Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đảng trong tình hình mới
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân phát biểu tại Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) tại Nga, tháng 10-2018.

Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, từ Phòng Lào - Miên Trung ương, cơ quan đối ngoại đảng từng bước trưởng thành và lần lượt được đổi tên thành Ban Lào - Miên Trung ương năm 1955, Ban Biên chính Trung ương năm 1957, Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương năm 1958 và từ năm 1960 là Ban Đối ngoại Trung ương; đồng thời có vinh dự lớn được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, dìu dắt ngay từ khi mới ra đời và lần lượt được các đồng chí lãnh đạo xuất sắc, cốt cán của Đảng phụ trách qua các thời kỳ, như đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Ung Văn Khiêm, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Vũ Quang, Hồng Hà và nhiều đồng chí xuất sắc khác của Đảng và Nhà nước.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại ngày càng sâu rộng của cách mạng Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ của Ban Đối ngoại Trung ương ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Từ việc đảm nhận nhiệm vụ giúp Trung ương theo dõi, nghiên cứu cách mạng Miên - Lào, phối hợp hoạt động với các bạn Lào và Căm-pu-chia, đến nay Ban Đối ngoại Trung ương được Bộ Chính trị giao thực hiện nhiều chức năng hết sức quan trọng, đó là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại; đồng thời là cơ quan tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng; cơ quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.

Sự ra đời của cơ quan đối ngoại đảng và mũi nhọn đối ngoại đảng đã tạo nguồn sức mạnh mới, tạo thế đứng vững chãi cho nền ngoại giao nước ta với ba trụ cột đối ngoại bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho nhau, cùng nhau triển khai thắng lợi đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các mục tiêu cách mạng của dân tộc.

Có thể nói, ở từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, công tác đối ngoại đảng luôn có một vị trí, vai trò đặc biệt và có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đối ngoại đảng đã rất chủ động mở rộng quan hệ với các chính đảng, các phong trào tiến bộ trên thế giới; tuyên truyền, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của các nước XHCN; sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và bạn bè quốc tế, tạo nên mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại giúp đỡ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, góp phần quan trọng đưa các cuộc kháng chiến cứu nước đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên CNXH.

Bước vào công cuộc đổi mới, với đường lối đổi mới toàn diện, Đảng ta đã từng bước hình thành và hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đối ngoại đảng đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc phá thế bao vây, cô lập và cấm vận, vượt qua những biến cố và sóng gió của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, của lịch sử thế giới; phối hợp hiệu quả trong việc tham mưu, đề xuất đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại; có nhiều đóng góp quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ các điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, đối ngoại đảng đã không ngừng đổi mới tư duy, phát huy sự chủ động, sáng tạo, để lại nhiều dấu ấn quan trọng với nhiều nội dung đột phá:

Một là, đối ngoại đảng đã góp phần quan trọng vào việc định hình, phát triển, tạo cơ sở chính trị quan trọng cho quan hệ của Việt Nam với các nước.

Hai là, các mối quan hệ đối ngoại của Đảng ta không ngừng được mở rộng và phát triển về chiều sâu. Chúng ta không chỉ phát triển quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, các phong trào tiến bộ, mà đã có bước đột phá với việc thúc đẩy quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, đối lập lớn, đảng có tương lai chính trị tại nhiều nước đối tác chiến lược và đối tác quan trọng của ta. Đây là đột phá có tính bước ngoặt, không chỉ giúp tạo thế chủ động ứng phó với những biến động chính trị nhanh chóng trên thế giới, sự thay đổi vị thế cầm quyền ở các nước, mà quan trọng hơn đã mở ra không gian đối ngoại rộng mở hơn cho đất nước. Hiện nay, Đảng ta phát triển quan hệ ở nhiều mức độ khác nhau với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; hình thức quan hệ ngày càng đa dạng; nội dung hợp tác ngày càng phong phú, thực chất, bao hàm các hoạt động phục vụ phát triển quan hệ đảng, phát triển quan hệ nhà nước, quan hệ đối ngoại nhân dân, đến việc tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực, các vấn đề toàn cầu gắn với an ninh, phát triển của đất nước.

Ba là, các hoạt động đối ngoại đảng đã tạo nền tảng chính trị quan trọng cho việc ổn định, mở rộng và thắt chặt quan hệ song phương của nước ta với các nước, đồng thời trực tiếp góp phần quan trọng giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước, cũng như các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương. Trong đó, hoạt động đối ngoại của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Đảng luôn là những dấu mốc, tạo nhiều đột phá, tạo điều kiện hết sức quan trọng để triển khai chủ động các quyết sách đối ngoại. Đặc biệt, quan hệ kênh đảng đóng vai trò quan trọng định hướng và chỉ đạo quan hệ về mặt nhà nước trong quan hệ với các nước XHCN và láng giềng chung biên giới.

Bốn là, cùng với những thành tựu đổi mới của Việt Nam, hoạt động đối ngoại của Đảng ta đã trực tiếp có những đóng góp quý báu đối với phong trào cách mạng thế giới, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố khối đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới; nâng cao vị thế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng và đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, công tác đối ngoại nói chung và công tác đối ngoại đảng nói riêng sẽ có những yêu cầu, nhiệm vụ mới cao hơn. Để phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và phấn đấu, từng bước trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, thời gian tới, tập thể Ban Đối ngoại Trung ương nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới tư duy đối ngoại, chủ động, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương giao phó.

Theo đó, Ban Đối ngoại Trung ương chú trọng thực hiện tốt những trọng tâm như, tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, công tác nắm bắt tình hình, dự báo tình hình, nhất là dự báo chiến lược, tổng hợp, cùng các cơ quan liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách, tạo cơ sở tin cậy để lãnh đạo cấp cao quyết định các chủ trương, giải pháp, chính sách đối ngoại. Hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương đồng thời chú trọng đến công tác tổng kết lý luận và thực tiễn, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, tham mưu đường lối, chủ trương đối ngoại, nhất là những chủ trương mới, nội dung đột phá trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng sắp tới.

Các mối quan hệ đối ngoại của Đảng vừa tăng cường chiều sâu vừa mở rộng quan hệ đối ngoại đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới”, tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại Đảng, góp phần củng cố sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ nhà nước, đối ngoại nhân dân. Công tác chỉ đạo tích cực đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu quả và hướng dẫn các hoạt động đối ngoại nhân dân, phát huy đầy đủ và mạnh mẽ hơn nữa đóng góp của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Các cấp ủy và tổ chức đảng phối hợp chặt chẽ trong công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng; đôn đốc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận cấp cao; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hiệu quả các hoạt động đối ngoại, không ngừng nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất