Chính phủ đã hỗ trợ 81.000 tỷ đồng cho hơn 50 triệu lượt người
Các đại biểu tham dự Toạ đàm. Ảnh: VGP.

Hội thảo nhằm mục đích nhìn nhận lại, đánh giá khách quan bức tranh tổng thể của nền kinh tế và quan trọng nhất là kiến tạo nhiều mảng màu tươi sáng hơn trong thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Các đại biểu khách mời đều đánh giá, bức tranh kinh tế - xã hội qua nét vẽ chính sách, đâu đó vẫn còn những khó khăn, những câu chuyện cần giải quyết triệt để vì hệ luỵ của đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế bắt đầu khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực, những “trụ cột” của nước nhà lần nữa lại được “lửa thử vàng”.

Trên phương diện khác, nhìn nhận thẳng thắn rằng một số yếu tố như giá xăng dầu tăng cao, nguồn nhân lực còn thiếu hụt và việc giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều, các khách mời đã cùng thảo luận, bàn bạc về các giải pháp đột phá cho những vấn đề căn cơ của nền kinh tế.

Đặc biệt, tại Toạ đàm, các khách mời đánh giá vấn đề an sinh xã hội được bàn luận nhiều nhất cho đến lúc này kể từ khi đại dịch xảy ra. Theo đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch COVID-19. Ví dụ như: Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công. Đặc biệt là Nghị quyết 68 với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng tất cả những chính sách này, hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân đã được nhận hỗ trợ với tổng mức 81 nghìn tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi về việc tuy chính sách hỗ trợ rất tốt đẹp nhưng có ý kiến nêu "lên ti-vi mà nhận", đồng chí Lê Văn Thanh chia sẻ, qua khảo sát thực tế, về cơ bản các đối tượng đều đã thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, trong 12 chính sách thì chính sách cuối cùng dành cho đối tượng lao động tự do được giao cho địa phương căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của từng địa phương để ban hành. Tuy nhiên, thực tế là một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc nguồn kinh phí hạn chế do dùng vào công tác phòng chống dịch, hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do… nên một số lao động không nhận được.

Bộ LĐTB&XH đã làm việc với địa phương, yêu cầu khẩn trương chi trả theo danh sách đã được phê duyệt. Nếu kinh phí thiếu, cần lập dự toán để đề nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ có thể bổ sung nguồn kinh phí cho địa phương, làm sao tất cả đối tượng đều có thể nhận được hỗ trợ.

Liên quan đến an sinh xã hội, không thể không nhắc tới vấn đề nhà ở và việc giải ngân hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thành, do các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch, đến thời điểm hiện nay, khoảng 40 tỷ đồng mới được giải ngân cho hơn 10.000 lao động. Con số này còn nhỏ so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng cho gần 4 triệu lao động, vì đây là thời gian đầu. Thêm vào đó, do nhiều nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền 1 lần, nên làm còn chậm.

Bộ LĐTB&XH vừa đi đôn đốc một số tỉnh miền Trung, Nam, Bắc để làm sao trong tháng 6 cơ bản lập được hết danh sách. Đặc biệt, người lao động phải chủ động hơn trong việc hoàn thành các thủ tục để nhận hỗ trợ.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất