KỲ CUỐI: CHỌN ĐỘT PHÁ TẠO ĐÀ “CẤT CÁNH” NÔNG NGHIỆP

TS. NGUYỄN TRUNG DŨNG - ThS. CAO THỊ PHƯƠNG Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Xây dựng kinh tế tuần hoàn (KTTH) được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, theo đó, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 Việt Nam đã xác định chủ trương “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế”.

Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, ngày 1-10-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế. Mới đây nhất, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7-6-2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với mục tiêu: Phát triển KTTH nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hỏa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Những chủ trương, chính sách này đã bước đầu định hướng và góp phần khuyến khích, thúc đẩy các mô hình KTTH trong nông nghiệp tại Việt Nam, theo đó, KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ hình thành quá trình sản xuất khép kín thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào tái chế các chất thải, phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh trong tương lai gần. Phát triển KTTH trong bối cảnh hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, đã có nhiều mô hình KTTH trong nông nghiệp, điển hình như: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông - lâm kết hợp; mô hình vườn - rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Trong đó, một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả cao như: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình lúa - tôm, lúa - cá; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ, ngô - gia súc, gia cầm - cá; mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trồng trọt - Thực phẩm - Chăn nuôi - Phân bón); mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa...

Có thể nói, việc phát triển KTTH đang mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, việc thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp là vấn đề cấp thiết.

Chính vì vậy, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa mô hình kinh tế này. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người sản xuất, doanh nghiệp… trong phát triển KTTH, để từ đó, nhận thấy rõ được những lợi ích mà KTTH mang lại về kinh tế, về môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về KTTH trong nông nghiệp. Từ đó, nhân rộng, lan tỏa, tạo cơ hội phát triển thêm các mô hình mới trong phát triển KTTH nông nghiệp; tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân đầu tư vào “nông nghiệp tuần hoàn”; Hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực lớn đầu tư khai thác, chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp; nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp thông qua đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, nhất là ở các địa phương có diện tích trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn. Khuyến khích các địa phương trên cả nước, dựa vào các mô hình đã có và điều kiện cụ thể của mình phát triển các mô hình KTTH trong nông nghiệp cho phù hợp.

Đại hội XIII của Đảng xác định, phải “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị” để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết “6 nhà” (Nhà nước, Nông dân (nhà nông), Nhà khoa học, Doanh nghiệp, Ngân hàng (nhà băng) và Nhà phân phối). Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, quyền lợi, trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị liên kết".

Theo đó, Nhà nước là người “cầm cân nảy mực”, là “nhạc trưởng” tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết các nhà còn lại chặt chẽ và hiệu quả; nhà doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, khoa học - công nghệ, đất đai và có tầm nhìn chiến lược trong phát triển sản xuất, là “đầu tàu”, là động cơ của mối liên kết. Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết “5 nhà” còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; tuyên truyền từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Nhà phân phối giải quyết đầu ra của sản xuất xã hội, nếu hệ thống phân phối rời rạc kém hiệu quả, không biết chia sẻ lợi ích hợp lý cho các thành phần trong chuỗi liên kết thì liên kết sẽ khó thành công; hàng hóa sẽ có lúc ứ đọng, dư thừa và tiếp tục giải cứu. Nhà băng cung cấp nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay; phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay. Nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” có chất lượng cao, giảm giá thành nhờ công nghệ. Nhà nông là một chủ thể tạo ra của cải vật chất cho xã hội, họ cần chung tay với nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước để đẩy mạnh chuỗi liên kết bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc liên kết giữa các "nhà" còn khá lúng túng và hiệu quả chưa cao. Để các mặt hàng nông sản Việt đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu, cần phải thúc đẩy chặt chẽ chuỗi liên kết "6 nhà" theo hướng bền vững, công khai, minh bạch và phải được kiểm soát; cần đảm bảo các mục tiêu, phương pháp, nghĩa vụ và lợi ích hài hòa của các chủ thể tham gia chuỗi. Có như vậy, chuỗi liên kết sẽ phát triển bền vững góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất nông sản Việt Nam phát triển một cách nhanh và bền vững, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Nhà nước cần phát huy vai trò của mình trong việc đáp ứng sự mong đợi của nông dân, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ chính sách và tài chính, bổ sung những gì còn thiếu để nông dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp và tham gia thị trường. Bên cạnh đó, các giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng cần cụ thể, dài hơi, khơi nguồn sáng tạo, tạo được sức hấp dẫn bằng các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng về phát huy vai trò của nông hộ trong hợp tác xã và doanh nghiệp để tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường.

Tăng cường đào tạo các kiến thức khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới và kỹ năng quản trị kinh doanh cho nông dân, đặc biệt có thể nhân rộng hình mẫu các nhà nông thành công trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp để làm gương và làm theo phương châm “nông dân dạy nông dân” bằng phương pháp dạy học thực hành theo quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi mà các nhà khoa học của nhà nông đóng vai trò như “thư viện của nông dân”.

Có hình thức tổ chức, tập hợp các nhà khoa học nông nghiệp và tiếp tục tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” để mang đến cho nông dân, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ niềm tự hào mà quan trọng hơn là những tâm đức và kiến thức quý báu của họ được tôn vinh, có giá trị hữu ích. Hỗ trợ nông dân các trang thiết bị thông tin, kết nối, liên kết, hợp tác theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường để làm tốt các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản.

Tiếp tục tháo gỡ về nguồn vốn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất là những giải pháp để nâng cao đời sống cho người làm nông nghiệp, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá” hiện nay.

Trong những năm qua, sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ thông qua ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại như WTO, CPTPP, EVFTA... đã tích cực hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản. Với độ phủ rộng lớn về vị trí địa lý, cơ cấu ngành hàng nông sản có lợi thế xuất khẩu, các hiệp định thương mại được coi như "chìa khóa vàng" tạo đà để nông sản Việt Nam cất cánh bay ra thế giới.

Tuy vậy, việc đa dạng thị trường cũng đồng nghĩa với việc đa dạng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm; môi trường bền vững; quyền lợi cho người lao động; thương mại công bằng... trong sản xuất và xuất khẩu, đòi hỏi toàn ngành Nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ để đưa chất lượng và thương hiệu của nông sản Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, để làm được điều đó mối quan hệ "6 nhà" cần tiếp tục giải quyết và thúc đẩy chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo sự chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các thành phần tham gia chuỗi liên kết.

Trong chương trình công tác tại tỉnh Kon Tum, ngày 19-8-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát mô hình vườn sâm Ngọc Linh, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông. Tại buổi làm việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình đã có để làm tốt hơn trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết “6 nhà” để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh xây dựng, phát triển ngành công nghiệp sâm. Theo đó, cấp tỉnh, huyện, xã (chính quyền Nhà nước) cần tiếp tục coi trọng việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh; tiến hành rà soát, xây dựng và triển khai tốt công tác quy hoạch. Người dân liên kết, thành lập các hợp tác xã, tiến hành sản xuất lớn. Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hỗ trợ về vốn. Các doanh nghiệp đầu tư, lo vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu đa dạng, phát triển thương hiệu. Nhà phân phối lo khâu thị trường, tiêu thụ sản phẩm… Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu về giống, nguồn gen, ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, chế biến, phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Có thể thấy, trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu cơ bản để nông sản Việt Nam có chỗ đứng và sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt. Điều này cũng cho thấy, việc đẩy mạnh, tăng tính liên kết chặt chẽ của “6 nhà” là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Để làm được điều đó, có lẽ cần phải thổi bùng khát vọng phát triển, cống hiến cho nông nghiệp của các thành phần trong chuỗi liên kết.

Một trong những yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, có nhấn mạnh đến tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh...

Nghị quyết 19 một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò của ngân hàng chính sách, trong đó chủ lực là Ngân hàng Agribank tiếp tục phát huy cung cấp tín dụng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; ngăn chặn, xử lý nghiêm tín dụng đen.

Cụ thể hóa các chủ trương Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động số 17-Ctr/ĐUK ngày 30-9-2022 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Agribank đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/ĐU-NHNo để thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và yêu cầu toàn hệ thống nghiêm túc, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy hiệu quả vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng về cung cấp tín dụng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến; Rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện mở rộng tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn khẳng định vị thế, vai trò của một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, chủ lực đầu tư phát triển “Tam nông”, đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp “trụ đỡ” nền kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam có những bước tiến căn bản.

Đến nay, Agribank là ngân hàng thương mại duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có quy mô và mạng lưới hoạt động lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Agribank tiên phong, trách nhiệm, thực hiện hiệu quả 7 chính sách tín dụng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững. 

Agribank tích cực hưởng ứng tham gia và triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy hàng hoá, nhất là sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Việt cất cánh.

Agribank tích cực hưởng ứng tham gia và triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy hàng hoá, nhất là sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Việt cất cánh. 

Với vai trò là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi liên kết, Agribank đã góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường khó tính và tìm được chỗ đứng tại thị trường khu vực và thế giới. Từ nguồn vốn của Agribank, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao bước đầu tạo được sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp, hướng tới đạt được các mục tiêu của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. 

Đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và ngành Ngân hàng trong việc triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, Agribank xác định thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hướng tới phát triển bền vững là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2023-2030. Nhận định bộ tiêu chuẩn ESG là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững, Agribank cam kết thực hiện ESG trên cả ba trụ cột “Môi trường - Xã hội - Quản trị”.

Từ năm 2017 đến nay, Agribank triển khai Đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tới tận các xã vùng sâu, vùng xa đã phục vụ 1,4 triệu lượt khách hàng tại 454 xã trên toàn quốc, là một kênh dẫn vốn hiệu quả của Agribank với chi phí thấp nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi giúp mọi khách hàng, người dân đều có cơ hội vay vốn, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa.

Mặt khác, Agribank còn đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ thấu chi tại thị trường nông nghiệp, nông thôn với chính sách hỗ trợ ưu đãi, thủ tục đơn giản, linh hoạt. Nguồn vốn của Agribank đã và đang góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng thu nhập cho khách hàng, ổn định các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam.

Trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực như các mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), trồng mía đường (Thanh Hóa, Khánh Hoà, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)…

Hưởng ứng Chương trình cho vay nông nghiệp công nghệ cao do Thủ tướng phát động, từ tháng 11-2016 đến ngày 30-11-2022, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng. Triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12.000 tỷ đồng với hơn 43.000 khách hàng (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...).

Tại Agribank, nghiệp vụ thanh toán biên mậu đang được mở rộng tới nhiều ngân hàng, đối tác, đa dạng hóa cơ chế ưu đãi, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong kinh doanh, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu nông sản công nghệ cao. Với hệ thống mạng lưới giao dịch tới nhiều nước, dịch vụ thanh toán của Agribank đến các khách hàng sẽ được đảm bảo nhanh chóng và thuận lợi, như một cánh tay nối dài đưa nông sản Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản về sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, phát triển được nhiều ngành nghề, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. 

Bên cạnh đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Agribank là ngân hàng tiên phong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng với việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, bằng nguồn lực của mình, Agribank chủ động giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30-11-2022, tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, Agribank phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội thông qua mô hình tổ vay vốn, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật  của Nhà nước, chính sách tín dụng Ngân hàng, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến… góp phần tạo niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) và Ngân hàng Agribank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) và Ngân hàng Agribank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ "tam nông", ngày 24-5-2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Agribank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mục đích triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án do Bộ quản lý, chủ trì, triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, trong những năm qua, Agribank cũng đã tham gia 4 dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, quản lý tài nguyên bền vững, phát triển cho vay chuỗi giá trị thông minh… với gần 60 triệu đô-la Mỹ (khoảng 1.500 tỷ đồng). Hiện nay, Ngân hàng đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 4 dự án khác (khoảng 1.200 tỷ đồng). Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ là tiền đề để tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Agribank với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng hướng đến hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đàng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong thời gian tới, để nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh cần thực hiện sáng tạo, hiệu quả những chủ trương và giải pháp đã đề ra tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Một là, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của của nông dân và người dân nông thôn.

Tăng cường giáo dục, đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức, trình độ theo hướng “trí thức hóa nông dân” để có thể làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp. Đẩy mạnh các phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu rủi ro thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp, theo định hướng phát triển bao trùm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hoàn thiện các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, giúp người dân tham gia thực chất trong xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bảo đảm quyền làm chủ của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hai là, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế. Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản đồng thời chú trọng phát triển thị trường trong nước, tránh phụ thuộc vào một số thị trường, khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu qua biên giới. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; có chế tài đủ sức răn đe để xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Đầu tư, phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp, thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật.

Ba là, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, hình thành mạng lưới lưu thông, chế biến, bảo quản, logistics, thương mại điện tử. Phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp.

Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thực hiện hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn đa dạng, đồng bộ, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bốn là, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.

Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Có chính sách phù hợp đối với xây dựng nông thôn mới ở từng vùng ven đô thị, đồng bằng, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cao hiệu quả, tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, ưu tiên các vùng khó khăn. Tích hợp một số chương trình đầu tư đang triển khai trên địa bàn nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển đảo.

Năm là, hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai theo hướng quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp.

Có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác. Khẩn trương hoàn thiện chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân.

Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Xây dựng chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.  

Sáu là, tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

Đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Chủ động, tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích, hỗ trợ thành lập các vườn ươm/trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Thúc đẩy các mô hình liên kết đa tác nhân, đa lĩnh vực giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm nâng cao năng lực và kiến thức, kinh nghiệm quản lý vận hành hiệu quả. Đào tạo nâng cao kỹ năng nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới tiên tiến cho lực lượng lao động. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kinh tế - xã hội, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn… Có cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bảy là, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng xanh. Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất nông nghiệp, tài nguyên rừng, tài nguyên nước gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn với phát triển đô thị, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển kinh tế nông thôn. Bảo đảm an ninh nguồn nước, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước. Bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản. Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nông thôn. Nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

Tám là, chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và khoa học - công nghệ.

Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), giữ ổn định các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, tránh phụ thuộc vào một số thị trường. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ của các nước, cá nhân, tổ chức quốc tế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thu hút có lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ giống.

Chín là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, quán triệt, chỉ đạo, vận động toàn hệ thống chính trị tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Phát huy vai trò, huy động sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, với Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình, nghị quyết của các cấp, các ngành liên quan đến lĩnh vực "tam nông", cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội, chắc chắn sự nghiệp xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và có những bước phát triển đột phá mạnh mẽ hơn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Nghị quyết 26/NQ-CP, ngày 27-2-2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
4. Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5.Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22-2-2022 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
6. Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 8-3-2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất