Nâng tầm cán bộ quân đội trước yêu cầu mới
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự lễ khai giảng năm học 2018-2019 của Học viện Quốc phòng.

Chuẩn hóa tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ

Sau một tháng đào tạo CCLLCT, Học viện Quốc phòng đã tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện và thấy rằng: Nội dung, chương trình, thời gian đào tạo các đối tượng là khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu đặt ra. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Cục trưởng Cục Huấn luyện-Đào tạo, Học viện Quốc phòng, khẳng định: “Đào tạo CCLLCT cho cán bộ quân đội trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa chính trị rất lớn, bởi hiện nay, yêu cầu chuẩn hóa tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ, nhu cầu đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức CCLLCT cho đội ngũ cán bộ quân đội là cần thiết, nhất là đối với cán bộ giữ chức vụ chỉ huy, quản lý ở cơ quan quân sự địa phương; cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; cán bộ làm công tác tham mưu chiến lược...”.

Để thực hiện chương trình đào tạo CCLLCT cho cán bộ quân đội, từ năm 2013, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị và Học viện Lục quân đã chủ động phối hợp với Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương); Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng của BQP tiến hành các bước đề nghị được đào tạo và xác nhận trình độ CCLLCT. Sau một thời gian khá dài chuẩn bị, với nhiều cuộc khảo sát của các cơ quan Trung ương, ngày 28-12-2017, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị và Học viện Lục quân được Ban Bí thư đồng ý chủ trương thí điểm giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ CCLLCT trong 3 năm (2018, 2019, 2020). Đây là sự tin tưởng của Trung ương đối với uy tín và năng lực đào tạo của các học viện, nhà trường trong quân đội.

Trên cơ sở Kết luận số 25 của Ban Bí thư, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu); Cục Cán bộ, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) và 3 học viện được đào tạo CCLLCT đã chủ động tiến hành công tác chuẩn bị đào tạo; theo đó, đối tượng đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức và xác nhận trình độ CCLLCT, gồm: Đối tượng đào tạo CCLLCT; đối tượng hoàn chỉnh kiến thức CCLLCT và đối tượng xác nhận trình độ CCLLCT.

Hai đối tượng: Đào tạo CCLLCT và hoàn chỉnh kiến thức CCLLCT được quy định rõ trong Hướng dẫn số 1351/HD-CT ngày 8-8-2018 của TCCT. Riêng đối tượng được xác nhận trình độ CCLLCT, ngoài những quy định theo Hướng dẫn số 1351 thì việc xác nhận trình độ CCLLCT phải dựa theo nguyên tắc tại Quy định số 256-QĐ/TW của Ban Bí thư, lấy nội dung chương trình CCLLCT hiện hành của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm chuẩn, đối chiếu số tiết, số môn đã học để xem xét, cấp giấy chứng nhận, bảo đảm các điều kiện về số tiết học, số môn theo quy định.

Trao đổi, thảo luận tại tổ giữa giảng viên và học viên đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị.

Đặt ra yêu cầu cao để nâng tầm cán bộ

Thiếu tướng, Tiến sĩ Lê Xuân Thành cho biết thêm: Để xây dựng các chương trình đào tạo CCLLCT cho các đối tượng, Học viện Quốc phòng đã dùng chương trình đào tạo CCLLCT của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm chuẩn để đối chiếu với chương trình của Học viện Quốc phòng và cấp học dưới (Học viện Chính trị, Học viện Lục quân); loại trừ những nội dung, kiến thức trùng lặp đã được học, trên cơ sở đó xác định nội dung, thời gian chi tiết cần được bổ sung hoàn chỉnh kiến thức CCLLCT. Chương trình này bảo đảm cho người học đáp ứng được trình độ LLCT theo khung chương trình đào tạo CCLLCT do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành, kế tiếp một cách hợp lý, khoa học những kiến thức chính trị ngang tầm mà học viên đã được học; bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Trong thời gian đào tạo, các học viên được học tập, nghiên cứu một khối lượng kiến thức, bao gồm: Những kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam; những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng, xây dựng quân đội về chính trị; về văn hóa, chính trị-xã hội, về khoa học lãnh đạo, quản lý và những vấn đề về quốc phòng và an ninh…

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các học viên tham gia đào tạo CCLLCT là những sĩ quan có trình độ học vấn, chuyên môn cao, có vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, là nguồn cán bộ phát triển phục vụ lâu dài trong quân đội, sẵn sàng tham gia vào cấp ủy, chính quyền địa phương... Đó là những thuận lợi rất cơ bản để các học viên học tập, nghiên cứu, hoàn thành mục tiêu, chương trình, kế hoạch, nội dung của khóa học. Tuy nhiên, trong quá trình học tập cũng không tránh khỏi những khó khăn như: Khối lượng kiến thức lớn nhưng thời gian học tập không nhiều; một số học viên vừa học tập, vừa tham gia thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị...

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, khẳng định: “Được Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, BQP giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ CCLLCT cho cán bộ quân đội là một vinh dự lớn đối với Học viện Chính trị. Đảng ủy, Ban giám đốc học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định, hướng dẫn của Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, BQP; tổ chức bồi dưỡng nội dung, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên; tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, nhất là công tác bảo đảm cho lớp học để các đồng chí học viên học tập, nghiên cứu đạt kết quả cao nhất”.

Trung tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, cho rằng: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nội dung hết sức quan trọng của Đảng, đặc biệt là trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước, LLVT đang rất cần đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có phẩm chất chính trị, trình độ lý luận và năng lực công tác, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong điều kiện thực tiễn luôn vận động và lý luận không ngừng phát triển. Do đó, việc học tập, cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh kiến thức LLCT là việc làm cần thiết. Đây cũng là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Đây là năm đầu tiên đào tạo để rút kinh nghiệm, vì vậy để đạt được mục tiêu của khóa học, nhằm hoàn chỉnh kiến thức CCLLCT, các học viện trong quân đội được đào tạo CCLLCT đều đặt ra yêu cầu cao, đồng thời xác định rõ: Đối với cán bộ, giảng viên, phải tích cực chủ động, sáng tạo hơn nữa thực hiện phương pháp dạy, học tích cực; thi và kiểm tra đánh giá kết quả thực chất, hoàn thành tốt nội dung, chương trình huấn luyện, bài giảng bảo đảm tính lý luận sâu sắc, tính thực tiễn cao, cập nhật những thông tin mới nhất có tính định hướng, dự báo khoa học. Công tác bảo đảm huấn luyện phải chu đáo, tỉ mỉ, phục vụ tốt cho việc học tập và nghiên cứu của học viên.

Đối với học viên, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, tự quản, tự rèn, khắc phục khó khăn, tận dụng thời gian, phát huy tính sáng tạo trong học tập, nâng cao kiến thức, năng lực, bản lĩnh chính trị; quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương và các nghị quyết của Đảng, vận dụng vào từng vấn đề nghiên cứu; rèn luyện tư duy, khả năng nhận định, phân tích, đánh giá tình hình, giải quyết tốt những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trên từng lĩnh vực, nội dung cụ thể; hoàn thành tốt mục tiêu yêu cầu khóa học...

TRỊNH DŨNG

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất