Đổi thay của đồng bào Ma Coong
Người dân đồng bào Ma Coong được hỗ trợ vốn để triển khai mô hình chăn nuôi bò. Ảnh: danviet.vn

Người dân đồng bào Ma Coong được hỗ trợ vốn để triển khai mô hình chăn nuôi bò. Ảnh: danviet.vn.

Nặng gánh nỗi lo giảm nghèo nơi vùng biên 

Toàn xã Thượng Trạch có 668 hộ, 3.011 nhân khẩu, trong đó tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới 77,25%. Đồng bào Ma Coong chủ yếu dựa vào làm rẫy, chăn nuôi. Bà con phải hứng nước mưa để dùng cho sinh hoạt. Giếng đào, giếng khoan không có điện để chạy máy bơm lấy nước lên. Không có máy móc xay xát, bà con vẫn nhịp chày giã gạo như bao đời nay.

Điều kiện cơ sở vật chất về y tế, văn hóa - giáo dục có nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của dạy và học, nhiều phòng học của một số điểm trường chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Một số bản cách xa trường học nên việc vận động học sinh đến trường gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Trạm y tế sử dụng máy phát điện gây khó khăn rất lớn trong công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân…

Hiện toàn xã đang sử dụng điện năng lượng mặt trời của Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, nhưng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu điện thắp sáng cho các hộ gia đình và đơn vị dịch vụ công, chưa thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Trong thời gian qua, do thiên tai khắc nghiệt và ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội của Thượng Trạch đối mặt với nhiều thách thức. Do nằm trong vùng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, đi lại khó khăn nên việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường gặp nhiều trở ngại.

Với quyết tâm không thể để bà con sống trong lòng di sản thế giới mà phải chịu đói nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, xóa đói giảm nghèo ở Thượng Trạch. Một kết quả đặc biệt quan trọng mà Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã triển khai trong năm 2022 là đẩy nhanh tiến độ đầu tư 2 dự án hạ tầng: Dự án Nâng cấp Đường 20 - Quyết thắng để phát huy các giá trị lịch sử của tuyến đường, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng biên giới và Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới Quốc gia đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất ngày càng mở rộng của bà con.

Chung tay tiếp sức giúp đồng bào thoát nghèo

Phát huy vai trò trong thực hiện công tác bảo đảm nhân quyền, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào xã Thượng Trạch, các thành viên Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh các kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 14-6-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025; Chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng mô hình phát triển sản xuất… Qua đó, giúp bà con đồng tâm, đồng lòng chia sẻ, chung sức triển khai các chủ trương, chính sách hiệu quả.

Bằng sự quan tâm, đồng hành và thấu hiểu đối với đời sống, sản xuất của đồng bào, tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng, như cầu Cà Roòng 2, ngầm Cà Roòng, ngầm Cờ Đỏ… chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các bản của xã như trước đây, góp phần tăng tính kết nối, xóa bỏ những rào cản trong hành trình giảm nghèo của bà con. Các công trình đường vào trụ sở xã, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng bản Cà Roòng 1, Khu định cư mới cho 10 hộ dân bản Cà Roòng 2, điểm trường mầm non bản Coóc, Trạm Y tế xã… đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của Thượng Trạch.

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, UBND xã Thượng Trạch đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả vượt bậc.

Phát huy lợi thế về diện tích tự nhiên và nguồn thức ăn phong phú nên UBND xã đã xác định chăn nuôi là thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế, do đó có tác động tích cực đến việc phát triển đàn trâu bò cũng như nhận thức của người dân về vấn đề chăn nuôi nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò theo hướng sản xuất hàng hóa, cải tạo, nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò địa phương. Tính đến nay, với sản lượng đàn trâu bò đạt 1.648 con, đàn dê 385 con, đàn gia cầm 2.970 con đã giải quyết công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo và tăng thu nhập cho 25 hộ chăn nuôi của xã.

Quá trình phát triển kinh tế, ý thức tổ chức sản xuất của bà con được nâng cao, tư tưởng trông chờ, ỷ lại được xóa bỏ, đây là yếu tố quan trọng để các chương trình, dự án như trồng rừng thay thế, trồng cây chè, trồng sắn, trồng nếp than tại bản Cà Roòng 2 và Bản 51; cây ăn quả tại bản Chăm Pu và mô hình trồng rau tại 18 bản… gặp nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Với diện tích 195 ha sắn, 50ha rừng thay thế và 30ha rừng kinh tế đã trồng được trong năm 2022 và việc sản phẩm măng khô của Hợp tác xã Cà Roòng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP3 sao đã mở ra niềm hi vọng, hướng đi mới cho hơn 668 hộ dân Thượng Trạch thoát nghèo.

Song song với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng các chương trình hỗ trợ phát triển y tế cơ sở. Nhờ tập trung bám sát tình hình, kịch bản, tình huống để chủ động ứng phó nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đối với từng cấp độ dịch trên địa bàn. Đến nay, Trạm Y tế xã đã tiêm được 1.378 mũi 1, 1.124 mũi 2, 990 mũi 3, 204 mũi 4; tiêm 404 mũi vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi. Các chương trình an sinh xã hội cũng được triển khai kịp thời.

Nhờ sự miệt mài, nhẫn nại của các thầy cô Trường dân tộc nội trú Thượng Trạch và các điểm trường trên địa bàn xã, giờ đây nhận thức của người Ma Coong đã thay đổi. 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường. Ở xã miền núi rẻo cao này, ngoài thầy Đinh Miệt - người đầu tiên làm thầy giáo, còn nhiều con em người Ma Coong đang học tại các trường cao đẳng, đại học. Cho đến nay đã có 9/18 bản của xã đạt danh hiệu bản văn hóa; 238 hộ đạt gia đình văn hóa; UBND xã được công nhận là cơ quan văn hóa.

Từ những ngôi nhà sàn bằng tranh nứa mục nát, đến nay 100% hộ đồng bào nơi đây đã được ở trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp tôn khang trang tại bản định cư mới… Từ chỗ chỉ biết dựa vào săn bắt, hái lượm, trồng cây lúa rừng, đến nay đồng bào nơi đây đã biết đầu tư, phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đó là kết quả của một cuộc hành trình dài mà những người đồng bào Ma Coong phải trải qua bao khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, lạc hậu mới có thể có được.

Với những bước chuyển mình mạnh mẽ, rõ nét trong năm 2022, với ý chí vươn lên của đồng bào, tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ địa phương cùng sự quan tâm, đồng hành của Trung ương, tỉnh, huyện, tin tưởng rằng, Thượng Trạch sẽ tiếp tục có những đổi thay mới. Và không chỉ thoát nghèo, mà giấc mơ làm giàu của đồng bào Ma Coong nơi đây sẽ không còn xa.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất