Bảo tồn và phát huy bản sắc người Khơ-me tại Trà Vinh
Dạy học tiếng Khơ-me tại các chùa ở Trà Vinh

Dạy học tiếng Khơ-me tại các chùa ở Trà Vinh.

Bảo tồn chữ viết

Tiếng trẻ em véo von đọc tiếng Khơ-me rộn ràng suốt hơn 2 tháng hè tại những lớp học chùa Âng, ngôi chùa cổ thiêng thiêng của người Khơ-me ở thành phố Trà Vinh khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Điều đặc biệt ở những lớp học tiếng Khơ-me tại các ngôi chùa Phật giáo Nam tông ở Trà Vinh là những người thầy giáo đứng lớp lại chính là các nhà sư.

Với các lứa tuổi khác nhau của các bậc học phổ thông, lớp học dành cho các bạn học sinh nhỏ tuổi ở chùa Âng nào cũng sôi nổi. Những cô bé, cậu bé người Khơ-me nước da bánh mật, mắt to tròn được các sư cầm tay nắn từng nét chữ. Trong dịp nghỉ hè, các lớp học rất đông. Các bé đến lớp đều đặn ngày hai buổi, không bỏ buổi nào. Từ những buổi đầu tiếng đánh vần, ghép vần, sau hơn 2 tháng hè, các cô bé, cậu bé đã đọc lưu loát, trôi chảy một bài hát hay một đoạn văn.

Không chỉ học chữ viết, các em còn được học đạo đức, lễ nghĩa, học kinh kệ, học về sự tích của đức Phật… Cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 20 cây số, Chùa Ô Đùng tọa lạc ở xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần như một trường học thực sự. Hè năm nay, chùa đón 227 em học sinh ở mọi lứa tuổi. Suốt 2 tháng hè, ngày nào các em cũng đến chùa để học tiếng nói và chữ viết của người Khơ-me. 12 phòng học rộng rãi, khang trang, bàn ghế ngăn nắp, sách vở ngay ngắn, học sinh tuân thủ răm rắp nội quy của lớp học.

Thượng tọa Kim Mạnh, trụ trì chùa Ô Đùng cho biết, ngoài chức năng là trung tâm phát triển tâm linh và là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội, đại diện của lòng từ bi, chùa của đồng bào Khơ-me, đây còn là trung tâm giáo dục. Các vị chư tăng trong chùa sau 7 năm học Phật giáo, Phật học trở về chùa phụ giúp dạy tiếng Khơ-me trong dịp hè cho con em có độ tuổi đến trường. Riêng chùa Ô Đùng năm nay có 10 vị chư tăng có đủ khả năng dạy tiếng Khơ-me, thay phiên nhau đứng lớp.

Chùa là trung tâm giáo dục như lời của Thượng tọa Kim Mạnh với hàm ý không chỉ là nơi dạy tiếng và dạy chữ của đồng bào Khơ-me, mà còn là nơi truyền dạy cho thế hệ tương lai của người Khơ-me đạo lý, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, làm điều thiện, tránh xa điều ác.

Thượng tọa Kim Mạnh, trụ trì chùa Ô Đùng là Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh. Ông đã có nhiều sáng tác bằng tiếng Khơ-me cho Đoàn Nghệ thuật tỉnh chuyển thể thành ca khúc đi biểu diễn ở nhiều nơi. Trong không gian thanh tịnh của gian chính điện, Thượng tọa Kim Mạnh đọc cho chúng tôi bài thơ nói về công ơn cha mẹ bằng tiếng Khơ-me với chất giọng truyền cảm” “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” - bài thơ được vị Thượng tọa thường đọc trong mỗi khóa lễ hay trong những lần nói chuyện với các em học sinh đang theo học tại chùa.

“Hầu hết chùa Khơ-me đều thể hiện sự gắn bó giữa đạo với đời, cũng là nơi lưu giữ rõ nhất những nét văn hóa đặc sắc của người Khơ-me. Muốn hiểu biết phong tục tập quán của người Khơ-me, chỉ cần thăm chùa là hiểu được 99%”, Thượng tọa Kim Mạnh chia sẻ.

Những lễ hội lớn gắn với phong tục tập quán của đồng bào Khơ-me Nam Bộ đều được diễn ra trong không gian chùa như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Sen Đôn Ta, lễ hội Ok Om Bok và các nghi lễ dân gian đặc trưng như lễ cầu mưa, lễ cầu an, lễ cúng Neak Tà…

Tốt đời, đẹp đạo

143 ngôi chùa Khơ-me bề thế, kiến trúc độc đáo, cầu kỳ với nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo thể hiện tinh thần và khát vọng hướng đến cái thiện, tránh xa điều ác của Phật giáo Nam tông ở Trà Vinh đang từng ngày xây dựng nên giá trị và vị thế không thể thay thế trong đời sống của người Khơ-me. Phật tử tới lễ chùa đều đặn vào 4 ngày: 2, 8, 15, 30 hằng tháng để dâng cơm chay cúng cho cha mẹ đã mất, để cầu mong ban phước lành cho gia đình, con cái… Người Khơ-me vui cũng đến chùa, buồn cũng đến chùa. Sư cả, trụ trì các chùa được đồng bào tôn kính, nể trọng. Vì thế mà toàn tỉnh Trà Vinh có 450 người có uy tín, phần nhiều trong số này là các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức trong các ngôi chùa của đồng bào Khơ-me.

Những năm qua, các sư cả trong những ngôi chùa ở Trà Vinh đã cùng với chính quyền địa phương đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo, dân tộc của Đảng, Nhà nước tới các phật tử, đồng bào Khơ-me, nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, giúp đồng bào có được sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và hành động, tạo nên những đổi thay đáng kể trong đời sống của người Khơ-me ở vùng hạ lưu dòng sông Cửu Long.

Các em học sinh người Khơ-me học tiếng dân tộc mình tại chùa Long Trường

Các em học sinh người Khơ-me học tiếng dân tộc mình tại chùa Long Trường.

Huyện Trà Cú có hơn 80% dân số là người Khơ-me. Đều đặn hằng tháng, sư cả Thạch Sa Vane, trụ trì chùa Long Trường và các cán bộ xã Tân Hiệp lại tới tận nơi thăm bà con có hoàn cảnh khó khăn. Tới thăm căn nhà của bà Kim Thị Sách, một trong những hộ nghèo vừa được Đại đức Thạch Sa Vane vận động phật tử và mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà, mới thấy được giá trị to lớn mà chùa Long Trường đã mang lại cho đồng bào Khơ-me nơi đây. Bà Kim Thị Sách đã bật khóc bởi sau bao năm vất vả, giờ ở tuổi ngoài 60, bà đã được sống trong căn nhà mới ngăn nắp, sạch sẽ: “Từ nay, tôi yên tâm làm ăn thoát nghèo”.    

Tính đến thời điểm này, Chùa Long Trường đã vận động xây cất hơn 70 căn nhà tình thương, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng giúp bà con thoát nghèo. Điều này thêm khẳng định vai trò của các sư cả trong những ngôi chùa Khơ-me.

Giải thích cho sự hòa quyện giữa đạo và đời trong những ngôi chùa Khơ-me ở Trà Vinh trong thời gian qua, Đại đức Thích Giang So Thanh, Chánh Văn phòng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Trà Cú, trụ trì chùa Bãi Sào Giữa (xã Kim Sơn) cho rằng, chính là do các dân tộc, tôn giáo ở Trà Vinh được hưởng thụ đầy đủ những chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước; chính quyền địa phương cũng quan tâm, tạo điều điện để các tôn giáo phát triển, sống tốt đời, đẹp đạo. “Trong năm 2022, chùa đã cất được 12 căn nhà cho các hộ nghèo trong xã. Đối với các thanh niên một thời lầm lỗi, chùa cũng đã vận động hỗ trợ bò giống để họ có thêm cơ hội hoàn lương, cải thiện kinh tế gia đình”, Đại đức Thích Giang So Thanh chia sẻ.

Chùa Bài Xào Giữa từ nhiều năm nay đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cũng như các hoạt động công ích do địa phương phát động. Ngay như việc cấp căn cước công dân có gắp chip, chùa cũng chủ động phối hợp với UBND xã sử dụng địa điểm chùa phục vụ lực lượng Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân. Chùa cũng đã phối hợp với lực lượng Công an hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho bà con trong hai năm khó khăn của dịch COVID-19.

Ở các ngôi chùa Khơ-me, sư cả trụ trì không chỉ chăm lo phật pháp mà còn cùng với chính quyền tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện tại địa phương, vận động các cơ sở thờ tự trên địa bàn treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết, kỷ niệm trọng đại của đất nước. Sư cả cũng vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, không tham gia đua xe và các tệ nạn xã hội. Có thể kể đến Câu lạc bộ “Tuyên truyền cảm hóa giáo dục đối tượng tại chùa Ngãi Hòa” do Thượng tọa Thạch Út, trụ trì chùa Ô Chhuc ở ấp Ngãi Hòa, huyện Tiểu Cần cùng với Công an cơ sở và chính quyền địa phương xây dựng. Các vị chức sắc phật giáo tham gia tổ cảm hóa giáo dục cộng đồng, hoà giải bất đồng trong đời sống của phật tử, cùng với địa phương vận động đối ứng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn, vệ sinh cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới...

Thế hệ mới của người Khơ-me

Khi nhắc đến thế hệ trẻ, con em đồng bào Khơ-me đang cần mẫn học, lưu giữ bảo tồn tiếng và chữ viết của đồng bào Khơ-me, Gặp NSƯT Sang Sết lại rưng rưng xúc động. Với một nghệ sĩ gắn bó với mảnh đất này, một người Khơ-me yêu dân tộc, yêu chữ viết của dân tộc mình với rất nhiều công trình đồ sộ được biên soạn bằng tiếng Kinh và tiếng Khơ-me, ông hiểu cần làm gì để đồng bào Khơ-me phát triển. Đó chỉ có thể là con đường được tiếp cận học cao hơn nữa.

“Tôi đã hai lần bật khóc khi UBND tỉnh Trà Vinh có quyết định cho thành lập Trường Trung cấp Pali - Khơ-me Trà Vinh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khơ-me Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh được thành lập. Con em đồng bào Khơ-me có cơ hội học tập cao hơn, văn hóa dân tộc Khơ-me được bảo tồn là cánh cửa để thế hệ trẻ người Khơ-me tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội”, NSƯT Sang Sết vui mừng nói.

Hiện Trường Trung cấp Pali - Khơ-me, một trường chuyên biệt đào tạo 2 hệ, vừa học Phật học, vừa học phổ thông, nhận được sự hỗ trợ toàn bộ của Nhà nước đã đào tạo được 6 khóa. Kết quả rất khả quan khi 176 chư tăng, học sinh tốt nghiệp, có 75 học sinh đỗ vào các trường đại học, 20 vị chư tăng làm trụ trì các chùa, số còn lại hoàn tục đi làm ăn, một số đi làm việc ở Nhật Bản. 

Không chỉ NSƯT Sang Sết bày tỏ niềm vui hân hoan về những sự thay đổi chuyển mình của đời sống đồng bào người Khơ-me, mà nhiều người Khơ-me ở các huyện Trà Cú, Tiểu Cần - nơi có đến hơn 80-90% đồng bào Khơ-me sinh sống, đều bày tỏ sự vui mừng khi chia sẻ về sự phát triển của con cái họ.

Nếu như trước đây, đồng bào người Khơ-me chỉ biết làm nông nghiệp, rất ngại giao thương, ngại kinh doanh, chưa có nhiều người tham gia các ngành nghề đòi hỏi trình độ cao thì nay đã khác. Ông Trương Dừa, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú cho biết, nhiều năm trước, thanh niên ở xã đa số đều đi tu trước khi đi làm, nhưng giờ rất nhiều cháu đi học, đi làm ở trong và ngoài tỉnh. “Trong xã đã có cháu đi học và trở thành bác sĩ, giáo viên, số cán bộ, đảng viên là người Khơ-me cũng đã tăng lên”. Bác Trương Dừa không ngại ngần khoe gia đình bác cũng có ba người con làm trong ngành y, đứa làm điều dưỡng, đứa làm y tá, còn có con dâu là cán bộ của Ủy ban Dân tộc tỉnh.

Gặp các nữ sinh Khơ-me trong lớp học tiếng Khơ-me tại chùa Long Trường trong mùa hè này, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt thành với tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ trên những gương mặt căng tràn sức sống, đặc biệt là những đôi mắt đen tròn của thiếu nữ người Khơ-me. Cô bé Ra có nước da bánh mật, ánh mắt sáng thủ thỉ kể về ước mơ trở thành một người làm kinh doanh giỏi: “Con cố gắng học và thi đỗ đại học để được đi nhiều nơi như các cô”. Nhóm bạn của Ra đã dành hơn 2 tháng nghỉ hè để vào chùa học thêm tiếng Khơ-me cả sáng lẫn chiều.

Cuộc sống của các cô bé, cậu bé Khơ-me như Ra đang được hưởng thụ những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khơ-me của tỉnh Trà Vinh và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, đang được tỉnh trà Vinh triển khai… Chúng ta càng có niềm tin về một thế hệ người Khơ-me có trình độ học vấn cao, thông thạo tiếng và chữ viết dân tộc mình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất