro là ngang nhau cho mỗi xã hội và con người. Nói cụ thể, trí tuệ nhân tạo có thể là chiếc đũa thần tạo ra tinh lực để mỗi con người có thể vượt qua những giới hạn của bản thân, bước nhanh nhất với khẳng định có ý nghĩa nhất về sự sinh tồn của mình bất chấp anh từ đâu đến và sắc màu da nào.

Trước những lo ngại về sự phát triển của công nghệ AI, đặc biệt liên quan đến tính bảo mật thông tin, gây nguy hiểm cho con người và thảm họa toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn AI đầu tiên ở letchley Park (Anh), quy tụ khoảng 100 nhà lãnh đạo, học giả và giám đốc các công ty công nghệ, vừa kết thúc ngày 2-11, các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã nhất trí về cách tiếp cận chung trong việc nhận diện rủi ro và các giải pháp để giảm thiểu rủi ro của AI. Các công ty Phát triển AI hàng đầu đã nhất trí phối hợp với các chính phủ trong việc thử nghiệm các mô hình mới trước khi công bố để góp phần quản lý rủi ro do công nghệ này phát triển nhanh. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất