KỲ 2: TÌM RA NHỮNG “NÚT THẮT” TỪ NỘI TẠI

TS. NGUYỄN TRUNG DŨNG - ThS. CAO THỊ PHƯƠNG Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Sản xuất nông nghiệp nước ta phụ thuộc vào sử dụng nhiều tài nguyên, lao động, vật tư đầu vào; một số ngành còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa đạt yêu cầu. Tính bền vững chưa cao, hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng còn thấp, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường, nhất là một số thị trường nhập khẩu lớn. Chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Tăng trưởng của ngành trong những năm gần đây có xu hướng giảm: Tốc độ tăng GDP toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 1995-2000 đạt 4%/năm, giảm xuống còn 3,8%/năm (giai đoạn 2001-2005); 3,4%/năm (giai đoạn 2006-2010); 3,13%/năm (giai đoạn 2011-2015); 2,62% (giai đoạn 2016-2020) và 2,9% năm 2021 (bình quân giai đoạn 2008-2020 đạt 3,01%/năm), chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết đề ra (3,5 - 4,0%/năm). Năm 2020, năng suất lao động nông nghiệp năm 2020 đạt 52,27 triệu đồng/người, chỉ bằng 44,52% năng suất lao động toàn xã hội. Năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam bằng 40% của Thái Lan, 30% của Trung Quốc.

Cơ giới hóa chưa đồng bộ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản phát triển chậm: Sản phẩm chế biến là sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70 - 85%; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15 - 30%, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu (năm 2020, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 40%). Tổn thất sau thu hoạch còn cao (khoảng 10 - 20% do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đủ chất lượng), tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch của lúa gạo 10 - 12% (trung bình của các nước khoảng 6 - 8%). Nông sản xuất khẩu thô, sơ chế, chưa có thương hiệu chiếm tỷ lệ cao.

Hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu hệ thống kho lạnh, phương tiện vận tải lạnh... Xuất khẩu nông sản chưa bền vững, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới chưa được khắc phục. Xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch còn phổ biến và chưa chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, dẫn đến tình trạng khó thông quan, ùn ứ tại cửa khẩu, gây thiệt hại về mặt kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân. Công tác quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp hiệu quả chưa cao; kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản còn nhiều bất cập; vẫn còn các vụ việc mất an toàn thực phẩm gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu thiên tai trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam còn chịu tác động lớn từ những vấn đề bất khả kháng của thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với các loại hình thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở bờ sông, bờ biển, dông, lốc, mưa đá và sương mù trên biển.

Quản lý tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng. Quản lý và khai thác tài nguyên chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nguồn lực đất đai chưa được phát huy, sử dụng còn lãng phí, kém hiệu quả. Chất lượng đất nông nghiệp bị suy giảm, sa mạc hóa ngày càng tăng; khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp đang bị thoái hóa ở mức trung bình và nặng. Việc quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp kém hiệu quả; tranh chấp, khiếu kiện diễn biến phức tạp, kéo dài, chưa xử lý dứt điểm. Năm 2020, còn 35,6% số công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới theo mô hình mới.

Chất lượng nguồn nước suy giảm do chất thải từ sản xuất công nghiệp, dịch vụ, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... Ô nhiễm môi trường làng nghề, điểm công nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, cơ sở chăn nuôi… chậm khắc phục. Chất lượng đất ở nhiều nơi bị suy giảm do ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, sinh hoạt, khu vực làng nghề, lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và do thâm canh quá mức. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chưa được xử lý còn cao.

Hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Cả nước hiện còn 54% tổng số hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề tác động xấu tới môi trường ở các cấp độ khác nhau; chỉ có 423/1951 làng nghề (21,7%) có hệ thống xử lý chất thải, trong đó 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 20,9% số lượng làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp. Chất lượng rừng bị suy giảm ở nhiều nơi; diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp. Nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức cả trên vùng nước nội địa và trên biển.

Hạ tầng kinh tế - xã hội Việt Nam còn thiếu đồng bộ; hạ tầng thương mại chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, thích ứng biến đổi khí hậu. Cơ sở vật chất, kỹ thuật và chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu và yếu.

Chương trình xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra nhưng chưa vững chắc, chất lượng chưa đồng đều giữa các địa phương, chênh lệch giữa các vùng, miền còn khá lớn (Đồng bằng sông Hồng: 99,2%; Đông Nam Bộ: 87,03%; miền núi phía Bắc: 42,51%; Tây Nguyên: 53,39%); vẫn còn 6 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30% và 27 huyện nghèo, thuộc 18 tỉnh còn “trắng" xã nông thôn mới; một số địa phương còn chạy theo thành tích, chủ yếu tập trung đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân và phát triển văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Quan hệ sản xuất chậm đổi mới. Các hình thức tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh hiệu quả chưa cao. Kinh tế hộ quy mô nhỏ vẫn là chủ yếu; kinh tế trang trại, hợp tác xã phát triển chậm: Đến hết năm 2020, có 14.740/17.300 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; số này chưa đạt mục tiêu Quốc hội giao đến năm 2020 có 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong các chuỗi giá trị sản xuất. Năng lực và vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn chậm phát triển, nhất là ở các vùng miền núi, chưa tạo được động lực thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch nhanh hơn.

Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông phát triển chưa đồng đều, còn chênh lệch lớn giữa nông thôn, đô thị. Chỉ 38% tổng số hộ gia đình nông thôn có thể truy cập in-tơ-nét (bằng khoảng 1/2 so với khu vực đô thị): Tốc độ tải trung bình của in-tơ-nét băng thông rộng và mạng di động ở nông thôn lần lượt là 54,67 Mbps (Megabit/giây) và 33,12 Mbps, thấp hơn tốc độ 61,69 Mbps và 39,44 Mbps của đô thị (Báo cáo Digital tháng 1-2021 của We are Social, ITU).

Theo quan điểm phát triển nông thôn (PTNT) hiện đại, bốn cột trụ: kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và thể chế là động lực của PTNT, là những yếu tố phải đạt đến của một nông thôn phát triển và từ đó tạo ra được thành quả của PTNT là tăng trưởng và giảm nghèo bền vững. Các động lực của PTNT phải được hình thành và từ đó thúc đẩy tiến trình PTNT. Nói cách khác, tạo ra các động lực của PTNT cũng là các nội dung mà các chương trình PTNT phải nhắm vào để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống toàn diện cho cư dân nông thôn.

Phát triển văn hoá chưa được nhận thức sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với phát triển kinh tế, chưa thật sự trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững ở nông thôn. Ảnh minh họa: Làng Hoa Sa Đéc Đồng Tháp (Nguồn: in-tơ-nét)

Phát triển văn hoá chưa được nhận thức sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với phát triển kinh tế, chưa thật sự trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững ở nông thôn. Ảnh minh họa: Làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp (Nguồn: in-tơ-nét).

Với thành quả của công cuộc đổi mới hơn 36 năm qua, kinh tế - xã hội đất nước đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, kéo theo đó là những thay đổi các giá trị văn hóa, đó là sự chuyển đổi từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại của thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn hiện nay đã có quá nhiều sự thay đổi so với thời kỳ trước đổi mới. Những giá trị truyền thống đang dần mất đi, thay thế vào đó là những giá trị mới trong lối sống thôn quê.

Ở nhiều vùng làng quê, nhất là ở những làng quê có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cuộc sống của người dân tuy giàu có hơn nhưng lối sống cũng biến đổi nhanh hơn, tệ nạn xã hội diễn ra phức tạp hơn, như cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm, bạo lực xã hội đen cùng với tệ nạn tham nhũng, “cường hào” địa phương. Thực tế đó đang là nỗi nhức nhối ở nhiều vùng quê vốn yên bình từ vài thập niên trước đó.

Phát triển văn hoá chưa được nhận thức sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, chưa tương xứng với phát triển kinh tế, chưa thật sự trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững ở nông thôn. Các thiết chế văn hóa còn thiếu, nhiều nơi chưa phát huy tốt các cơ sở đã có để nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa nông thôn với thành thị, giữa các vùng, miền còn lớn. Đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn nhiều khó khăn. Văn hóa truyền thống có lúc, có nơi bị mai một, pha tạp, làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tệ nạn xã hội nhiều nơi gia tăng, trật tự an toàn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Chất lượng y tế, giáo dục ở nông thôn còn nhiều hạn chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những tác động lớn đến ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn đòi hỏi ngành Nông nghiệp nước ta cần vượt qua.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ của Ngành chưa trở thành động lực chính tạo đột phá để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Công nghệ chế biến ở trình độ trung bình so với thế giới, nhiều cơ sở chế biến sử dụng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm. Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng Ngành. Thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển, chưa tạo sự gắn kết hiệu quả giữa nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nông hộ còn thấp. Chưa hình thành đồng bộ, đầy đủ các cơ sở dữ liệu lớn để phân tích và cung cấp thông tin về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, vật nuôi, cây trồng, thị trường... một cách chính xác và hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sinh kế của người nông dân Việt Nam gắn liền với các hoạt động nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hiện đại, với những sinh kế bền vững sẽ giúp tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người nông dân, là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, thực trạng lao động nông thôn nước ta hiện nay trình độ còn thấp, đang có xu hướng già hóa (nhóm tuổi từ 50 trở lên gia tăng từ 10,4% năm 2006 lên 15,2% năm 2011 và 26,9% năm 2020). Chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy có bước cải thiện, nhưng hiệu quả chưa cao. Năm 2020, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (tính cả không có bằng cấp, chứng chỉ) đạt 44,5%, thấp hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra là trên 50% Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ và sơ cấp nghề trở lên từ 11,16% (2011) lên 15,87% (2016) và 24% năm 2020; lao động nông thôn qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 10,03%.

Năng lực chủ thể của nông dân có một số mặt hạn chế, bất cập; Năng suất lao động nông nghiệp mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn so với khu vực công nghiệp và dịch vụ: Năm 2020, năng suất lao động ngành nông, lâm, thủy sản đạt 52,27 triệu đồng/người, chỉ bằng 44,52% năng suất lao động xã hội. Khu vực công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn chậm phát triển, chưa tạo được nhiều việc làm; cơ cấu lại lao động nông thôn còn gặp nhiều bất cập. Chênh lệch thu nhập nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn cao. Năm 2020, thu nhập bình quân/người/tháng ở nông thôn đạt 3,48 triệu đồng bằng 62,84% thu nhập ở khu vực thành thị (5,54 triệu đồng). Các vùng có công nghiệp phát triển nhanh gồm Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,3 - 2,2 lần so với các vùng còn lại. Thu nhập của nông dân và người dân nông thôn nói chung còn thấp. Đời sống của người trồng lúa, trồng rừng, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn còn cao (năm 2020 là 7,1%), gấp 6,45 lần thành thị (năm 2020 là 1,1%). Xu hướng người lao động rời bỏ nông thôn đi tìm việc làm tại các đô thị, khu công nghiệp ngày càng tăng, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Đa số lao động rời khỏi nông thôn đi làm dưới dạng “không chính thức”, thiếu ổn định, chưa được bảo đảm đầy đủ quyền lợi. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân chiếm 5,1% số hộ thoát nghèo.

Cơ hội tiếp cận nguồn lực, dịch vụ công về y tế, giáo dục, cơ hội phát triển của nông dân còn khó khăn, chưa tương xứng với những thành quả đổi mới, phát triển chung của đất nước; chênh lệch về khả năng tiếp cận giữa nông thôn với đô thị, giữa các vùng miền còn lớn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương khi gặp thiên tai, dịch bệnh và bất ổn thị trường, tuy nhiên hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống bảo hiểm (nhất là bảo hiểm nông nghiệp) chưa phát triển.

Có thể thấy tình trạng nông dân bỏ ruộng, không canh tác, sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp hiện nay ngày một tăng, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng không nhỏ tới ổn định xã hội và khó khăn lớn cho công tác hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước.

Theo thống kê của một số tỉnh ở về tình trạng này cho thấy, năm 2017, tỉnh Hà Nam chỉ có hơn 100ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019, số diện tích bị bỏ hoang đã lên tới 310ha. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có hơn 110ha ruộng bị bỏ hoang; tỉnh Thái Bình có hơn 1.200ha ruộng bị bỏ hoang; tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa năm 2019 có hơn 1.000ha ruộng bỏ hoang và diện tích gieo trồng vụ đông năm 2019 của tỉnh này giảm tới 6.000ha.

Nguyên nhân chính về thực trạng này được nhận định là do sản xuất nông nghiệp rất vất vả, thu nhập thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên giới trẻ thời nay rất ngại. Họ chọn đăng ký đi làm ở các nhà máy, xưởng sản xuất tư nhân hoặc tham gia vào các loại hình cung cấp dịch vụ để có giá trị thu nhập đều hơn, cao hơn. Đặc biệt, do biến đổi khí hậu, do giá trị từ sản xuất nông nghiệp của nông dân thấp hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác nên không thu hút được lao động. Các loại dịch vụ làm đất, gặt hái và chi phí vật tư nông nghiệp gồm phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... khá đắt đỏ nên giá trị công lao động trong sản xuất nông nghiệp không cao.  

Thực tế các địa phương nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ cho thấy, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi trồng lúa sang các loại cây trồng khác như cây ăn quả có múi, cây cảnh, rau hoặc nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi nhưng giá trị thu nhập cũng không cao và thiếu ổn định vì khủng hoảng thừa, nhu cầu tiêu thụ hạn chế và dịch bệnh.

Thay vì sản xuất nông nghiệp tại địa phương như trước đây, nhiều gia đình đã chọn giải pháp cho con em đi làm công nhân, tham gia vào cung cấp các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu xã hội, canh tác lúa hạn chế, chỉ cung cấp đủ lương thực cho gia đình. Nhiều người kéo ra thành phố và các khu đô thị lớn để mưu sinh, trong đó phổ biến là làm các công việc phổ thông, nặng nhọc trong nghề xây dựng, đã khiến cho mật độ dân số khu vực đó tăng lên.

Sản xuất nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là vấn đề lớn mỗi khi nhắc đến hạn chế của nông nghiệp Việt Nam. Đây không chỉ là điều cản trở đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất sản phẩm mà còn chính là lực cản làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế.

Sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ nên quá trình triển khai thu mua nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, vì mang tính tự phát, chủ yếu tự thu hoạch nên năng suất thu hoạch còn hạn chế, đặc biệt là lúc vào chính vụ, không đủ năng lực, nhân lực nên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tính tuân thủ quy trình trong sản xuất của bà con cũng là vấn đề hạn chế. Một số bà con chưa tuân thủ đồng đều các hướng dẫn nên có vườn đạt tiêu chuẩn, vườn chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến các rủi ro trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường. Cũng chính sự manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm” dẫn đến người bán được hàng, người không. Đây cũng chính là vấn đề dẫn đến chưa tạo ra được nhiều vùng sản xuất lớn để có lợi thế xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân. Thực tế cho thấy, việc tập trung diện tích lớn đất, cùng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những kết quả nổi bật cho ngành Nông nghiệp.

Ngoài ra, giải pháp giải quyết thực trạng “manh mún” nông nghiệp được Văn kiện Đại hội XIII đề cập chính là tăng cường kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác. Vấn đề định vị lại hợp tác xã trong tiến trình cơ cấu nông nghiệp phải đặt ở một vị trí cao hơn và đưa ra nhiều quyết sách để chính hợp tác xã là mảnh ghép của kinh tế hộ cũng như có thể làm cầu nối giữa người sản xuất nhỏ lẻ với thị trường thông qua các doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã làm được một bước về vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã hay là nhận thức của cấp ủy, chính quyền về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

Nhằm từng bước khắc phục sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 tại Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25-3-2022. Đề án quyết tâm đạt mục tiêu: hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2022-2023, phấn đấu hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800ha gồm: cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc, gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững vùng Duyên hải miền Trung, cà phê Tây Nguyên, lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên, cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười. Qua đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu. Đề án được triển khai trên 13 tỉnh trải dài trên cả nước hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá cho sản xuất của nông nghiệp Việt Nam theo hướng hàng hóa.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy Việt Nam là quốc gia làm nông nghiệp nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn… Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm sao nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm thiểu rủi ro về thị trường.

Về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm sao nâng cao tính tự chủ của ngành Nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm thiểu vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác công tư trong sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Nghị quyết 26/NQ-CP, ngày 27-2-2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
4. Báo cáo chế biến nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Báo cáo số 83/BC-CP, ngày 22/3/2021 của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2020.
6. Kết quả sơ bộ điều tra mức sống dân cư năm 2020, Tổng cục Thống kê 2021.7. Theo kết quả nghiên cứu nguồn lực hộ gia đình nông thôn của Viện Khoa học lao động và xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Đại học Copenhagen, năm 2018.
8. Báo cáo chuyên đề của Trung ương Hội Nông dân Việt nam, 2021.
9. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(Còn tiếp...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất