An ninh con người - Mục tiêu của phát triển (tiếp)
Nghị quyết Đại hội XIII đã phát triển lên một tầm cao mới nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

An ninh con người là trung tâm của chiến lược phát triển

Lần đầu tiên, thuật ngữ “An ninh con người” đã xuất hiện trong các Văn kiện Đại hội XIII với tư cách là một nội dung lý luận mới, bao quát trong toàn bộ lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết, Đại hội xác định việc bảo đảm an ninh con người thực chất là việc phát huy nhân tố con người, đề cao nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội. Kế thừa quan điểm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Nghị quyết Đại hội XIII đã phát triển lên một tầm cao mới nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững”. Đây thực chất là sự cụ thể hóa các tư tưởng lập hiến đã nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến 2025 (50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước), 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).

Bên cạnh đó, Đại hội xác định bảo vệ an ninh con người nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”. Đây là sự tiếp nối nhất quán nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề xã hội như một nội dung đặc biệt quan trọng vì mục tiêu phát triển con người. Đó cũng là hạt nhân của định hướng XHCN trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội ta, chế độ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, luôn lấy con người làm mục tiêu phát triển. Có thể khẳng định, Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách, quyết nghị của Đảng ta. Ý Đảng - Lòng Dân chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để đất nước vững bước đi lên, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Là trung tâm của chiến lược phát triển, nên an ninh con người được đề cập toàn diện trong nhiều nội dung, lĩnh vực, bao quát toàn bộ những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phát triển con người. Trong số 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, có 02 định hướng đề cập “an ninh con người”, cụ thể: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...” và “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…”.

Như vậy, an ninh con người được Đại hội XIII thể hiện rõ nét cả trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; về quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; về những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và trong nhiều nội dung quan trọng khác, đặc biệt là được mở rộng và thể hiện một cách bao trùm trong tất cả các mặt của cuộc sống của con người và các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế… Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc bảo đảm an ninh con người trong bối cảnh mới mà quan trọng hơn là từng bước làm cho vấn đề an ninh con người được thẩm thấu trong suy nghĩ và trong hành động của các cơ quan, nhân viên nhà nước, trong các cấp, các ngành và trong toàn xã hội, vì sự an toàn của mỗi cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia

Đại hội XIII xác định bảo vệ an ninh con người là bảo vệ an ninh quốc gia, coi an ninh con người là một bộ phận của an ninh quốc gia. Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã khẳng định: Đại hội đã đưa ra nhận thức mới về an ninh quốc gia một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống. Theo đó, an ninh quốc gia bao gồm: An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh kết nối, an ninh mạng, an ninh doanh nghiệp, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân cư, an ninh dân số, an ninh cơ sở dữ liệu, an ninh môi trường, an ninh con người… Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia là mối quan hệ thống nhất biện chứng hữu cơ với nhau. Bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ an ninh con người, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Đồng thời, với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người dân có quyền được bảo đảm an ninh quốc gia để bảo đảm và thực hiện các quyền không thể thiếu về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh lãnh thổ. Bảo đảm an ninh quốc gia là trách nhiệm quan trọng nhất của quốc gia, cũng chính là nhằm bảo đảm an ninh con người. Ngược lại, không thể bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia nếu như không bảo đảm an ninh con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được thế giới thừa nhận là một trong những quốc gia có Chỉ số hạnh phúc cao của châu Á. Hiền nhân đã từng dạy rằng: “Quốc thái, dân an”, điều này có nghĩa đất nước phải yên bình thì người dân mới có thể tập trung yên ổn làm ăn. Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh với một thể chế chính trị ổn định, mọi phương hướng hoạt động của đất nước đều đi theo một chỉ thị nhạy bén và đúng đắn duy nhất nên giữ vững được sự ổn định của nền an ninh - quốc phòng của Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc bảo đảm an ninh con người

Chăm lo, phát triển con người - tiền đề bảo đảm an ninh con người

Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ mối quan hệ giữa văn hóa và con người, đặc biệt chú trọng vấn đề chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người. Trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng vào các tiến trình của thế giới, việc gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” với “hệ giá trị gia đình Việt Nam” là một nhận thức mới, trong đó đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng của nó, với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các hệ giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Hơn nữa, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên vô cùng quan trọng, đặc biệt là nơi hình thành và nuôi dưỡng những mầm móng đầu tiên có ý nghĩa định hướng về tính cách của mỗi con người. Vì thế, đây cũng chính là cách đặt vấn đề về sự cần thiết phải quan tâm, có những giải pháp, điều kiện tích cực hơn trong việc xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới, vì mục tiêu bảo đảm an ninh con người một cách bền vững.

Trong vấn đề phát triển con người để hướng tới bảm an ninh con người, Đảng ta chú trọng nhấn mạnh đến giáo dục và bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, coi đây là đối tượng quyết định tương lai của đất nước, cần được giáo dục, bồi dưỡng toàn diện, song cũng là lớp người dễ bị tổn thương, cần được quan tâm và bảo vệ tốt hơn nữa. Lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của Đảng đặt vấn đề “khắc phục những hạn chế” trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời với việc giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong lịch sử.

Có thể khẳng định, trong Văn kiện Đại hội XIII, an ninh con người là một trong những vấn đề trọng tâm, hàm chứa cách tiếp cận đa chiều, thể hiện tư duy lý luận mới của Đảng. GS, TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định: “Càng ngày người ta nhìn nhận vấn đề này càng cao, càng sâu sắc và rất rộng lớn. Đại hội lần này nêu bảo đảm cho con người là phải bảo đảm tất cả các phương diện, nhất là phải bảo đảm môi trường trong sạch. Các vấn đề xã hội, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, trật tự an toàn xã hội phải đảm bảo, cho nên rất tổng thể”. Những luận điểm đó không phải hoàn toàn mới, mà đã được kế thừa, phát triển từ những Đại hội trước đây, nay được nâng tầm bằng những quyết sách quyết liệt, rõ ràng hơn, phù hợp với chuẩn mực của cộng đồng quốc tế, phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Vì lẽ đó, việc chúng ta nhận thức được những điểm mới, đặc biệt là nghiêm túc nhận ra những hạn chế, khiếm khuyết, từ đó quán triệt trong mọi hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn dân, đưa Nghị quyết Đại hội XIII về an ninh con người vào cuộc sống, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của con người, vì mục tiêu phát triển bền vững.

“An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”. (Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an).


(Còn tiếp)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất