Gian thờ tại Nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4-11-1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Từ khi tuổi còn nhỏ, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động yêu nước, cùng các bạn sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, có nhiều công lao trong tham gia gây dựng, củng cố phong trào cách mạng Việt Nam tại các địa bàn: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng,... Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trong khi đang đi hoạt động cách mạng, ngày 25-8-1943 đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Hà Nội.
Biết Hoàng Văn Thụ là một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương, mật thám Pháp đã dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt dụ dỗ, mua chuộc hòng làm lung lạc tinh thần của đồng chí. Tuy nhiên, đồng chí vẫn vững vàng trả lời kẻ địch một cách đầy lý lẽ và cương quyết: "Chúng tôi là những người cộng sản. Chúng tôi có đường lối, chủ trương rất rõ rệt. Chúng tôi chống phát-xít Nhật cũng như nhân dân Pháp chống phát-xít Đức. Nếu các ông tử tế thì nên chống phát-xít Nhật và không nên đàn áp những người cộng sản".
Dụ dỗ, tra tấn cực hình không khuất phục nổi đồng chí Hoàng Văn Thụ, cuối tháng Giêng năm 1944, thực dân Pháp mở phiên tòa đưa Hoàng Văn Thụ ra xét xử. Tại tòa, khi bị kết án tử hình, đồng chí đã hướng về phía các đồng chí mình dự phiên tòa nói to: "Các đồng chí cần luôn luôn nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, tiêu diệt bè lũ phát-xít Nhật - Pháp... Tuy tôi không còn được cùng các đồng chí tiến hành hoàn thành công cuộc cách mạng của Đảng, nhưng tôi vẫn có thể chết với một tâm hồn nhẹ nhàng của người đã làm tròn nhiệm vụ. Phải vì cách mạng mà chết thì tôi cũng rất vui lòng".
Sáng 24-5-1944, thực dân Pháp mang Hoàng Văn Thụ ra xử bắn. Khi giám thị hỏi có cần bịt mắt hay không, đồng chí ung dung trả lời không cần. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường làm cho kẻ thù khiếp sợ, là bản hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.
Trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện nhiệm vụ chính trị chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta thường xuyên tổ chức tốt việc giáo dục truyền thống tốt đẹp, đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân qua những địa chỉ, kỷ vật về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, góp phần tích cực khắc sâu công lao cống hiến to lớn, làm cho hình ảnh, phẩm chất của đồng chí mãi là niềm tự hào, cổ vũ to lớn đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Khu Lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), là di tích lịch sử cách mạng, nơi sinh ra và lớn lên, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Nhà số 8, phố Chính Cai (nay là phố Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn), là nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ ở trọ để học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt tại thị xã Lạng Sơn và tích cực tham gia hoạt động cách mạng.
Nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Khuôn viên, tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn) là địa chỉ lịch sử, văn hóa thường xuyên được các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; vào những ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh diễn ra các hoạt động dâng hương, dâng hoa của các đoàn đại biểu, nhân dân và du khách thập phương.
Các địa chỉ đồng chí Hoàng Văn Thụ hoạt động trước khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn được thành lập như: Những nơi đồng chí đã chỉ đạo gây dựng được các tổ chức quần chúng trung kiên: Lũng Nghịu, Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài,... Nơi đồng chí tổ chức in tài liệu tuyên truyền giác ngộ quần chúng yêu nước, tạo đà cho phong trào quần chúng cách mạng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi: Hang “Áng Cúm” trên dãy núi Khưa Đa, Ma Mèo.
Xã Thụy Hùng (Văn Uyên - Lạng Sơn) nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí và các đảng viên chi bộ, phong trào cách mạng không ngừng phát triển rộng khắp.
Bảo tàng tỉnh (phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn) trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu ảnh và cả bản trích tài liệu khoa học về đồng chí Hoàng Văn Thụ, là “địa chỉ đỏ” của du khách đến tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí. Bộ sưu tập các kỷ vật của đồng chí khá phong phú, đa dạng; những đồ dùng cá nhân đồng chí thường mang theo khi hoạt động cách mạng (khung xe đạp, áo ba-đơ-xuy, bộ quần áo dân tộc, tay nải, chậu thau, dao găm, búa...); đặc biệt là quyển sách “Cách mạng tiên phong” và “Các Điều lệ tóm tắt của Đảng” mà đồng chí dùng để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng.
Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội); phần mộ đồng chí Hoàng Văn Thụ (nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội). Đây là những nơi ghi dấu đồng chí Hoàng Văn Thụ đã anh dũng ngã xuống vì lý tưởng độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và nơi yên nghỉ của đồng chí.
Để ghi nhớ công ơn sâu nặng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, trên các địa bàn mà đồng chí đã tham gia gây dựng, củng cố phong trào cách mạng: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng,... tổ chức các hoạt về nguồn, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, những cống hiến lớn lao của đồng chí đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhiều địa danh hành chính, trường học, đường phố được vinh dự mang tên Hoàng Văn Thụ. Cùng với đó, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là nguồn cảm xúc mãnh liệt cho các nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng và giá trị văn hóa, nghệ thuật.
Những địa danh, kỷ vật về đồng chí Hoàng Văn Thụ là hệ thống di sản có giá trị lịch sử, văn hoá phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương. Trong thời kỳ mới, chúng ta chủ động xây dựng các tour, tuyến du lịch, hành hương về nguồn, tham quan các di tích lịch sử cách mạng - “địa chỉ đỏ”. Qua đó, vừa bảo đảm chất lượng, đạt hiệu quả tích cực trong giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, vừa góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và tăng cường hoạt động đối ngoại./.
Nguyễn Đức Luận