Đánh giá đúng cán bộ để dân tin, dân phục, dân yêu (Tiếp theo và hết)

Đỗ Thị Thanh Mai Chánh Văn phòng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

Kỳ 2: Đánh giá đúng để lựa chọn cán bộ tốt

 

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)


Quyết tâm chính trị của Đảng

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhận định: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”[1]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng BCH Trung ương đã quyết tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nhất quán trong các nghị quyết, kết luận về công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý (LĐQL) trong hệ thống chính trị nói riêng, lĩnh vực công tác cán bộ nói chung.

Ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết yêu cầu: “Tiến hành sơ kết, tổng kết và đổi mới việc thi tuyển, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách tiền lương”. Ngày 28-2-2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 50-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017. Ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trung ương thẳng thắn nhìn nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”. Nghị quyết yêu cầu: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu: “Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ”[2]. Sau Đại hội lần thứ XIII, Trung ương càng thể hiện rõ quyết tâm chính trị đổi mới công tác đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị để đổi mới công tác cán bộ, tạo tiền đề thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.

Ngày 25-10-2021, BCH Trung ương ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong Kết luận ghi rõ: Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Ngày 9-12-2021, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của BCH Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng thật sự công tâm, khách quan, có tiêu chí rõ ràng và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn việc đánh giá cá nhân với đánh giá tập thể, với kết quả thực tế thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ngày 15-5-2023, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: “Đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm”[3].

Bộ Chính trị đã ban hành các quy định về công tác đánh giá cán bộ LĐQL nằm trong chỉnh thể quy trình phục vụ mục tiêu thực hiện tốt công tác cán bộ: sử dụng, quy hoạch, luân chuyển, miễn nhiệm, từ chức. Các quy định được tổ chức quán triệt ngay sau khi ban hành và nhanh chóng được triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương.

Toàn hệ thống chính trị cũng tham gia đóng góp ý kiến vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói chung, công tác cán bộ nói riêng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt những năm gần đây, thông qua Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) đã phát huy ngày càng cao vai trò của các cơ quan báo chí, cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Giải Búa liềm vàng đã động viên, khuyến khích ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc tuyên truyền về xây dựng Đảng; tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng tuyên truyền chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị nói riêng; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

...Và những kết quả

Một là, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ LĐQL các cấp trong hệ thống chính trị được quy định toàn diện các mặt phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm. Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được quy định rõ ràng, cụ thể hơn với yêu cầu cao hơn về phẩm chất chính trị, năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo thực tiễn.

Hai là, mục đích đánh giá được quy định cụ thể, đảm bảo tính định hướng cho quá trình đánh giá cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ LĐQL ngày càng khoa học, bài bản, chặt chẽ hơn. 

Quy định 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị  về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ LĐQL trong hệ thống chính trị đã xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm: (1) Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ LĐQL các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (2) Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp uỷ, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác LĐQL, giám sát cán bộ. (3) Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo quy định này và các văn bản liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị nêu: “Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ” thay cho “Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ”. Trong Quy định 96-QĐ/TW bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá mới: việc thường xuyên  giữ mối liên hệ với cấp uỷ nơi cư trú; Kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; sự gương mẫu của không chỉ của bản thân cán bộ LĐQL mà còn của cả vợ, chồng, con cái trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước... Quy định 96-QĐ/TW khẳng định “Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”.

Ba là, công tác đánh giá cán bộ LĐQL đồng bộ với việc cho từ chức, miễn nhiệm và thực hiện theo các quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII.

Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ nêu: “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”.

Điểm mới của Quy định 96-QĐ/TW là: “Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”.

Bốn là, quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng và cá nhân liên quan đến công tác đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị được quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn.

Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã đưa ra yêu cầu đối với cán bộ được đánh giá: “Tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khoẻ”.

Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 đã giải thích rõ các thuật ngữ, quy định rõ trách nhiệm của những người có liên quan đến công tác cán bộ; xác định rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: cùng BTV cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo ban, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó trong cùng cơ quan đơn vị; người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu 13 cơ quan quan trọng cụ thể như Quy định.

Năm là, đội ngũ LĐQL được đánh giá thường xuyên nên có động lực tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa thường xuyên hơn, gương mẫu hơn trong công việc cũng như trong sinh hoạt, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao trình độ, nỗ lực cố gắng để có kết quả công việc tốt; gần gũi với quần chúng hơn, tôn trọng quần chúng hơn để có được sự tín nhiệm của quần chúng. Quyết tâm chính trị của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong đổi mới công tác đánh giá cán bộ LĐQL nói riêng, trong công tác cán bộ nói chung đã nâng cao chất lượng công tác cán bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 

Đội ngũ LĐQL được kiện toàn, bổ sung đủ tiêu chuẩn đã góp phần tích cực vào kết quả công tác nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Giáo sư Va-lê-ri-a Vơ-si-ni-na thuộc Viện nghiên cứu ASEAN, Học viện Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va, Liên bang Nga cho rằng, ổn định chính trị sẽ giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo Giáo sư, chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm gần đây là một điểm mạnh của Việt Nam, kết tinh từ đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Còn theo đánh giá của Tiến sĩ chuyên ngành Chính trị và Quan hệ quốc tế, Giôi-e Pa-tê-man, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã đi đúng hướng trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh chống đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5% cả năm 2023.

Các quy định được điều chỉnh, bổ sung thực hiện nghiêm túc dần tạo động cơ phấn đấu trong sáng cho đội ngũ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là thế hệ trẻ, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo.

Hạn chế và nguyên nhân

Đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa phản ánh thực chất; một số trường hợp mới được bổ nhiệm đã bộc lộ yếu kém, một số có vi phạm khuyết điểm, thậm chí bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược. Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, “BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý…”[4]. Nhiều BTV các tỉnh, thành ủy, đảng ủy bị kỷ luật tập thể như Hải Dương, Bình Dương, Đồng Nai, Đại học Hàng Hải, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Đánh giá con người là công việc khó do phẩm chất, thái độ của con người là những thuộc tính tâm lý của nhân cách khó định lượng, khó phát hiện, hiện chưa có bộ tiêu chí đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị. Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ LĐQL trong hệ thống chính trị đã bao quát, cụ thể hóa cả đức (phẩm chất) và tài (năng lực). Tuy nhiên, trong tiêu chí đánh giá vẫn còn những yếu tố định tính như bản lĩnh chính trị, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ dám làm…

Có đơn vị, khi lấy phiếu tín nhiệm chưa có sự tham gia đầy đủ các thành phần đánh giá có quan hệ công tác trực tiếp với cán bộ LĐQL được đánh giá, làm ảnh hưởng đến tính toàn diện của kết quả đánh giá. Có đơn vị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo với số lượng người ghi phiếu ít, nên chưa đảm bảo tính khách quan trong đánh giá. Có đơn vị khi lấy phiếu tín nhiệm thì số lượng lãnh đạo được ghi phiếu nhiều hơn số cấp dưới ghi phiếu, dễ dẫn đến tâm lý e ngại của cấp dưới khi đánh giá cấp trên.

Nguyên nhân các hạn chế trên là do công tác đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ nhiều trường hợp còn nể nang, cục bộ; chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài. Việc cụ thể hóa quy định của Trung ương chưa phù hợp tình hình thực tiễn nên chưa lấy được thông tin đa chiều từ thành phần tham gia đánh giá, chưa đảm bảo nguyên tắc có cấp trên trực tiếp, đồng nghiệp cùng cấp và có nhiều người tham gia vào quá trình đánh giá.

***

Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố niềm tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[5].

Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, công tác đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị ngày càng khách quan, khoa học hơn, góp phần tích cực nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, người giữ vị trí cấp trên trực tiếp được đánh giá cán bộ cấp dưới mình phụ trách. Có văn bản cá nhân nhận xét và chịu trách nhiệm về nhận xét của mình đối với cấp dưới trực tiếp.

Tiếp tục nghiên cứu để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Nâng cao nhận thức của đội ngũ LĐQL, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ nói chung, công tác đánh giá cán bộ LĐQL nói riêng trong hệ thống chính trị đối với sự thành công của công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đánh giá cán bộ LĐQL theo sát tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của BCH Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm chất lượng, quy định rõ trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp đối với công tác đánh giá cán bộ LĐQL, tránh hiện tượng vừa đánh giá khen thưởng tốt, bổ nhiệm xong lại phải xem xét kỷ luật.

Quy định rõ trách nhiệm của hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp đối với các trường hợp cán bộ vừa được đánh giá cao, khen thưởng xong lại phải xem xét kỷ luật mà vi phạm nằm trong thời điểm được khen thưởng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định trong công tác đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của quần chúng trong các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đánh giá và giám sát công tác đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị.

Phát huy vai trò của báo chí cách mạng, của dư luận xã hội tuyên dương các trường hợp đánh giá đúng, cất nhắc đúng, cán bộ phát huy tốt điểm mạnh của mình, đóng góp tích cực cho tổ chức, cho nhân dân, cho Đảng; phê phán trường hợp vừa đánh giá tốt, khen thưởng, bổ nhiệm, đề bạt xong lại bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố điều tra. Báo chí cách mạng định hướng giá trị, tác động mạnh mẽ vào danh dự, tự trọng, liêm sỉ của đội ngũ LĐQL để họ tự đánh giá đúng và đánh giá người khác đúng.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXBCTQGST, H. 2016, tr.194.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQGST, H.2021, tập I, tr.187.

[3] https://vtv.vn/chinh-tri/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-khai-mac-hoi-nghi-giua-nhiem-ky-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-20230515190709864.htm.

[4] https://vtv.vn/chinh-tri/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tong-ket-hoi-nghi-giua-nhiem-ky-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-2023051717135233.htm.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,, NXB CTQGST, H.2021, tập II, tr.334.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất